Năm nay Tết đến chầm chậm buồn buồn, có thể vì tình hình kinh tế không sáng sủa lắm, các chương trình chuyện trò về luật pháp trên các đài radio địa phương tràn ngập những câu hỏi về phương cách khai phá sản, làm sao buông bỏ những căn nhà mua vội với giá quá cao nay nửa chìm nửa nổi, giữ không đành mà bỏ cũng không đành, giấc mộng nước Mỹ là căn nhà đã trả nợ xong, việc làm vững chắc, con cái học hành hẳn hoi nay lung lay như cây non trước bão. Không bù với các năm trước, Tết đến rộn ràng, ai cũng hân hoan với các con số tiền lời trên giấy tờ chứng khoán nên tha hồ mua sắm. Dù sao các cành mai cành đào cành lan, cũng tạo được chút màu sắc cho Xuân ông Cọp trong các khu chợ Việt Nam.
Bánh mứt bày bán không được ưa chuộng nữa vì hóa chất độc hại, nên muốn biếu tết không gì bằng những cành hoa đơm nụ, những nhánh lộc nõn đâm chồi. Hàng cây cảnh Phương Nam không còn chỗ đậu xe dù các văn phòng chung quanh cuối tuần đóng cửa, cùng lúc hai tiệm phong lan mới khai trương gần khu chợ Tuly, mặc dù nhà Việt Nam nào cũng có hơn ba chậu lan trong vườn. Năm nay Tết đến trễ, mưa bão sụt sùi khiến hoa đào nở sớm đỏ cành, các chậu cúc vàng đại đóa được tỉa cho có đủ chín bông không đủ hàng để bán. Có lẽ vì giá mười lăm đồng một chậu không đắt lắm cho một thoáng mùa xuân hơn là con số chín may mắn.
Người ta vừa thông báo hơn một nửa các cặp chọn ngày chín tháng chín năm hai ngàn lẻ chín làm ngày cưới để mong cầu may mắn trong hôn nhân, đã xé hôn thú. Nếu nghĩ may mắn trong hôn nhân là sống với nhau dài lâu, thì con số chín đã không mang lại may mắn. Nếu bảo được xé hôn thú là điều may mắn trong hôn nhân, thì thời gian vài tháng cũng chẳng nói lên được điều gì.
Nhìn lá hoa lại vấn vương mùa cũ, chạnh lòng khi nghe câu hát Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi trong lúc tay còn loay hoay với nếp với đậu xanh cùng hai gói lá chuối đông lạnh. Nỗi vấn vương của người đã thôi làm thơ, yên vui việc nhà.
Tuổi trẻ hải ngoại không thể nào có được phút thần tiên xin ông phu quét đường ban đêm một chiếc lá vàng, để làm bằng chứng “yêu em” khi các xe rác có máy ép chạy lòng vòng khu phố theo thời khóa biểu định sẵn. Họ chẳng ngây ngô tin rằng cô nàng nói dối mẹ đi lễ chùa, tạt ngang thăm mình sẽ là người yêu mình đến ngày răng long đầu bạc, để than thở ray rứt ngày tháng trôi qua, người cũng khuất xa, tình rụng cùng mùa, để thấy đời là dòng sông đen đêm thâu thao thức, họ chỉ biết có đến sẽ có đi, đi rồi cho đi luôn chẳng thắc mắc chi cho mệt, phí thì giờ. Ngày lễ tình nhân đến cùng ngày mùng một Tết âm lịch, có lẽ tuổi trẻ Việt Nam và các đôi vợ chồng trẻ Việt Nam nhớ ngày tình nhân hơn là ngày Tết. Vài câu hỏi trên yahoo về việc mua kim cương cho bạn gái, họ khuyên nhau nên mua kim cương nhân tạo hơn là mua kim cương thật lấy từ quặng mỏ, vừa bảo vệ môi trường vừa không phí tiền vô ích, lỡ chẳng may nàng thay dạ đổi lòng. Kim cương nhân tạo đang được quảng cáo ồn ào trên nhiều đài truyền thanh, ôi chao những viên kim cương thật nay cũng cùng long đong với các thuyền quyên Việt Nam, chẳng biết đâu là thật đâu là giả mà ngắm nghía mê say.
Nhắc lại chuyện thăm nhau một đêm ba mươi trong quá khứ, như kể lại huyền thoại bánh chưng bánh dầy, người thái tử bị vua cha ruồng rẫy không thương yêu, dâng lên cha lễ vật từ tấm lòng mộc mạc, từ cuộc sống chân chất không xa hoa chỉ từ nếp đậu chàng thu họach được trên mảnh đất khô cằn, để vua cha nếm ra được tấm bánh ngon đầy ý nghĩa mà trao tặng ngai vàng. Không ít câu hỏi từ các cô cậu thanh niên đặt ra cho ông bà cha mẹ tại sao phải ăn bánh chưng ngày tết, ngoài truyền thuyết ấy, lại còn một bài học lịch sử thật hào hùng, quân lính theo vua Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh một tháng mùa xuân, lương thực là báng chưng được dân gói sẵn nuôi quân . Trận đánh thần tốc bốn mươi lăm ngày đêm vì hợp lòng dân từ bài dụ của vua: Đánh giặc để được quyền để tóc dài, được quyền nhuộm răng, đánh cho giặc phải chạy dài không còn mảnh giáp, để giặc phải biết mảnh đất Việt Nam có chủ, đã làm giặc Thanh cùng vị vua hèn nhát Lê Chiêu Thống phải thua trong đắng cay nhục nhã, chạy thoát thân qua ngõ ống cống(!). Hy vọng lời dụ của tổng thống Obama “Phải thay đổi!” cũng tạo nên một chiến thắng trong tương lai dù không thần tốc được như vua Quang Trung Việt Nam.
Phong tục đẹp đẽ ngày tết có bánh chưng xanh, truyền từ đời này sang đời khác, tồn tại ngay trên các quốc gia người Việt ghé đến tị nạn, hình ảnh các chồng bánh chưng chất cao trong chợ, những đòn bánh tét bóng mỡ xếp ngay ngắn trên quầy, cùng các bài viết chỉ dẫn cặn kẽ cách gói bánh chưng, công thức nếp bốn đậu hai, ngay cả lá dong cũng đã thấy góp mặt trong tủ đông lạnh của vài ngôi chợ trong vùng. Giá mười một đồng một bánh có kích thước trung bình hơn mười lăm centimet, thông thường do một đại gia đình, hoặc mướn người làm công nhật đến nhà cùng gói sau đó đem giao sỉ cho chợ, các tiệm bánh thực phẩm nhanh togo. Có tiệm tự gói bánh lấy công làm lời, lời ở đây thường gấp sáu lần tiền mua vật liệu, nhiều bà mẹ chân quê Việt Nam, định cư tại Mỹ đã nhờ các chiếc bánh quốc hồn quốc túy này mà nuôi con nên người hữu dụng.
Vài ngày qua, mẩu tin về một sinh viên Việt Nam làm mẹ mình chết ngạt được chuyển đi mọi nơi, mới hôm nào cô bé học sinh xuất sắc họ Lê làm giới truyền thông xôn xao vì cái chết tội nghiệp oan uổng, thì nay giới truyền thông cũng sững sờ khi một anh sinh viên họ Nguyễn khuôn mặt hiền lành kể lại vụ việc xẩy ra bắt đầu từ lúc mẹ nhìn qua vai khi anh đang viết email, đến những câu chì chiết so sánh anh với con của bạn bè, cùng lúc ép anh phải đi theo con đường học vấn bà chọn cho anh là thành một vị bác sĩ, thay vì để anh được tự do lựa lấy con đường học vấn thật sự anh muốn đi. Sự uất ức dồn nén bao nhiêu lâu để lý trí anh bị mất đi trong khoảnh khắc mong manh, muốn tắt âm thanh phát ra từ miệng của mẹ mình mà thành án mạng không ngờ. Anh kể đã buông tay, đã nghe mẹ ho sặc sụa trước khi bỏ ra khỏi phòng, xuống ngồi gục trong xe, cho đến sáng khi vào phòng thấy mẹ đã chết, anh gọi cho cảnh sát.
Những thuở mẹ không thể làm gì khi con quyết định đầu quân giữ nước, ngày đầu xuân nghe câu: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai vàng nở đầy bên nương!” nước mắt lã chã tuôn cầu cho con an vui nơi trận tuyến, ngồi gói bánh chưng nhớ lúc con còn ở nhà “trông bánh chưng chờ trời sáng đỏ hây hây những đôi má đào” đến thuở mẹ muốn con phải trả hiếu bằng cách tuân theo niềm hạnh phúc của mình, hình như cách nhau bằng sự tiện nghi sung túc giàu có.
Hạnh phúc của con chính là hạnh phúc của cha mẹ, nếu làm ngược hậu quả khó lường.
Và rồi Xuân lờ lững trôi đi, đọng lại nỗi vấn vương ngày cũ ngày một mờ dần, quên quên nhớ nhớ, qúa khứ hiện tại hòa lẫn man man.