Mẫu Hệ!


– Hôm nay tám tháng ba là ngày lễ phụ nữ đó chị biết hông?
– Lễ phụ nữ là lễ gì, tui thiệt không biết à nghen, nào giờ có ai biểu tui là có ngày lễ phụ nữ đâu chớ!
– Mèn ơi, thiệt chị không biết ha, ngày này bên Việt Nam người ta bàn tán xôn xao lắm lận, mấy ông đi mua hoa dìa tặng vợ, tặng người yêu, tặng đàn bà con gái trong công ty tặng lung tung xà bèng, tặng từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài, thấy phụ nữ là tặng hà chị.
– Ủa tui nhớ trước năm 1975 có nghe nói tới đâu nà !
– Chị thiệt ngộ ha, sống thời này nhớ thời khác, hồi đó hỗng có bây giờ có. Chị đọc nè nghen, cô này cỗ sanh sống tại Sài Gòn cổ kể cho tui nghe chuyện Sài Gòn bây giờ nè:
“Ngày tám tháng ba. Người ta bày hoa hồng ra lề đường mà bán. Người nào trong hình hài phụ nữ bước vào các quán cà phê hoặc nhà hàng có cửa kính máy lạnh đều được tặng một cành hồng cầm chơi hoặc được tặng kèm món quà gì đó vào phần ăn thức uống. Đám phụ nữ ở công sở háo hức hoặc khấp khởi chờ xem mình sẽ được cánh đàn ông tặng gì. Có bà chờ quà hoài không thấy, còn thẳng đuột đặt câu hỏi “quà đâu” và lẽo đẽo đi theo các ông để đòi quà cho bằng được.

Trước ngày tám tháng ba. Những ông có người yêu sẽ khổ sở vò đầu, hoặc hăm hở tính toán về món quà cho nàng, về cách tặng quà, về buổi hò hẹn. Những ông không đang yêu ai nhưng trót quen biết xã giao với nhiều phụ nữ thì lầm bầm chửi rủa thế gian bày ra chi ngày này, hoặc nhanh nhảu như một cái máy đi gom một mớ hàng hào nhoáng rẻ tiền, làm quà tặng cho các bà các cô nào mình phải tặng.

Tối muộn ngày tám tháng ba. Bà mẹ già sống với con trai chạy ra cửa đón ông con vừa vác tấm thân về nhà, sau khi anh chàng đã hoàn tất sứ mệnh chúc mừng người yêu và những đồng nghiệp nữ. Bà mẹ thở phào vì trút được nỗi lo lắng sao hôm nay con mình về muộn, khẽ nói “Chờ mãi thấy con chưa về, mẹ đang định gọi tìm.” Bà đâu biết con trai về muộn vì đó là ngày tám tháng ba.

Hoa hồng, thiệp, điện thư, tin nhắn chúc mừng trên cell phone và quà tặng trong ngày tám tháng ba không mấy khi là những thứ dành cho những bà mẹ. Và khỏi bàn cãi chi nữa, nó không dành cho những người vợ được cưới về để duy trì nòi giống và chăm lo việc nhà, hoặc những người vợ không còn là niềm đam mê của chồng!

Có ông kia, được hỏi rằng anh chuẩn bị gì để tặng vợ chưa, im bặt vài giây (hình như anh không thích câu hỏi này), trước khi đáp: “Ôi giời, tặng gì! Đã tặng quá nhiều đến sạt nghiệp luôn rồi!” Anh ta nhớ, một ngày tám tháng ba năm trước, vợ anh đã phải chạy đi mua quà để anh tặng đám nhân viên nữ của anh. Làm xong công việc cho chồng, cô chẳng đòi hỏi gì cả!

Giả sử tôi có chồng, có lẽ tôi sẽ không đòi chàng tặng gì vào ngày này, cũng như ngày Valentine, cũng như những ngày kỷ niệm khác. Chàng tự nguyện thì tốt, còn ép buộc thì tôi không muốn. Không như một bà vợ nọ, ngày Valentine vào quán café với chồng, thấy người ta bán hoa, đòi chồng mua hoa tặng mình với lý do rằng mấy chục năm chung sống ông chưa tặng bà cái hoa nào. Đến khi ông chồng mua hoa tặng thật, bà ngạc nhiên quá, cười ha hả, khiến chàng của bà “quê độ” trước đám đông… Tôi không thấy thoải mái với cái chất “kịch” khi người ta buộc phải diễn để làm tròn “nghĩa vụ” với nhau. Tôi thích 365 ngày trong năm được đối xử như một phụ nữ của ngày tám tháng ba – bằng sự trân trọng chân thành từ trong suy nghĩ chứ không bằng những màn tặng quà. Chẳng ham chuyện được tôn lên trong một ngày rồi bị trả về một vị trí thấp kém trong những ngày khác.

Nhớ một ngày năm xưa, trong lúc trà dư tửu hậu tay ba giữa tôi với Người Đàn Bà Đẹp và Người Của Nguyên Tắc, như mọi khi, chị Nguyên Tắc hay đưa ra những ý kiến mà nhiều người khác vẫn thường ra rả, hoặc nhắc lại những nhận xét của người khác mà chị nghe được và vội tin ngay. Lần này, ý kiến của chị là thương thay cho thân phận đàn bà con gái, có cô kia đã trao hết đời con gái cho tên kia, rồi bị hắn bỏ rơi. Tôi bình luận rằng, nếu cô gái ấy đã “hiến dâng” như thế vì thú vui của bản thân, thì còn gì để nói, “có sức chơi có sức chịu” chứ! Còn nếu cô ấy chỉ muốn làm vui lòng người đàn ông ấy, tôi nghĩ người đàn ông cũng có nỗi khổ của anh ta, vì anh ta bị ràng buộc bởi dục vọng. Cũng tương tự như trường hợp giữa người cho – ban phát, làm từ thiện và người nhận – nhận viện trợ, nhận “bố thí”, thì tôi thấy người nhận là người khổ. Người nhận, người cần, người muốn, người khao khát là người ở tư thế khổ, vì ham muốn là nguồn gốc của đau khổ. Nhiều khi, người cho còn có thể lên mặt nữa, đụng chút là kể công.

Có lần mẹ tôi bảo rằng sao tôi cứ như mình là đàn ông không bằng, cứ hay bênh vực cho đàn ông vậy. Cứ hay tỏ ra thông cảm với nỗi khổ của một người đàn ông thiếu kiên nhẫn có bà vợ dai mồm, một người đàn ông đi cày quần quật có bà vợ hay bán than mỗi ngày cho ông cả tạ chứ không phải ít, một người đàn ông thâm thúy có bà vợ nông cạn, ông nói một đàng bà hiểu một nẻo vân vân. Tôi đáp dù không phải là đàn ông, nhưng tôi thích xỏ chân vào giày đàn ông, để thử nghĩ về nỗi khổ của họ.

Nếu có ai cho tôi chọn lại kiếp người, tôi sẽ vẫn chọn cho mình được làm một phụ nữ.”
Chị coi đó, cái thời của tui cái thời của chị đâu có trầm trọng dữ thần ôn vậy chớ. Hồi tám tháng ba năm 1857 xưa lắc xưa lơ, mấy bà làm công ở New York vùng lên đòi lương cho bằng đàn ông, đâu có được liền đâu chị hồi đó người ta khi dễ đàn bà mình yếu đuối, không làm việc bằng đàn ông (!) ghét hông chớ, ạch đụi hai năm sau mấy bà đó mới lập được công đoàn đặng bảo vệ lẫn nhau. Rồi cũng ngày tám tháng ba năm 1910 ở xứ Đan Mạch tổ chức ngày phụ nữ tòan thế giới, nhưng cái mốc đánh dấu ngày tám ba được nhớ hoài là sự tập hợp đông đảo phụ nữ các quốc gia châu Âu trước ngày thế chiến thứ nhứt bùng nổ. Ngày đó các bà ra biểu dương lực lượng một cách ôn hòa, khóc nhiều hơn cười vì chống chiến tranh, chống xa cách chồng xa cách người yêu, dĩ nhiên cũng không đạt được gì ráo, mấy ông bắt buộc phải đi ra chiến trường. Vì chuyện này mà sau đó Nga Sô dùng ngày tám tháng ba làm ngày tôn vinh các bà yêu nước ôm súng chiến đấu hăng say cho tổ quốc. Trong khi tại Mỹ nơi khơi mào chuyện nữ quyền thì một ngày 8 tháng 3 không đủ, họ tà tà dùng luôn lễ Valentine từ tháng 2 sang đến tháng năm là lễ dành cho các bà mẹ, tui nói có nhiêu là còn ít nghen chị, chớ ở Mỹ đúng nghĩa là đàn bà có đủ 365 ngày như cô em tui bên bển mong ước.
Tui không biết chị có cảm giác sung sướng giống tui không, chớ tui càng ngày càng thấy chế độ mẫu hệ trở lại rồi đó heng chị. Mới đây thôi chớ đâu, tui coi cái video đám cưới của thằng cháu, mèn đéc ơi, hồi đó má cô dâu khóc lóc nhắn đàng trai, nhắn thằng rể thương con gái mình, nay bà chị tui khóc lóc gởi gấm thằng con bả cho đàng gái, nhắn nhủ con dâu: “Thương con trai má nghen con, nó khờ lắm lận, ở nhà cơm má nấu cho nó ăn, chén má rửa cho nó úp, công chuyện nhà má làm cho nó học, nay nó ra trường hai đứa con xây dựng gia đình, muốn gì con chỉ dạy từ từ cho nó học, hễ cần má chạy qua phụ hụ hợ đừng nói hành nói tỏi tội nghiệp con trai má nghen con .”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: