Hệ Lụy

Thôi à nha, nói nhiêu đó đủ chưa? Mấy bà đừng lên mặt dậy dỗ bạn bè chớ, sao thì cũng đồng tuổi đồng niên hơn gì nhau mà dậy với bảo, mấy bà ham vui sớm có con lớn, mấy bà mắt nhắm mắt mở xỏ áo cưới về làm vợ người ta không hề đắn đo hơn thiệt, có gì hay mà khoe với khoang? Có bà bị bắt lấy chồng khóc chảy cả máu mắt bây giờ cũng lên mặt dậy tôi? Ừ tôi khó tính, ừ tôi làm tàng, ừ tôi “già kén kẹn hom.”

Ừ! Các bà nói cái gì cũng đúng hết. Thật đúng hết.
Bàn tay của bà ngón thuôn dài sơn đỏ, môi chúm chím làm duyên, ngón áp úp cái nhẫn hạt xoàn sáng lấp lánh, bà nói chuyện rổn rảng tay chỉ tứ tung, ông chồng ngoan ngoãn nghe bà một phép. Con gái có bằng master, con trai làm cho công ty lớn, chúng sắp có vợ có chồng, bà và ông sẽ về hưu tha hồ đi du lịch.
Nghe chuyện bây giờ ai biết ngày xưa có thời bà cùng tôi đi buôn chè, buôn cà phê các tỉnh miền đông, buôn gạo, thịt miền tây kia chứ. Ngày ấy, bà lanh hơn tôi mánh lới hơn tôi. Đang mơn mởn phơi phới sinh viên thành hai cô nàng buôn hàng chuyến, kể hết ra cũng đã ly kỳ tiểu thuyết.
Nhà bà ở ngay bến xe đi các tỉnh miền Đông, nằm trên con đường Pétrus Ký ngã bảy, một sớm một chiều đổi thành tên đường Lê Hồng Phong lạ hoắc, tiếp nhận cả những chuyến xe từ bắc vào nam.
Bến xe trở thành nhộn nhịp khác thường. Mẹ của bà chỉ bày cái tủ kính nhỏ, dài năm mươi phân, ngang ba mươi phân, kê trên cái kệ đóng bằng ván thông, xếp vài bao thuốc lá nhưng là nơi mua bán đủ mọi thứ, che mắt bọn kinh tế thị trường.
Khách hàng của cụ là những ông bà đi từ bắc vào nam thăm họ hàng, những ông “vẹm” đóng bộ đồng phục nhăn nheo màu cứt ngựa, nồng nặc mùi mồ hôi trộn lẫn bụi đường khăm khắm, sau mấy ngày chen chúc trong chiếc xe đò mang tên Thống-Nhất.
Họ đem thuốc lá Sông-Cầu, Tam-Đảo vào nam bán cho cụ sau khi xuống khỏi xe, và dặn cụ mua cho họ mì chính (tên họ dùng để gọi bột ngọt), phụ tùng xe đạp, vải vóc ngay cả thuốc tây của Mỹ-Ngụy để mang lại về bắc.
Quen biết rồi họ thì thầm vào tai cụ:
– Sống sướng thế lày cơ à, gì cũng có sất sao cụ không chạy đi?
Cụ cười khoe hàm răng nhuộm đen bóng trả lời:
– Chạy không kịp bác ạ! Lần trước bỏ cửa bỏ làng, chạy lần này là bỏ cả nước mà đi.
Bà và tôi ngồi xem cụ buôn bán, thương trường lầm thầm, giấu diếm, kẻ mở túi xách tay nải giao hàng, người dúi vội nắm tiền vào tay kẻ bán, cả hai chẳng ngó mặt nhau. Tôi có cái tủ bán trà đá, mía ghim bên cạnh bà cụ. Kinh tế cộng sản dậy cho dân Sài-Gòn như tôi biết mua bó mía vài đồng từ chợ Cầu Ông Lãnh mang về róc vỏ cắt khúc, sai cô em gái xếp hàng gần hai tiếng đồng hồ để mua đá cục ở công ty rượu bia nơi trước kia là nhà máy sản xuất bia và nuớc ngọt B.G.I, mang về ướp mía cho lạnh, bán cho dân chúng chầu chực mua vé ở bến xe.
Mua vé xe đi đó đây năm 1976 buồn cười không nhịn được, chính phủ quản lý xăng dầu lẫn phòng bán vé, lâu lâu mới có một chuyến xe được phép chạy, người dân tha hồ xếp hàng đợi phòng bán vé ra ơn mưa móc, hé cửa bán vài vé cho có gọi là, phần vé còn lại dành riêng cho người nhà của chủ xe, người nhà của nhân viên bến xe luồn ra ngoài bán chợ đen, chợ đỏ.
Nhờ sự tân tiến vượt bực này mà có thêm một nghề nói ra tưởng nói đùa nói bỡn “nghề bán chỗ đứng.” Nghề này không đòi hỏi gì đến trình độ học vấn hoặc kinh nghiệm, không cần xét lý lịch bản thân mà chỉ cần chút kiên nhẫn, lì lợm, dám cãi vã hay đánh đấm là đủ. Cảnh nắm tóc đấm vào mặt, leo lên đầu người khác để chen lấn dành mua vé xe thật kinh khủng, có lúc vé đã bán xong từ lâu mà đám đông vẫn mải miết đánh nhau dành chỗ tiếp tục.
Gia đình càng đông càng tốt cho việc xếp hàng sẵn, giữ chỗ chờ phòng vé mở cửa, bán lại chỗ mình đứng, cho những người cần mua vé xe để đi. Giá một chỗ đứng đôi khi bằng một nửa giá vé nhưng vẫn rẻ hơn phải mua giá chợ đen có khi gấp bốn năm lần giá chính thức được phòng vé bán ra. Xếp hàng có nghĩa là mang chiếu ra ngủ ngay tại quầy vé ngày cũng như đêm, bất kể mưa hay nắng, người này ra, người nọ vào thay thế. Có những gia đình vợ chồng con cái nheo nhóc ra sống hẳn tại bến xe, vừa không cần thuê chỗ ở vừa khỏi cần có hộ khẩu phiền phức. Tôi biết có gia đình bỏ nhà đi vượt biên không thành công, khi trở về, nhà đã bị chính quyền tước mất, phải ra bến xe sống bằng nghề giữ chỗ này cũng đủ kiếm tiền mua gạo nuôi nhau.
Từ bến xe này tôi và bà theo nhau đi buôn. Cà-phê, trà mộc, đem từ Bảo-Lộc về, xuống đến bến xe Lê Hồng Phong là cả nhà có thể sống vui cả tháng. Nghe thì dễ thế đấy nhưng bước chân vào mới biết kiếm được một vốn bốn lời cũng phải đổ máu mắt sôi mồ hôi. Bà nhanh chóng kết thân ngay với anh chàng con của bà chủ xe đò, anh chàng nhờ phước nhà giầu trốn lính, không dính nợ máu với nhân dân, có thêm tiền của mẹ đút lót mọi nơi, nên thảnh thơi đi theo xe thu tiền, dấu hàng buôn lậu. Bà liếc mắt, bà đẩy bà đưa, bà chanh bà cốm, một bà nhờ, hai bà nhờ giọng của bà cứ anh anh em em ngọt hơn đường cát, mát hơn đường phèn nên anh chàng nhét cà-phê vào giữa bao than dấu cho bà, anh chàng cho trà vào thùng đựng nước hai đáy dấu cho bà, đến trạm có nhân viên kinh tế kiểm sóat anh chàng thuê người tại địa phương vác hàng của bà vòng vèo vượt trạm.

Tình của bà là mối tình buôn lậu, bán chui thế mà cũng thành đôi thành cặp, khăng khít keo sơn. Làm sao bà biết song song với mối tình của bà là mối chân tình tôi dành cho anh chàng xe đạp thồ được mướn tải hàng vượt trạm. Nếu không có anh xe thồ, chắc gì chuyến buôn hàng lậu của tôi với bà đến bến bình an, bà không để ý đến điều ấy, chỉ biết quăng mớ giấy bạc bảo tôi trả cho anh khi xong việc của bà. Anh xe thồ có ánh mắt sáng quắt hào quang cùng chiếc mụn ruồi nằm ngay góc cằm mạnh mẽ tôi để ý thấy, dù chiếc nón rơm che gần hết khuôn mặt gầy gò đen đúa.
Tôi vẫn còn nhớ, chắc bà chẳng hề nhớ gì đến trạm kinh tế thị trường đóng chốt tại Phương Lâm-Định Quán khét tiếng kinh hoàng đối với dân buôn hàng chuyến miền đông. Nếu chủ xe không biết quà cáp tí đỉnh những cây thuốc nhãn hiệu ba số năm, Pallmall, vài chai rượu tây bán theo tiêu chuẩn ngoại giao từ khách sạn Palace Đà-lạt, ngay cả xấp tiền gấp bốn lần lương chính thức do nhà nước trả thì toàn xe bị xổ thốc tháo, từng chiếc nệm ghế hành khách bị tháo tung, gói lớn gói bé bị xâm rách toạc, nào đậu nào mè tuôn thốc tháo vô tội vạ, chưa kể xe bị giữ lại qua đêm, để uỷ ban nhân dân xã làm việc.
Vì một lần bị giữ lại, tôi biết anh chàng xe thồ là ai. Anh là chiến sĩ Cộng Hoà không chịu trình diện kẻ thù, lén lút sống chui nhủi, ngày vào sâu trong rừng đốt than cho bà chị dâu có sạp hàng ngay chợ xép Phương Lâm, kiếm thêm tiền bằng cách chuyển hàng lậu băng đường đất, vòng qua lưng trạm gác của bọn kiểm soát kinh tế thị trường huyện, ngồi đợi xe được phép qua trạm giao trả lại hàng. Tiền kiếm được anh giúp nhóm bạn cùng chí hướng. Chỉ thế là đủ cho tim tôi không sao mở cửa khi bà làm mai ông tài kia thằng lơ nọ cho tôi. Bà mắng tôi dại, ừ thì tôi dại, tâm tình tôi dành cho người không tiền không thế nhưng bà biết đâu tôi nể tôi kính vì họ còn hun đúc lý tưởng làm trai, dù thua trận, thà chịu khổ không thèm chịu nhục.
(Còn Tiếp)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: