Hệ Lụy
(Tiếp Theo và hết)
Các bà tính đi, sau biến cố ấy, các anh chiến sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa đẹp trai oai hùng, lớp chết, lớp đi tù, lớp vượt biên, ngay cả các anh bàn giấy nho nhã thư sinh cũng đi tù đi vượt, thì còn ai cho tôi lựa, còn ai cho tôi gởi tấm lụa đào. Càng ngày tôi càng tìm ra bao nhiêu người lâm vào tình cảnh cô độc như tôi, dở dang như tôi. Hơn bốn mươi tuổi đầu, nét thanh xuân còn đâu mà nhí nhảnh đong đưa, chưa kể tâm hồn khô cạn bao nhiêu lãng mạn tình tứ thuở nào biến thành lãng nhách thảm thương. Các anh bằng tuổi ngang tầm thê tử hẳn hoi, anh nào còn độc thân cũng như tôi gàn dở, một mình bấy lâu quen rồi, bỗng dưng có người xía vào đời mình liệu chịu nổi hay không? Các anh goá vợ hay giữa đường đứt gánh, liệu tôi đủ bản lãnh không ghen tương, không cho vài khúc xương vào khuôn bánh đúc? Càng nghĩ càng bế tắc chưa kể già rồi, vác thêm ông già về mà hầu à, nhất là ông già VN, trong máu vẫn luân lưu con vi trùng gia trưởng. Nhiều đêm dật dờ cùng cơn lạnh một mình, tôi cũng mơ vòng tay tri âm tri kỷ, vùi đầu vào sách đọc mê mẩn vẫn chẳng dỗ được cơn buồn.
Ngày đi ngày qua, vòng bánh xe đời đưa tôi dần về mức đến, tôi mơ màng thèm chiếc áo cưới, thèm chiếc voan che mặt, thèm nụ hôn, thèm lời an ủi vỗ về ngay cả thèm cơn giận dữ để to tiếng cãi vã với một người khác phái, thèm nghe tiếng con trẻ khóc, thèm nghe tiếng nói bi bô, nỗi thèm muốn phụ nữ, nếu không có nỗi niềm này tôi đã chẳng thuận tình cho các bà dùng nhà tôi làm nơi hội họp, nơi tuôn hết những uẩn ức tâm hồn để cân bằng nỗi cô độc trong tôi.
Khi các bà ai về nhà nấy, chén đĩa ngổn ngang, hơi nước hoa còn thoang thoảng là khi tôi thắp cho mình điếu thuốc. Tôi không nghiền hút thuốc mà thèm hơi hướm của người đàn ông trong căn nhà quạnh quẽ, các bà thì đang cấm cửa các ông không được hút thuốc trong nhà. Nếu tôi có chồng không biết tôi có cấm anh hút thuốc trong nhà hay không? Tôi nhớ đã có thời tôi thèm ngửi mùi thuốc lá thơm thơm quyện mùi cà-phê buổi sáng quán cóc góc đường và nhìn làn khói lãng đãng, phả ra từ môi người đàn ông ngồi bên cạnh .
Tôi nhớ những mảnh tình con trong đời, những mảnh tình chưa đủ lớn để thành chồng vợ, những mảnh tình chết non vì thế sự đổi dời, những mảnh tình nuôi tâm hồn tôi trong đơn lạnh cô phòng. Trên góc bàn thờ nhỏ xinh tôi đốt nhang cho người tình chết trẻ ngày cuối cuộc chiến, những tờ thư từ K.B.C thay hình người đã khuất, tôi ky cóp giữ gìn dù bao lần thân tôi suýt mất khi dùng đường bộ vượt qua biên giới Cam-Bốt, bị bắt bỏ tù rồi bị trả lại Việt Nam. Tôi cũng thờ viên đá cuội cho người tình cùng trên đường vượt biển, bị công an rượt theo bắn chết ngay trước mắt tôi. Hai người được tôi tôn lên hàng người tình cho đậm đà đời sống chả dại gì tôi kể cho các bà nghe, tôi lại được nghe thêm câu: “nốt ruồi dưới mi mắt sát người tình.”
Có vài anh chàng ngày xưa theo đuổi tôi thời còn đi học, tôi tính vào “vài mảnh tình cũ,” vô tình gặp lại, quả thật ngỡ ngàng, kêu trời không thấu, họ nhìn tôi chắc cũng dấu đi tiếng tắc lưỡi tội nghiệp cho thời gian tàn phá não nề. Dăm người có gia đình, xấc bấc xang bang con bế con bồng, vợ đi làm sáng, chồng đi làm đêm. Đôi kẻ đang gà trống chăm con vì cô vợ ngoại quốc không hiểu được tính chồng, cuốn gói ra đi không câu từ giã. Vài người tôi vờ chối đây đẩy là chưa từng quen biết, cho đỡ tủi thân nhau.
Cứ tìm cách vượt biên, dám nào cho thuyền cập bến, đất đảo trời nghiêng dám nào nghĩ chuyện nợ duyên, thà ngây thơ hẳn cho mẹ cha định đoạt, thà khờ khạo hẳn để chẳng tính thiệt hơn, đàng này tôi sợ tôi lo, tôi không đủ can đảm “lấy đại” cho xong. Ngay bây giờ đã đạt được điều mình tìm kiếm, đã đến được thế giới tự do nhìn ngang nhìn dọc, bến nào tương đối ngang ngửa với mình thì đã có thuyền bè chiếm chỗ. Bến ấm a ấm ớ hội tề nhiều vô kể, lại không đủ dại đậu vào. Có nhiều bến, thuyền đã bỏ đi, tôi vẫn không đủ can đảm tấp vào sợ trong sợ đục. Lấy chồng ngoại quốc có lúc loáng thoáng trong đầu nhưng khi cãi nhau, làm sao họ hiểu câu chì câu chiết láng lẫy của tôi?
Tôi vẫn nhận những lá thư từ các bạn khác còn đang ở Việt-Nam, những người bạn đã đợi chờ hơn mười hai năm mong đoàn tụ cùng gia đình, do anh chị em đang bảo lãnh, những người bạn như tôi lủi thủi một mình một bóng, sợ vương vấn ái tình không nỡ kẻ ở người đi. Cứ đợi cứ chờ mỏi mòn sầu héo, ai tính cho tôi con tính đơn giản, 20 tuổi năm 1975. Trời ơi sang được đến đây năm 2006 đã hết cả đời, còn gì hương, còn gì ngọc?
Tôi muốn nói cho các bà nghe hết những điều tôi giấu giếm tận đáy tâm tư, chỉ mong các bà hiểu các bà đang sung sướng mà không hay, đứng núi này còn trông núi nọ, cỏ nhà hàng xóm lúc nào lại chẳng mướt xanh. Tôi sợ nói ra, lòng tự ái của các bà bị chạm, các bà buồn, không thèm đến mắng nhiếc tôi nữa, lấy đâu hình ảnh gia đình cho tôi thèm khát.
Bao lần nằm mơ, nghe các bà kể cho tôi nghe, chuyện đầu gối tay ấp, chuyện ngọt ngào yêu thương, chuyện êm đềm chia xẻ. Gặp các bà rồi, tôi toàn được nghe ác mộng giữa ban ngày.
Để tôi tự an ủi mình: “May thật tôi chẳng có chồng.”
Hơn ba mươi bốn năm qua rồi ai cũng nhớ, cũng bàn luận về sự được thua, nhưng tôi chưa nghe ai nhắc đến thân phận phụ nữ lỡ thời, những người phụ nữ lỡ thời như tôi, những hệ lụy sau chiến tranh bao giờ mới hết, chả lẽ các ông giơ vai ra gánh thêm nửa bà xồn xồn như tôi nữa làm phúc?
Mà nay lại thêm chuyện “bò già thèm gặm cỏ non”, các bà chẳng muốn phủi tay mà phía họ “hai năm một” tăng lên “một năm hai” lần mua vé máy bay trở về cố quận, cũng “tại anh tại ả tại cả đôi đàng!” Thời vàng son của phụ nữ Việt Nam các năm đầu tị nạn đã qua, thuở ấy mười ông Việt Nam mới tìm được một phần hai phụ nữ Việt, tính luôn cả người Việt gốc Hoa trên xứ người, nay thì “muốn nhiêu có nhiêu” chỉ cần về Việt Nam là có.
Liệu các bà có đồng ý không, vì cây củi tầm thường lần mò tìm đường ra khỏi rương kiềm tỏa, bỗng biến thành cây quế, cây trầm?
(Chồng là củi mục trong rương – ai mà chạm đến trầm hương của bà! – ca dao)