Chương Trình Nhạc Nỗi Nhớ Còn Vương
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà. (1)
Đi – đi – và phải ra đi, có một khỏang thời gian không ngắn, người dân sống tại miền Nam Việt Nam đã truyền tai nhau chữ Đi này, hàm chứa ý nghĩa vượt ngục, hàm chứa ý nghĩa tìm lại sự sống . Họ dùng tất cả mọi phương tiện có được để Đi, chiếc thuyền mong manh được dùng nhiều nhất. Tự điển của thế giới có thêm từ ngữ Boat People – tự điển tị nạn có thêm chữ Thuyền Nhân .
Mồ hôi máu và nước mắt của thuyền nhân đã làm nồng độ nước biển mặn thêm, bao hình ảnh xót xa vẫn theo đợt sóng dâng về trong ký ức kết thành bài thơ Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển của nhà thơ Du Tử Lê. Ông sáng tác bài thơ này sau khi nghe chuyện kể từ các thuyền nhân sống sót để mỗi độ tháng tư, nốt nhạc của Phạm Đình Chương bật khóc,
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hưong tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì (1)
Khi tháng tư trở lại – tháng tư của bao nỗi nhớ mang mang thổn thức, niềm thổn thức ngày một phôi phai theo thời gian mầu nhiệm, nhưng như chu kỳ mùa thay lá đổ, lòng người tha hương luôn vấn vương một độ tháng Tư.
Có một tháng Tư buồn thật buồn
Tháng Tư buồn ngàn vạn chia ly
Tháng Tư buồn trời rơi nước mắt
Tháng Tư buồn biển cuộn xác người .
Tháng Tư người lính trẻ chết trận
Tháng Tư người vợ trẻ mất chồng
Tháng Tư cô bé con ngơ ngác
Xác Mẹ bên đường, mắt ngước trời (2)
Tôi cũng võ vẽ viết về tháng tư khi vừa trở thành người tị nạn, kẻ tha phương. Ngày xưa, chỉ cần ra khỏi thôn, khỏi làng đã bị gán câu “tha phương cầu thực”! Ngày nay, vé máy bay mua dễ dàng, đủ mọi phương tiện trên trời dưới nước, ngay cả có người thích ra khỏi vòng quay của trái đất tìm đến mặt trăng hay sao hỏa, thì thân phận tha phương chẳng còn gì để nhắc, nhưng lạ lùng cứ đến tháng tư lại nhớ.
Văng vẳng trên máy truyền thanh những bài hát dành cho tháng Tư mỗi năm mỗi nhạt, nỗi vấn vương đau thương xa quê lìa nước đã được ngày lễ Mẹ che lấp dần, bằng những quảng cáo cho các buổi văn nghệ dành riêng cho Mẹ, những người mẹ thế hệ đầu tiên trong cuộc di dân vĩ đại, khởi đi từ tháng Tư năm 1975.
Bây giờ những người mẹ ấy như ngọn đèn trước gió, như chỉ mành treo chuông! Không ít các bà mẹ đã chấp nhận nằm xuống mảnh đất mới, hay nhẹ nhàng hơn muốn được thả tàn tro xuống biển, dù họ chẳng hề biết đến bài thơ của Du Tử Lê.
Chưa đến cuối tháng tư, bài thơ Em Có Buồn Không Em, của cựu trung tá Thủy Quân Lục Chiến, cựu quận trưởng Dĩ An ông Nguyễn Minh Châu dành tặng riêng hiền thê đã được hát vội trước khi bà nhắm mắt xuôi tay.
Em có buồn khi lá thu vàng
Mùa thu vượt biển lắm gian nan
Em có buồn khi mùa thu đến
Mùa thu lá úa rụng đầy sân
Em có buồn mùa đông tuyết rơi
Hồn đông lạnh, nói chẳng nên lời
Đại dưong chia cắt bờ ngăn lối
Nhớ về đất mẹ buồn không vơi (3)
Hình ảnh trong bài thơ chân chất đơn sơ, diễn tả hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đảm đang, thay chồng lo lắng cho con thơ khi chồng bị tù đầy cộng sản. Chồng vừa đuợc thả, đã tìm cách để ông vượt biển ngay tại cửa Vòm Láng – Kinh Nước Mặn – Tiền Giang, chỉ một năm sau bà đã cùng sáu người con nhỏ vượt biển tìm chồng .
Bắt đầu đời sống tị nạn, ai cũng giống ai, mẫu số chung của người Việt tị nạn là học hỏi – cần cù nhất là tình gia đình gắn bó “chung lưng đấu cật”, ai cũng muốn các con có tương lai vững chắc nên hội nhập ngay vào đời sống mới, bằng những ngành nghề từ dễ đến khó. Phụ nữ phần đông bắt đầu bằng các nghề dễ tìm và hợp với khả năng như rửa bát, bồi bàn, phụ bếp cho nhà hàng, các ông chọn lao công hoặc may dây chuyền trong các công ty may do người Hoa làm chủ, không quản khó khăn cho các con đi học, và thay phiên nhau chồng vợ cùng đi học để có bằng cấp đủ ngoi lên các vị trí cao trong xã hội. Từ kinh nghiệm rửa bát – chạy bàn cho các nhà hàng của người bản xứ, các bà mẹ trở thành chủ các nhà hàng, từ kinh nghiệm may dây chuyền, các ông mở các công ty may mặc, hay các công ty gia công lắp ráp sản xuất linh kiện cho máy tính, giống như nơi họ đã được thu nhận vào làm việc với mức lương tối thiểu ngày xưa.
Và thân phận tị nạn của người phụ nữ trong bài thơ Em Có Buồn Không Em, theo chồng từ thuở tóc thề ngang vai, trải qua thời mỏi mắt đợi chờ tóc buông tóc búi, đến khi tàn binh biến, đời tị nạn chưa kịp an nhàn thì những chứng bệnh tiềm ẩn từ thời tù tội lại hành hạ chồng. Bà chăm sóc ông từng miếng ăn giấc ngủ, nâng đỡ ông từng lúc đứng khi ngồi, chỉ có bà là người biết cách giúp ông xoay trở trong chiếc xe lăn chật hẹp và chính bà đã không thoát khỏi vòng sinh – lão – bệnh – tử, lìa ông mà đi
Em có buồn khi nhớ biển đông
Quê mình nhỏ bé tít xa xăm
thuyền con sáu trẻ em chèo chống
mưa gió bủa vây phận má hồng?
Em có buồn, nhưng vẫn cầu mong
Chiếc thuyền con thuận gió thu phong
Lòng em tê tái vì đêm lạnh
Chẳng ngại gian nan phận má hồng
Em có buồn, mưa nắng giãi dầu
Nhìn con trẻ dại nhói tim đau
Tìm tự do bỏ quê huơng Mẹ
Sống kiếp lưu vong hận lệ sầu! (3)
Bắt đầu và kết thúc là hai điểm xác định được, đoạn nối hai điểm ấy là những dấu chấm liên tục không ngưng nghỉ trong toán học, đời sống của một người những dấu chấm tiếp nối có thể là giọt lệ nụ cười, những thăng trầm khổ đau hạnh phúc. Trong muôn vàn dấu chấm ấy, thế hệ thứ hai là phần thưởng quí giá cho những nỗ lực sống của các đấng sinh thành, những người đã đạp sóng mà đi, rẽ gió mà đi.
Bao giờ thì ngày lễ 30 tháng 4 được chính thức nhìn nhận trên đất tị nạn, dù chỉ làm nỗi nhớ vấn vương trong lòng người xa xứ thế hệ thứ nhất
Tháng Tư cửa nhà cháy tan tành – Đạn pháo nơi đâu vào thị thành – Từng đoàn người chạy càn di tản – Chân bước đi , dạ xót sao đành.
Tháng Tư đôi tình nhân mất nhau – Tự dưng mất nhau lòng không đau – Nàng chỉ biết vài năm sau đó – Thây chàng tan lạnh chốn giang đầu .
Tháng Tư có gia đình bỏ xác – Biển Đông thành mồ táng không bia – Sóng vẫn vỗ vô tình xô giạt
Con búp bê trần trụi hình hài
Tháng Tư lời cầu kinh nghe lạ – Thượng đế làm ngơ Phật – Chúa nơi nao? – Mắt trơ khô khốc lệ thôi nhỏ – Tim cứng chai lì cuộc bể dâu!
Tháng Tư ! Ba mươi tháng Tư 1975 – Tháng Tư nát tan lăng kính hồng – Tháng Tư ta bỗng dưng tỉnh mộng – Tháng Tư ta hiểu kiếp làm người. (2)
Và đã ba mươi năm qua, ngày 30 tháng 4 đọng lại gì trong thế hệ thứ hai? Họ còn hiểu không những bài thơ mẹ cha ghi xuống giấy bằng máu và nước mắt? Dấu chấm đầu tiên cho chuỗi ngày tị nạn tha phương?
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn /.(1)
Địa danh Vòm Láng – kinh Nước Mặn – Dĩ An – Tiền Giang – Cửa Tiểu – Cửa Đại nơi bao người tìm cách vượt biên giới bằng đường biển sẽ được ghi như thế nào trong nỗi nhớ còn vương ?
(1) Thơ Du Tử Lê (2) Thơ Ấu Tím (3) Thơ Nguyễn Minh Châu.