Cả một nghĩa trang đầy người, vị chủ tế dâng lễ tại bàn thánh làm bằng đá , được đặt tại một nơi gần như là trung tâm, những ngôi mộ lung linh nến hoa, hình ảnh trong trí nhớ không buồn bã chỉ là một đoạn phim quay chậm cho ngày 1 tháng 11, ngày lễ Các Thánh.
Thuở ấy lễ Các Thánh rất quan trọng trong gia đình tôi, ngay sau khi mãn tang ông Ngoại, Mẹ tôi mất vì tai nạn xe. Nghĩa trang họ đạo Huyện Sĩ rất cổ xưa, nơi Mẹ tôi nằm yên ắng dưới tán lá xanh gần kề bên nhà của người chăm sóc nghĩa trang. Ngày ấy nghĩa trang là nơi được tôn trọng – đôi khi còn là nơi bị e dè sợ hãi không dám đến gần, nếu không phải ghé vào thăm nom mộ phần người thân thuộc.
Sau khi Mẹ mất, chúng tôi được theo Bố đi dự lễ Các Thánh tại nghĩa trang, mỗi lần đi như thế là một lần tôi lớn hơn, để ý đến thánh lễ nhiều hơn, các nghi lễ các bài đọc và suy ngẫm về sự mất đi nguồn thương yêu đùm bọc một sớm một chiều. Lúc ấy tâm hồn tôi còn đau đớn lắm, nhớ Mẹ khóc hoài dù đã hơn tuổi trăng tròn.
Trước đó, chắc vì còn quá trẻ để hiểu về linh hồn, nên có theo Bố Mẹ đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn đã khuất, tôi chỉ đi theo thế thôi, dù cũng quì cũng đọc, cũng đi ra khỏi nhà thờ hái chiếc lá chỉ cho một linh hồn muốn xin cho được rỗi, được rời khỏi nơi luyện tội theo như Mẹ tôi bảo. Tôi làm theo để mà làm vậy thôi. Mẹ tôi mất rồi, tôi đọc kinh cầu xin bằng cả tấm lòng tôi thương nhớ. Vài năm sau Bố tôi cũng đi theo Mẹ, tôi cầu xin nghĩ đến linh hồn hai đấng sinh thành nhiều hơn.
Nghĩa trang bị giải tỏa – thánh lễ Các Thánh tại nghĩa trang bị hủy bỏ không còn nữa, tôi vào nhà thờ đọc kinh theo đúng như ngày xưa Mẹ tôi dạy, ra khỏi nhà thờ hái chiếc lá nhỏ thầm thĩ kêu tên Thánh của Cha, hái chiếc lá khác âu yếm kêu tên Thánh của Mẹ.
Mỗi tôn giáo có một cách tưởng nhớ đến linh hồn khác nhau, mỗi quốc gia có một phong tục khác nhau khi nghĩ đến người đã khuất. Tại Việt Nam, vào thập niêm bảy mươi, đi đường gặp đám ma tôi cung kính cúi đầu chào, nhiều người ngừng xe cúi chào giống tôi. Phật giáo có ngày rằm tháng Bảy xóa tội vong nhân, ngày ấy có lễ cúng cô hồn, cúng các linh hồn không có con cháu nhang khói bị bơ vơ đói lạnh. Sự hiếu để của con cái dành cho cha mẹ không chỉ lúc còn sinh tiền mà ngay cả khi đã qua đời, vẫn còn được cháu con nghĩ đến.
Đời sống mới tại Châu Âu, không còn những hình thức đầy màu sắc của ngày xóa tội vong nhân, người Tây Phương có lễ Halloween đêm trước ngày lễ Các Thánh . Không biết khoảng thời gian 1970 ngày lễ Halloween ra sao, theo phim và hình ảnh thuở đó các cô chú ma be bé tự hóa trang bằng những tấm vải trắng đơn sơ, đi với nhau từng nhóm đến gõ cửa nhà xin kẹo. Kẹo bánh thuở ấy được các bà nội trợ tự làm tự nấu, các cô chú ma bé bỏng ấy đôi khi chính là con của các bà, niềm vui là tìm ra con mình trong nhóm ma dễ thương ấy. Người tây phương không sợ ma, chinh phục mọi thứ, tìm tòi mọi thứ, khai phá đất đai biển trời, họ còn tìm cách chụp hình linh hồn, tìm cách đối diện với ma, tìm cách nói chuyện với ma để biết đến thế giới bên kia, ngay cả giải thích tại sao có các hiện tượng tâm linh. Đám ma xong là hết, sự nhớ thương còn lại trong gia đình là hình ảnh đẹp đẽ, không có đám giỗ chết là hết, người còn sống không bị ràng buột phải để tang rầu rĩ , con để tang cha mẹ 3 năm, vợ để tang chồng 3 năm, cháu chắt để tang ông bà 1 năm v.v Thời gian tang chế không được đến những nơi vui vẻ, không được dựng vợ gả chồng, đàn bà không được trang điểm, con trai không được cắt tóc cạo râu. Nói chung người ta phải ép mình theo một quy luật không thành văn để bày tỏ sự thương tiếc người đã khuất, đến nay hầu như các lề thói ấy đã dần dần biến mất đi. Sự tiếc nhớ yêu thương bằng tấm lòng chân thật vẫn tốt đẹp hơn những hình thức con người tạo dựng nên.
Điều nghịch lý hiện nay là, các ngày lễ hóa trang – ngày lễ Các Thánh đã trở thành một ngày béo bở cho các ông bà chủ các tiệm quần áo hóa trang, những cô chú ma tự hóa trang đã biến dần đi còn lại là một đoàn ma được cha mẹ mua cho các bộ quần áo ghi chữ made in china đầy màu sắc kinh dị, những bộ xinh xắn công chúa, người dơi theo thị hiếu chơi vơi không dính líu gì đến hình ảnh các chú ma ngày xưa cũ.
Judy hỏi: “Ở Việt Nam có ngày lễ Halloween không?”
Tôi trả lời, ngày xưa thì không bây giờ họ đã chào mưng ngày lễ ma quỷ, chào mừng to lớn hơn kinh hoàng hơn với những buổi lễ quỉ ma, những trang phục hàng mã, say sưa trên máu thịt dân nghèo, ngất ngưởng ngạo nghễ như các cô hồn có nơi tựa là cái xác ướp vẫn an nhiên trong tòa nhà giữa thủ đô nghìn năm văn hiến.
Xác ướp, tro than không tan vào hư vô sẽ níu kéo hồn linh vất vưởng chẳng hiểu sao lại còn tồn tại đến nay!
Các nhà quàn ngày nay đã trở thành một công ty lớn mạnh có các cổ phần hợp tác khắp nơi, từ đất đai đến bia mộ, các linh hồn cũng được chia thành khu vực, nơi đồi cao nơi mặt bằng ẩm thấp, nơi có bóng xồi bóng thông, nơi trống huơ trống hoắc, cùng lúc với ngày lễ ma lễ quỉ, lễ Các Thánh nước Mỹ có các kỳ bầu cử vào tháng 11 – cùng ngày lễ cựu chiến binh.
Các khuôn mặt của các vị ra tranh cử chức vụ quan trọng, được thương mại hóa thành các mặt nạ ma mãnh, mặt nạ nào bán được nhiều nhất được đeo nhiều nhất trong đêm ma quái được tin là sẽ thắng cử!
Năm nay ngày bầu cử diễn ra sau lễ Các Thánh, truyền thông mải mê cùng các ứng cử viên mọi chức vụ, mải mê theo dõi từng chi tiết cá nhân để so đo ai được ai mất chiếc ghế dân cử, các luật lệ mới, các phương án mới, mọi khẩu hiệu được hô hào cải cách đổi mới, thật sự đàng sau là những bóng ma quá khứ thấp thoáng.
Ai bảo nền tảng chính trị không bị ám bởi những hồn ma quá vãng! Ai quả quyết một thể chế không bị trù ẻo vì những ân óan giăng giăng.
Trên hết là sự sống mới luôn ươm mầm, niềm hy vọng luôn phục sinh vào buổi sáng hừng đông, con người phương Tây quay mặt về hướng mặt trời mọc.