Thứ bảy 13 tháng 11, hơn 250 người đến với nhau trong một tối mùa thu se lạnh, cái lạnh đủ để ngồi sát cạnh nhau trong không gian thân tình ấm cúng tại nhà hàng Ta, thuộc thành phố hiền hòa Milpitas có nghĩa là Cánh Đồng Bắp, để cùng nhau biết về Nhóm Việt Học, của giáo
sư tiến sĩ Trương Bổn Tài cùng nghe những sáng tác mới của Câu Lạc Bộ Âm Nhạc.
Về Nhóm Việt-Học là một tập hợp của những công-dân-gốc-Việt trên toàn thế giới, cùng có chung một mục đích chú tâm trong việc trau giồi và phát triển bộ môn Việt-Học.
Bản chất của Nhóm Việt-Học là một thể loại sinh hoạt mang tính giáo dục cộng đồng. Trên bình diện học thuật, Nhóm tin tưởng rằng sự giáo dục căn bản của một con người cần dựa trên đủ ba loại môi trường học biết, liên hệ hỗ trợ lẫn nhau: giáo dục gia đình, giáo dục trường sở, và giáo dục cộng đồng. Ðây là ba chân vạc của một nền giáo dục nhân bản.
Nhóm Việt-Học chủ trương vận dụng phương thức giáo dục cộng đồng để làm môi trường học hỏi, nghiên cứu, và đào luyện người-gốc-Việt để trở thành những công dân có trách nhiệm, mang kiến thức lịch lãm, và vui sống an vi trong một đất nước hoàn cầu hoá.
Nhóm Việt-Học không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo, và quốc tịch. Nhóm quan niệm rằng thời gian sinh động cần học-cả-đời; địa bàn sinh hoạt được phổ biến trong bất cứ nơi nào có đồng bào Việt sinh sống; và phương tiện diễn đạt dựa vào hệ thống truyền thông toàn cầu.
Trân trọng kính mời đồng bào tích cực tham gia và xây dựng.
Liên lạc: P.O. Box 21503 . San Jose, CA 95151-1503 . USA
Tel. (408) 394-0006 . http: //www.vietology.com
Tiếp đến là chào đón những đứa con tinh thần dễ thương xinh xắn của các nhạc sĩ trong Câu lạc bộ Âm nhạc . Liên tưởng đến hình ảnh các bà mẹ nâng niu đứa con đẹp đẽ giới thiệu đến người thân, giới thiệu đến bạn bè để thấy các thành viên trong câu lạc bộ âm nhạc cũng đã
nâng niu trân trọng giới thiệu đến thính giả những bài nhạc hay, những đứa con tinh thần của họ.
Nói đến âm nhạc là nói đến nỗi đam mê của không ít người, tuổi trẻ nào không một lần mơ mộng không một lúc hẹn hò, bây giờ ngay cả tuổi “chớm thu” cùng không ít người vẫn còn hẹn hò vụng dại, để nhạc thơ bay đầy trời như lá thu bay.
Nỗi đam mê là niềm hạnh phúc không thể chối cãi, từ đam mê nhân loại tìm ra ngàn điều kỳ diệu, đàn đá đàn tre, đàn ống để tiến đến đàn bầu sáo, violine, piano, guitar, sáo trúc kèn đồng, giọng cao giọng thấp alto – saxo – trumpet – kể ra thì không thể ngưng lại được. Viết về một
nhóm nhỏ Câu Lạc Bộ Âm Nhạc (CLBAN) thôi, một vài nhạc sĩ của nhóm thôi đã có bao điều để viết, bao ý để đam mê theo cùng các nhạc sĩ dễ thương này.
Câu Lạc Bộ Âm Nhạc từ ngày thành lập đến nay đã được 13 năm, bao tâm hồn đồng điệu có cùng nỗi đam mê cùng đắm say 7 nốt nhạc cùng bay bổng trên các phím ngà, cùng trượt dài trên sợi dây đàn guita, gắn bó cùng nhau để nuôi dưỡng chia sẻ trau dồi cùng khám phá thêm
những tài năng mới, những tâm hồn đam mê mới. Thành viên của CLBAN có biên đạo múa Mạnh Hùng – có các giáo sư nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc Bùi Hữu Nhựt – Vũ Hồng Thịnh – giáo sư Phạm Ngọc Lân (Pháp) – Hoàng Sơn – Thanh Vũ, mặc dù đã lâu không thấy sinh họat nhưng tên tuổi của họ cũng là niềm tự hào của CLBAN – bên cạnh là Nguyên Nhu – Nguyễn Thiện Doãn – Trần Quảng Nam – Lê Minh Luân và hai nữ nhạc sĩ năng nổ Tú Minh – Đào Nguyên.
Năm 2003 Câu Lạc Bộ Âm Nhạc mất đi nhạc sĩ Trương Công Sùng Lĩnh, anh ra đi trong độ tuổi 47 sau khi ra mắt CD đầu tay.
Nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày, một nhu cầu nhìn qua có vẻ không cần thiết, nhưng bất cứ giờ phút nào cần nghe đều tìm thấy trên các làn sóng phát thanh, các kênh truyền hình, nay có thêm mp3 trên phone trên các dụng cụ tiện dụng nhỏ bằng ngón tay đem đi đâu cũng được.
Ngôn ngữ Việt Nam với những dấu giọng bổng trầm khi phát lên tiếng nói đã như hát, tiếng rao hàng trong đêm vắng – đêm mưa cũng thành bài nhạc, miền bắc ạ ời, miền trung hò ơi miền nam ầu ơ, văng vẳng trên các cánh đồng lúa xanh, trong làng xóm rì rào lũy tre khóm trúc, âm nhạc thênh thang thấm vào tim óc người ta, giống như vị nước mắm quê hương không thể thiếu trong các món ăn Việt Nam thuần túy.
Giữa Nhóm Việt Học và Câu Lạc Bộ Âm Nhạc, cùng một mục đích truyền tiếp văn hóa gìn giữ văn hóa Việt , thì âm nhạc dễ truyền tiếp hơn vì có tính quần chúng – một bài nhạc hay diễn tả đúng tâm tình của khối đông, chỉ cần nghe vài lần là bài hát bay bổng khắp bốn phương tám hướng.
Lần này, Câu Lạc Bộ Âm Nhạc giới thiệu năm nhạc phẩm mới: Gần Bên Nhau của nhạc sĩ Trần Quảng Nam – Biển Tình của nhạc sĩ Nguyên Nhu – Chung Tình và Âm Thầm của nữ nhạc sĩ Đào Nguyên – Mưa Rơi Bao Lâu của nhóm Guitar & M gồm Lê Minh Luân – Trọng Huy – Ngọc Diệp.
Nguyên Nhu là một trong những sáng lập viên của CLBAN. Trong suốt 13 năm qua, anh không ngừng nghỉ hoạt động cho CLBAN và hăng say sáng tác với 2 CD đã được phát hành.
Lần này Biển Tình thơ của Hoàng Nhựt Sơn đã được Trọng Huy trình bày xuất sắc – trong hai câu
Và bên nhau còn cả thời gió mưa – người có nhớ cuộc tình trên biển cát!
đọc nốt nhạc không thấy gì lạ – qua giọng hát Trọng Huy thính giả nghe ra tiếng sóng vỗ, tiếng mưa gào thảng thốt.
So sánh hai bài Thôn Vĩ Dạ thơ Hàn Mặc Tử, Phạm Duy phổ nhạc – và Phải Chi Có Huế thơ của Nguyên Phương, hẳn người nghe thích thú với cái duyên của người nhạc sĩ xứ Quảng Nguyên Nhu hơn hẳn bài Thôn Vĩ Dạ, nhạc lôi cuốn và nhất là ý của nhà thơ Nguyên Phương rõ ràng nói lên đúng tâm trạng bây giờ của người miền Trung đã xa giòng Hưong đã rời bến Ngự, khác với bài thơ của Hàn Mặc tử ý đơn sơ khi người thanh niên xứ khác được cô gái Huế mời ghé thăm nhà –
Sao anh không về chơi thôn Vĩ – nhìn nắng hàng cau nắng mới lên – vườn ai mướt quá xanh như
ngọc – lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Đối với
Phải chi đem Huế qua đây – Ðể tôi lên núi kéo mây cho gần – Ðể chiều không mỏi mòn trông – Chiều lên đỉnh Ngự những lần hẹn em .
Nỗi nhớ nhung bây giờ tha thiết quá, nhất là qua giọng hát đầy đam mê của chính tác giả.
Trần Quảng Nam cũng là một trong những sáng lập viên của CLBAN, anh đã giới thiệu hai trích đoạn nhạc kịch Kim Vân Kiều, lần này là một thông điệp về tình thương nhân loại mang tên “Gần Bên Nhau” thể loại nhạc cộng đồng thập niên 70 phong trào du ca, thay cho những bài dường như là thất tình ca – hoài niệm ca đã đưa tên tuổi anh đến với thính giả – 10 Năm Tình Cũ – 20 Năm Gặp Lại – Tình Vẫn Hẹn . Phong thái trẻ trung của Lily Bảo Trân cùng phong thái già dặn tự tin của chính tác giả, hòa cùng âm thanh vui tươi giòn giã của hai cây đàn guitar, khiến tất cả mọi người trong khán phòng thật sự xích lại gần nhau.
Đào Nguyên một phụ nữ xinh xắn, khi nói đến nhạc đôi mắt cô sáng hẳn lên, ngọn lửa đam mê của cô thể hiện qua những sáng tác dường như ánh pháo bông phựt lên tỏa xuống nằm trên những dòng kẻ rất bất chợt. Đôi nốt khó diễn tả, nếu diễn tả được và đủ, bài nhạc bỗng tràn đầy.
Lần này qua nhạc phẩm Chung Tình được Vĩnh Thanh Thảo cùng ban múa của hãng Intel, làn điệu dân ca vỗ về trang nhạc của Đào Nguyên – Ố tang tình tang ! ! ! thể loại kể chuyện kiểu bài hát Cô Hàng Cà Phê – của nhạc sĩ Canh Thân cũng là nhạc sĩ Vũ Huyến trong ban kịch Gió Nam sau năm 1954.
Sang bài Âm Thầm – lời thơ của nhà thơ Phạm Ngọc nhà thơ tâm tình về bài nhạc Âm Thầm của Đào Nguyên như sau:
Như những cuộc tình muôn thuở vẫn chia xa, như những chuyến xe không bao giờ quay trở lại,
em bước qua tôi vô tình đến thế, để một ngày không còn nữa trong nhau, và những ngày tháng
đợi chờ vẫn mù sương hoài vọng, mà nỗi nhớ người vẫn quay quắt trong tim, tình yêu đó âm
thầm như nỗi nhớ, và hạnh phúc cùng người không còn nữa trong tôi…
Mình đã qua nhau vô cùng vôị vã để tiếng thở dài rơi giữa tháng ngày xa…
Thơ của anh Phạm Ngọc đã được nữ nhạc sĩ Đào Nguyên phà hơi nhạc vào để bài thơ theo làn khói bay lên bàng bạc – dù vài nốt chưa đủ dài cho một dấu hỏi – hay một dấu ngã, với nguồn đam mê bốc lửa thì nốt nhạc có khó khăn gì không uốn éo theo làn khói mỏng tình thân.
Lê Minh Luân: người thở than các nhà thơ xưa, các nhạc sĩ cổ thụ cũ đã lấy hết bao nhiêu chữ hay ý đẹp, dùng hết bao nhiêu làn điệu mặn mà, nhạc sĩ trẻ bây giờ bỗng lúng túng, hát gì viết gì xuống nghe lại cứ bị lai lai sao đó!
Giới trẻ sống tại Mỹ, ngôn ngữ mẹ đẻ trở thành ngôn ngữ thứ hai, học được tiếng Việt qua các video karaoke đã làm cha mẹ ông bà mừng rỡ- nay các bạn nghe nhạc Việt nhiều chữ chưa hiểu rõ ý đen ý trắng, ý ngầm ý ẩn dụ trong khi nghe nhạc Mỹ – nghe Lady Gala gào hai chữ là hiểu hết toàn bài. Nên nghe bài hát Trăng Đào Nguyên của Lê Minh Luân là một ngạc nhiên, tự học nhạc – tự thích nhạc rồi đọc rồi viết rồi hát – ngón đàn của Lê Minh Luân rất đầy, nói theo kiểu khen tràn lan hay hay quá thì nhạc của Lê Minh Luân mang nhiều nhạc tính với nhiều đột phá, một nét cần thiết cho những tác phẩm mới! Luyến láy chuyện Từ Thức về trần âm hưởng bàng bạc có tiên nữ có rượu có đào thơm, đôi câu có thể bị phê bình giống nhạc trong phim tầu, nhắm mắt lại thưởng thức hồn lâng lâng bay bổng.
Lần này là Mưa Rơi Bao Lâu, nhịp ¾ chậm rãi nức nở, Lê Minh Luân tâm tình nhạc phát ra từ trái tim, gõ lên hai bạn trong nhóm Guitar & M Trọng Huy – Ngọc Diệp cùng viết lời – bài hát nhẹ nhàng âm hưởng tình cảm tuổi học trò.
Điểm son cho buổi trao chứng chỉ của Nhóm Việt Học – ra mắt tác phẩm mới của Câu Lạc Bộ Âm Nhạc là rất đúng giờ, chương trình theo đúng dự kiến, những trục trặc nho nhỏ không đáng kể vì tất cả thành viên cùng một lòng, cùng một niềm đam mê, ca sĩ không nổi tiếng nhưng hát bằng cả tấm lòng, bằng toàn bộ rung cảm từ sợi tóc đến ngón tay. Lily Bảo Trân – Ngọc Diệp – Ngọc Thơ – Phương Trang – Phương Vi – Trọng Huy – Vĩnh Thanh Thảo – Vũ Hiển.
Món ăn tinh thần nhạc thơ cũng bị cùng nỗi khổ với món ăn vật chất, trên các đài phát thanh, những trang báo quảng cáo cho các nhà hàng tiệm ăn người ta luôn dùng các tên gọi thuở xa xưa, bánh bao bà Cả Cần, phở Hiền Vương, cơm tấm Thuận Kiều, bánh xèo Đinh Công Tráng v.v, có vài quảng cáo còn viết rõ do chính tay con của . . .nấu. Không ít lần nghe phê bình, tô phở này không bằng . .. hồi đó ăn, tô bún này không giống hồi đó . . .. sự hoài niệm quá khứ làm ảnh hưởng đến khứu giác vị giác, người ta không nghĩ đến không gian thời gian đã khác.
Cũng như thế bao nhiêu bài nhạc tiền chiến, nhạc trước 1975, trước 1960 được các trung tâm dùng tới dùng lui, dùng xuôi dùng ngược, và người nghe vẫn tìm nghe trong khi bao nhiêu sáng tác mới, bao nhiêu tâm tình mới gần gũi với thời đại đang sống lại chưa được phổ biến nhiều.
Có thể người thưởng thức nhạc đã già, không chịu đổi mới, cứ nhớ hoài Em tan trường về anh theo Ngọ về – Khi yêu mới biết tình yêu là buồn – Yêu ai Yêu cả một đời – Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu v.v. Người trẻ lớn lên tại Mỹ tha thiết đến nhạc Việt không nhiều, họ bận rộn với học hành thi cử, vật lộn với công ăn việc làm – nỗi đam mê của vài nhóm nhạc cũng chỉ để đam mê – mà thời nay có nhiều đam mê đến cùng một lúc, nhất là đam mê ít khi hái ra tiền, nên tay trái đánh đàn, tay phải cầm vài mảnh bằng làm vốn sống .
Cám ơn nguồn đam mê không tận của các vị giáo sư vẫn tìm tòi về nguồn gốc Việt – Cám ơn các nhạc sĩ, các giọng hát tuyệt vời đã xuất thần trong buổi tối ngày 13 tháng 11 năm 2010 – Cần gì phải là một tên tuổi nặng ký – trong khu rừng âm nhạc mênh mông, những tàng cây cổ thụ ngang bằng một chồi non mới mọc.