Vài hôm nay cơn bão từ đại dương ghé vào đất liền, mùa lễ Tạ Ơn đến, các chú gà trong các trang trại đã được đóng thùng gởi đến mọi nơi. Người người nhớ đến việc Tạ Ơn nhau trong không khí se lạnh mùa Đông đang đến.
Năm 1991, người hưởng chương trình trợ giúp học nghề, vừa từ xứ nhiệt đới đến định cư được nhà trường cho một phiếu nhận quà, những món quà đủ để bầy biện trên chiếc bàn ăn có mười hai chiếc ghế, con gà tây đã làm sẵn sạch sẽ to hơn mười hai ký, các loại hộp nhiều màu sắc, đựng đủ mọi thứ chỉ việc theo cách chỉ dẫn nấu hay nướng là có các món để ăn kèm với thịt gà tây. Sống ở Mỹ gần hai mươi năm rồi, mới biết rõ một bữa tiệc truyền thống của người Hoa Kỳ, bên cạnh con gà tây nướng vàng là đậu ve luộc, khoai tây tán, khoai lang nướng có những hạt dẻ trang trí bên trên, dĩa cranberry –màu huyết dụ, bánh mì ngọt nho nhỏ bằng nắm tay và chiếc bánh bí đỏ nướng thơm lừng mùi quế. Phải gần hai mươi năm mới biết cách ăn sao cho ngon, ăn thế nào cho đúng, lần đầu nhận một túi to, nhìn con gà đông lạnh, để qua đêm trong tủ lạnh cũng chưa tan hết đá, lúng túng không biết phải làm gì, khi ấy chưa có Google để tìm công thức nấu nướng, nên thản nhiên ướp gà kiểu “lung tung” chặt con gà ra thành bốn năm miếng, với sự góp sức của chồng và con, cũng cho tỏi, đường muối ướp trước khi bỏ vào lò nướng, hồi hộp đợi chờ xem con gà có ra hình thể chi không? Kể về tâm trạng không dễ tị nào cả, đang từ một nơi phải lo lắng tìm thức ăn, cái mặc, đến một nơi tràn trề đủ mọi thứ, vừa sang Mỹ đã có bao nhiêu quần áo được cho để mặc, thức ăn thì vào chợ ngắm thôi đã đủ đã cơn thèm, con đụng hết gói kẹo này đến hộp bánh khác, đụng thôi không dám đòi mua.
Và ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên, trên đất nước trù phú cách đây hai mươi năm đã được tổ chức một cách trịnh trọng, đĩa gà nằm giữa bàn, dù không nguyên cả con như trong hình vẽ, người chủ gia đình nói với con nói với vợ vài lời, không dính gì đến việc tạ ơn, mà là dặn dò tâm sự đại khái nhờ Thượng Đế gia đình ta thoát khỏi nơi khó khăn đến nơi dễ dàng, ba có việc làm, má và các con đi học, nhớ phải lo học hành đừng dại dột ham chơi v.v. rồi các con ăn thử món gà tây má nướng, nhìn cô lớn cau mày, cậu hai uể oải, cô út chẳng mặn mà gì, biết ngay vị không có gì hấp dẫn các con, cất tiếng hỏi có muốn ăn cơm không, các cô cậu gật đầu ngay, chỉ cần cơm và giò lụa kho là các cô các cậu ăn hai ba bát. Còn con gà tây nữa từ hãng của người chủ gia đình cho nhân viên vào dịp lễ, được gỡ thịt để làm ruốc (chà bông) cũng được các con khen là “dở ẹc!”
Cách đây hai mươi năm, sau cơn động đất hơn 8 chấm vùng vịnh California bị trầm cảm, nhà cửa treo bảng bán hai ba năm chẳng ai đụng đến, phân lời 7.5 – 8.0 là thường, các gia đình tị nạn theo chương trình anh chị em bắt đầu được sang định cư cùng với chương trình H.O bắt đầu từ năm 1990. Thuở ấy chính phủ đã “bớt giàu” gia đình nào được tị nạn chính trị, cùng lúc có giấy tờ bảo lãnh từ gia đình, thì được nhập cảnh vào Mỹ theo diện di dân, để chính phủ đỡ lo chút đỉnh, không phải chu cấp mỗi tháng, chỉ cấp medical vì nhà có con nhỏ dưới 18 tuổi, phòng khi con đau có thuốc, có bác sĩ gia đình. Nhờ bạn bè đã tị nạn từ trước giới thiệu, người chủ gia đình được nhận vào hãng đi làm ngay, lương 7.25 đô la một giờ, niềm mơ ước không tưởng tượng ra được. Giờ làm việc từ 10 giờ đêm đến 7 giờ sáng, múi giờ từ Việt Nam sang Mỹ cũng khoảng như vậy, nên thức khuya không sao hết, chỉ có việc là chẳng gặp vợ con. Sáng vào nhà cũng là lúc các con đi học. Sau ba tháng làm việc, hãng cho bảo hiểm y tế thế là chính phủ khỏi lo lắng chi cho gia đình vừa đến Mỹ đúng bốn tháng.
Ngôi trường nhận người vợ vào học là ngôi trường hướng nghiệp cho các học sinh trung học Central County Occupational Center viết tắt là C.C.O.C. Học sinh nào không muốn học thêm lên đại học, sẽ chọn ngành nghề mình thích để học xong trung học, sẽ có chứng chỉ để đi làm ngay. Những môn học liên quan đến tất cả mọi ngành nghề trong cuộc sống, từ pháp lý – y tế – cứu hỏa – đến văn phòng v.v không là học sinh trung học, người muốn theo học phải hội đủ điều kiện về sinh ngữ và toán, bài thi tuyển không là rào cản cho người đã học xong trung học tại Việt Nam, dù chẳng đụng gì đến sách vở gần hai mươi năm, với số điểm đậu tuyệt đối 10/10. Sinh ngữ là những câu văn phạm những từ ngữ thông thường, toán chỉ là cộng trừ nhân chia, không thấy họ hỏi đến căn số phương trình. Tuần đầu vào học mới biết rào cản chính là nghe và nói, nghe không được đã có sách đọc trước ở nhà, nói mới khổ ơi là khổ, cất tiếng chào người nghe tròn mắt “what !” hỏi han gì người nghe nói một tràng rồi cười ha ha. Để chiến thắng điều này, không ai có thể giúp người vợ bằng chính cô ta. Tối cuối tuần về nhà gò gẫm vài câu trên giấy, nhờ em đang học đại học sửa câu văn cho chỉnh và dậy phát âm cho chuẩn, đứng trước gương tập nói rõ ràng rành rẽ, thế là sáng đầu tuần xin cô giáo cho nói vài lời với lớp. Người phụ nữ tóc đen da sạm vì khí hậu thay đổi, đứng trước 30 cử tọa trẻ hơn mình, toàn là tóc vàng mắt xanh, vài cô da màu tóc xoăn, móng tay dài đỏm đáng, vài cô da vàng nhìn giống mình thì lại là người Phi, cất tiếng nói. Câu có đại ý: Tôi vừa đến Mỹ từ Việt Nam một đất nước xa tít nửa vòng trái đất, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi đơn âm, ngôn ngữ của các bạn đa âm, xin đừng cười khi tôi phát âm sai, hãy sửa hãy dạy tôi dùng ngôn ngữ của các bạn!
Ui chao, cô giáo ôm vai thông cảm, các cô trước đó cười cợt người tị nạn ánh mắt chùng ăn năn, chính các cô này thành các cô giáo dậy phát âm cho người phụ nữ Việt Nam ngọng nghịu blec – bon (black – point). Ngành nghề người vợ chọn để học là từ trang báo cần người Mercury News, ngày nào cũng bốn cột hay hơn nữa, sau hai tháng học, người phụ nữ Việt Nam thành cánh tay phải của cô giáo trong giờ thực hành, từ cách sắp xếp dụng cụ cho từng phương pháp chữa trị, lấy tủy răng – nhổ – trám, cách khắc sao cho đúng khớp răng khi trám răng tạm trên người mẫu, góc độ nào chính xác để chụp một hình x-ray cho rõ đẹp, những bài thi đạt điểm gần tuyệt đối trừ những câu sai vì từ vựng chưa đủ. Một chương trình học thật tuyệt vời cho người mới đến định cư, chưa kể sau đó cô giáo cho người tị nạn vào danh sách học sinh được trợ giúp từ quỹ đặc biệt của trường, lúc ấy chỉ biết có các nhà hảo tâm những người đã từng theo học trong chương trình C.C.O.C., đã thành công và mỗi năm họ cống hiến một ngân khoản nhất định để giúp đỡ những học sinh “nghèo hiếu học” nghèo có nghĩa là chưa đi làm để kiếm ra tiền để vào trương mục ngân hàng, hiếu học là các bài kiểm tra có số điểm cao trên 70% nhất là không nghỉ học ngày nào dù mưa to gió lớn. Điều cảm động nhất là họ cho học sinh tiền mua sách, mua đồng phục, mỗi tuần cho tiền mua xăng và tiêu vặt. Ngày trước lễ Tạ Ơn hai trong các nhà hảo tâm đến thăm học sinh nhận học bổng của trường. Một ông ngồi trên xe lăn có vợ theo cùng, những câu nói mộc mạc hy vọng trong tương lai các bạn thành công và tiếp tục duy trì chương trình trợ giúp này đến các học sinh cần trợ giúp. Một ông đang là nha sĩ, kể chuyện đi học từ C.C.O.C. với ngành thợ máy, tay chân dính đầy dầu nhớt, thấy các bạn học bên khu y tế sạch sẽ ông bèn thay đổi môn học, thay vì đi làm thợ máy không lên đại học, ông điên cuồng học cho đủ tín chỉ để vào trường nha. Sự thành công của ông khởi đi từ C.C.O.C. nên ông luôn biết ơn những thầy cô đã tận tụy hướng nghiệp cùng lúc khuyến khích học sinh định hướng sự nghiệplên cao hơn thay vì đứng ì lại một chỗ.
Tình hình kinh tế bây giờ đang lập lại thời suy thoái cách đây 20 năm về trước, có thể là trầm trọng hơn, những con gà tây phát chẩn cho người cần lương thực không phong phú tràn trề như xưa. Đêm qua trên truyền hình, thành phố Cựu Kim Sơn, hàng người thứ tự ghé đến một nhà hàng tư nhân nhận gà tây, chủ nhà hàng cùng một số các doanh nhân hợp tác làm công việc nhân ái này. Cùng hình ảnh các thanh niên trả nghĩa ân bằng cách đem các túi thức ăn trợ giúp đến cho người khó khăn hơn mình những người không nhà sống bên lề hè phố. Cộng đồng Việt Nam tại Mỹ nhất là tại San Jose bao năm nay trong dịp lễ Tạ Ơn đã có những bữa cơm từ thiện tại nhiều địa điểm khác nhau, người nấu người chạy bàn, người phân phối thức ăn, những câu cám ơn những lời Tạ Ơn không nói ra từ miệng, mà được gởi gấm bằng hành động bằng tấm lòng chân thành cảm kích.
Năm nay cũng giống mọi năm trước, bữa ăn chiều thứ năm ngày lễ Tạ Ơn gia đình tôi sẽ quây quần cùng bạn bè, những người bạn thương quí nhau như tay chân, tôi không nhớ từ khi nào nhóm bạn của “người chủ gia đình tôi” lập thành thông lệ dễ thương này. Tôi nhớ lần đầu gia đình tôi mời bạn đến ăn gà tây “dở ẹc” cùng gia đình bên chồng, khi ấy tôi chỉ a b c về món gà này. Lần thứ hai cũng dịp lễ Tạ Ơn, còn ở trong một nhà để xe, chủ nhà cho dùng bếp và phòng ăn, người thuê cũng nấu món gà tây “dở ẹc” để Tạ Ơn chủ nhà cùng mời gia đình một người bạn vừa đến Mỹ diện H.O.
Thượng Đế thương chở che cùng sự cố gắng hết sức, gia đình chúng tôi có một tổ ấm rất ấm và mỗi dịp lễ Tạ Ơn là một lần tôi được thực hành nấu cho đúng món gà tây. Khi đã biết đủ mọi phương thức thì các con đã tìm ra cách để không phải ăn món gà tây “dở ẹc” của má là đến Nob Hill đặt một phần gà đã được uớp sẵn, mang về nướng hai tiếng , muốn có thêm đùi heo ướp nướng mật ong cũng đến tiệm ấy. Trong bếp thơm lừng mùi lễ Tạ Ơn, bạn bè đến ngôi nhà nhỏ mỗi năm của tôi cho đến khi các con tôi đủ lông cánh bay đi mất, cũng là lúc tôi xếp đồ nghề nướng gà đem cất.
Và năm nay cũng giống vài năm trước sau khi các con đã bay xa, tôi và người chủ gia đình lại đến nhà bạn tiếp nối truyền thống Tạ Ơn bạn bè . Các con có về thăm cũng sẽ đến nhà bạn của ba má để gặp lại các bác ngày xưa, từng trải qua một thời lận đận. Một món quà nhỏ ân tình gởi về quê nhà cho bạn còn ở lại, vài món quà nho nhỏ gởi đến các hội thiện nguyện, vài món quà tượng trưng tùy vào thu nhập mỗi năm gởi đến trường xưa nơi đã cho mình kiến thức sự nghiệp là điều không thể thiếu vào mùa này.
Kính chúc ngàn điều hạnh phúc an lành trong mùa lễ Tạ Ơn, thân quí gởi đến tòa soạn cùng nhân viên V-Times, trân trọng gởi đến quí độc giả bạn hữu đã cùng chia sẻ bao tâm tình cùng Ấu Tím
24 Tháng 11 Năm 2010