Nhắc đến người chết người ta hay viết năm sinh và năm tử có dấu gạch nối ở chính giữa. Với tôi năm sinh và năm tử không có gì quan trọng, cái dấu gạch nối là quan trọng. Một đời người chỉ tính đến cái dấu gạch nối ấy, tồn đọng trong cái dấu gạch nối ấy.
Khoảng tuổi mười mấy, cái chết làm tôi sợ hãi, nó ám ảnh tôi ghê lắm, thấy đám ma ngoài đường tôi khóc hết nước mắt dù chẳng quen biết người ta. Lý do là vì me tôi mất sớm. Đám ma của mẹ, tôi đã không khóc cứ ngơ ngơ vì bất ngờ quá. Rồi tôi để nỗi nhớ trong lòng biến nó thành tính ghen tuông, giữ bố tôi cho mẹ. Bố tôi còn trẻ, tôi không cho bố tôi có bạn gái, không cho bố tôi có bồ, tôi hứa sẽ ở vậy chăm sóc bố, bố không cần có vợ kế. Bố tôi bị bắt đi học tập cải tạo, ông chết trong tù, không có đám ma. Tìm ra bố chỉ còn bộ hài cốt, khúc xương cánh tay gãy. Tôi nuốt nước mắt vào trong, lau nước mắt vào tay áo, vào gối quần, khi tôi rửa cốt. Hai điều đau đớn xảy ra cho tôi khi tôi còn trẻ khoảng tuổi trăng tròn đến khoảng hai chín ba mươi.
Dấu gạch nối của mẹ tôi và bố tôi là chị em chúng tôi, là không gian gia đình hạnh phúc, mẹ tôi người đàn bà phúc hậu hiền lành, kim chỉ bếp núc không biết to tiếng với ai. Nụ cười của mẹ như nụ hoa vừa hé. Thời gian tôi mất mẹ đã dài gấp hai thời gian của tôi có mẹ. Tôi vẫn nhớ đến mẹ tôi qua hình ảnh các dì, các bác. Tình yêu dành cho mẹ tôi gởi cho tất cả những người đàn bà có dính líu liên hệ đến tôi. Tôi nhìn thấy nét đẹp chịu đựng, nụ cười hạnh phúc bình an không đòi hỏi đền đáp, ngay cả giọt nước mắt âm thầm không cho ai thấy của các bà. Trong mỗi gia đình luôn có những điều xộc xệch không giống nhau, nhưng các bà mẹ của tôi đã thu xếp vén khéo, kê đều dấu xộc xệch ấy bằng tính thương yêu chịu đựng.
Dấu gạch nối của bác tôi cũng không lành lặn đẹp đẽ, cuộc đời của bác từ lúc bước chân vào đời sống gia đình đến ngày bác ra đi không bao giờ êm ả, con sóng ngầm luôn chuyển động dưới đáy. Tôi yêu bác, tôi kính phục sự chịu đựng bền bỉ, tôi học tính an bình của bác, tính hiền dịu của bác và hơn tất cả, bác giống mẹ tôi vô cùng.
Hình ảnh bác tôi ngồi bên ngạch cửa căn nhà của bác gần Lăng Cha Cả khi tôi đến thăm bác luôn liên kết đến hình ảnh cũ khi tôi chỉ hai ba tuổi, ngồi bên mẹ, cạnh ngạch cửa trong căn nhà đầu tiên cha mẹ tôi có ở Hạnh Thông Tây Gò Vấp. Nghĩ đến người đã khuất là nghĩ đến những tốt đẹp người ấy đã làm, tôi còn nghĩ xa hơn nữa là linh hồn bác đang nhìn những hình ảnh xôn xao ngày táng bác, nhiều con rối di chuyển tò mò muốn nhìn xem ngày cuối của đời bác thế nào, có tốt đẹp sang cả không? Có nhiều vòng hoa không? Nhà thờ có đông người không? Chỗ bác nằm có đẹp không? Áo quan bác mặc có đắt tiền không? Phần tôi tự đáy lòng tôi nghe bác nói : “thánh giá bác vác, Chúa đã cất đi” nụ cười của bác đã nở thật tươi hơn bao giờ hết.
Chắc chắn một điều tôi biết bác tha thứ cho tất cả mọi người thân yêu chung quanh bác, đã vô tình ngay cả cố ý làm bác buồn. Dấu gạch nối đời bác giống như biểu đồ tim mạch, khi còn thở dấu gạch nối nhấp nhô, tắt thở rồi dấu gạch nối đời bác giãn dài thanh thản.
Đêm qua tôi đã ngủ giấc tròn.