Đọc thư anh:
Kính quý chị K26 !
Đọc thư chị Như Hoa tui muốn nói một chút lòng mình đối với quý chị K26, nhưng ngồi trước máy tính mấy lần mà vẫn chưa có chữ nào gọi là để gửi đến quý chị.
Chỉ còn chưa đầy 4 tiếng đồng hồ nữa thì ở bên này bước sang năm mới 2012. Câu đầu tiên là kính chúc quý chị sang năm mới nhiều sức khỏe và hạnh phúc bên những anh bạn già tụi tôi, cùng đi cho đến trọn cuộc đời !
Người ta thường nói làm phụ nữ, mà là phụ nữ Á đông thì thật là khổ, chịu nhiều thiệt thòi, chịu nhiều hy sinh cho chồng con. Thật đúng vậy, thành công hay hạnh phúc và ngay cả thất bại, lỡ cơ, lỡ thời lỡ vận của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ chịu thương chịu khó đứng kề bên. Quý chị là như thế.
Quý chị là nguồn cảm hứng cho sự thành đạt, là nơi nương tựa cho những nỗi buồn phiền, là động lực thúc đẩy sự đứng dậy của anh em chúng tôi khi sa cơ thất thế. Quý chị là hậu phương vững chắc, là chỗ dựa từ tinh thần cho đến vật chất cho anh em chúng tôi chiến đấu với cuộc đời nhiều bất trắc khổ đau này.
Tôi biết quý chị vẫn âm thầm theo dõi tiệm mì của tụi tôi, nơi những ông bạn già trút đi bao nổi nhục vinh, hay dở của cuộc đời. Quý chị vui theo niềm vui của chúng tôi, buồn theo nổi buồn của chúng tôi,ngay cả đôi khi nói năng xúc phạm đến phụ nữ, đến thiên chức làm vợ của quý chị, nhưng quý chị vẫn từ tâm bỏ qua tất cả, vì quý chị thấu hiểu nổi lòng của những anh chàng già bất đắc chí này, nhiều khi nói để mua vui. Xin cám ơn quý chị, những người phụ nữ tuyệt vời ! Không phải tôi nói để lấy lòng quý chị, nhưng đó là sự thât.
Không tuyệt vời sao? Người chồng là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa của vợ con. Nhưng làm vợ người lính thì hưởng thì ít mà thiệt thòi vất vả thì nhiều. Chồng thì mãi miết nơi phương trời, chết sống lúc nào không biết. Một mình quý chị ở nhà phải một mình cực nhọc chăm sóc cha mẹ già, chật vật nuôi con…cộng thêm nhớ thương lo lắng cho chồng nơi làn tên mủi đạn… nhỡ mai anh không về…Và rồi có những anh không về… khi người vợ còn rất trẻ.. và sống đơn độc một mình bươn chải nuôi con đến ngày khôn lớn. Không tuyệt vời cao quý lắm sao !?
Rồi… một ngày hè, đất nước phủ màu tang tóc !!!! các anh, những người chiến sĩ sa cơ…. tất cả không còn gì !!! Lại bước vào tù tội ! Chỉ còn lại giửa cuộc đời nhiều khổ nhục một mình quý chị !!! Quý chị trở thành trụ cột của gia đình, nuốt nỗi nhục nhằn vào trong tâm khảm nuôi cha me, nuôi em, nuôi con, nuôi chồng…Có thể có một số người rẻ lối sang sông tìm hạnh phúc riêng mình, nhưng hầu hết quý chị vẫn bước theo chồng trên những đọan đường đời vinh nhục và cho đến bây giờ… và mãi cho cuối cuộc đời…
Thật vô cùng cao quý và bọn đàn ông già chúng tôi trong tâm tưởng của mình luôn biết ơn quý chị, những người vợ trên cả tuyệt vời !
Đàn ông Á Đông thì thường ít biểu lộ tình cảm, nhưng chắc chắn trong trái tim các anh luôn là hình ảnh người vợ đã đồng cam cộng khổ suốt đời với mình.
Viết những dòng này để vinh danh quý chị, trong đó có người vợ hiền âm thầm chịu thương chịu khó của tôi. Vợ chồng với nhau gần 40 năm nhưng tôi, một người chồng bất tài vô dụng, chưa sắm cho vợ nổi một bộ đồ, nhưng suốt từng ấy thời gian cũng chưa một lời cám ơn sự hy sinh to lớn của vợ mình ! Anh mãi nợ em !!!
Chúng tôi mãi nợ quý chị !!!
Tối cuối năm 2011
Tiếm 26
Đến một tuổi nào đó, những người phụ nữ Việt Nam anh nhắc ở trên đã không còn thắc mắc chờ đợi hay mong ngóng những dòng chữ tâm tình tự thú – lý do nếu còn đang chung bước họ đã hiểu và quen với lời cám ơn thinh lặng, nếu đã không còn bên nhau họ sẽ chẳng màng nghe chẳng màng hiểu lý do tại sao?
Thuở đôi mươi vừa lớn, quyến luyến thương yêu có thể chỉ là “sự tò mò” đôi khi là sự “tưởng tượng” qua mấy ngõ hoa. Trên đường lái xe thăm cháu ngoại, nhiều đoạn đường đồi núi khấp khấp khuỷu gập ghềnh, anh tôi nói: giống Di Linh, Liên Khương. Tôi nói: không phải đâu, mình đang mang nỗi nhớ lồng vào hiện tại.
Nhà thơ của Khóa, Nguyễn Văn Ngọc nhắc đến người xưa nhắc đến O Huế, anh của tôi nhớ cô áo tím: Một chiều lang thang bên giòng Hương Giang, tôi gặp một tà áo tím, màu áo tím ôi nhớ thương, màu áo tím sao vấn vương! tôi nhớ cách đây đã chừng như xưa lắm, từ thế kỷ trước chứ ít đâu, anh hay bắt tôi hát cho anh nghe bài hát này, tôi rất tự nhiên líu lo đàn hát để anh thả hồn nhớ đến “người xưa”. Dĩ nhiên anh rất thành thật kể cho tôi nghe từng chi tiết về cô ấy. Ngoài o áo tím, anh của tôi còn có cô má đỏ môi hồng Đà Lạt, cô velo solex Tân Định, trong quá khứ của anh không hề có hình ảnh của tôi, và điều này là điều khiến tôi sung sướng hạnh phúc luôn luôn mỗi ngày mỗi phút mỗi giây chúng tôi có nhau, vì tôi chính là hiện tại và tương lai của anh.
Nhìn hình ảnh thuở sinh viên học sinh – đến hình ảnh anh và em chung đời lận đận, thuở đất trời gió bụi xốn xang, đến nay tóc nhạt, vẫn còn nhau, có nhau. Hẳn các anh thóang hiểu lý do tại sao tôi biết rõ từng anh trong khóa, từ cố tật đến tiểu tài, tính tốt tính xấu ra sao phải không? Anh của tôi kể lể về bao bóng hồng cho tôi nghe, chẳng lẽ không kể về những người bạn nằm gai nếm mật cùng nhau?
Đến bây giờ tôi biết, yêu là chia cho nhau ngọt bùi cay đắng, chung vai gánh nợ nhân gian, khi hoạn nạn lúc an vui, khi mạnh khỏe lúc đau yếu, chứ không phải yêu là: “Anh che dù hai đứa chung đôi!”
Mối tình tôi có: đã có – hiện có và mãi còn không cần lời cám ơn nào cả, vì tạ ơn nhau không hết cám ơn qua lại chỉ là “thuở hồi đó” thôi hà.
Ngày đầu năm, đọc bài thơ Thảo Nguyên của một nhà thơ miền Nghệ Tĩnh lòng thảnh thơi, bên cạnh là anh chàng tôi phải “cám ơn” mỗi ngày vì không có chàng làm sao tôi biết Yêu là không cần nói cám ơn nhau, có nhau đã là một sự tri ân rồi. Lại là một lý do để các anh biết tại sao tôi rất vui khi nghe các anh kể xấu về anh của tôi, nào là lười biếng, đào hoa, ham chơi bida hơn học nhảy đầm v.v. Theo tôi, người chiến thắng là người còn tồn tại, hiện hữu.
mùa hạ. ta qua vùng thảo nguyên
gió thổi. chiều xanh trôi với nắng
khoảnh khắc. vầng trăng bạc nhú lên
cánh chim theo trăng vào trời rộng
nhà ai. đèn lồng soi trước hiên
nhủ thầm. nhà ta sau hàng phượng
ta đi năm năm qua thảo nguyên
cảm ơn phút giây đời giao hưởng
mùa hạ, ta qua vùng thảo nguyên
bước nhẹ tênh. quên thời khổ hạnh
mê con chuồn chuồn đỏ bay ngang
thương bầy dê con trên đồi vắng
gặp trẻ chăn bò đi hát rong
gặp ấu thơ ta. mùa hạ sáng
đời trôi đi. tưởng đời lặng câm
bỗng tiếng đàn ai trong gió thoảng
hỡi bé lang thang vùng thảo nguyên
như ta ngày xưa. thời thơ dại
áo vắt vai. đi qua rừng sim
lội trong cỏ may ngập đầu gối
biển cỏ mênh mông. sóng dập dờn
hò ơi. dong thuyền về bến đợi
cho ta theo nhé. về đêm nay
đêm trong nhà xưa. đêm mát rợi
xin bát canh rau. ăn rất hiền
chong ngọn ngọn dầu. mẹ dệt vải
đọc chuyện thạch sanh. lòng hân hoan
có khi mơ được làm thằng cuội
trong giấc ngủ mơ không thấy tiên
chỉ thấy vườn xưa. cây chĩu trái
tan mơ. mở cửa ra nhìn sao
muôn ánh sao mơ. dòng lệ chảy
đêm khuya. rì rào trong cây xanh
nghe bên láng giềng gà tre gáy
sáng mai. ta bước ra ngoài sân
nhìn quanh hiên. rụng đầy hoa bưởi
năm năm. ta qua miền thảo nguyên
đến nay. vang vang mùa hạ gọi
mùa hạ cùng ta phơi áo biếc
bên hàng dâu rũ lá mong manh
mùa hạ cùng ta đi hài đỏ
qua cầu tơ liễu. nắng vàng trong
mùa hạ cùng ta che nón rộng
xuống đầm nước lục bơi thuyền sen
mùa hạ cùng ta thổi sáo trúc
diều ai lơ lửng mấy tuần trăng
mùa hạ theo ta vào nương bãi
chặt cụm mây vàng. hái mật ong
mùa hạ theo ta ra đầu núi
nhìn quanh. từng vạt khói bềnh bồng
năm năm. ta qua vùng thảo nguyên
nghe mơ hồ ngôi sao biếc gọi
cha đã đi qua vùng thảo nguyên
gió mùa xưa chuyển cơn giông lớn
vang thiên thu chớp bể mưa nguồn
nước vượt bờ. trùng khơi nước rộng
hồn cựu kinh. thấp thoáng ngọn rừng
đám lưu dân qua vùng châu thổ
chẳng tìm đâu thấy một xóm làng
thảo nguyên. tàn khuya không ánh lửa
trời mịt mùng. muông thú kêu hoang
cha đã đi qua vùng thảo nguyên
những năm ấy trời làm đói khổ
kẻ sống. người chết. đều trơ xương
lại thêm khắp bốn bề giặc giã
muôn oan hồn không chốn nương thân
phất phơ nơi đầu sông cuối bến
ngày gầy xơ. lất phất mưa phùn
đường bạch dương. chiều. không quán trọ
hành nhân. hành nhân. đêm thu phân
cha trở về trong căn nhà gỗ
trao cho ta chiếc gậy tìm đường
đêm uống trà khan. đọc thơ cổ
xót đời. qua một tiếng độc huyền
ta đi năm năm qua thảo nguyên
gậy trúc mòn khua kêu đá sỏi
nắng vẫn xanh trên ngọn bạch đàn
mùa hạ đi. nhưng thu chưa vội
ta. con chim hạc. trong thời gian
một đêm. cánh sa trên đồng nội
từ đó chung quanh đời bặt tin
chuông chùa tây phương không vọng lại
mai mốt. mẹ qua vùng thảo nguyên
mẹ. ánh trăng vàng trong truyện cổ
lặng soi bên mặt nước hồ gương
đi lang thang qua vùng bia mộ
khi cúi nhìn một cụm hoa lan
thương ôi. mắt nhung xưa còn mở
mai mốt chị qua vùng thảo nguyên
như xưa. một lần về quê ngoại
ngày reo vui. vườn chim bay chim
lòng reo vui. reo tà áo lụa
chị gội đầu bằng nước hoa chanh
hương tóc bay sang. chiều vời vợi
chị ơi. mai qua vùng thảo nguyên
mang cho em một chùm nhãn chín
ôi. tình xưa. như nhãn và sen
dẫu tình phai khi chưa kịp hẹn
thì khuya sau. xin trăng hạ huyền
tiếp truyền đi những lời non biển
mai mốt em qua vùng thảo nguyên
tìm nhau. trăng đã về động cổ
tìm nhau. tìm nhặt chiếc khăn rơi
tìm nhau. khi qua đình ngả nón
tìm nhau. khi qua cầu áo bay
tìm nhau. đến phai hương tàn lửa
vị quế nồng. nghĩa nặng tình sâu
thì em nhé vào ngàn thăm hỏi
lão tiều phu. đốt bãi cháy bờ
gã chăn ngan. kêu ngoài lau sậy
hỏi thăm từ con hươu con nai
hỏi thăm giọt mưa và ngọn lá
bởi có ta. trong mỗi hạt sương
có ta. trong từng tia nắng dọi
lời ta trong câu hát dân gian
kể lể chuyện buồn vui sớm tối
em gom về trao lại cho con
mai sau sông nối xa đời suối
chuyện của người là chuyện dòng sông
bình minh đến mở tung cửa biển
ta đi năm năm qua thảo nguyên
Nguyễn Xuân Thiệp
Nghệ Tĩnh, 1980