Mùa đông năm ấy, gia đình tôi đến thành phố Edmonton, thủ phủ của tỉnh bang Alberta, miền trung tây Canada. Thời gian đó, nhiệt độ ngoài trời ở đây rớt xuống gần 32 độ trừ (độ C). Ngày nào tuyết cũng rơi. Tuyết bay đầy trời. Tuyết trắng phau mặt đất. Tuyết đọng trên những cành cây bốn mùa trụi lá trông giống như những nhánh pha lê. Tuyết và nắng ôm nhau run rẩy. Ban đêm trời cũng sáng trưng như ban ngày. Máy sưởi chạy suốt hai mươi bốn giờ, nên mái nhà nào cũng nhả khói không ngừng. Cảnh vật về mùa đông ở đây, chỗ nào cũng giống như những chiếc thiệp Noel, hoặc những trang hình trong các tập san quảng cáo du lịch của các nước Âu Mỹ.
Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi thấy tuyết rơi, ngưi được mùi dìu dịu của tuyết, ăn thử tuyết, cào tuyết, xúc tuyết và trợt lăn cù trên tuyết. Tất cả gom thành một thứ cảm giác vừa lạ lùng, vừa háo hức, vừa thú vị. Sau này di chuyển về Vancouver, tỉnh bang British Columbia(BC), cũng vẫn cảnh tuyết rơi, tôi đã làm bài thơ TUYẾT RƠI TRÊN SÓNG:
Chiều rơi, buốt giá chiều ơi Tuyết lay bay phất ngập trời tuyết bayNhớ mênh mang, nhớ những ngày Đặt chân trên xứ lạ, Edmon, Elberta Vào mùa đông cuối thập niên tám mươi Khi độ ô nhiễm toàn cầu chưa nghiêm trọng Dãi băng hà thiên niên kỷ cực bắc chưa bao giờ tan Thế nên nhiệt độ bên ngoài trừ hơn ba mươi độ Trời đất trắng như bông Vạn vật tuyết ôm run cầm cập Xe cộ lẳng lơ chiếc sau chồm hôn chiếc trước Cảnh sát, cứu hỏa, cứu thương còi hú rân bần Tàu điện trượt mình trên hai đường ray trắng Trạm xe bus bên đường Khách đứng chờ, hơi thở xám như mây Tôi, thân gầy độn mấy lớp áo quần Giày tuyết, khăn choàng, mũ trùm đầu chật cứng Loạng choạng bước trên lề đường như gã đang say Đám con cháu tan trường về đến nhà Mặt mũi đỏ như trái gấc Canada, chiếc máy đông lạnh khổng lồ, chính là đây
Sau mười năm lạnh lùnh chịu trận Vợ chồng con cái di chuyển về xứ nóng miền cực tây
Những tưởng từ đây giã từ băng giá Nào ngờ đâu, Vancouver tuyết cũng rơi đầy Phủ kín mặt hồ trăng khuya lạnh Dãy núi xa đầu bạc gối chân mây Chiều đi làm về, tựa vách sân ga nhìn ra biển Trời đất liền nhau xam xám mờ Tuyết rơi như buông rèm ngăn sóng Chúng vẫn đuổi nhau chạy vào bờ Tàu thả neo nằm nghe biển gọi Ngoài xa, hải trình chằng chịt Vắng những con tàu, cảm thấy bơ vơ
Tôi bỗng thèm ly café nóng Khói thuốc cay cay thả lững lờ Tiếng hát Salvatore Adamo, đâu đây văng vẳng Tombe la neige!
Sau ba năm vật lộn với công việc xứ người, chúng tôi muốn đi học lại kiếm chút nghề hộ thân, nhưng khổ nỗi không biết đào đâu ra mảnh bằng tốt nghiệp lớp mười hai để vào trường college. Cũng may, vợ chồng tôi đều thi đậu cả hai môn chính: toán vá lý hóa mười hai, chỉ còn thiếu anh văn mười hai. Gần hai năm sau, chúng tôi mới đủ điều kiện nhập học. Nếu hai vợ chồng cùng đi học, cả hai phải mượn tiền nhà băng thông qua hệ thống bảo lãnh ứng trước của chính phủ.
Nếu như một người đi làm cho người kia đi học, chính phủ sẽ trợ giúp không hoàn trả cho người đang đi học, cho đến khi tốt nghiệp, nên vợ tôi khuyến khích tôi đi học trước.
Trong thời gian gần hai năm học anh văn lớp đêm, tôi quen biết một cô gái Việt Nam tên Thủy. Cô ta người miền Nam, có trình độ bậc đại học, dáng người trang nhã, nước da trắng, tóc đen dài, khuôn mặt chữ điền, có chiếc răng khểnh, nên nụ cười không những xinh mà còn rất có duyên. Cô ta thường đưa mắt nhìn về một phương trời xa xăm nào đó, tựa hồ tiếng thở dài phát xuất từ u uẩn của nội tâm. Có lần tôi hỏi cô ta:
-Thủy biết buồn từ lúc nào?
Cô ta trả lời ngắn gọn:
-Từ lúc mất nhau!
Tôi có chút tò mò:
-Tại sao mất nhau?
Thủy lắc đầu, hạ thấp giọng bâng quơ:
-Anh ta tên ‘N’, lính Biệt Kích Dù, xuất thân Trường Võ Bị Đà Lạt, Thủy thương ảnh từ trước và sau này thay mẹ ảnh đi thăm tù.
Nghe cô ta nhắc đến Trường Võ Bị Đà Lạt, lòng tôi bỗng dưng chết lặng, nỗi đau từ vết thương chưa lành lại một lần rỉ máu. Cô ta có vẻ ngạc nhiên:
-Tại sao anh thở dài, có tâm sự hay anh cũng là dân Võ Bị?
-Vâng, tôi Võ Bị Khóa 26!
Như vừa gặp người bà con, cô ta nói như reo:
-‘N’ cũng khóa 26, hiện tại ‘N’ đang sống ở Mỹ, tiểu bang Connecticut.
Tôi bảo Thủy:
-Khóa tôi có nhiều người tên ‘N”, tôi đọc tên một vài người : Nhân, Nhơn, Nuôi, Nhỏ, Nhường…..,
Thủy lắc đầu, tôi bỗng dưng nhớ lại và lẩm bẩm một mình, khoá 26 về Biệt Kích Dù chỉ có hai tên ‘ ‘T’ và ‘N’. Đúng hắn rồi, nhà thơ của khoá đây mà! Tôi quay qua an uỉ Thủy:
-Những người có máu nghệ thuật, thường thì con tim của họ không bình thường cũng giống như cuộc đời của họ vậy, cho dù có đi vào vĩnh cửu chăng nữa, thì con tim của họ cũng chẳng bao giờ ngủ yên.
Cố nén cơn xúc động, có một chút gì long lanh từ trong khóe mắt của cô ta:
-Thủy biết điều đó, nên đáng lẽ đi Mỹ, Thủy đã chọn về định cư tại Canada, nơi có cái tên ‘xứ lạnh tình nồng’ đơn giản và dễ thương này.
Như còn đang ray rức, cô ta tiếp nối trong niềm đau:
-Con tim không thể bị gượng ép, Thủy chỉ là kẻ đến sau, một thứ thay thế, là ánh đèn tạm thời soi đường trong bóng đêm và sẽ không còn gía trị khi ngày mai trời lại sáng.
Thủy cúi mặt nhẹ ngâm bốn câu thơ của TTKH:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân nhạt nhẽo với chồng tôi
Và từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giữ trong tim bóng một người
Tôi hiểu được tâm trạng và nỗi lòng của Thủy và nhìn cô ta như một người bạn, một tri kỷ, tôi nhớ lại ai đó có lần đã viết hai câu thơ bất hũ dưới đây:
Đã trót tương phùng trong một quán
Dẫu trà ôi, rượu nhạt cũng là duyên
Một duyên kỳ ngộ trong căn quán lạ quê người(Edmonton college). Sau khi tốt nghiệp, mỗi người đi một nơi, chưa bao giờ gặp lại người con gái mang tên Thủy, trường lưu thủy(con sông dài) và không biết giờ này, con sông dài đó đang trôi chảy về phương nào.
LNguyen – K26
Tôi có một người anh cũng cùng khóa SQVB 26 tên Phạm Văn Khái và đã hy sinh năm 1974 , anh có biết anh ấy không ?
ThíchThích