Hôm nay là ngày 30 tháng 4 – hôm qua tôi ghé hội Hoa Đào tại một thành phố nhỏ thôi, trong tiểu bang California. Mùa xuân hoa đào nở, hội hoa đào khắp nơi, có hội hoa đào là có nhắc đến Nhật Bản, hoa đào có gốc từ Nhật mới tuyệt đẹp.
Hội Hoa Đào Cherry Blossom Fetival của thành phố Cupertino không có nhiều hoa để ngắm, nắng long lanh vừa đủ để người ta theo nhau ra công viên, nằm lăn trên cỏ, đói bụng ghé các quầy hàng mua vài món ăn nhanh, rồi vào xem đấu võ judo, aikido, các cháu bé được vẽ mặt bằng màu, những hình vẽ xinh xắn, có múa có đánh trống cổ truyền Nhật Bản, có áo kimono, những gian hàng của – người Trung Hoa – người Ấn – người El Salvador chiếm đa số – tìm những khuôn mặt Nhật bản hơi khó, đôi mắt một mí có lẽ đã pha trộn với đôi mắt sâu tây phương theo thời gian viễn xứ! Lần này người ta kỷ niệm 100 năm các cây hoa đào được du nhập vào Mỹ, vào các công viên tưởng nhớ “Memorial Park”. Hoa đào của thành phố Cupertino đến từ Toyokawa.
Để tưởng nhớ điều gì đó, bằng cách trồng một cái cây là điều tôi thích làm vô cùng, trong vườn tôi có nhiều cây trồng vào dịp gì đó – sinh nhật con gái – sinh nhật con trai v.v có cây còn cây mất, vì năm nào cũng có tiệc sinh nhật, cho đến khi các con đủ lông đủ cánh bay đi mất, các cây mọc chằng chịt sau vườn.
Chiếc áo kimono kiêu kỳ, nếu tìm hiểu mặc cho đúng không dễ chút nào, ngày hội các cô bé cũng tìm áo kimono để mặc –
Những chiếc áo này hẳn là áo thường thôi, phải dự hội tại thủ đô Washington mới đúng là hội hoa đào, nơi có hàng ngàn cây nở rộ, cùng lúc bao nhiêu cô gái Nhật xinh xắn từ khắp các tiểu bang khác về dự
(Hình của Tâm chụp ngày hội 100 năm 1912-2012 tại Washington DC)
(Hình từ Chowhong hội hoa đào 100 năm tại San Francisco)
Họa tiết trên mỗi chiếc áo là một bức tranh sinh động, giá thành của một chiếc áo rất đắt, nhưng vẫn chưa đáng với công ngừoi nghệ nhân thêu vẽ may nên nó.
Những cây hoa đào từ xứ phù tang, được trồng trong các công viên tưởng nhớ tại Mỹ, là điều tôi muốn nhắc đến – 37 năm không là ngắn khi nhìn những đứa bé sinh năm 1975 bây giờ là nhừng người đàn ông, đàn bà trưởng thành có gia đình, sự nghiệp, có chồng – vợ, con cái.
Ngắm nghía tưởng nhớ nhu+~ng người đã khuất cho một đất nước, một quốc gia với lòng biết ơn trân trọng, tôi đã đến thăm nghĩa trang quốc gia Arlington của Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn Washington DC, khung cảnh những mộ bia trắng chập chùng có lúc khiến tôi bị sợ hãi, sự sợ hãi vì bị ám ảnh trong quá khứ, nhưng bây giờ, khi có dịp nhìn ngắm những ngôi mộ tôi luôn có cảm giác bình an, nhẹ nhàng, kết thúc một đời người là nơi đấy, nơi có chập chùng bia mộ, nơi ghi tên tuổi năm sanh năm mất, điều còn lại của một đời người là có ai còn nhớ còn nghĩ đến nhân vật nằm sâu dưới ba tấc đất ấy hay không?.
Mỗi thành phố trong mỗi tiểu bang cũng có những công viên tưởng nhớ riêng của họ, để ghi ân những cư dân đã sống tại thành phố ấy, tên ghi trên những viên đá lát trên đường. Sự khác biệt giữa dân tộc Việt Nam của tôi và dân tộc Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là: phần đông các ông bà cụ Việt Nam không chịu để tên tuổi của mình lát đường cho con cháu dẵm lên, họ kiêng kỵ nghĩ là bị người đời dầy xéo, cũng như kiêng kỵ không cho con cháu dùng tên của mình đặt cho thế hệ kế thừa. Ngược lại với suy nghĩ ấy, để tỏ lòng kính trọng yêu thương, người Mỹ dùng tên của những người họ thương yêu tưởng nhớ đặt tên cho con cháu, cho những con thú họ nuôi trong nhà – tên thì khắc vào gạch lót đường đi.
tôi chụp hình những bảng tưởng nhớ cư dân thành phố Cupertino đã chết cho đất nước Việt Nam của tôi, tôi thì thầm cám ơn họ, cho dù bây giờ tôi đang sống lưu vong – cái chết của họ đã là nỗi buồn thóang qua trong ngày nắng đẹp, tôi ngầm nghĩ về thân phận riêng mình, thầm nghĩ đến nguyên nhân khiến tôi, một người phụ nữ Việt Nam, được đến sinh sống trên mảnh đất giàu có nhân bản này, ngày hội lễ hoa đào qui tụ các sắc dân không cùng màu da, tất cả chào hỏi nhau ân cần, chia cùng nhau nét đẹp văn hóa cội rễ của mình
Tôi muốn chia cùng các bạn tôi đang còn ở Việt Nam, nắng vàng gío mát khung cảnh tôi dang sống, nó khác lạ biết bao khi so với đường phố tấp nập xe chạy như mắc cửi, và lắng đọng sâu kín trong lòng tôi nỗi nhớ lung linh bay trong gió theo chú cá chép biểu tượng may mắn thịnh vượng của người Nhật.
Tôi đang tìm xem biểu tượng của dân tộc Việt mình là gì trên xứ người, trong nhũng ngày hội có tên TET Festival, những cành hoa mai vàng chưa bén được rễ vì khí hậu lạnh! Biết bao giờ nhỉ hoa mai vàng rực rỡ khoe sắc cùng màu cờ vàng duyên dáng, đúng rồi biểu tượng của người Mỹ gốc Việt bây giờ là lá cờ vàng có ba sọc đỏ tôi yêu.
Trong tương lai, tên của tôi không ai biết, vì tôi không có cơ hội để chết cho một lý tưởng đẹp đẽ trong quá khứ, cũng chẳng là gì để người ta phải khắc tên mình trên gạch cho mọi người dẵm lên, hạnh phúc của tôi hiện tại lúc này là mỉm cười cùng số phận lưu vong mình đang có, hòa nhập vào nhịp sống an bình không giả tạo, xếp hàng mua một ly trà xanh pha thêm sữa có đá bào nhuyễn mịn như tuyết.
Nhìn tám hướng cá chép bay bay theo gió trên trời.
Chào chị Như Hoa. Lâu lắm mới có dịp nghe tin về chị. Thân chúc anh chị luôn anh vui, hạnh phúc. Cám ơn chị về những chia sẻ và sáng tác.
N A D
Baton Rouge, LA
ThíchThích
Thưa Niên Trưởng khỏe không ?
Từ ngày có hai cháu Vinh và Khiêm, tôi bỗng thấy mình quan trọng hẳn lên.
Lên chức bà khiến người phụ nữ lăng xăng đủ thứ chuyện chững lại, không phải vì tự ti mình già đi, mà vì yêu quá đời này – cuối tuần ngày xưa là của mình, nay là của cháu, cho dù các cháu ở xa vài tiếng lái xe, tôi cũng bị nhớ nhung hành hạ .
Không đi thăm được ở nhà càng bị …khó tả quá niên trưởng ơi, đôi lúc gắt với cả anh của tôi, khiến anh phải nói: “các bà nhất là bà ngoại nhớ cháu như nhớ tình đầu, càng gặp gỡ càng nhớ thêm!”
Cám ơn niên trưởng theo dõi ý tưởng lẩm cẩm của tôi.
Kính mến.
ThíchThích
Mot tam long . Nho chi Nhu Hoa lan gap nhau o Sai gon nhieu ky niem kho quen. Chuc anh chi hanh phuc .
ThíchThích
Chị Mai thân mến, mình vừa đi xa về nên hôm nay mới viết trả lời đến chị .
Mình cũng nhớ Sài Gòn nữa, bây giờ Sài Gòn có thêm tên một người bạn dễ thương Huỳnh Mai .
ThíchThích