Lễ Độc Lập


Tháng bảy, những cơn nóng hừng hực làm người ta thèm đi nghỉ, nghỉ ở bất cứ nơi đâu không phải là nhà của mình.
Tháng bảy người ta chào đón ngày lễ Độc Lập với thịt nướng, bia lạnh, pháo bông, cắm trại niềm vui vì được nghỉ lễ, nỗi ngậm ngùi khi nhớ lại hình ảnh đau thương máu đổ xương phơi để giành được độc lập. Ngày lễ nào không có ngậm ngùi!
Tháng bảy hẹn hò nhau đi đây đi đó, đi cho biết, đi cho thấy, đi để học cả sàng khôn, đi để tiêu dùng cho hết món tiền chính phủ Mỹ trả lại từ khoản thuế đã đóng hay được trợ cấp hậu hĩ từ đại dịch, chuyện lạm phát không làm dân chúng Mỹ chùn bước dù tin tức trên báo trên ti vi có la làng ầm ĩ về nó, ngay cả gia đình tôi thuộc dạng không giàu có vẫn sống được thoải mái thì có gì phải lo, tôi nghe câu: “Dân Mỹ giấu tiền nhiều lắm 401K – hưu bổng saving ba bốn giỏ không dễ mất hết dễ dàng đâu!”. Giá xăng có nơi đã niêm yết con số sáu tròn trịa không thắng lại những ngày bị nhốt vì dịch bệnh nên người ta đi khắp nơi, cảnh dồn ứ ở phi trường vì máy bay bị đình trệ trên truyền hình nhìn thấy sợ quá, mọi sự thay đổi kinh khiếp không như cách đây đúng 33 năm 1991 – 2022.

Ngày lễ Độc Lập của Mỹ cũng là ngày đầu tiên tôi đặt chân xuống phi trường San Francisco nhớ đêm ấy từ phi cơ nhìn xuống, đèn giăng như sao, pháo bông bắn lên trời khiến người tị nạn rùng mình tưởng bị đạn pháo kích.

Những năm trước, các con tôi đã sắp xếp chương trình đi chơi cho cả gia đình, tôi rời nhà một tuần trước ngày lễ để ngồi trên xe con lái lang thang khắp chốn, không cần biết đến đâu, thênh thênh thang thang như mây trôi vô định, con gái và con rể đã lên chương trình đã mướn khách sạn nghỉ đêm hay nhà AirB&B nếu ở vài ngày – mọi sự “dễ như trở bàn tay” câu này đúng nghĩa đen không còn là nghĩa bóng nữa vì trên tay là chiếc điện thoại thông minh Iphone hay Samsung, chỉ đường đi nước bước tiệm ăn nào ngon cây xăng nào rẻ – có lần chúng tôi tìm được nhà hàng ở nơi thâm sâu cùng khốc, chưa bữa ăn nào ngon hơn thế vừa mệt vừa lo, có lẽ chỉ tôi lo thôi chứ con cháu thì tỉnh bơ cho dù tìm không ra nhà hàng trên xe cũng có lỉnh kỉnh mọi thứ không sao đói được, tài xế thì khỏe thích lái xa nên đến đâu cũng được, mấy giờ cũng không là chuyện phải lo!

Giá xăng đắt đỏ, nhưng đại hội Võ Bị Đà Lạt được các cháu Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu góp sức tổ chức vinh danh Cha – Chú được tổ chức nền nã tôi được chiêm ngưỡng từ xa trên phương tiện Youtube, cùng lúc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến cũng tổ chức đại hội tại tiểu bang Iowa. Có chồng đã phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, đã từng là sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt, tôi được phép tham dự nhiều buổi lễ kỷ niệm, được nghe bao câu chuyện cảm động và được nhìn những giọt nước mắt rưng rưng. Từ nhà ở miền Bắc California xuôi về Nam California vài tiếng lái xe vậy mà lần này chúng tôi không về được, không sang Iowa được, các con lần này đứa đau đứa phải đi làm và anh của tôi cũng không khỏe, bạn đến nhà chơi cũng phải trốn trong phòng không ra gặp mặt, chỉ chào nhau qua cửa kính, chương trình đi chơi lang thang cũng phải hủy bỏ.
Nhớ mỗi lần anh tôi gặp lại bạn cũ là một lần kỷ niệm buồn vui trở lại, những tên gọi những ngôn ngữ của một thuở xa xôi cùng tìm về. Ngồi nghe những câu chửi thề lạ tai, nếu không có nó không phải là ngôn ngữ của người lính, sống chết trong phút giây không chỉ đàn ông mà còn có bao mái tóc dài trong bộ quân phục bạc mầu, các chị giữ chức vụ cao đến nay oai phong vẫn còn vang vang nhắc nhở, trong khi tôi vào thời chiến chỉ là cô con gái thành phố đi học và nghe tin tức chiến trường trên radio – trên trang nhất báo chí giống như bây giờ theo dõi tình hình chiến sự của nước Ukraine, nên tôi chỉ ngồi nghe cùng cảm nhận nhịp đập những trái tim rung động mọi người đã từng sống trong nó họ chỉ nhắc nhở tưởng nhớ một thời đã qua, không trách móc yếm thế, chỉ biết hân hoan nhìn con cháu đang theo học tại các trường đào tạo cấp chỉ huy trong quân đội USA, nhìn các cháu đang trong hàng ngũ chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến trẻ – Young Marine. Những khuôn mặt cứng rắn trong bộ quân phục oai phong, các cháu muốn nối tiếp cha anh để phục vụ cho đất nước các cháu đang sinh sống, đang nhận làm quê hương, quê hương thứ hai.
Ngày lễ Độc Lạp của Hoa Kỳ mà tôi hát thầm bài:
Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng.
Ðồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống!
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dầu cho thây phơi trên gươm giáo,
Thù nước lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người công dân luôn vững bền tâm trí,
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Namcho đến muôn đời!

Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!
Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá vẻ vang, đời sống
Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng.


Cho dù bây giờ bài quốc ca của tôi là “The Star-Spangled Banner”, tạm dịch là “Lá Cờ Lấp Lánh Ánh Sao”


Tôi rung động khi tiếng nhạc hùng hồn cất lên – Độc Lập – Tự Do tôi đang sống trong nó, bao hoài niệm là niềm tự hào của một dân tộc tôi mang dòng máu màu da, tôi hạnh phúc biết dường bao khi niềm tin vào thế hệ con cháu ngày một mãnh liệt hơn, dân tôi đang tiến bước dù chông gai vẫn còn trước mặt – trên quả đất này nơi nào mà không có chông gai, điều chính yếu là con người có muốn cùng nhau nhổ nó đi để trồng mầm hoa mầm lúa nhân bản hay không thôi!
Chúc các bạn khắp nơi bình an buổi sáng hôm nay giống như tôi người phụ nữ đang bình an viết về hình ảnh quá khứ Việt Nam trong ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ./.

2 Replies to “Lễ Độc Lập”

  1. Đọc lại ca từ Quốc Ca gợi nhớ mỗi sáng thứ hai trong năm học thời Trung Học, một lớp thay phiên được chọn hát Quốc Ca khi toàn trường đứng nghiêm trong lễ thượng kỳ. Trước Đổi Đời, những kỷ niệm và Quốc Khánh 26-10.

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này