Mỗi năm vào ngày lễ Tạ Ơn, tôi thích nhớ về những ngày vừa bước chân đến Mỹ, mỗi năm trí nhớ đưa tôi về một khung cảnh khác nhau, một vài khuôn mặt khác nhau. Con gà đầu tôi nướng, đến con thứ hai, rồi con thứ ba, thay vì ăn những món thuần Việt Nam, anh bạn đã khuất của chồng tôi, thưở ấy dậy tôi nướng sò – loại sò to thật to khi có tiệc anh mua một bao hai mươi ký, bảo tôi nướng lên ăn với muối tiêu chanh, căn bếp nhỏ xíu nhà tôi lúc ấy cho đến bây giờ cũng vậy, khoảng rộng vừa đủ cho một gia đình năm người, gần hai mươi người căn nhà thành nhỏ xíu, đi qua lại đụng vào nhau. Đọc tiếp “Lễ Tạ Ơn”
Mưa
Hôm nay là sinh nhật của cô Út, cô Cọp Cái của gia đình, mưa ơi là mưa, tiếng cửa vừa đóng lại, lời chào với: “Con đi nha Má!” nhóm bạn của cô mang cô đi ăn trưa tại một nhà hàng nào đó trong vùng, có thể là nhà hàng Nhật hay nhà hàng Mỹ, hôm qua Út nói với tôi như thế.
Hai mươi lăm tuổi vẫn còn nhõng nhẽo, tôi nói với con hôm qua: Bằng tuổi con má đã có em bé, đã làm mẹ, con thì y như . . . Nhìn con tôi ngưng lại, ngắm kỹ thêm chút nữa, ừ con bé vẫn còn nhỏ xíu cho dù đối với xã hội con đã sẵn sàng bước chân vào với sự tự tin và lòng chân thành.
Trời hôm qua thật đẹp, lái xe lên nhà cậu Giữa. L mừng sinh nhật em gái bằng một buổi chợ trời San Francisco, ăn vặt “lung tung” và dẫn ba má đi chơi tung tăng, đủ dài để toát mồ hôi quên làn hơi lạnh 50 độ F, đủ ngắn để đầu gối của ba không bị đau.
Đến khu dân chúng cắm lều biểu tình, nhìn cảnh tự do lộn xộn, nhìn các cô các cậu trẻ múa hát theo nhạc kiểu tự phát giống vài youtube do Flash Mob giàn dựng thật vui.
Chợ trời San Francisco rất đặc biệt- dân chúng tại thành phố đắt đỏ này sống . . . sướng lắm, nhà cao cửa chút xíu như cái hộp,
Tiền chăm sóc chung quanh khoảng 300 đồng US một tháng, trong đó có vườn cho chó đến chơi!
Dân San Francisco chăm sóc sức khỏe rất kỹ, ăn uống rau quả không có hóa chất, không muốn phá hư môi trường sống, suy nghĩ phóng khoáng, thích nuôi chó, thân thiện, thức ăn từ biển mang lên bán đắt ơi là đắt
Cậu Giữa nói: Rau này ở nhà mình đầy ra nhổ không hết “khó nhổ dễ trồng!” phải không Má!
“Má mua về nấu soup ăn ngon lắm, bào mỏng trộn salad cũng ngon nữa!” Anh chàng ở nhà không hề đụng đến cái nồi, bây giờ nấu ăn kiểu cách đủ vị – Tây – Pháp – Ý
Má mua cá cod được đó – cá ông sư monk fish cũng ngon luôn, ăn giống thịt lobster lắm!
Món hoa này lâu ghê rồi má không làm nữa hả! Ừ má sẽ làm lai., hoa đẹp quá!
Ba cha con bị má bắt ăn uống thanh đạm nên ốm nhom ốm nhách – không phải đâu, mình ăn uống điều độ tập thể dục đàng hoàng mà, đâu phải tại má đâu nè!
Máy hình nhờ người ta chụp giúp không bao giờ có hinh đẹp – miễn mình nhớ là đủ rồi mà
Nhà mình mà có trần cao, con cũng treo đèn như vầy đó,
Má nhìn gì đó! Tiếng kèn hay quá!
Còn cao hơn nữa hả!
Một ngày thật êm đềm .
Nhớ – Nghĩ – Viết
Có lẽ tôi không có thói quen chờ đợi người khác làm điều gì đó cho mình, tôi tự mình tìm tòi làm lấy! có lẽ vì hoàn cảnh – vì những biến cố đã xảy đến trong cuộc đời của tôi khiến tôi có cá tính này. Tôi thích cho đi hơn là nhận lấy, luôn trong tâm trạng, sắp đi sang một nơi chốn mới cần gì lấy thêm vào cho nặng, cho khó mang vác.
Lúc Mẹ tôi ra đi, Mẹ chưa đến tuổi bốn mươi, tôi chưa đủ lứa trăng 18, bốn cô em gái cách nhau hai tuổi, ba tuổi , năm tuổi, bảy tuổi và cậu em cách mình hơn con giáp, lúc ấy chưa lên hai! Ngẫm lại, tôi ngơ ngơ ngác ngác lãnh chức tay hòm chìa khóa do Bố tôi giao cho. Bố tôi đưa cho tôi một tháng tiền chợ, mỗi ngày trước khi đi học tôi đưa cho bà Út đi chợ, bà Út là người vú nuôi của cô em thứ hai, dáng bà tròn trĩnh không có thước tấc – bà nói giọng nhỏ nhẹ, nhưng kiên quyết đối với tôi, mỗi khi tôi mè nheo bà cho tôi ăn vụng. Nhớ đến bà tôi nhớ món thịt kho với đu đủ. Tôi chưa bao giờ được ăn vì mẹ tôi không kho thịt độn với bất kỳ thứ gì. Tôi khen ngon tới tấp dù bà nấu chỉ một món, không như mẹ nấu ba món kho – canh – xào. Bà dùng chiếc nồi gang to, kho nhạt rồi rau ghém chấm nước kho, đi học về đói mềm người xin được ăn trước, bà nhất định: “Cô phải chờ cậu về mới được ăn!”
Thay quần áo xong, tôi lẻn vào bếp mở nồi nhón miếng thịt, bà bắt gặp, mặt của bà cau lại lẩm bẩm: “Con gái ăn vụng như thế không tốt, xấu kắm cô ạ, phải nghiêm trang phải đâu ra đấy, không “thờm bơm” được!” Mãi đến bây giờ tôi cũng không hiểu chữ “thờm bơm” có nghĩa là gì, nhưng chắc chắn không có nghĩa tốt.
Trưa hôm ấy, khi ngồi vào bàn ăn trưa, bà mách với Bố tôi, ông nhìn tôi cười và bảo: “Con phải nghe lời bà Út, con lớn rồi sao lại đi ăn vụng!” tôi phân bua: “Con đói quá chừng!” bố tôi cười hiền nói với bà Út: “Đi chợ bà mua thêm bánh trái cho các cháu ăn dặm, hay cho các cháu ăn cơm trước để các cháu đi học buổi chiều nữa, không cần đợi tôi về!”
Bố tôi nói thế, nhưng bà nhất định không cho chúng tôi ăn cơm trưa trước Bố, bảo như thế là hỗn, không được là không được! Bà cho chúng tôi ăn phỏng – bỏng, một loại cốm gạo sên với đường gừng, hay cơm cháy chan mỡ hành, để đợi bữa chính ngồi chung bàn với Bố. Bà bảo để Bố ngồi ăn một mình sợ ông buồn.
Tôi nhớ mãi sau ngày Mẹ tôi bất ngờ ra đi, Bố tôi đau khổ lắm, ông viết cả quyển vở 100 trang chi chít chữ, những chữ nhòe nhoẹt nước mắt. Nếu không có ngày 30 tháng 4 1975 tôi đã không đọc được những dòng ấy.
Tôi viết có lẽ vì thừa hưởng chút gì từ Bố tôi, ông có một tủ sách, trong đó là những quyển sách ông tự đóng lấy, gáy cứng dầy, ghi lại chi tiết từng khoảng đời ông đã trải – từng mối chân tình ông đã có – ai là người ông yêu – ai là người ảnh hưởng đến cuộc đời của ông nhiều nhất!
Bố tôi hiền lắm, lòng ông là một tấm vải nhung mềm mại, ông muốn bọc tất cả mọi thân yêu trong nó, ông không ghét hờn giận bất cứ ai . Tôi yêu Bố tôi lắm, không chỉ là người sinh thành ra tôi, ông còn là thầy là bạn là nơi tâm hồn tôi ẩn náu khi gặp bất trắc.
Tôi còn nhớ bao lần tôi đựoc Bố cho đi ngắm trăng, thuở lên sáu bảy tuổi, mười ba, rồi Mẹ mất Bố con tôi đi dạo ngắm trăng, tôi kể lê/ cho Bố nghe đủ chuyện
Tương Như – Bá Nha – Lily Bee
Âm Nhạc! Music! Musik! Musica! Música! La Musique! My3blka! Định nghĩa của những chữ trên tựu chung về đôi tai, sau đó lan lên não, truyền xuống tim và rồi con người thay đổi nó cho hợp với tâm trạng ý thích, chắc chắn không ai có thể khuyên nhủ hay ép uổng ai, phải thích nghe âm thanh này, thay cho âm thanh khác, bỏ nhạc cải lương nghe nhạc cải cách, bỏ nhạc mùi nghe nhạc sang, bỏ nhạc Tây nghe nhạc Tàu, bỏ nhạc chuyên nghiệp, nghe nhạc tự biên tự diễn vân vân và vân vân . . .
Chưa hết, lại còn các công cụ tấu lên âm thanh nữa, các âm thanh ấy do sự điều khiển hỉ nộ ái ố từ các ngón tay mân mê nó, gây nên xúc tác gieo đổ mọi thứ tình vào người được nghe, khiến họ si mê đắm đuối, mơ màng tương tư, có khi gây nên tử vong không thuốc thang nào chữa được. Đọc tiếp “Tương Như – Bá Nha – Lily Bee”
Nắng Thu
Mùa này ánh nắng thật vàng rọi vào khung cửa, soi bóng thật lạ lên bức tường, tạo thành những bức tranh thật đẹp
Hoa Thiên Lý
Đợi hơn hai mươi năm, hoa thiên lý lại về với tôi, trong khu vườn nhỏ này .
Lần trước, một người bạn biết hai vợ chồng tôi tìm hoa thiên lý – San Jose không là nơi để thiên lý mọc thoải mái, anh vẫn cho chúng tôi vài nhánh đã có rễ, hai vợ chồng chăm hơn chăm con mọn bê ra bưng vào đón nắng, thế mà vẫn đành chịu thua. Đọc tiếp “Hoa Thiên Lý”