Dấu Hiệu Mùa Xuân

Bão xếp hàng thổi vào California, San Jose – Milpitas San Francisco – cả 10 năm không mưa các hồ chứa nước khô dần đi lệnh cấm tưới cỏ lệnh phạt v.v được loan truyền toàn tiểu bang – khách ghé chơi ai cũng chia sẻ nỗi tội nghiệp dân miền Tây, nay thì lụt vài nơi đá đất lở cây đổ đè nhà đè xe đè người vì gốc rễ khô kiệt đất bị tơi nay gió to nay mưa lũ thì đổ chư làm sao mà trụ lại!
Nói đến cổ thụ đổ vì rễ khô kiệt không dưng lại nghĩ đến chuyện “đế quốc” suy tàn, hơn 500 năm dân chủ độc lập hợp chủng quốc, đa dân tộc đa văn hóa, nổi tiếng hào phóng giàu có lịch sự nhân văn, con nít đàn bà chó mèo được quý ông bảo vệ quên thân mình, họ tự cho họ vào cuối bảng, nay thì . . . như gốc rễ không được vun bón cẩn thận nên nó cứ tự nhiên mà đổ, con nít bị giết vì bị bắn, ông bà già bị những tên to xác đấm đá té dập mặt trên vệ đường, xe bị đập kính . . . . kể ra thì toàn chuyện không vừa ý không hài lòng, mình thì lại không còn trẻ để ươm mơ thành “Phù Đổng” đập cho chúng mày một trận!
Buổi sáng còn tối thui vì mây đen thùi che hết khoảng trời ngoài khung cửa, dấu hiệu mùa Xuân vẫn đong đưa vài nụ hoa vàng – chậu mai gần 18 tuổi vẫn kiêu hãnh dưới mưa cho dù gió thổi bay hết những cánh vàng la liệt phủ sân trước, những đóa hoa trái mơ trái mận, trái cherry nữa chúng nó đều kiêu hãnh không sợ bão, mình là người lại sợ bão, mở cửa ra ngắm nghía cây cỏ khi mưa ngớt nghe tiếng chim ríu rít cho chúng ăn chưa đến nửa tiếng đã lại phải trốn vào nhà vì sổ mũi vì nhức tay nhức chân thêm chuyện chóng mặt, đâu ra mà có những chuyện này nhỉ! Ngày xưa cứ thấy mưa là phóng xe đạp ra đường, kể chi cho xa vài năm trước còn leo hết núi này đồi nọ như sóc chuyền cành! Đọc tiếp “Dấu Hiệu Mùa Xuân”

Hình


Hình này khoảng năm 1980 – 81, ngắm lại màu giấy nhớ thuở thuốc rửa hình không còn mua được nữa cả giấy để in hình ra cũng hiếm – lại nhớ thêm nghề chụp hình dạo thời ấy rất thịnh hành trong sở thú – Thảo Cầm Viên, gần hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay cạnh trường Võ Trường Toản – Trưng Vương, các cựu học sinh của hai trường này ai cũng biết lối vào không cần mua vé để tìm nơi tĩnh mịch ôn học bài dưới những tàng cây cao bóng mát, vài đôi lứa đã từng hẹn hò nay đã thành cụ ông cụ bà cũng không sai.
Bất ngờ thấy lại hình của mình khoảng năm 1980 bồi hồi không sao tả được, thuở khổ sở tìm cách sống còn với người ta mà nụ cười cứ như không biết bão tố là gì, con bé ngồi trong lòng mình bây giờ đã than thở: “Con già rồi!” mình nghe con nói mà chẳng thèm trả lời, chỉ kể lúc chụp hình này là bác Tú chụp, mình không có hình nay nhìn thấy vui biết bao. Hình như khi ấy mình và các bạn đang có nghề chụp hình dạo, nghề ấy là thế này: thợ đeo máy trước ngực khách sẽ ghé đến nhờ chụp, thợ bấm bấm bấm, hẹn ngày và địa điểm đến lấy, thông thường cứ chụp ở đâu hẹn gần gần khu ấy để giao! Không nhớ ai nghĩ ra nghề này nhưng cũng kiếm ra tiền đắp đổi qua ngày được vài năm từ đen trắng lên hình màu! Giấy Kodak được gởi trong những thùng quà người thân đã vượt biên hay bỏ nước ra đi tháng 4 năm 1975 còn có thể tìm ra nhưng nước rửa phim để hiện – định – hãm hình thì khó vô cùng, trong nhà làm phòng tối mùi thuốc chua chua khó chịu, bất cẩn là bị tổ trác nguyên cuộn phim bị cháy thì . . . ôi chao ơi trốn khỏi nơi chụp hình ấy luôn, bây giờ cứ giơ phone lên bấm là có ngay hình gởi đi lung tung, muốn in ra cũng thế chỉ bấm bấm nghe tiếng máy in kêu vài giây là hình đã nằm trên giấy để ký tặng hay lộng vào khung và treo lên tường để khoe!
Các lớp nhiếp ảnh thập niên 70 dành cho các cô cậu có tiền mua máy chụp hình – làm người mẫu cho anh trong nhà hay ra tiệm cho thợ chụp, nếu đẹp họ sẽ phóng to chưng trong tủ kính trước tiệm, người mẫu sẽ có một tấm hình to làm kỷ niệm treo trong nhà. Kể cho con và cháu nghe chúng nó trợn mắt tròn xoe như nghe điều gì ấy khó tin nhưng có thật! Phần đông thợ chụp hình là quý ông, còn phụ nữ thì hiếm lắm, chỉ làm người giao hình thôi, có nhiều chuyện cũng vui vui trong nghề này, mong thấy hình, thấy rồi mắc cỡ trả tiền lấy ngay không cần xem hết tất cả, có người thì dẫy đành đạch là hình xấu không lấy v.v có người không tới lấy thợ buồn thiu vì lỗ nặng nhưng có khi vài ngày sau khách lại đi vòng vòng tìm cho ra thợ để lấy hình.

Nhờ những hình ảnh cũ kỹ này mà có thể khẳng định thời trang theo vòng tròn, kính mát mình đeo lúc ấy và bây giờ có khác chi nhau, vài mẫu áo mình mặc thuở xưa nay con gái mua cũng thế, suy ra ngay cả những chuyển động đất trời và con người trên quả đất này cũng là lập đi lập lại. Áo đầm này hoa văn y như một chiếc áo dài cũ lắm mình đã tự may mặc lấy trước năm 1975 – hai “bồ nhí” năm nào của mình nay phổng phao thế này, không lâu nữa . . . mình sẽ giành lại tước hiệu xì trum trong nhà.

Thật Giả

Hồi xưa còn biết thật giả, bây giờ thật cũng nó mà giả cũng nó – giữ hồn thinh lặng ngẫm nghĩ nghe tiếng đập trong tim thì biết mình còn thở còn sống, mở máy computer lên đọc xem bạn hữu thế nào – người đau có bớt bệnh chưa, chồng của bạn đã vượt qua thử thách chưa, tán dóc với các cô em quen biết nghe khen “già lão còn xinh” – Ừ thì đây nhé xinh nhờ cái phone quỷ quái chụp hình sao mà da căng mịn như vài mươi năm trước, chưa kể phấn son cũng góp phần che giấu!
Thời buổi . . . này tin được điều mình đọc và nghe hơi khó bây giờ lại thêm Chat:

“Chat GPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11 năm 2022. Chat GPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 – một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI đồng thời được tinh chỉnh bằng cả hai kỹ thuật học tăng cường lẫn học có giám sát”

Không đụng sẽ không biết – đụng vào nó lại nghi ngại cuộc đời – Thơ – văn là cái mình bám víu cho đời thêm hương sắc, nay có đứa trên trời nó . . . . a thần phù nẫng tay trên, bao nhiêu mơ mộng nghĩ suy vớ vẩn khi thấy hoa nở đưa hương viết xuống của các nhà thơ nó gom hết vào bộ nhớ, mình vừa cho nó chi tiết nó tổng hợp lại trả lời thêm vốn cho mình!

Thôi rồi ta không gõ nừa, tâm huyết trong lòng lộ ra trên máy tính “nó” sẽ lưu lại và san qua sẻ lại cho nhân loại trên hành tinh này, bây giờ mà còn trẻ ta đây sẽ ra tay tế độ chúng nhân bằng cách nghĩ ra “phần mềm” truy cứu đứa nào lưu giữ những ý những tình của bao người thật sự trao gởi trên vùng “trời” bị gắn đầy thiết bị “sa tơ lai” – Leo lên xe là biết xe đang đi đến đâu, vào shopping center cũng bị theo dõi, trả tiền món hàng vừa mua ngân hàng biết báo ngay cho người chia giường chia gối đang ngồi ở nhà, nói chung là cái đám sa tơ lai đó ngoài nhiệm vụ tình báo quốc gia còn thêm nhiệm vụ theo dõi hạnh phúc gia đình . . .bất kể nghèo giàu đều bị!

Giơ hai tay lên đầu kêu: Trời ơi xuống đây mà coi nè, ông không lo mai mốt tụi nó thay ông hành đạo luôn nghen! Nghe đâu sẽ có mưa giả cho vùng khô hạn, nắng giả cho chỗ lạnh teo!

Điều mà thế giới mong nhiều nhất là có cách nào biến vũ khí giết người thành bánh cho người đói ăn – biến tiền bạc dùng cho chiến tranh thành tiền xây dựng nhà thương công viên cho . . .

Đúng là đang mơ chuyện viễn vông – hít sâu thở nhẹ đi mà sống tiếp cho đến khi chấm dứt . . .kẻo thằng Chát Gọi Phải Thưa nó xin lỗi rất lịch sự: “Tôi chỉ là bộ nhớ nhân tạo, câu hỏi riêng tư xin tự trả lời!”

Nửa Nhánh Mimosa

Gởi đi rồi, vứt bỏ đi rồi sao vẫn còn chút gì nghèn nghẹn. Chuyện đã qua, hơn hai mươi năm thời gian dâu bể, dấu vết xưa chắc gì tìm lại được, người ngày xưa chắc gì còn tơ vương.
Buổi sáng trời mây mù, những giọt mưa phùn từ đêm vẫn dầm dề không tạnh, chiếc áo len chừng không đủ ấm mà lòng cứ bảo đi đi. Khoác thêm chiếc manteau, quàng thêm chiếc khăn quanh cổ và đi, chỉ cần đến đấy, chỉ cần nhìn lại thế thôi! Hơn hai mươi năm sao chẳng mờ đi, sao chẳng nhạt nhoà, chỉ cần chút thôi nhắc nhở lại nhớ cuồng điên.

Nơi ấy, tiếng thông vi vút hoà vào gió, hương thoang thoảng êm đềm, bất kỳ trưa hay chiều sáng hay tối, nắng lên hay mưa mù, cảnh sắc xanh ngăn ngắt, thanh thản bình an. Đến đấy thôi, để một lần nhớ lại, một lần gọi tên và quên.
Hết đường Phan Đình Phùng, cố lần mò leo lên con dốc gần như thẳng đứng, mòn nhẵn vì bao bước chân người từ năm này sang tháng nọ, những bước chân thích thú khi cố bấu chặt leo lên và cố ghìm chặt khi bước xuống, con dốc này ngày xưa không khi nào tôi dám đi thử, dù có nhìn thấy, có biết sẽ rút ngắn một phần ba đoạn đường từ nhà đến chợ.
Cho đến khi anh đến, nhẹ nhàng như cơn mộng, gõ cửa hồn tôi mời tôi nhập vào giòng sông tình ngây dại và dẫn tôi đi trên con dốc này bao bận, dấu chân hai đứa đã góp phần mài mòn thêm con dốc. Dốc ơi, có biết ngậm ngùi cho đôi chân còn nhung nhớ đôi chân.
Nhớ làm sao lần đầu leo dốc, phải nhờ ai nắm cả hai tay kéo lên, khi xuống lần mò như muốn trượt, lại tay ai phải âu yếm ân cần, mấy bận rồi đỏ mặt, khi rơi hẳn vào bờ ngực ai kia vững chãi. Ngang qua café Tùng ngày xưa, bây giờ vẫn còn là quán café, nhưng chắc gì còn người chủ cũ, ngày nào đó có tôi cô gái tròn trăng lúng túng theo ai bước vào mắt trước mắt sau, sợ có người nhìn thấy.
Vị đắng café học đòi theo anh bây giờ thành thói quen mỗi buổi sáng, nhìn khói bốc hương thơm mà nhớ lần đầu ương ngạnh nhất định đòi bằng được café fin đen như anh, để anh tủm tỉm cười khi tôi nhăn mặt nếm thử và cho gần hết hũ đường vào ly, rồi nói anh nghe “ngon quá.”
Ra chợ ngang qua sập hàng chị Chúc, người chị của các sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt, hết khóa này sang khóa khác, mỗi khi thiếu tiền đi phố đến thăm chị, mượn tiền chị dễ dãi cho mượn ngay. Lần theo anh ghé chị, ngây thơ tin anh cần mua kim chỉ lặt vặt, cho mãi đến sau này mới biết anh mượn tiền chị, để dẫn tôi đi ăn tối vương giả trong nhà hàng Palace, có bông hồng vàng, có ánh nến lung linh. Chị Chúc đã sang Mỹ, sập hàng hoàn toàn thay đổi, nhưng trong tôi vẫn có chút ngậm ngùi vì nơi này có dính líu đến anh.
Xuống nhà lồng, ngang tiệm giò chả ngày xưa mình hay ghé mua trước khi thả bộ lên đồi Cù, có cô bán hàng lém lỉnh hay nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi “là gì của nhau?” Còn những cô hàng bông khi thấy các anh sinh viên Võ-Bị luôn vui vẻ chào mời, tôi đã sung sướng hãnh diện bao lần, được anh tặng cả bó hoa bất tử cầm trong tay lang thang dạo phố cùng anh.
Mưa vẫn cứ lất phất, đồi Cù như bức tranh nhòa nhạt trong tôi, một khoảng thật nhỏ nhoi còn sót lại là gốc thông già chưa bị cưa đi, từ nơi này tôi ngắm lại hình ảnh tôi và anh, ngày hai đứa có thể nói chuyện đất trời không đâu vào đâu, cả ngày chẳng mệt.
Năm thứ Tư, sinh viên sĩ quan được phép ngủ đêm thứ Bảy ngoài phố, chiều Chúa-nhật mới phải trở về trường, đã bao đêm anh ngủ lại nhà tôi, căn nhà trơ trọi có thông bao bọc bốn bề, trước mặt là ngôi chùa nhỏ Từ Quang sau lưng nhìn xuống thung lũng bạt ngàn, anh ví tôi như cô công chúa sống trong đài cổ tích.
Còn nhớ không anh! Có đêm anh, anh tôi, chị em tôi ngồi ngoài hiên ngóng lạnh, để tôi khám phá một điều con gái khi lạnh chỉ có cánh mũi phải chịu đựng, còn đàn ông con trai đi lính như anh, thì bị lạnh thêm cả hai tai, điều này có gì lạ và quan trọng đâu sao làm mọi người cười vui như nắc nẻ, khi đòi sờ tai sờ mũi nhau đêm ấy.
Rồi mùa đông giá, hai đứa đi chợ phiên – chợ thường tổ chức khoảng một tuần từ chiều đến khuya, trước ngày lễ Giáng Sinh – các gian hàng bán thủ công mỹ nghệ, nơi hò hẹn của thanh niên nam nữ Đà-Lạt – tôi rang hạt dẻ ủ trong khăn tay, bỏ vào túi áo khoác của anh và của tôi, tụi mình hòa vào dòng người như trảy hội, tiếng nói cười râm ran rộn rã, hứng chí anh hát: “Ôi gió rung ngọn đèn vàng, ôi gió say lòng rộn ràng, mơ môi em hoa thơm trinh nguyên, mơ tay em đem bao yêu thương…”
Bất ngờ có những tiếng hát hòa theo:
– Biết đâu rằng rồi mờ hơi sương.
Để rồi sau đó, mọi người đang trên đường đi đến chợ phiên cùng hợp ca
– Sau lưng em đèn kết hoa… *
Người Đà-lạt chịu ảnh hưởng của gió lạnh và sương mờ nên rất lãng mạn, ai cũng có thể là thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ vì ai cũng muốn nói lên lòng mình cho mọi người cùng biết cùng nghe. Làm sao không rung động với má đỏ au con gái, với tóc dài chấm ót những anh chàng tuổi trẻ sinh viên học sinh, điểm thêm dáng oai phong của bộ quân phục dạo phố alpha đỏ của các anh Võ-bị.
Nhớ không anh có lần sau khi tan lễ nhà thờ chính tòa, trên dốc về tôi buộc miệng khen cánh hồng nhung đẹp quá, làm anh chàng đang dắt xe đạp mang hoa ra chợ cho mẹ bán đã không ngần ngại tháo tung cả bó hoa, lựa đoá đẹp nhất cho tôi. Với cành hồng tôi tung tăng đi với anh ra nhà Thủy Tạ, uống café ăn sáng trước khi thong dong đi cùng anh khắp chốn không cần biết đi đâu.
Qua cầu Ông Đạo ngang hồ Xuân Hương anh bảo:
– Sương mù thế này treo được mũ áo.
Lý lắc tôi hỏi:
– Treo được em không?
Anh trả lời:
– Chỉ nhốt em thôi chứ ai lại treo em.
Tôi nhớ tôi đã rất nghiêm trang đứng trước mặt anh, nhìn vào mắt anh và trịnh trọng trả lời:
– Không ai được quyền nhốt em hết á.
Cô gái đệ tam Bùi Thị Xuân lòng như trang giấy trắng, kênh kiệu nghĩ rằng phải thêm vài năm nữa, mới màng đến yêu thương và đợi chờ một ông hoàng tử nào đó, cỡi ngựa trắng đến tìm, là tôi ngày ấy bây giờ mới hiểu câu “thả mồi bắt bóng” lúc ấy tôi nghĩ anh là gì của tôi nhỉ? Phải chăng anh chỉ là người để cho tôi nhõng nhẽo, để dẫn tôi đi phố, để tôi tự đắc đón những ánh mắt ghen tị từ những cô gái khác? Anh cũng là nguồn thơ để tôi viết đầy nhật ký rồi đem khoe với bạn, những cô bạn náo nức đợi sáng thứ hai nghe tôi kể chuyện phố phường có anh, tôi con nít quá anh nhỉ để bây giờ ngậm ngùi từng sợi tóc nếp nhăn.
Anh! Căn nhà có hàng rào hoa cúc trắng đây rồi, mấy mươi năm vẫn còn hoa cúc trắng. Hồi đó tôi nhí nhảnh hái trộm cả ôm hoa, anh để mặc chỉ nhắc coi chừng chó dữ, nhà không có chó, nhưng ông chủ nhà khó chịu la tôi: “Hái thế còn gì là hoa.”
Tôi xấu hổ không nói được tiếng nào, anh xin lỗi ông ấy thay tôi rồi búng mũi tôi nhỏ nhẹ:
– Thích nhé bị la.
Tôi ngúng nguẩy:
– Anh không binh em gì hết hà.
Anh cười hiền nói:
– Đã hái trộm còn đòi binh, mai mốt anh trồng cả vườn cho em tha hồ hái, bảo đảm không bị la.
Lang thang đến đập Đa Thiện hùng vĩ mênh mông, đá dựng đứng đá, cây ngạo nghễ cây. Vòng tay tôi không đủ ôm gốc thông to nhất, rủ thêm anh, tay hai đứa chẳng chạm được nhau, anh đùa:
– Em phải ăn thêm mấy tạ gạo mới đủ dài người mà đo cây.
Liếc anh một cái dài thậm thượt, bén ngót dao cau, tôi dang rộng hai tay lao xuống dốc, thảm cỏ xanh non mượt mà chờ đợi. Vẫn dang rộng tay, tôi nhắm nghiền mắt ngửa đầu quay vòng thật chậm, hít hương thông, hương gió đầy phổi, mở mắt thấy anh đứng sững ngây nhìn. Nhập vào thiên nhiên dịu dàng hôm ấy, tôi kết cúc trắng thành vương miện đội đầu, vung vẩy cành hồng như chiếc đũa thần, đòi biến anh thành bướm chở bà Tiên đi chơi. Anh cúi mình trước tôi đóng kịch:
– Mời Tiên lên lưng bướm chở đi cùng trời cuối đất.
Đỏ mặt Tiên nói:
– Không thèm không thèm.
Rồi giả tảng chạy đi nơi khác.
Tiếng đàn guitar văng vẳng dưới Thung Lũng Tình Yêu, hai đứa tìm nhập vào nhóm sinh viên viện đại học, nhìn quanh mỗi mình tôi là trẻ nhất, nên tự nhiên thành người dễ thương nhất, các anh chị sinh viên yêu cầu khách cùng hát, cùng sinh hoạt với họ anh đã hát bài “Tình yêu như bóng mây” của Song Ngọc sáng tác riêng cho các anh trường sĩ quan Võ Bị Đà Lạt:
– Một mai tôi sẽ xa Đà Lạt thành phố này xin gởi lại cho ai…
Giọng hát anh ấm, tiếng đàn anh nhẹ, thêm tiếng thông vi vu phụ họa mọi người im phăng phắc lắng nghe, tôi hiểu anh đang hát cho riêng tôi, thế mà tôi làm lơ tìm xem trong đám đông, có khuôn mặt nào quen biết hay không?
Đến lượt tôi, tôi ranh mãnh hát bài:
– Nếu hỏi rằng em yêu ai thì em rằng em yêu ba, thì em rằng em yêu má yêu chị yêu anh, yêu hết cả nhà. Nhưng nhất là em yêu… **
Cả nhóm lao xao hỏi:
– Em yêu ai nào?
Có người chỉ tay vào ngực mình ra dấu… tôi thích thú vì biết đang là cái nhân cho mọi người chú ý, tha hồ đùa giỡn quên mất anh, chợt nhớ lại ngóng tìm, mới hay anh đã lẳng lặng ra thật xa khỏi đám đông nằm dài trên cỏ, gối đầu trên hai cánh tay, lặng ngắm trời mây. Tôi bỏ đám đông đến cạnh bên anh, anh hỏi:
– Em yêu ai?
Tôi bướng bỉnh trả lời:
– Không phải anh là được rồi, đúng không?
– Tại sao lại đúng?
Bối rối tránh ánh mắt anh nồng ấm tôi nói khẽ:
– Tại anh lớn hơn em!
– Chỉ vậy thôi sao?
Anh âu yếm hỏi, tôi nhẹ gật đầu dù trong lòng ngờ vực chính mình có phải chỉ vì tuổi tác ngăn tôi không dám yêu anh hay vì lý do nào khác nữa? Anh nhẹ nhàng:
– Rồi em cũng sẽ lớn.
– Em không thèm lớn em chỉ muốn mãi như bây giờ.
Anh cốc nhẹ lên đầu tôi rồi bảo:
– Về thôi bé con, anh còn phải vào trường.
Từ giã mọi người theo anh trở về đường cũ, anh lầm lì khó hiểu, hai tay dấu trong túi quần sải bước, mặc tôi lầm lũi theo sau, vòng hoa cúc trắng, đóa hồng xinh tôi để quên đâu mất, không đem theo về, nên tôi biến trở lại con người bình thường, không còn đũa thần để biến anh thành bướm cõng tôi, chân mỏi nhừ, tôi dẹp tự ái la toáng lên trong chiều lồng lộng:
– Chờ em với.
Quay lại nhìn với ánh mắt nghịch ngợm anh hỏi:
– Cần cõng chưa cô nương?
Vừa thở tôi vừa trả lời:
– Không thèm.
Anh đi chậm bên tôi, nhẹ nhàng:
– Mai mốt anh rời Đà Lạt nhớ anh không?
Tôi cong cớn:
– Không.
Cho đáng đời anh, lúc ấy tôi hả hê vì biết tim anh đã lúc lắc vì tôi, bằng giác quan thứ sáu của mình tôi biết anh cho tôi tình cảm gì, không đơn giản như tình anh em, tình chú cháu như anh Nguyện và chú Thứ của tôi (người cùng khóa, người cùng trường với anh).
Kể cũng lạ, phải đâu tim tôi không rung động, có những đêm tôi nghĩ đến anh, có những giờ học hồn tôi thẫn thờ bay lên đồi Bắc ngóng dáng núi Lang-Biang cùng anh, chuyện tình này anh kể tường tận tôi nghe, cũng như chuyện tình hồ Than-Thở làm lòng tôi rưng rưng muốn khóc. Anh gieo cho tôi nguồn suối mộng mơ yêu thương nhau mãn đời mãn kiếp.
Tôi thường cầu xin Chúa cho tôi tìm được người yêu tôi, để lấy làm chồng, cầu thế nhưng tôi không nghĩ tôi sẽ chấp nhận làm vợ anh, tôi sợ đợi chờ, sợ khổ sở như những bà vợ lính ở ấp Ánh-Sáng sau khách sạn Anh Đào, những khu nhà lụp xụp vài lần tôi đến chơi với Thủy.
Làm sao tôi phân tích được ra tôi của ngày ấy nhỉ? Nếu có phép lạ, cho tôi trở lại ngày xưa, tôi sẽ ân cần trân trọng đặt tim tôi vào tay anh, tôi sẽ thề nguyền tôn kính anh như con chiên ngoan ngoãn nghe lời chủ chăn, tôi sẽ nói cho anh nghe tôi tôn kính thờ phụng mình anh, tôi sẽ chấp nhận hết mọi đợi chờ tê tái, tôi sẽ… nhưng anh ơi bây giờ chỉ còn là mộng thôi!
“Mộng tan rồi tìm đâu thấy nữa
Tình tàn rồi nuối tiếc cũng thừa”
Anh! Nụ hôn đầu tiên, tôi nhận nơi anh dưới gốc Mimosa dại mọc bên đường, hôm hai đứa từ Thung Lũng Tình Yêu lang thang trở về phố chợ, nụ hôn cả đời không sao tôi tìm lại được. Bao nhiêu nụ hôn đã qua trong đời tôi, mấy mươi năm tôi không đếm không nhớ, hơn ba lần tôi nghĩ tôi tìm được người yêu tôi như lời tôi khấn xin, nhưng mãi đến bây giờ, trên đường đời tôi vẫn chỉ là chiếc bóng đơn côi.
Mối tình đầu anh dành cho tôi, thành cột mốc để tôi so sánh đắn đo và không ai sánh được với anh ngày xưa ấy, ngay cả đến nụ hôn. Nụ hôn anh đã cho tôi, nụ hôn đầu tê môi, nụ hôn đầu biến tôi thành kẻ tội đồ không dám vào tòa xưng tội với cha, nụ hôn đầu làm tôi không dám nhìn lên ảnh Chúa, nụ hôn làm tôi không dám ăn uống cả tuần, tôi nghĩ mình mất đi cả đời con gái, nụ hôn khiến tôi không dám soi gương, không dám nhìn ngắm cả đến khuôn mặt mình.
Anh ơi! Nụ hôn ấy qúa nhiều ý nghĩa khúc mắc, tôi giữ kín không hé môi cho ai biết ngay cả Thủy bạn thân của tôi, đêm ấy tôi khóc sưng cả mắt, vừa sợ hãi vừa giận vừa xao xuyến bâng khuâng.
Cành hoa mimosa anh hái đưa tôi sau đó, như chứng tích mình đã có gì cùng nhau tôi để trên bàn học không đám đụng đến, sợ rằng đổ máu tay tôi. Lạ lùng thay, cành hoa ấy mãi theo tôi đến bây giờ, dù nước chảy đá mòn dù biển đời dâu bể.
Tôi cố tình giải thích tại cành hoa còn nằm trong quyển tự điển nên không bị mất đi như quyển nhật ký, như những tờ thơ. Nhiều lần tôi cố tình lừa dối trái tim tội nghiệp của tôi, khi mân mê cành hoa ấy, dù màu vàng hoàng hậu đã trở thành màu vàng tê tái, những sợi tơ nhung mịn trên cánh lá biến mất chẳng còn, tôi vẫn yêu nó chứng tích một đoạn đời dễ yêu không sao tìm lại được, tôi không dám nhận rằng tôi nhớ anh thê thiết nhớ. Mimosa là anh! Anh là Mimosa!
– Còn gì nữa đâu mà tưởng nhớ nhau
Bóng dáng yêu chìm sâu đến suối mơ nghìn sau
Ngăn bước qua cầu tình đã nhạt nhòa
Còn gì nữa đâu mà gọi với nhau… ***
Sau lần ấy, tôi đã gởi anh lá thơ trách móc kể lể, kết án cấm anh không được tới nhà, bảo anh thôi đừng khuấy nhiễu đời tôi, đừng kéo tôi theo anh vào địa ngục. Vậy mà anh vẫn đến nhà, xin lỗi đã đánh thức tôi qúa sớm, đáng lẽ anh phải đợi vài năm nữa cho tôi ngủ hết giấc trẻ thơ, nhưng vì anh sắp xa Đà Lạt, biết thế nào để hò hẹn đợi mong. Anh mời tôi đến dự lễ mãn khóa của anh, buổi lễ anh nhận kiếm cung tung hoành bốn cõi, tôi không trả lời, tiễn anh ra cổng dưới giàn hoa xác pháo anh bảo:
– Như không biết là anh thương em lắm lắm sao?
Tôi quay mặt đi để tóc xõa dài, che khuất ánh mắt anh nhìn. Tôi đã lì lợm chối bỏ tình anh để giờ này mình tôi não nề nhớ nhung, tái tê tiếc nuối.
Đến bây giờ tôi đã hiểu rõ, nụ hôn anh trao tôi lúc ấy là vì ngày anh ra trường gần kề, anh đã nhận xong đơn vị, anh sắp phải xa tôi, xa mối tình đầu lãng mạn của anh, anh muốn tôi biết anh chọn tôi làm người bạn đường, chia ngọt xẻ bùi với anh suốt đời, cho đến ngày răng long tóc bạc và anh đã lập lại lần nữa khi tôi hơn hai mươi bốn tuổi, lần thứ hai không sợ làm vợ lính, tôi lại sợ làm vợ một người vừa ra khỏi trại tù cộng sản tương lai mù mịt. Lần chối bỏ này là lần tôi thực sự ký bản án cô độc cho chính tôi.
Hơn hai mươi năm sau, từ ngày chối bỏ mối tình đầu, tôi gặp lại Thủy, ôn lại thời mới lớn, ôn lại ngày ấy sau khi nhận nụ hôn đầu, cắn môi nhìn anh lên xe về lại quân trường, ngay cạnh bồn hoa chợ Hoà-Bình. Bây giờ cảnh vật ấy đã thay đổi, chỉ còn mình tôi vẫn như xưa, vẫn giữ hình ảnh dáng anh thẳng như thân thông cao vút, quay lưng lại phía tôi, bước đi dứt khóat, anh nhớ chăng lời ngày xưa tôi nói: “Em sẽ mãi thế này.” Đã ám vào tôi.
Thủy nói với tôi trong chuyến về Đà Lạt, chịu tang mẹ từ California:
– Mày vẫn thế Như ạ! Gàn gàn thế nào ấy, liệu mà lập gia đình đi chứ, con gái tao sắp gả chồng được rồi.
Tôi tiếu lâm buồn:
– Còn ông Võ Bị nào nữa đâu mà lấy với liếc?
Nó bảo:
– Sao hồi đó có mà chê, rủ theo dự lễ ra trường của mấy chàng không thèm, đứa nào dự lễ ấy đều làm dâu Võ Bị hết đó.
Tôi vớt vát:
– Có đứa thành qủa phụ non nữa sao không nói luôn đi!
Thủy ngậm ngùi:
– Hạnh phúc nào không xây bằng đớn đau hở Như, vợ chồng tao nè. Nhớ hồi chưa cưới, mấy ông học Võ Bị xong, khi ra trường tòan xung phong vào các đơn vị chiến đấu hiểm hóc, hành quân liên miên, sống chết trong đường tơ kẽ tóc.
Tao khóc bao lần khi anh ấy đụng trận lớn, khi nhận được thơ của chàng mới yên tâm. Hình như càng gần cái chết, tình yêu mấy ông dành cho người yêu càng đậm đà tha thiết, tao cứ vừa đọc thơ vừa ấm ức, chả thấy nói yêu thương nhung nhớ gì mình, chỉ kể chuyện vu vơ rồi lại bảo mình đừng đợi chờ gì nữa, đừng yêu thương gì nữa…
Tao hiểu hết lòng dạ anh ấy, nhìn thấy bạn bè chết trận nhiều, sợ cũng tới phiên mình. Các ông hay suy nghĩ và là chúa che dấu tình cảm của mình, lúc bị ở tù cộng sản, tao lên thăm cũng cứ thế, lại bảo đừng chờ đừng đợi. Chỉ nhìn ánh mắt là tao hiểu hết tim gan anh ấy, tao phải nói đi nói lại, dù thế nào tao cũng đợi anh ấy, như me tao cứ ở vậy nuôi tụi tao lớn khôn, sau khi ba tao chết trận tự bao giở bao giờ. Mày phải dám yêu mới hiểu được tình yêu Như ơi.
Tôi thầm phục con bạn ngày xưa dưới mắt tôi nó tầm thường mọi mặt, sao bây giờ vượt tôi xa lắc. Ngày ấy tôi tự kiêu đóng kín mình trong nhung lụa, sung sướng nhận hết những chiều chuộng mọi người dành cho như một tự nhiên phải có, tôi nghĩ ai cũng sẵn sàng dâng cho tôi tình cảm như anh đã dành riêng cho tôi, vì tôi đẹp tôi giàu. Tôi ép uổng tim tôi không được yêu anh, không được khóc vì anh.
Tôi đã quá yêu tôi ngày ấy. Ngờ đâu…
Anh ơi! Chiều xuống rồi đó, tôi đã ngồi đây như pho tượng đá suy nghĩ về đời mình, hơn bốn mươi năm làm người, chỉ một lần ngu dại đủ một đời phải trả giá đớn đau. Trái tình yêu cần thời gian để chín, tình tôi yêu anh cần qúa nhiều thời gian, khi hiểu được nó chín rục và lià cành. Nếu ngày ấy tôi để anh hôn tôi lần nữa, nếu tôi chấp nhận làm người vợ lính có mòn mỏi đợi chờ, có khốn khổ nhớ nhung, nếu tôi dám yêu anh thì bây giờ tôi đã có anh bên cạnh, thì bây giờ tôi đã không co quắp héo hon. Tôi đã trách thượng đế không nghe lời tôi cầu khấn, giờ ngẫm lại tôi biết ngài đã ban cho và tôi đã chối từ.
Anh ơi! Tôi gọi lại tên anh lần nữa Nguyễn Huy Hoàng của tôi, thời tôi mười sáu tuổi và Nguyễn Huy Hoàng của ai kia bây giờ khi tôi bước vào tuổi trung niên. Hòang ơi!
Anh còn nhớ gì Thụy-Như không anh? Có kể cho vợ anh nghe về mối tình thời anh còn là sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt không anh?
Thủy kể cho tôi nghe, gia đình anh hạnh phúc ấm êm, vợ anh hiền con anh thảo, dù lòng nhói đau ngậm ngùi, tôi vẫn cầu mong bình an đến cùng anh và người đã chia xẻ đắng cay trong cơn phong ba bão táp đời anh.
Anh ơi! Nhánh Mimosa xưa tôi đã đưa cho Thủy một nửa hôm qua khi hai đứa ngồi uống café Thanh Thủy, tiễn nó về Sài Gòn để lên máy bay trở lại thành phố xa lạ bên kia trái đất, nơi có anh cùng cư ngụ.
Tôi nhắn với nó:
– Chồng mày là cựu sinh viên sĩ quan trường Võ Bị tao cho mày giữ nửa nhánh hoa này, phần còn lại tao chôn nó chung với tình tao và anh Hòang.
Nó nhìn tôi thông cảm:
– Không cho anh ấy biết!
Tôi gật đầu:
– Mày quên chưa cám ơn tao làm mai mày cho ông Võ Bị.
Thủy thật thà:
– Vợ chồng tao cám ơn ông Hòang rồi.
Tôi cười buồn ngâm khẽ:
– Sao anh biết đá không buồn không khóc
Cây không buồn không đổ lệ đau thương
Cây không khóc sao cây tuôn đổ lá
Đá không buồn sao đá phủ rêu xanh!****
Thủy nhìn tôi:
– Đời không ngưng lại được, đừng níu kéo Như ạ! Buồn cũng thế thôi, hãy giữ kỷ niệm đẹp như một nấc thang rồi bước, đứng khựng lại không nên.
– Mày xem tao bắt đầu từ đâu đây? Chung quanh tao toàn là ngợm, không thấy ai ra hồn, làm sao tao hoà nhập, mày thấy tao sống đây mà hồn tao rục rữa mất rồi.
Tôi đã nói rất thật với Thủy, chỉ cần một người giống anh tí thôi tôi đã có đôi có cặp. Nhớ có lần anh đọc cho tôi nghe:
– Mưa cô đơn vẫn trăm nghìn giọt bạn
Lá âm thầm lá cũng một rừng xanh.
Nếu anh biết tôi bây giờ lẻ loi cô độc đến nỗi ghen với lá giận cả mưa thì anh nghĩ sao? Anh có lỗi gì đâu để tôi trách cứ. Mệnh số chăng mà tình anh trao tôi không đúng lúc, tôi đáp lại tình anh chẳng đúng thì. Nhìn sương phủ dầy mờ mịt, tự tôi sám hối: “Lỗi tại tôi mọi đàng.” Hoàng ơi!
Xẻ đôi con đường mòn
Anh nửa ấp cỏ non
Tôi nửa ôm rêu lạnh
Mừng nhau… tình vẫn còn.
Ôi! Tự an ủi thế thôi tình gì nữa mà còn! Chắc gì anh thèm nhớ đến tôi con người phụ bạc? Có về thăm lại trường xưa, chắc gì anh muốn tìm thăm người cũ? Vả lại lẽ nào tôi ngu si để anh thấy dấu thời gian đã hủy đi những nõn nà ngày cũ trên tôi.
Nguyễn Huy Hoàng ơi! Anh chết trong tôi từ hôm nay. Tôi sẽ về nhà, không bước lại con dốc xưa, không nhớ dến anh lần nào nữa hết, nụ hôn xưa tôi thả cho gío mang đi, tôi muốn anh biết rằng, bây giờ tôi đã người lớn hơn và bị lời nguyền của chính tôi buộc chặt, khi ngang qua cầu ông Đạo cùng anh:
– Không ai được quyền nhốt em hết!
Anh còn nữa đâu mà giải lời nguyền ấy cho tôi? Nguyễn Huy Hoàng ơi!
1999
* Đêm Chợ Phiên Mùa Đông – Lê Uyên Phương
**Nhạc sinh hoạt
*** Còn Gì Nữa đâu – Phạm Duy
****Thơ Viên Linh

14 THÁNG 2 – 2023

Tết và Lễ năm 2007 tôi đã viết thế này – sau 16 năm thế giới thay đổi chóng mặt tôi cũng thay đổi hình hài già đi xấu đi, nhưng cái đầu chứa não thì y như xưa đang ngồi ngắm thiên hạ loay hoay khi thế giới đang như một nồi súp sôi bùng muốn tràn ra khỏi nồi nấu – tôi liên tưởng đến hình ảnh bà phù thủy mũi khoằm đang đứng cạnh nồi mà khuấy nó trong phim Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn, khác chăng là trong nồi của bộ phim là thuốc độc tẩm vào trái táo thơm đỏ đẹp cho cô Bạch Tuyết ăn vào xong lăn đùng ra chết – nồi súp bây giờ là chiến tranh – thiên tai từ người tạo cho người bằng súng, từ Trời giáng xuống con người bằng bệnh tật – bão mưa và động đất, nồi súp xưa chỉ một cô Bạch Tuyết lăn đùng ra chết, nồi súp tôi đang nhắc đây mỗi lần nó được nấu là triệu – vạn – ngàn – trăm – chục – hiếm hoi là một sinh mạng thì lại là thảm cảnh gia đình! Đọc tiếp “14 THÁNG 2 – 2023”

Lang Thang Trên Đỉnh Sầu

Biết quen nhau qua âm nhạc, những âm thanh nhờ đường truyền internet giới thiệu ca khúc mới hòa âm mới giọng hát mới từ đầu thập niên 2000, có lẽ không ai nghĩ ra những phần mềm của máy tính có thể làm được những điều này, nhưng nó đã giúp bao người thích hát thích đàn đến cùng nhau dù cách xa phong thổ địa lý Việt – Pháp – Đức – Na Uy – Hòa Lan – Ý.
Hát hay không bằng hay hát là nhóm ca sĩ “trên trời” chẳng cần gì áo quần để lên sân khấu, chẳng cần gì ai nghe ai không, được khen hay bị chê cũng chẳng để ý, chỉ biết nhắm mắt hát những dòng nhạc mới toanh vừa được nhạc sĩ không chuyên giới thiệu! Đọc tiếp “Lang Thang Trên Đỉnh Sầu”

%d người thích bài này: