Tiễn

“When you were born you were crying and everyone else was smiling. Live your life so at the end, you are the one who is smiling and everyone else is crying.” Ralph Waldo Emerson
Và rất nhiều người đã khóc khi đến tiễn anh – khuôn mặt mãn nguyện của Anh khi nghe tiếng kèn khóc biệt, ngay cả bầu trời cũng nhỏ lệ tiếc thương.

Đã gần một năm từ ngày thế giới đối diện với đại dịch, mọi người phải tự xa cách nhau, những thân tình thuở nghe gọi đến ngay không còn nữa – bạn hữu biết tin nhau qua những phương tiện truyền thông, hay điện thư đều là những tin không vui – người bị thế này người thế khác, mỗi gia đình một nỗi khốn khó riêng, độ tuổi hơn sáu mươi trở lên còn gì để mong chờ ngoài bạn bè hội họp, con cháu thăm nom nay bỗng dưng hụt hẫng vì tự cắt đứt giao tình, so sánh với đại nạn 1975 ư? Không thể so sánh được nữa vì tuổi đời đã khác và nhất là hoàn cảnh bây giờ cũng khác – đại nạn của chiến tranh chia đều cho mọi ngành nghề tuổi tác – đại nạn lần này nghiêng hẳn về phía trung và lão niên – ngành nghề tiểu thương và những người phải lệ thuộc vào nó bị ảnh hưởng rất nặng – “100 năm mới có một lần!” nghe câu than ấy nhiều lần cứ tưởng là dài lắm nhưng nghĩ đến nhừng thân cây bị cháy đen có số tuổi vài trăm năm mới biết đời sống của con người chẳng đáng vào đâu! Vừa vài năm trước đám cưới – đám tang tổ chức thật đơn giản, mà bây giờ muốn được như xưa không phải dễ – vài đám đã gởi thiếp mời gọi báo dời lại, và những cuộc chia lìa không thể đến tiễn đưa, khóc ướt bàn phím khi dự dễ từ xa.
Nhưng với Trung Tá Lê Bá Bình người anh hùng của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến thì khác – trên ngọn đồi lộng gió của nghĩa trang Oak-Hill thành phố San Jose tiểu bang California – USA gia đình và các chiến hữu của ông đã cùng đến tiễn đưa ông với lòng kính yêu trân trọng –
Sáng ngày thứ sáu 19 tháng 2 năm 2021 nhiệt độ thấp hơn 60 độ F với gió từ hướng Đông nơi cơn bão tuyết kinh hoàng đang càn quét thì hơi lạnh còn buốt hơn độ ấy. Nhìn xuống thảm cỏ xanh biếc – những bia đá trắng chập chùng vài đám tang khác cùng đang diễn ra phía xa với vòng tròn người thân quanh huyệt mộ, không gian thoáng mà mắt cay vì những bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến quanh quan tài người chỉ huy tài ba gần nửa thế kỷ. Đã sống qua thời chiến đã thấy hòm gỗ phủ cờ về thôn xóm, đã thấy chập chờn khói hương trong nhà tiễn biệt Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa thì hình ảnh lá Quốc Kỳ ôm trọn xác thân người đã hy sinh máu xương – đời sống an lành cùng vợ hiền con dại để gìn giữ từng tấc đất miền Nam của Trung Tá là nỗi tiếc thương trong lòng những người chứng kiến. Nghi thức phủ cờ xếp cờ được các chiến hữu các cấp của binh chủng thực hiện một cách trang trọng.
Đại Tá Ngô Văn Định bước chân chậm chạp run run nói lời tiếc thương, gió thổi u u hay tiếng ông khóc mà ai cũng nghẹn ngào theo, khi nhớ đến tình huynh nghĩa đệ lúc hai ông có dịp kể lại bao cuộc hành quân thuở trước. Tác giả quyển sách Ride The Thunder – Richard Botkin nhắc lại niềm tự hào được viết về những người anh hùng Việt Nam, để hòa nhịp tim vào với họ ông đã đến thăm vùng đất nơi xảy ra trận đánh hào hùng ngăn đường tiến của địch quân lấn sang lằn ranh đã được phân chia từ vĩ tuyến 17.

Đọc tiếp “Tiễn”

Anh Hùng Tử Khí Hùng Không Tử

Khấp – Khóc – Lặng biết tin Anh Hùng tử
Gọi thế nào cho đủ nỗi tiếc thương!
Niên Trưởng – Đại Bàng – ông Thầy – Anh thân thiết
Cỡi sóng về Tây miền cực lạc viễn phương
Thời trai trẻ đã bao phen oanh liệt
Dưới cờ hùng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam.
Kính niên trưởng cho phép em gọi Anh như đã bảo: “Cô cứ gọi Anh là được!” – lần Anh ghé nhà kể chuyện được nhận Huy Chương tại Washington DC do cố vấn Mỹ người bạn thân thiết của anh từ năm 1972 khi anh còn ở tiểu đoàn 3 Sói Biển đến tiểu đoàn cuối cùng là tiểu đoàn 6 Thần Ưng (tiểu đoàn của nhà em), ông cố vấn này cũng là người đã cùng Anh chặn đường tiến của cộng quân bằng cách phá hủy chiếc cầu Đông Hà một cách anh dũng – Ông đã kể và câu chuyện được viết lại trong quyển Ride the Thunder – Cỡi Ngọn Sấm và chuyển thành phim vào năm 2015.
Em không biết rõ chi tiết cuộc chiến nên không dám ghi xuống đây, em chỉ nhớ rõ như in buổi xế trưa anh ghé nhà thăm và kể cho nhà em – người lính người đàn em tiểu đoàn 6 Thần Ưng của anh người đã cùng sống trong khu vực Tân Định – Sài Gòn ngày xưa cùng anh, biết rõ anh đã có bao huyền thoại có bao tấm gương sáng làm các anh chàng thư sinh khi ấy thèm thuồng – lý do đã khiến nhà em cũng đã chọn đơn vị tác chiến Thủy Quân Lục Chiến sau khi được trui rèn trong quân trường Võ Bị Đà Lạt và may mắn là thuộc cấp của anh, người chỉ huy thương lính như em út trong nhà, giữ gìn từng mạng sống của đàn em trong các cuộc hành quân kinh khủng.
Giọng nói trầm chậm rãi miền Nam vẫn giữ âm vực miền Bắc của người Sài Gòn, kể cho chúng em nghe cuộc sống tha hương của người anh hùng một thời của gia đình Thủy Quân Lục Chiến sau 1975 sau bao trại tù bất nhân từ Nam ra Bắc từ Bắc vào Nam và được tị nạn HO năm 1991 tại San Jose California, như bao gia đình tị nạn khác phải bắt đầu bằng đôi tay trắng, Anh đã vào làm cho một hãng điện tử và một lần nữa anh trở thành Hero – Anh Hùng của hãng khi các tướng lãnh cố vấn Mỹ ngày xưa nghe tin anh đã còn sống và đã đến bến bờ tự do tìm đến anh, người công nhân rất bình thường của hãng! Những nhân viên từ cấp thật cao đến các người làm trong giây chuyền sản xuất đều biết đến anh đã được nghỉ phép có lương để đi đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhận huy chương cao quý từ USA Marin chiếc huy chương chưa kịp trao khi miền Nam đã bị mất vì con cờ chính trị tại bàn đàm phán Ba-lê, sau này đã bao người có trách nhiệm trong chính trường Mỹ thời đó đã chuyển lời xin lỗi đến quân lực Việt Nam Cộng Hòa và những dân miền Nam cả đến những oan linh của bao người vượt biển.
Trong căn bếp nhỏ nhà em lúc ấy, chuyện anh hùng hay không là anh hùng đọng lại trong em chỉ một chút thế thôi nên em chỉ nhắc lại rất qua loa không nhiều chi tiết – nhưng khắc trong tim em là ánh mắt long lanh khi Anh nhắc đến chị và cháu Lê Mộng Ngọc.
– Cô chú biết không điều anh ân hận mãi là không lo được cho chị và cháu như mọi người chồng người cha khác, chị cực khổ vì anh nhiều lắm, có con nhỏ anh đâu được ở nhà nhiều! Khi đi tù về con đã lớn nên anh không gần gũi nhiều với cháu – sang Mỹ lại loanh quanh chuyện cuộc sống!
Anh bỏ lửng và nghẹn!
Được quen biết và được Anh giao phó làm bao nhiêu điều khi anh cần cho binh chủng là điều vợ chồng em rất hân hạnh, em nhớ mãi những ngày sinh nhật binh chủng, ngày Tất – Tân niên anh chăm lo tổ chức cùng bao nhiêu anh em chiến hữu cũ ai ai cũng qúy mến cách Anh tổ chức.
Năm 2020 đang tận, Anh cũng bỏ cõi thế này mà đi xương cốt không muốn làm việc nữa, tuổi hạc đến lúc phải về Tây Phương Cực lạc, Anh đã sống với tất cả trái tim dũng cảm sau khi đi tù về mang theo bao nhiêu chứng bệnh không tên trong người, và anh đã mang nó theo để lại cho Chị và cháu Mộng Ngọc nỗi đau buồn chia ly khó nguôi ngoai . Với em Chị là người phụ nữ hiền hòa đẹp từ tâm luôn tỏa sáng bên cạnh Anh khi thịnh vượng đến lúc nguy nan, cung cúc tận tụy khi còn là bà trung tá đến lúc là vợ người tù, Chị cùng anh dựng lại mái ấm gia đình trên đất mới, dáng vẻ uy nghiêm lời nói ngọt ngào cương quyết, khi anh đau yếu chị chăm sóc đỡ nâng đến ngày cuối.

Đọc cáo phó em biết thật sự anh đã cỡi hạc về trời, nhưng khí hùng Bắc Giang Anh để lại còn nguyên vẹn trong lòng các chiến hữu Thủy Quân Lục Chiến quân đội Việt Nam Cộng Hòa, máu của anh đã được ghi trong trang Quân Sử – tuổi trẻ Việt Nam sống trên xứ người biết đến anh qua sách qua phim Ride The Thunder – Em nhớ mãi Anh gọi: “Cô Ấu Tím!” vì anh thích bút hiệu ấy hơn là gọi “Cô Thực” và trong lòng em sự kính phục vô biên đến người Anh mang anh hùng tính nhưng tràn đầy lòng nhân hậu – Kính vĩnh biệt anh.

Ấu Tím – cuối năm 2020



Uốn Nắn

 “Dạy con từ thuở còn thơ, dậy vợ từ thuở bơ vơ mới về” 

Nghe thấy dễ mà hình như không dễ chút nào hết, nói viết luôn tạo cho người nghe người đọc cảm giác dễ dãi khi bắt tay vào làm mới biết: “Khó thấy mồ!”

Dạy con lúc con khỏang ba bốn tuổi, tiếng bi bô bắt chước người lớn, câu hỏi thơ ngây không kết thúc, vui biết bao sung sướng biết bao, hạnh phúc biết bao vì mình nói gì con nghe và làm theo đến đấy. Khi con lên năm sáu tuổi, tiếng đọc bài tiếng hát, tiếng cười, khiến cha mẹ thi nhau dậy con đủ điều hay điều đẹp. Có đôi khi con học vài điều lạ trong trường mang về nhà, chỉ khác điều mình dậy dỗ chút thôi, cũng đã khiến bậc làm cha mẹ hết cả hồn, nhất là trường học ở Mỹ, văn hóa Mỹ.  

Đến khi con trưởng thành, lên trung học vào đại học là xong, các cô các cậu như diều gặp gió, như suối ra đại dương tha hồ vùng vẫy, tự các cô các cậu dựng nên nhân cách riêng cho chính mình, những điều răn dậy ngày xưa từ mẹ, chỉ là phần ký ức, có muốn dạy thêm điều gì cũng khó. Nhưng chắc chắn một điều phần uốn nắn để con trẻ có được nền tảng vững vàng phải thực hiện ngay khi con tuổi còn thơ là cần thiết. 

Dạy vợ dĩ nhiên khó hơn dậy con nhiều lắm, dù là dậy tự thuở bơ vơ mới về. “Mới về” chắc chắn còn hiền còn e lệ, nhu mì và các ông chồng lúc ấy còn rất galang chiều chuộng thì giờ nào mà dậy vợ. Viết thế này là nương theo hai câu tục ngữ ở trên, đã truyền tụng trong nhân gian Việt Nam từ rất lâu, còn mãi đến bây giờ thế thôi, thực hiện chuyện dậy vợ bây giờ còn hay không còn, rất khó mà khẳng định. Chỉ biết là được nghe lời uớc ao làm sao để giữ con cái bé hoài, đừng lớn; vợ cứ “mới về” mãi, đừng xưa.  

“Phải mà bà ấy được như cây bonsai trong chậu!”  Câu nói ấy tôi được nghe trong ngày dự buổi triển lãm bonsai câu nói càng làm cho câu:  “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” là không dễ, vì nếu dạy được đã không phải ao ước như trên.  

Bonsai là một nghệ thuật uốn nắn gìn giữ tạo hình và thu nhỏ cây cảnh,  mà vẫn giữ đuợc dáng uy nghi hùng vĩ của cây trong thiên nhiên. Khởi thủy từ quần đảo Nhật Bản đất đai hiếm ít,  người ta tạo những khu vườn hài hòa sơn thủy, cùng các cây có dáng dấp đặc biệt để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên . Nghệ thuật trang nhã này tuy dễ hơn dậy con dậy vợ, nhưng muốn thành nghệ nhân trồng được bonsai không phải dễ, nó đòi hỏi sự si mê, đòi hỏi sự tận tụy lâu dài, không được chểng mảng. Giữ làm sao để đất nuôi cây lúc nào cũng ẩm vừa đủ, nhiều nước quá rễ úng, ít nước quá rễ khô, chưa kể đến ánh nắng, đến nhiệt độ, phải bao nhiêu nắng, bao nhiêu ấm. Có khác nào chăm sóc con thơ.  

Tôi mê cây cối, tôi nhúng tay vào uốn cây, tôi tìm cách làm cho mình một góc bonsai nho nhỏ mà rồi sự si mê chưa đủ, nên cây bonsai tôi nuôi đã phình to ngoài ý muốn và tôi phải cho ra chậu trồng bình thường, không muốn cây bị chết.  

Tôi đã có duyên để quen biết anh chị Trọng-Vân Khóa 28 cựu sinh viên TVB – QGVN Đà Lạt, theo tôi anh chị là bậc thầy tại thành phố San-Jose về bonsai, người sáng lập hội Việt Bonsai – San Jose, mỗi dịp Tết thường có triển lãm tại hội chợ, vài năm nay không thấy nữa.  Nhìn chị say mê dùng sợi dây đồng quấn từng nhánh cây tùng, gốc được đào trong các bãi đất sa mạc khô cằn, thành dáng vẻ tuyệt vời thanh thoát, mới thấy muốn thành một nghệ nhân không phải dễ. Dưới mắt người thường, nhìn cái gốc cây gần chết chỉ thấy sự chết, nhưng dưới đôi mắt nghệ nhân bonsai cây được giữ lại chăm sóc bằng cách dùng đất phân bón, nước và tình si mê để nâng cây sống lại. Ngắm thân cây một bên đã chết khô, một bên nhánh mới trổ mầm, lá xanh lộc nõn tôi cứ ngẩn cả người. Dây đồng dùng để uốn cây có đủ mọi cỡ, phù hợp cho từng nhánh cây, nhờ có dây đồng cuốn chung quanh thân lá mà nghệ nhân có thể điều khiển cây mọc theo dáng hình mình muốn. Khi cành đã vững rễ đã bám vào đất, là khi thay chậu. Điều kỳ diệu là hoa là trái, cây mai tứ quý nhỏ nhắn mang nặng hoa là hoa, cây tắc cũng thế, trái vàng tươi lúc lỉu. Tôi yêu nhánh trúc thủy trồng chung cùng nhánh hoa ấu cạn, sự hòa hợp tuyệt bích. 

Và dĩ nhiên, khi đã yêu thương đặt hết tâm hồn vào nhánh cây bé bỏng, nghệ nhân xem chậu bonsai của họ như những đứa con thân yêu, họ đã mang nặng đẻ đau nên nó. Tôi ngắm bonsai của anh chị Trọng-Vân mỗi năm trong hội Xuân, tôi nhận ra những “đứa con” của chị ngoan quá, năm nào gặp tôi chúng cũng  tưng bừng chào đón, bằng nụ e ấp, bằng hoa hàm tiếu, bằng rực rỡ khoe hết nhụy hương. Niềm đam mê của anh chị, là sức mạnh để anh mang từng “đứa con” lên xe chở đi khoe, chở đi triển lãm, không có niềm đam mê này, ai có sức để chưng bày hơn ba mươi chậu bonsai, chậu nặng nhất cần ba bốn người khiêng mới nổi.  

Ghé thăm căn nhà bonsai của anh chị, tôi cứ ngẩn ngơ trước những gốc cây già đến cả trăm năm. Ngắm nghía cách uốn cây, cách làm nổi sự khác biệt giữa sống chết, và học cách thế của cây có tên gì, tôi liên tưởng đến con trẻ, tôi nghĩ đến dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Tôi nghĩ ngợi về sự thanh thản khi ngắm nhìn, khi chăm sóc cây cối khác xa với sự dạy dỗ con cái, nhiều người khẳng định khi chăm sóc cây cảnh là tuổi già đang đến, tôi thì không nghĩ thế. Chăm sóc đuợc cây cảnh chính là chăm sóc phần tâm linh sâu kín của con người, không cây hoa nào bị bỏ luống lại trổ hoa. Bonsai là một nghệ thuật đòi hỏi niềm say mê cao độ, và nó cũng kén chọn người để gởi gấm thân phận chính nó. Bonsai đẹp vào tay trần tục khác nào bông hoa nhài cắm bãi phân trâu, con rồng vàng tắm bãi ao tù.  

Không biết bao giờ bonsai mới ghé mắt thăm tôi: “Chơi bonsai là tập Thiền đó chị!”  

Vườn Xuân

Buổi sáng trong như ngọc, buổi sáng mùa Xuân vẫn còn vấn vương chút sương mù Ðông giá se se lạnh đêm qua mưa hương hoa thoảng dâng. Khu vườn mùa Xuân của em cõi riêng của em đôi khi gai nhọn đâm ngón tay đau điếng, đôi khi những con ốc sên làm em bực mình nhưng tất cả những điều ấy có hề gì có so sánh được đâu với nguồn hoan lạc em tìm thấy trong khu vườn em! Khu vườn không chứa muộn phiền chỉ toàn là an ủi sẻ chia .

Hít thật sâu không khí hạnh phúc giữ thật lâu trong lồng ngực mình, nhẹ nhàng thở ra những muộn phiền đời sống, để lọc niềm vui còn lại mãi bên em. 

Ông ơi mùa Xuân len lén tới
Con chim chèo bẻo nó gọi rân trời
Mấy cái nụ mai coi chừng muốn nở
Tui dặn dò: “Khoan nở đợi giao thừa.”

Hôm qua tui ra vườn hái trái
Đám bưởi dây vừa kịp chín trên cây
Giàn trầu xanh lá vừa tầm đặng hái
Buồng cau măng trái căng mọng hây hây.

Ông có nghe hương hoa vạn thọ
Rủ đám bướm vàng bay lượn quanh co
Rồi thêm bày chim sẻ ù ríu rít
Bẹ dừa oằn con chim én rúc vô.

Ông thấy không vàng rơi cành quít
Lá xanh um không che hết mỹ miều
Trái bóng lưỡng hẹn hò tan vị ngọt
Tui bẻ mấy chùm đặng đón ông bà

Ông có rảnh ra vườn chặt lá
Lựa tàu lá nào liền lặn à nha
Tui sẽ gói hai chục đòn bánh tét
Mang chia cùng làng xóm đón Xuân sang

Ừa còn chiện tui dí ông hai đứa
Cũng y nguyên như Xuân thuở năm xưa
Đến Xuân này như men nồng rượu thắm
Ông lại gần đây cho tui tựa mái đầu.

Vọng Xuân Xưa

Ông ơi mùa Xuân len lén đến –
Xuân đến 
Không mai vàng 
Không pháo đỏ 
Chạnh lòng 
Xuân lại đến! 
Xư’ người lạnh lẽo 
Nửa địa cầu xa 
Nhớ Xuân xưa 
Ðốt trầm hương, hương gây mùi nhớ
Dạo cung đàn, đàn nhả nhạc sầu 
Còn đâu đêm trừ tịch, còn đâu phút ngân tiêu
Ngậm ngùi ta ngâm câu, thân lạc loài viễn xứ .
Cố hương, cố hương, ơi hỡi ! cố hương 
Vọng tưởng lòng đau, dạ héo thẫn thờ 
Ðể mặc Thủy Tiên phai tàn hương phấn 
Kệ hoa hồng đào cánh rữa rụng đầy sân. 
Biết bao giờ một lần trở lại 
Lảy lá Mai đợi hoa đâm chồi 
Tỉa Thuỷ Tiên ngóng giờ nụ nở 
Bên bạn xưa, Giao Thừa cùng saỵ
%d người thích bài này: