Từ California sang Nhât Bản xứ của Thần Mặt Trời, chúng tôi phải ngồi chờ tại sân bay quốc tế Incheon – Đại Hàn khoảng 3 tiếng, mua vé máy bay kiểu này rẻ hơn một chút và có cơ hội thăm Đại Hàn lượt trở về lại Mỹ.
Phi trường Incheon International của Đại Hàn được trang trí bằng những chậu hoa đỗ quyên nở rộ, azalea – một loài hoa có ý nghĩa của chia ly đôi ngả – tưởng là quốc hoa của họ, vì nam bắc vẫn còn phân tranh chăng?
Đọc tiếp “Nhật Bản Ngày Đầu Tiên”
Dừa
Lâu hung không gặp chị, mùa hè mơn mởn tính qua luôn rồi chị thấy hông! Cái mùa hè hừng hực nóng ai la làng tui không biết, tui nhớ miết cái mùa hè mát rượi dưới đám lá dừa. Con đường tui đi lá dừa che rợp thương hết sức là thương. Chị đừng cười tui tội nghiệp, tui hát ví dầu ầu ơ câu:
Quê tui nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn mầu mỡ, biển thừa cá tôm
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày.
Tui mê hàng dừa bên hông nhà tui biết nhiêu mà nói, hồi mua cây giống nó nhỏ híu đâu cỡ cánh tay, ba cái lá chun ra từ cái trái khô còng queo giống y cái lưỡi mèo, còn thấy bầu trái nhú qua cái bao ny lông nhà vườn bọc lại, chừng đâu hai ba năm nó phổng phao nhờ con rạch kề bên, lá thôi là lá, chưa tới sáu năm quày trái đã treo lúc lắc như chùm bóng thiệt thấy thương.
Nhớ hồi mới làm dâu khờ căm khờ bắt sợ, cà ràng ông Táo chưa mấy gì quen, sáng sớm lôi đám lá dừa héo chưa khô hung chụm bếp, làng xã ơi, tui um khói nguyên nhà. Bà gia của tui còn ngủ kỹ, bị khói xông chạy u vô coi sự tình, mới hay con dâu mới tính mần khéo ai dè ông Táo trác nó. Má tui biểu tui hễ nắm cái lá nhẹ tưng là nó đủ khô, hễ còn chịch trong tay là chưa ráo phải phơi nắng tiếp, mèn ơi tóc tai tui dính ba cái đám tro trắng hếu, nội chuyện dẹp cho xong cái bếp là hết giờ điểm phấn thoa son. Chồng tui nghe đụng bếp, chui ra khỏi bộ ngựa, dòm tui cười ha hả! Tui còn nhớ bộ mặt của giả tới giờ nghen chị, đầu hai thứ tóc, giọng cười của ổng hổng đổi hổng thay, y như tui cũng không thay không đổi cái tình tui thương giả.
Đám dừa theo tui từ hồi con gái, nó che cho tui khỏi nắng cháy đen da, người ta nói chữ: “trắng da là tại phấn dồi – đen da là tại em ngồi chợ trưa” tui thấy tui ngồi chợ tới hồi đứng bóng da tui y trứng gà bóc, hễ nắng hung hai má tui đỏ hường, Má ruột tui kể hồi bả hoài thai, bà ngoại tui cho má tui uống dừa xiêm ăn trứng ngỗng, bị dị mà tóc tui đen da tui trắng so dí con gái thị thành , chưa chắc ai hoa hậu ai á phi. Ai ở quê tui mà không yêu đám dừa là kẻ phụ phàng không chung thủy, từ thân cây đến đám lá, cho tới vỏ cũng hỗng bỏ chút nào ráo trọi.
Rồi phần cơm dừa nạo nhuyễn vắt thành sữa, tui gọi nước cốt dừa là sữa cũng đâu sai chị tính đúng hông? Màu trắng thiệt ngọt thiệt thơm, trên đời chỉ cần cơm sữa là sống, trong trái dừa có đủ cơm đủ sữa đòi chi hơn chị heng. Ai nói đói lòng ăn nửa trái sim, chớ phần tui hễ đói tui kiếm miếng dừa. Hồi có chửa con so, tui thèm dừa, nửa hôm thúc ổng tìm cho ra đặng cạp, Má tui la: “Tao uống nước dừa tươi sanh mày ra trắng nhởn, bay bày đặt ăn cơm dừa con bay bị bạch tạng nghen bay!” Mèn ơi con gái tui nó có trắng nhởn gì đâu, da nó màu hồng quân y chang cha nó.
Chị hỏi tui nấu món chi ăn dí dừa heng, tui kể ra chắc tới mai hỗng hết, ba thứ chè cháo ai hỗng biết mần. Nè heng nạo dừa heng, lấy nước cốt trộn bột mần bánh, trộn bột nấu chè chị mầm tới trăm món bánh chớ ít sao – nấu trăm món chè chớ ít sao. Món mặn chị khỏi cần tui nhắc món thịt cá kho nước dừa tươi phải dị hôn, món dân giã ngày nào hỗng nấu, dừa lửa chị thả đ’am tép mới hớt dứoi ruộng dô coi, nó chín hường thấy ghét, cuốn ba đám rau chấm mắm nêm cần chi làm bà Chúa xứ há chị. Rồi món cà ri gốc Ấn – mắm gốc miệt Miên Lào món này thiếu đậu đũa hỗng thành món à nghen, hễ nghèo lọc mắm nấu chung dí cốt dừa, ra rào khỉa ba trái đậu thả vô tô bún tươi chị ăn coi hai tô hỗng thấm đâu ráo nạo có thêm chút tiền ra chợ xách miếng ba rọi quay chặt bỏ thêm vô. Sàng qua đồ ngọt chị nhớ lại coi nhiêu thứ, ba cái bánh bò thiếu nước cốt dừa như con gái thiếu duyên, như con trai thiếu tướng, bánh tét thiếu dừa xào như đào kép thiếu đờn cò, dĩa bánh tầm bì thiếu cốt dừa có y chang đờn sắc thiếu đờn cầm đặng hòa hợp đó hông? Chị ngó coi dĩa xôi nếp than, rắc ba cọng dừa bào, chan thêm muỗng nước cốt dừa nấu cho sôi thêm chút bột cho sệt nó, điểm ba lát hành cắt nhuyễn trét thêm miếng đậu xanh, chị ăn ngậm mà nghe vị ngọt lan như con sóng đánh dịu nhiễu vô bờ, vị béo trôi mất xuống cổ còn lưu luyến vòm đóc họng đặng trộn lộn với vị mặn còn xót lại trong miếng đậu xanh .
Hồi tui lên chợ ăn cưới, người ta dọn gỏi cà rốt dưa leo tui chê thầm trong bụng mà hỗng nói ra miệng, món này sao so đặng dí món đuông cổ hũ dừa! may mà cái lưỡi thày lay của tui nó biết khôn nằm im hỗng nói. Nhiều hồi tui nhớ lại sớm tinh mơ, thấy cái lưỡi mèo héo queo tui mừng một má tui mừng hai, mừng tới hai má con la cùng lúc “nấu đuông ăn. Hễ chị thấy đọt héo là chắc mẳm có cặp đuông xây lâu đài tình ái trong trỏng – đám con của tụi nó ít xỉn đâu trăm con, con nào con nấy ú nú ù nu cỡ ngón tay cái nhờ ăn phần mềm mại ngay cái cổ của cái hũ dừa, dân tui gọi tắt thành cổ hũ dừa cho dễ, cái cổ thân cây dừa non nó ngon kể gì chị thấy hông, cặp bọ cánh cứng này biết kiếm cây lành đặng đục, nó đục vô cây già con nó cạp chi ăn. Chặt ngang ngay cái bọng, ta nói hốt nguyên rổ, con nào còn non nhúng nước muối, con nào mọc cánh cứng bẻ cánh nó đi, dòm nó hiền lành thấy thương, mà nương nó rồi nguyên vườn dừa non nó ăn trụi ráo rồi sao. Có bữa tui thấy tạn mặt con nhỏ sống miệt thị thành, thấy con đuông lần đầu trong đời mặt mũi nó xanh lè từ từ té xỉu, tui tưởng nó làm màu như cô Thanh Nga trong tuồng Nửa Đời Hương Phấn. Tới hồi cổ té ịch chụp hỗng kịp, may tui biết chuyện giựt tóc mai, bấm ba cái huyệt sau vành tai, ngay nhân trung, sơn đường lay tỉnh cổ. Sau màn té xỉu vì đuông, cổ ngốn đâu chục con đuông mà hông hay, tại má tui nhét đầu hành lá vô bụng nó, dùng thịt ba rọi cuốn nó rồi gói trong miếng lá lốt bò hàng hà kế sàn nước, rồi mang nướng lửa hồng, mùi thơm của mỡ nhiểu vô than bốc lên dzí mùi lá lốt, bao tử nó thèm đòi ăn kêu rột rôt. Chưa hết heng, trong vườn có nhiêu rau tui chất xanh um một rổ, càng cua dấp cá, ngò, húng, đệm ba đọt lá xoài chấm nước mắm me.
Má tui trọng khách, biết người ta sợ nên bỏ công khó, chớ như không chỉ cần kẹp đuông nướng trân gói bánh tráng là ăn quên cuộc đời xô bồ xô bộn. Tía tui hồi con sanh tiền, dạy tui món đuông đựoc vô danh sách món ngon vật lạ, được vô văn học sử mọi miền, từ “Đại Nam Nhất Thống Chí” tới tụ điển của học giả Huỳnh Tịnh Của, rồi nhà văn miền ngoải Vũ Bằng cũng viết tới nó trong “Miếng Lạ Miền Nam” Tui biết ngoài ngoải thủy thổ không hạp cho dừa mà người ngoài ngoải cũng có món bánh đa cùi dừa, tui tìm hiểu qua mấy bà bạn Bắc Kỳ mới hay bánh tráng mè nướng phồng, trét hột kê lên trển, cùi dừa là cơm dừa rám nạo trải lên trển, tui quên nói cốt dừa phải dùng thứ cứng cạy, chớ đám rám để ăn sàm cho ngọt, mà vắt cốt dừa nhớ dùng nước của nó luôn heng mới ngon thiệt là ngon. Quên chớ, đuông chị chiên phồng thả vô nước lèo xương heo ăn bún kèm giá sống cha má ơi có bữa ỗng giận tui, tui nấu nồi đuông ổng cười mơn hết giận. Giận tui cái tội thày lay ưa lo chuyện thiên hạ chớ chi. Đọc tiếp “Dừa”
Thèm Muốn
“Sống mà không được yêu là chết mà biết thở” câu nói nghe được từ nhiều nguồn khác nhau, thật hư không biết về yêu, nhưng “Sống mà không còn thèm là chết mà biết thở” thật đó.
Chữ thèm này có nghĩa là thèm muốn ước ao điều mình chưa có, chưa thể thực hiện một lần trong đời cho biết với người ta.
Đọc truyện “Lòng Trần” của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đoạn cuối trước khi chết, ni cô chỉ xin một muỗng nước mắm để nếm, cơn thèm này thật đơn giản dễ hiểu, có nhiều cơn thèm khó giải thích vô cùng và nó đang xẩy ra.
Đọc tiếp “Thèm Muốn”
Tình Nghĩa
Mùa thu lá đổ, đông đến với những cơn gió bão buồn hiu hắt, vầy đó mà chân ướt chân ráo từ Việt Nam sang Mỹ, cái buồn nó thảm tới đâu hở Trời!
– Cháu nhiêu tuổi rồi cô, cái mặt thấy ghét hết sức!
– Dạ mười tám tháng chín ngày rồi đó dì, không có nó con khỏi được qua Mỹ luôn. – Mới đó mà hai tháng, con đâu dè bên đây lạnh dữ thần ôn như vầy.
– Không phải đâu, ai mới qua cũng thấy lạnh hết đó, khí hậu khác nhà cửa khác, phòng ốc rộng rinh. Quê mình, trong nhà quá chừng người, ngoài đường cũng người quá chừng, lóng rầy tại gặp bão, chứ sống ở Cali là hạng nhất rồi, bị qua bên mấy tỉnh miền Đông cỡ này tuyết cao tới bắp chân là thường đó. Đọc tiếp “Tình Nghĩa”
Sau Ngày Rong Chơi
Sau Ngày Rong Chơi – Sẽ là những ngày tập trở lại đời sống thường nhật!
Khó lắm không phải dễ đâu. Câu nói được nghe: “Tiền mất cho du lịch là mất luôn, tiền để mua vật dụng cho gia đình thì còn!”
Còn và Mất phải viết trong ngoặc kép, “còn” thì được gì mà “mất” có sao không?
Số tiền dùng mua vé máy bay (dĩ nhiên mua vé trước cả mấy tháng cho rẻ), thuê khách sạn từ ba sao trở lên, đi ăn khắp các nhà hàng quán xá, từ bình dân đến không bình dân, cộng tất cả lại có thể mua được quá chừng thứ, xe thì loại rẻ nhất cũng được một cái – kim cương cũng một hạt không bé – bàn ghế tủ giường mua được cả bộ loại có kèo cột, quần áo thì cũng được chanel kèm ví – giày . . . Kể ra thì cũng tùy túi tiền, tùy người đi du lịch kiểu nào, dùng tiền gì để đi, người được con gái con rể “thưởng” công giữ cháu ngoại, người có tiền hưu nhiều, người để dành mỗi tháng, nói chung là những người thích đi “một ngày đàng học một sàng khôn” tìm đủ cách để rong chơi, dù “cuối trời” vẫn còn chưa “quên lãng”, đợi đến “cuối trời quên lãng” mới vác túi “rong chơi” thì muộn mất rồi, còn vật dụng đầy nhà để làm gì, xe đẹp nhà sang cũng để làm chi, thà rong chơi du lịch tiền mất mà lòng vui, mắt thấy tai nghe bao điều chỉ đọc chỉ nhìn trên sách vở. Đọc tiếp “Sau Ngày Rong Chơi”
Kiến
Hoa – Tôi – Tôi – Hoa
Hoa như Tuyết
Tuyết như Hoa
Gió vờn hoa rụng
Mặt nước lay nhíu mày tiếc nuối!
Hoa mãn nguyện phút giây sống
Đẹp như đường gươm cuối cùng,
Người kiếm sĩ chém đi
Và giọt mưa xoá hết dấu muộn phiền.
Đọc tiếp “Hoa – Tôi – Tôi – Hoa”