Giáng Sinh An Lành

Bạn có xôn xao với lễ hội không? Ngoài trời đang mưa, những cây phong trong vườn chuyển màu lá đỏ thật bình an, dưng không lại nhớ đến người không nhà chất chứa vật dụng trên những chiếc xe đẩy của ngôi chợ gần trên đường đi bộ, mỗi năm mùa Giáng Sinh trên thế giới nhộn nhịp quà cáp trang trí và cũng mỗi năm bao chuyện không may được ghi lại – năm nay không khác bên cạnh xôn xao nhộn nhịp là bao mất mát khó tìm lại được sự bình thản như không trước mắt!
Giữ lòng an tịnh nghĩ đến tương quan từ trái tim này sang trái tim kia – từ niềm vui đến nỗi buồn – hạnh phúc đến khổ đau – có và mất khiến mình hạnh phúc hơn khi nhìn ngắm chung quanh và ngay cả chính mình!

Mùi bánh thơm gian bếp, chỉ là chút ngọt ngào từ khu vườn vào nhà thế thôi – nói thật nhé lòng không chút xôn xao háo hức – không còn đi lễ đêm, không còn nấu món cháo gà không làm bánh khúc cây để gia đình ngồi quanh bàn có cây thông thoáng mùi hăng hắc dịu dàng và những gói quà lỉnh kỉnh dưới gốc nữa – các con phải đi làm ngày lễ nên mọi thứ dời lại ngày các con có thể về nhà với Mẹ, chỉ một góc rất nhỏ thôi chiếc hang đá và vài ngọn nến giả láp lánh đủ hâm nóng niềm tin vào một năm mới tươi sáng hơn cho nhân loại! Ừ nhân loại bây giờ luôn có những tin tức rất “tức” và truyền đi nhanh lắm, nên các bạn tôi ơi, thinh lặng nghe nhạc lòng mình thôi nhé, hãy hân hoan vì tiếng tim đập nhịp nhàng hãy tung tăng nhìn lá múa mưa rơi ngoài khung cửa, vài miếng bánh củ khoai nướng no lòng tháng giá hãy tạ ơn mọi sự chung quanh và nghe thoang thoảng lời thánh truyền: Vinh danh Thiên Chúa trên trời Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Tình Ơi

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở – đời mất vui khi đã vẹn câu thề!” Hồ Dzếnh – Ngập Ngừng

“Tình yêu không trọn vẹn khiến người ta cả đời nuối tiếc …tuy xa nhau nhưng luôn nghĩ luôn nhớ về nó như một giấc mơ nơi thiên đường, và lúc nào cũng tưởng tượng tình yêu đẹp lắm, thơ mộng – lãng mạn nhiều lắm!
Khi yêu người ta cố kìm nén những nhược điểm để thay bằng những cử chỉ ngọt ngào âu yếm, cố gắng khoe ra hết những ưu điểm của mình, ngay cả vay mượn những hình ảnh của phim ảnh, tiểu thuyết!

Khi đang yêu, người ta mang đến cho đối tượng cảm giác rằng: họ có thể hi sinh tính mạng của họ, ngay cả cha mẹ họ hàng làng nước cho đối tượng đang được họ yêu, nghĩa là hi sinh tất cả những gì họ đang có, bất chấp – bất kể – bất tính – bất lo – bất cần! Nhưng khi đã thành vợ chồng, bản chất thực trong mỗi con người từ từ bị phô ra, sau khi tấm màn nhung “thời kỳ tiền hôn nhân” bị đứt dây rơi xuống. Những hình ảnh sau hậu trường sân khấu, ngổn ngang trang phục dát đầy kim tuyến, hạt cườm hột thủy tinh rẻ tiền hàng mã, ngay cả những mặt nạ tươi cười hiền lành phúc hậu. Sự thật bày hàng khuôn mặt cau có gia trưởng, bảo thủ của phái nam – đàn ông, và khuôn mặt sưng sỉa ích kỷ nhỏ mọn của phái nữ – đàn bà.

Lãng mạn thơ mộng được thay bằng sự sô bồ của cuộc sống, với những khó khăn vật chất tiền tài danh vọng, khiến người ta quên giá trị thực của cuộc sống, có thời người ta đã tưởng sống chết được với nó là “tình yêu”. Sự vô tình làm cho tình yêu héo mòn và con tim nghẹt thở, không vì máu bị đọng mỡ, mà vì giận hờn – ghen tức – nuối tiếc – thèm muốn! Hình ảnh ngày xưa đâu? Người của ngày xưa đâu? Mỗi ngày phải đối diện với “hung thần” xoi mói “chai nước mắm củ dưa hành” – chìa hóa đơn mua sắm có tên Nordstrom – Dillard’s – H&M – Macy’s quên so sánh với Home Depot – Low’s – Fry’s – Apple – Dell – Best Buy – Bose! Mỗi ngày phải ngắm nghía “Chung Vô Diệm” đầu bù tóc rối, áo thiếu khuy cài quần ống cao ống thấp, mở miệng không hét thì rít, nụ cười “siêu nước nghiêng thành” biến mất thay bằng khuôn mặt phù thủy mũi quặp khóe miệng xệ dài đôi khi còn đọng vệt nước dãi qua đêm, mùi hương thoang thoảng N 5 biến mất, chỉ còn mùi pha trộn giữa sữa và cá kho!
Còn gì vui anh ơi! Em ơi! Những lời ngọt ngào tình tự ngày xưa, nay thay bằng những lời nạt nộ của chồng, vừa bước chân qua cửa nghe lời thở than của vợ, thêm tiếng khóc i ỉ của con, khi chứng kiến cảnh hai đấng sinh thành cãi nhau, la mắng nhau, đổ tội lẫn nhau, ngay cả thượng cẳng chân hạ cẳng tay – Ôi! Tình yêu như con chim xanh bay đi mất, còn lại vũng nước mắt lấp lánh như đống kim cương, made in china tội nghiệp!”

Đoạn văn trên, người viết ghi lại những giải thích được nghe phân tích từ nhiều nguồn đáng tin cậy: Những người chồng đã một thời yêu mê say người con gái, đến mức quên công danh sự nghiệp, từ chối quyền cao chức trọng để lấy được nàng về làm vợ! Những người vợ đã vì yêu nguời thanh niên đến mức cãi cha lừa mẹ để được lấy anh ấy làm chồng!
Dĩ nhiên có người vẫn còn ràng buộc với nhau vì tình vì nghĩa, cũng có đôi cặp đã chẳng còn là gì của nhau, ngay cả tình bạn cũng không thể chấp nhận được, chỉ còn hờn oán thôi! Đời thật sự mất vui khi đã vẹn câu thề! Ai tai!

Tổng kết ý nghĩa của dang dở và không dang dở, trong hai câu thơ của Hồ Dzếnh trên chuyến xe buýt đi từ Venice đến Verona, đoạn đường ngắn ngủi hơn một tiếng đồng hồ, con đường đẹp, vừa thấy mây trắng giăng, vừa ngắm những tháp chuông nhà thờ ẩn hiện giữa mênh mông đồng cỏ xanh chập chờn gió.

Câu chuyện tình yêu thuộc hàng kinh điển của thế giới, sống mãi mãi trong tim trong óc của nhân loại là chuyện tình không đoạn kết, hoàn toàn dang dở, cho đến lúc hai nhân vật chính thở hắt hơi cuối cùng từ giã trần thế. Người ta bảo chuyện tình này thật một trăm phần trăm, vì ngôi mộ của nàng còn đấy, ngôi nhà của dòng họ Dal Cappello còn đấy, chiếc lan can chàng Romeo leo lên để vào phòng nàng Juliet cũng còn đấy làm sao mà giả được chứ!

Con đường lát đá thật đẹp tồn tại từ thế kỷ 12 đến nay, màu sơn có thể đã được phục chế nhưng đúng là con đường chàng Romeo đã từng đi bộ đến nhà nàng mất khoảng 15 phút. Chuyện tình này được đại văn hào William Shakespeare kể lại bằng bút pháp tuyệt vời, hằng bao thế hệ sinh viên học sinh phải học thuộc lòng – cho dù lười biếng cũng nhớ lõm bõm vài câu:
“O Romeo, Romeo! wherefore art thou Romeo?
Deny thy father and refuse thy name.
Or if thou wilt not, be but sworn my love
And I’ll no longer be a Capulet.”
Câu này cô sinh viên nào bị gia đình cấm cản tình yêu không dùng làm bùa để theo gót nàng Juliet!
Các anh thì dùng các câu sau:
“Good Night, Good night! Parting is such sweet sorrow, that I shall say good night till it be morrow.”
“It is the east, and Juliet is the sun!”
“It seems she hangs upon the cheek of night like a rich jewel in an Ethiope’s ear”
“See, how she leans her cheek upon her hand!
O that I were a glove upon that hand,
that I might touch that cheek!”
Ui chao, nàng nghe kiểu tán này bảo chết để gặp chàng kiếp khác cũng hài lòng!

Nhiều khách du lịch mải mê chụp hình với bức tượng đồng Juliet quên mất ngắm khoảng cách từ dưới đất đến chiếc lan can không thấp, người viết tò mò ngắm nghía để thấy anh chàng Romeo này gan thật! Không biết Juliet thả dây thừng hay dây gì, để trốn đôi mắt cú vọ của cha của anh của bao người hầu cận, ngăn cấm chuyện tình lén lút vượt qua sự thù hằn của hai gia tộc Montague và Capulet! Hay thật sự nàng đã khéo léo xé tấm trải giường, thắt bím cho chàng níu leo lên gặp nàng, trong phim Romeo and Juliet được chiếu tại Rex năm 1970 của đạo diễn Franco Zeffirelli (phát hành 1968)! Tuổi trẻ có khác, nhất là buổi sáng vội vã tuột xuống lẻn ra về, có thể bị bắt gặp bị còng tay dí kiếm dẫn vào gặp ông bố “thấy ghét” của nàng như đùa.

Tình Việt Nam thì: “Mấy núi cũng trèo – mấy sông cũng lội – mấy đèo cũng qua!” nhưng leo lan can vào nhà thì khó quá, vì phòng ngủ riêng không có, chuyện tình Trương Chi – Mỵ Nương đặc biệt vì nàng là công nương – công chúa nhà giàu, nên chàng được bà vú mang vào “cấm phòng” cho nàng ngắm chàng tạn mặt để chữa bệnh tương tư! ! !

Các ông doanh gia thời nay, đã dùng tên Romeo và Juliet để làm thương mại tuyệt vời: trước khi vào thăm ngôi nhà nơi Juliet từng cư ngụ (!) – du khách phải đi bộ ngang qua một hành lang “kinh khủng” có các tên “giá trị”! Giá trị kiểu phải nói ra người ta mới biết giá là bao nhiêu, nhất là so sánh tiền đô la với tiền Châu Âu, 1 đô la thấp hơn 1 Euro.

Đi qua con đường này xong, nhiều ông xanh mặt vì giận, nhưng khi nhìn các bà hí hửng đặt tay lên ngực phải của nàng Juliet xin được người “yêu” mãi mãi, cũng đành nuốt giận làm vui – đợi ngày về nhà trang trải nợ rồi tính sau.
Nhờ thánh “Ala” phù hộ, người viết biết rằng nếu bị lạc vào mê trận Gucci – Prada – Louis Vuitton thì “niềm vui sẽ ẩn giấu thiên tai” nên “chỉ đứng nhìn thôi chẳng chịu vào”!

Có một nơi kế bên nhà Juliet nhắc nhở quý phụ nữ là: ngày xưa nàng cũng được học thêu đan – muốn được yêu nhiều yêu mãi mãi phải lăn vào bếp – phải đeo tạp dề, phải trải bàn ăn, phải có giỏ đi chợ, đừng mơ làm hoàng hậu mỗi ngày mà linh hồn Juliet chịu thua không sao phù hộ cho tình yêu của các bà được! Trong gian hàng này, họ nhận thêu chữ lên khăn lên túi lên nón cho du khách làm kỷ niệm, giá cả tính bằng số chữ. Điều lạ là, thợ thêu là đàn ông!

Chiếc túi đi theo suốt chặng đường dài du lịch trên nước Ý và bao nơi khác – chiếc túi có tên của chính người mang – cần gì Prada – Louis Vuitton nhỉ.

Nếu không dang dở đang theo nhau suốt kiếp này, nhớ lấy những câu yêu thương của Romeo và Juliet đãi riêng nhau, thế nào cũng có sự màu nhiệm ứng vào đời sống chồng vợ – chẳng cần phải mua vé máy bay đi thăm nàng Juliet, đặt tay lên ngực nàng xin phù hộ cho đời sống lứa đôi .

Kể Chuyện Xưa

“Hết ấu thơ rồi
Cửa đời mừng em đẹp lứa đôi
Gắng sức theo chồng
Vợ hiền là trăng rằm sáng soi
Hạnh phúc tròn tươi
Nào cần nếp sống nhàn vui
Mà là mái ấm tình đôi
Một lòng mến thương nhau hoài”
(Hòang Trọng)
Có một ngày đã lâu rồi anh hát như thế, anh chúc như thế cho người em, người học trò của anh phải không ? Học trò nhưng hỗn láo không gọi “thầy”, chỉ bắt buộc lắm mới gọi thế thôi, bao lần trong gian nhà nhỏ, kê bao nhiêu là bàn cùng các bạn học thêm toán lý hoá, học trò cứ “anh…thầy” líu lưỡi. Bắt đầu từ đâu nhỉ, từ là bạn của ông anh họ, đến thành thầy dạy kèm, đến thành… chả thành gì chỉ biết “anh thầy” hay lên giọng trong lớp “Còn đợi mùa Thu nào nữa” khi học trò lười biếng, chối không muốn làm bài tập ở nhà. Đọc tiếp “Kể Chuyện Xưa”

CHO KỶ NIỆM MÙA ĐÔNG

“Đây mùa Đông thứ mấy kỷ niệm mình cách xa
Em từ nơi xứ lạ nhớ Noel năm nào
Xưa nửa đêm đi lễ mình quỳ gần với nhau
Những lời hứa ban đầu còn nhớ gì không anh?

Từ ngày xa lìa nhau lòng em vẫn yêu tình em vẫn sâu
Vẫn ôm theo mộng ước trải khắp đường đi hẹn với ngày về
Từ mùa Đông gần đây lòng anh đã thay tình anh đã phai
Tiếng chuông ngân ngày nào giờ đã nghẹn ngào hồn em xót đau.

Đêm mùa Đông băng giá ngoài trời đầy tuyết sa
Em ngồi trong quán trọ nhớ thương anh vô bờ
Thôi còn đâu thánh lễ mình quỳ gần với nhau
Những lời hứa ban đầu giờ cũng thành thương đau!”

Bài nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng được sáng tác khoảng sau năm 1975 chăng, mà nhạc sầu nức nở, kẻ ở người đi tan tác mối tình đầu . Nhạc Giáng Sinh của phương tây rộn rã tiếng chuông nhà thờ ngân, tiếng leng keng của lục lạc trên cổ các con hươu kéo xe tuyết, tiếng nhẹ nhàng của khánh âm nhạc cao vút đưa lòng người bay bổng thoát hẳn ưu phiền. Nhạc Giáng Sinh của Việt Nam ngoài các nhạc khúc được hát trong nhà thờ là đỡ buồn một chút, còn phần đông là chia cách nhớ nhung – thuở chinh chiến chia cách kiểu chinh chiến, thuở vượt biên chia cách bởi vượt biên, đến bây giờ còn chia cách nhiều hơn nữa khi ý thức hệ thay đổi, mở bung mở hết chẳng có gì để gìn giữ.

Khoảng năm 1971, thuở ấy đi lễ nửa đêm rất háo hức, vì nhà thờ trang trí ngôi sao rất đẹp, các hang đá làm bằng bao xi măng có đặt các tượng thánh trang nghiêm, trong xóm nhỏ nhà nào có đạo đều treo một ngôi sao trước cửa, có bánh khúc cây, có cháo gà để sau khi dự lễ về, sẽ quây quần bên nhau hát thánh ca. Tuổi đôi tám, gia đình có thể dễ dãi cho ghé nhà bạn dự tiệc réveillon, gia đình giàu có thuở ấy đã có nhẩy đầm tại gia, tuổi trẻ theo thời hippy đã biết nhạc trẻ, biết phản kháng chiến tranh bằng dấu hiệu hòa bình, đã có Nguyễn Tất Nhiên lo sợ đi lính:

“. . . người từ trăm năm về qua trường Luật
ta hỏng tú tài ta hụt tình yêu
thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
đau lòng ta muốn khóc . . .”

Các cô học trò nghêu ngao Bình Ca của Phạm Duy:
“Này em đã đến giờ mẹ đưa em đi chợ,
Từ sáng mãi đến trưa còn lưa .
Rồi khi đưa nhau về gặp anh hippy trẻ mặc áo rách đứng bên nhà thờ – trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ!”
Ngẫm nghĩ những điều trong quá khứ, nghe đi nghe lại bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng để mang máng nghĩ đến cuộc tình tan của người đã đi tị nạn, kẻ còn ở lại ngóng chờ, lâu ngày chày tháng xứ lạnh tuyết cóng, chàng hay nàng cũng đành đổi thay, một mình mãi làm sao sống nổi.
Hôm nay, còn đúng hai mươi bốn tiếng nữa thôi sẽ là đêm Giáng Sinh, tuổi trẻ của thuở so sánh anh hippy trẻ giống Thiên Chúa trên thánh giá đã không còn trẻ, để có thể ngồi xe suốt đêm đến nơi giăng đèn lấp lánh hơn sao, không thể quên hết bao người đang gặp cảnh khó nghèo để phung phí vô lý cho những món quà, người nhận không biết sẽ dùng để làm gì .

Ý nghĩa của đêm Giáng Sinh, là hạnh phúc trong khó nghèo, nhưng càng ngày nhân loại càng quên đi điều ấy, tình cảm gia đình đang mỏng manh hơn. Sự tin tưởng màu nhiệm Giáng Sinh ngày bị phai mờ, tín ngưỡng không lôi kéo được những người vừa bị mất việc làm ra khỏi nỗi lo lắng mất nhà, nhiều tiếng than thở trách hờn Thượng Đế bất công được nghe loáng thoáng. Những kỷ niệm mùa đông trong lòng các ông bà cụ, đã một thời than thở nào là:

“Mối tình đầu trót bọt bèo
vì người ta đã chạy theo bạc tiền.
Âm thầm ôm mối tình điên.
Cầm bằng Chúa định nhân duyên bẽ bàng.”
Hay:
“Kỷ niệm đầu ai hứa dài lâu, rồi một chiều áo trắng thay mầu, em qua cầu xác pháo bay theo, lời nguyện mình Chúa có nghe không , sao bây giờ mình hoài xa vắng, bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian, bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu . . . .Tiếng thánh ca buồn vang trong đêm vắng, nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn – đêm thánh vô cùng buốt giá hồn tôi.”

Dù trời Sài Gòn đêm Giáng Sinh, chen nhau đi lễ nóng đổ mồ hôi có lẽ đã phôi phai, nên lo lắng nhìn thanh niên thiếu nữ sóng đôi, với ánh nhìn thay vì thông cảm, lại thành soi mói nghiêm trang. Tình yêu có khác theo thời đại sống hay không nhỉ? Từ lúc nam nữ không được nhìn nhau, không được nắm tay, không được tự nhiên âu yếm dù đã thành niên, đến nay chỉ cần lên bậc trung học đã được phép tự do quen nhau, tự do đi chơi, tự do âu yếm ngoài công cộng, thì tình yêu mặn ngọt ra sao các cụ ắt hẳn đành chịu, không sao giải thích được.
Có nhiều khi tự do nhiều quá, nên sau khi thành gia thất chẳng còn gì để thèm thuồng nữa, mà sinh nhàm chán hay chăng?

Dùng mối tình tầm thường trai gái, trong ngày vọng tình yêu của Thượng Đế dành cho con người: “Yêu là chết đi là biết hy sinh cho người mình yêu!” quả là không xứng đáng, nhưng từ một điểm bắt đầu đến một chấm kết thúc cần sự bền vững, các thanh niên thiếu nữ bây giờ khó khăn lắm mới tìm được một nửa của mình, bao giằng co so sánh, bao tính toán so đo, ngay cả đã tìm xong đã kết hợp nên vợ nên chồng, vẫn dễ gẫy đổ vì vài vấn đề rất đơn giản, nhưng không sao chịu đựng được. Thà nghèo khó, người vợ bị chi phối hoàn toàn bởi đồng lương ba cọc ba đồng của chồng không sao, bây giờ xã hội mới vợ đi làm lương cao hơn hay ngang ngửa cùng chồng, thì chẳng có lý do gì mà chịu đựng cho mệt.
Thôi thì chỉ còn “cho kỷ niệm mùa đông” – đâu phải cứ yêu ai là sẽ được suốt đời bên họ, thà là kỷ niệm mà có lúc còn nhớ lại cũng đủ vui.

PHẢI MÀ “TỈ DỤ TA YÊU NHAU”

Cách khoảng thời gian ba mươi năm, biết tin bạn cũ có những điều xảy ra như thế này. Dĩ nhiên nếu bạn cũ cùng phái thì líu lo chuyện “chồng mày chồng tao, con mày con tao”, nhưng bạn cũ này khác phái.

Ba mươi năm không hề nghe tin tức, tưởng chết trên đường vượt biển, bỗng nhiên vì những trang viết trên nét, vì những câu chuyện kể lể trong truyện, nghi nghi “đúng là nó”, liên lạc. Đúng là nó thật. 

Biết nhau từ “năm một ngàn chín trăm hồi đó”, gom góp lại khoảng hơn ba mươi năm. Chuyện anh con trai lớn hơn cô con gái vài tuổi, vừa lên đại học, ngùn ngụt lý tưởng lấp biển vá trời, thay đổi bộ mặt nhân loaị bằng cách mang kiến thức của mình, san xẻ cho thế hệ tiếp nối, bằng cách đi dậy kèm tư gia. Cô nàng đến học cùng các cô bạn khác, thành học trò của anh chàng. Có nghịch ngợm có phá phách, dĩ nhiên cũng có chút đong đưa trái tim hồng tuổi trẻ, nhưng không ai nói ra điều cấm kị ấy.. Đó là chuyện hồi xưa.

Chuyện bây giờ là không ai còn trẻ cả, cộng con số ba mươi bốn mươi vào con số hồi đó, nó sẽ có số thành gần chẵn nửa đời người, giác một chút cho anh chàng, non một chút cho cô nàng, nếu đời người tròn trịa đúng trăm năm.
Đọc tiếp “PHẢI MÀ “TỈ DỤ TA YÊU NHAU””

%d người thích bài này: