Cách khoảng thời gian ba mươi năm, biết tin bạn cũ có những điều xảy ra như thế này. Dĩ nhiên nếu bạn cũ cùng phái thì líu lo chuyện “chồng mày chồng tao, con mày con tao”, nhưng bạn cũ này khác phái.
Ba mươi năm không hề nghe tin tức, tưởng chết trên đường vượt biển, bỗng nhiên vì những trang viết trên nét, vì những câu chuyện kể lể trong truyện, nghi nghi “đúng là nó”, liên lạc. Đúng là nó thật.
Biết nhau từ “năm một ngàn chín trăm hồi đó”, gom góp lại khoảng hơn ba mươi năm. Chuyện anh con trai lớn hơn cô con gái vài tuổi, vừa lên đại học, ngùn ngụt lý tưởng lấp biển vá trời, thay đổi bộ mặt nhân loaị bằng cách mang kiến thức của mình, san xẻ cho thế hệ tiếp nối, bằng cách đi dậy kèm tư gia. Cô nàng đến học cùng các cô bạn khác, thành học trò của anh chàng. Có nghịch ngợm có phá phách, dĩ nhiên cũng có chút đong đưa trái tim hồng tuổi trẻ, nhưng không ai nói ra điều cấm kị ấy.. Đó là chuyện hồi xưa.
Chuyện bây giờ là không ai còn trẻ cả, cộng con số ba mươi bốn mươi vào con số hồi đó, nó sẽ có số thành gần chẵn nửa đời người, giác một chút cho anh chàng, non một chút cho cô nàng, nếu đời người tròn trịa đúng trăm năm.
Ai nói mắt không nheo một tị, tim không đập nhanh một chút là nói dối-nói láo-nói xạo. Nói không đúng sự thật. Mà mắt có nheo một tí, tim có hơi hoảng loạn một tí cũng có sao đâu? Đường đời đôi ngã đã phân minh, anh đường anh tôi đường tôi, tình nghĩa chỉ còn vài ba hình ảnh cũ mèm, lôi ra xem lại, màu thì xỉn đằng màu, giấy thì tơi bời đằng giấy. Sống trong thời gian chinh chiến, đổi thay, ai tài thánh gì mà bo bo giữ gìn kỷ niệm. Mất mát gia đình cha mẹ, anh em, huống gì vài ba quyển hình, quyển nhật ký.
May mà biết bạn còn sống, thì bạn chứ còn gì nữa, bây giờ hết còn dạy dỗ nhau, “bán tự vi sư” ngày xưa, bây giờ quên sạch “sư hết là sư” có khi ngược lại là khác. Học trường đời nhiều bài học già dặn hơn nhiều, cô học trò xưa thành “sư mẫu” thì có.
Lại lôi những bài nhạc 10 năm tình cũ, 20 năm tình cũ, của tác giả Trần Quảng Nam ra làm thí dụ là thấy ngay ê chề. Khoảng mốc 10 năm còn mang mang
Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên
…
Nhưng em yêu ơi ! Một vùng ký ức
Vẫn còn trong ta cả một trời yêu
Cả một trời yêu bao giờ trở lại
…..
Tình bất phân ly – tình vẫn như mơ
Sang đến 20 năm, nó thế này
Bao nhiêu năm gặp lại
Nụ cười héo trên môi
…
Cơn mê thêm rã rời
Tim đau không ngừng nhịp.
Dĩ nhiên nhạc sĩ cho tí lãng mạn vào để cuộc tình có giá trị một tí, và ngưng ở 20 năm gặp lại, anh không dám viết 30 năm tình cũ, vì nếu viết bảo đảm anh sẽ chẳng biết mở đầu thế nào. Mắt đầy dấu chân chim, tóc khô màu ánh đỏ, ánh vàng vì nhuộm, không khô rốc thì cũng đẫy đà, răng cỏ cái còn cái mất, nếu khéo giữ thì cũng chẳng thế nào tìm lại nụ cười xưa, đồng điếu khoé cười xệ đi đâu mất, lúm đồng tiền đã thành má lõm trỏm trơ.
À đưa thí dụ bằng thơ nhạc, để khẳng định ít ra trong cõi đời này rõ ràng có một người hiển nhiên gặp trường hợp giống mình, không phải cá biệt gì cả. Nhưng lan man đến đây để kể lể thêm gì đây? Hai bài nhạc trên tác giả rõ ràng đưa ra tình trạng có YÊU trong đó, chữ này viết hoa để nêu rõ là hai đối tượng có mối giây liên hệ hơi bền vững trước đó, còn tình trạng “anh đi dạy kèm-em cô học trò nhỏ” kể ở trên chưa có YÊU, thế mới lắm chuyện.
Anh chàng đã có vợ, cô nàng đã có chồng. Tình trạng nếu cả hai cùng có con đến tuổi cặp kê, hai đứa nó vô tình quen nhau, mang về nhà ra mắt cha mẹ. Mừng hết biết, bạn xưa thành sui gia. Tuyệt đẹp.
Anh chàng có vợ, cô nàng chưa chồng. Nếu nàng còn ở Việt Nam, chàng đã ổn định công danh và tài lộc ở ngoại quốc, trở về muốn tìm người xưa. Cô nàng khôn ngoan đừng cho gặp mặt, vì chẳng được gì lại nhận được ngỡ ngàng vì bao nhiêu hình ảnh đẹp biến mất, chàng có thể chép miệng : “giá mà đừng gặp “. Thật đó gặp lại em xấu hơn xưa, mất tiêu bóng hình người xưa huyền hoặc.
Anh chàng chưa vợ, cô nàng đã có chồng. Đừng gặp cho xong. Đàn ông lớn tuổi thế vẫn chưa gặp ai có thể gàn, có thể ấm ớ. Gặp lại người xưa, muốn tìm nơi an ủi, là thành họa lớn cho gia đình cô nàng. Gặp người chồng hiểu biết không kể làm gì, gặp ông khó tính là… coi chừng chuyện tai ương chẳng đâu vào đâu, mà đi đến tan nhà nát cửa.
Anh và nàng đều còn độc thân sau những năm dài như thế, kết hợp để an ủi tuổi già? Coi chừng cũng không nên, thà cứ dang dở cho xong. Trẻ khác già khác, chịu không thấu đâu. Ngày xưa ngọt như mía lùi-bùi như hạt dẻ, bây giờ chua hơn me dốt-đốp chát như dùi đục chấm mắm nêm. Lọt vào vòng chồng vợ, chưa được vui bao nhiêu đã ò e đưa nhau vào cõi tận. Tận có thể là mất hết tình xưa nghĩa cũ, cũng có thể là đưa nhau vào nghĩa trang buồn, không lãng mạn “ánh đèn vàng hiu hắt khói trầm cay đôi mắt- em nằm đó sao thôi cười thôi nói” mà là “thóat nợ nói dai”.
Thế nên, thà cứ “liếc đưa nhau đi rồi con mắt có đuôi” lại hay.
Nhớ đến chuyện cô bạn, “Mày nhớ thầy Tuấn không? hồi đó ảnh học kỹ sư hoá chất đại học Phú Thọ, đến nhà Ánh Hồng dạy kèm toán tụi mình đó, nhớ không?.”
Nhớ chứ sao không nhớ ! hồi đó cả đám đã nghi nghi, mà cô bạn thì lại im như thóc, không kể lể như các cô khác, khi tập tễnh lò dò bước lên thảm cỏ “tình yêu”. Nói đến thảm cỏ tình yêu là phải nhớ đến Từ Kế Tường – Đinh Tiến Luyện. Không có hai nhà văn này các cô nữ sinh ngu ngơ không thể tưởng tượng ra đường vào tình yêu thế nào? Nhờ có hai ông, các cô tha hồ lơ mơ, “Hình như là tình yêu”,“Tỉ dụ ta yêu nhau”, “Đường Phượng Bay” rõ nhé, chỉ hình như và tỉ dụ, chưa là sự thật, nên dấu được phút nào hay phút ấy, có sao đâu?
Thời ấy, con gái mà dám đi chung với con trai là hãi lắm, sợ lắm. Hãi sợ người khác gặp, mang về nhà mách gia đình, thành thử cái sợ cái thích hòa vào nhau, thành chất men làm các cô say say má đỏ. Tại sao lại không thích nhỉ? Bao nhiêu là con gái, sao “người ấy chọn mình” nói xa xôi làm gì, trong nhóm học kèm có năm đứa, “người ấy” không đón đưa ai, chỉ đón đưa ta. Câu chuyện bắt đầu bằng vô tình nhà nàng ở khỏang (đường) nhà anh, nên trên con đường chính phủ xây cất cho dân chúng đi lại, anh đi và nàng đi, chúng ta cùng đi. Chỉ có câu chuyện chúng mình nói với nhau mới có thể khẳng định hai kẻ song hành này biết nhau. Nếu không thì chỉ là kẻ lạ, thiếu gì người cùng đi trên đường. Con đường ấy hàng cây sao cao to lắm, nó chẳng nghe gì, tiếng xe gắn máy cũng áp đi tiếng hai đứa nói với nhau, nhưng hai người trong cuộc, bảo đảm nghe nhau rõ lắm. Rõ đến nỗi bây giờ nàng vẫn nhắc “Mày nhớ thầy Tuấn không?”
Lúc ấy, các cô bạn đều cùng lứa tuổi, lứa tuổi chua ngọt ô mai. Cô nào lòng dạ cứng như đá, không thèm nghĩ đến chuyện bồ bịch, một mực sin cos tang, đạo hàm, công thức, cũng biết để ý xem ông thầy nhìn ai nhiều nhất, ông thầy cho điểm đứa nào cao nhất. Cô nào mắt ướt, lãng mạn thả hồn theo gió, đi học vì mẹ bắt thì ngắm thầy tha thiết, không để nghe bài thầy giảng mà để tưởng tượng, xây dựng một thần tượng trong lòng. Nói chung ông thầy gan phải to lắm mới dám dậy kèm một đám học trò con gái. Và cô bạn là một trong đám xuân xanh ấy, đã được đón đưa, đã dấu nhẹm được chuyện kỳ bí ấy trong vòng mấy mươi năm.
Thì ra, cô nàng đã đánh lừa được cả bọn lắm chuyện bằng cách giả nai. Con nai vàng ngơ ngác, đạp thẳng vào trái tim thầy, không nghe tiếng xào xạc réo rắc chi cả. Thầy giả ngơ cũng hay, ít khi để ý đến cô nàng trong lớp, thành thử trong năm đứa, hết đứa này đến đứa nọ đổ hô “tình” cho nhau “Thầy để ý nhỏ Ngọc vì ổng cho nó điểm cao nhất” – “Không phải đâu, nhỏ Tâm á, tao thấy ông ấy hay nhìn nó khi giảng bài” – “Tụi bay sai rồi, Kim á. Tuần trước rõ ràng tao thấy hai người đạp xe ra về cùng lúc” – “Không phải mà, nhỏ Ánh Hồng mới đúng, nó hay pha nước chanh cho thầy uống, mỗi lần cầm ly uống là thầy lại nhìn nó” , cô nàng đổ tình cho người khác nhiều nhất, những lời phán quyết chắc như đinh đóng cột. Làm các cô khác mải phân bua quên mất đi còn một cô nữa là chính nàng.
Bây giờ biết rồi nha, hồi đó thầy cứ về trước, nhưng thật ra đón nàng ở mãi ngã tư xa lắm, sau khi nàng tha hồ nhai cóc ổi sau giờ học kèm, tán dóc thêm một chút cũng không sao. Thuở chờ đợi thời gian chừng dát bạc, nên chờ mươi hai mươi phút có thấm gì.
Tò mò hỏi tới : “có hẹn hò gì không? bắt đầu từ đâu?”
Thì :
“ Từ quyển truyện “Tỉ dụ ta yêu nhau” đó. Khi không cái theo chung đường về, cái rồi đưa sách tóan cho đọc, cái rồi kèm thơ tình, cái rồi tặng tui quyển truyện đó.”
-“Rồi có yêu không?”
-“Không”
-“Sao uổng vậy chớ, sao không yêu thử xem thế nào, tui như bà tui thử á”
-“Hồi đó nhỏ mà”
-“16 tuổi rưỡi mà nhỏ sao, thôi thì không yêu, thế có mi chưa?”
-“Chưa.”
Chưa mà nhẹ hìu như vậy chắc đang tiếc lắm phải không? Nụ hôn con gái là nụ hôn ngọt nhất trên đời, ngọt hơn những gì có thể ngọt. Nụ hôn dưới giàn hoa giấy, nụ hôn lén lút, nụ hôn vụng về, trong vườn bách thảo, bên gốc me già, bên hồ sen ngát hương, hay ngay trước cổng nhà, dưới hiên mưa tầm tã.
Nói đến nụ hôn đầu, nhà thơ Trần Dạ Từ đã viết :
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Nhà thơ là phái nam, nên anh còn nhìn được cành phượng trổ hoa, còn nghe được ve hỏang hồn kêu vang – nếu là phái nữ, lần đầu được ghé môi hôn, thì chắc một điều là không nghe không thấy gì hết. Hỏi bạn mà cũng tự hỏi lòng mình có tiếc lắm hay không .
Rồi thầy đón đưa, rồi thay đổi cách gọi – từ tên sang chủ từ ngôi thứ hai âu yếm. Nơi hò hẹn là những nơi không ai ghé, sâu mãi trong khu Chợ Lớn, không là Nguyễn Huệ, Lê Lai, Hồ Con Rùa, hay sở thú, làm sao bị bắt gặp. Làm gì trong giờ hò hẹn? Chỉ ngồi nhìn nhau, nói chuyện bâng quơ. Thành đôi bạn từ khi đi picnic với các bạn của thầy. Rồi thì cây kim trong gối, lâu ngày cũng phải lòi ra. Một lần thầy âu yếm gọi tên trò giải tóan thế là các cô bạn bừng tỉnh. Nhìn con nai ngơ ngác thành con nhỏ bạn khôn thấy mồ, khi không lượm được tim thầy. Thế là rình rập và bắt tại trận hai người song đôi đường về thênh thênh. Biết thế nhưng bây giờ mới rõ ngọn ngành.
Thì ngọn ngành cũng chỉ bấy nhiêu, hò hẹn đón đưa một thời mới lớn, để rồi sau đó mất nhau – Ủa sao lạ vậy?
“Hồi đó khi mấy bà biết rồi, tui lo cho ổng biết bao, nào là giúp đỡ tiền bạc khi gia đình ông ấy từ Trung vào tị nạn, nào là an ủi khi ông ấy lo lắng một mình, cứ tưởng với sự chăm sóc ân cần, mối tình sẽ thành bền vững. Lúc chuẩn bị thi tú tài, ổng lo cho tui từng li từng chút, ngày có kết qủa tui đậu cao lắm ổng là người đầu tiên tới nhà cho hay. Hồi Sài Gòn lu bu chuyện bỏ bom dinh Độc Lập, lu bu chuyện di tản mất nước mất non, cũng ông ấy lù lù đến nhà lo lắng cho tui sống chết. Một thời gian ngắn sau đó, không thây bóng dáng ông ấy, tui lo tui sợ tui buồn, tui tương tư…”
-“tương tư?”
-“Ừ không thấy ông ấy đến nhà nữa, tui bịnh một trận tưởng chết. Rồi Ngọc nó méc tui ổng đi lấy vợ, tui uất ức sinh binh, máu nó dồn lên não, ổng lấy con bà chủ nhà, nơi ổng ở trọ. Ổng gởi thơ phân trần, vì mang nợ người ta nhiều, bà nghĩ coi, còn nợ tui, ổng để đâu chớ. May tui nghĩ lại, mắc gì phải bịnh vì một gã bạc tình, tui lôi quyển “Ví dụ ta yêu nhau” ổng tặng hồi sinh nhật tui 17, đem ra xé tan xé nát, lúc đó tui nghĩ tui băm vằm ổng, tui xé to xé nhỏ tình tui, xé tới hồi tui hết bịnh không hay. Rồi tui đi sang Úc, rồi tui nghe Ngọc nó kể, nó gặp ổng, ổng gởi lời xin lỗi tui, lời ổng hối hận bỏ tui, chớ không ổng được sang Úc với gia đình tui rồi”
-“Trời đất, kể vậy mà giọng còn nhão nhẹt vậy sao chớ, tình đó là tình ngờ, tình lợi đó bà ơi, đừng thèm nhớ, đừng thèm nghĩ đến nữa mà mang họa”
-“Bởi vậy tui mới kể ra cho bạn bè biết, chớ phải mà ví dụ tui yêu ổng, ngu sao tui kể cho bà nghe”.
Thế là tình xưa giờ đã phôi phai. Cô bạn vừa kể ra được hết nỗi niềm, đã nhẹ đi bao phần ấm ức. Và thêm điều nữa, tôi và các cô bạn cũ sẽ không bao giờ còn hỏi cô : “Mày với ông Tuấn hồi đó có gì với nhau không?”
Ấu Tím – 2004
(Thân tặng các bạn cũ SNA-và các bạn có mối tình học trò sương khói)