Lễ Tết

Đã qua Tết, đến thứ hai là lễ các vị tổng thống Presidents’day, trong các cửa hàng thương mại tim đỏ treo khắp nơi, màu đỏ lẫn màu hồng chói mắt từ những tuần trước, dòng chữ I Love You mỗi góc phố đều có thể tìm được, ngay cả trên xa lộ xe cuồn cuộn, bất chợt giảm chân ga thế nào cũng đọc đuợc câu gì đó trên tường, ngay cả tấm biển giăng trên lưới sắt an toàn, đại loại như : “… will you marry me” – “I love you forever….” những dấu ba chấm dĩ nhiên là cái tên thật đẹp của phụ nữ.
Tối hôm qua xem Thế Vận Hội mùa đông Sochi đang tổ chức tại Liên Xô, Thấy cô nàng dễ thương giơ tấm bảng giấy viết tay: “Will you mary me . . .” ba dấu chấm là tên của chàng vận động viên đang tranh tài, dễ thương làm sao, con gái thời nay đã không còn đợi chờ e lệ như tôi thuở xưa, mong có người đến nhà xin bỏ trầu cau dạm ngõ.
Và màu đỏ trong các chợ Á Châu cùng màu vàng của mai giả còn sót lại sau Tết cũng rực rỡ không kém.
Quanh nhà, hậu quả cơn lạnh để lại buồn thiu, màu nâu cháy của lá, không biết cây có sống lại đuợc không. Cây cỏ cũng như con người đều sợ lạnh lùng – lạnh nhạt – lạnh căm. Đọc tiếp “Lễ Tết”

Pháo Tết

Ngày xưa thật xưa, nghèo! Người ta sống thanh bình, thờ phượng nhiều Thần Linh, tin có quỷ ma u mê ám chướng đất đai điền thổ, nên mùa Tết, họ cầu mưa thuận cầu gió hòa, cầu năm mới mùa màng tốt đẹp, chưng cành đào không cho ma quỷ bước vào nhà vì đào có gai, đốt phong pháo cho các oan hồn đi xa không vật vờ trước cửa, vì tiếng pháo nổ ầm ĩ đì đùng.

Ngày xưa mới đây, người ta đốt pháo trong thành phố, nhà nhà đốt pháo, dây pháo càng dài càng chứng tỏ nhà có tiền từ đâu đó trên thế giới gởi về, đến một lúc cả thành phố ngộp vì pháo, nhà bị cháy bị nổ tung vì pháo, con nít bị chết, bị mất ngón tay, bị mù đôi mắt vì pháo bao nhiêu tai nạn kinh khủng vì pháo thì lúc ấy pháo hoàn toàn bị cấm đốt trong thành phố. Đọc tiếp “Pháo Tết”

Mùng Hai Tết

SumHop

Gia đình sum họp, có pháo đến nhà, những món ăn ngày tết, nào bánh chưng, tét, thịt kho, khổ qua dồn tàu hũ, bún mộc, chả giò, những món nhà nấu tinh khiết. Cô em hỏi tại sao chị không nấu cỗ kiểu người miền Bắc. Câu hỏi thật đơn giản, nhưng muốn trả lời lại thành một bài dài tỉ mỉ tẩn mẩn. Tùy vào thời tiết mỗi miền mà mâm cỗ khác nhau, tùy theo từng địa phương có các món rau trái đặc biệt gì mà mâm cỗ có màu sắc khác nhau. Miền Bắc khí hậu lạnh, cỗ bàn dùng các món ăn nguội, miền Trung nơi có vua ngự, các món ăn cầu kỳ tinh tế, mâm cỗ đầy đĩa nhỏ đĩa to, miền Nam trù phú sông đầy cá tôm, đất đầy cây trái nhưng khi hậu nóng, các mâm cỗ được nấu sao để không dễ bị thiu hư. Từ những lý do này mà người Việt sống trên đất lạ, tùy theo gốc gác của gia đình mà nấu các món ăn chưng bày mâm cỗ.
Gia đình tôi người Bắc, bà nội và các bác của tôi, những ngày giỗ kị thường bày bốn bát bốn đĩa, bà bảo cỗ lớn thì gấp đôi. Đọc tiếp “Mùng Hai Tết”

Mùng Một Giáp Ngọ

Sáng mùng Một, hoa lá quanh nhà nở bung thật đẹp, hoa trong nhà cũng nở cành đào chúm chím mơ mòng, nhạc Xuân thư xuân Thơ Xuân – đọc bài thơ hay từ bạn, ôi đời đẹp sao .


Xuân Giáp Ngọ

Ta đi trọn một vòng nhân thế
Sáu mươi năm cứ kể một đời người
Giũ gian truân, giữ lại nụ cười
Chân bước tới và lòng tươi như mới

Chẳng vội mà chi chẳng trông chẳng đợi
Hiểu đất trời vời vợi giữa muôn sao
Hiểu mong manh cuộc sống biết chừng nào
Hiểu trăm chuyện sẽ ném vào quên lãng

Chẳng giận hờn chi chuyện đời lãng đãng
Hiểu buồn vui là chuyện của nhân gian
Những hơn thua mất được hiểu trăm đàng
Điều quan trọng là hiểu mình đang sống

Ta cứ hồn nhiên vui . Đất trời trải rộng
Mơ trăm năm, mơ mộng quá làm gì
Thêm mỗi ngày chân còn vững bước đi
Còn hội ngộ còn bình yên là quý

Xuân Giáp Ngọ 2014
Lê Đình Tưởng

Anh Tài, người bạn của chồng tôi đã hơn 24 năm mới được gặp lại – chở anh đi thăm Sài Gòn Nhỏ San Jose

ThucTaiHoa

ThucTaiHoa

%d người thích bài này: