Ngô Đồng

Ngô Đồng
Tác giả: Hoàng Lộc

là dây cát, dây đằng – em mọc ở cội tùng
là phượng hoàng – em tìm cành ngô mà đậu
tìm không ra cành ngô ? hãy bật lời thảm tư?
chẳng thấy cội tùng ? hãy tự héo khô đi!

khi vác đời làm gã tình si
ta ngạo nghễ như cây tùng trăm thước
tình ta hiếm, là cành ngô xanh mướt
vì chờ em, sắp sẵn một đời chờ

ta từng coi khinh những giống chim ngu
gặp nhánh cây nào cũng sà cánh đậu
những thứ dây leo bu tường bám giậu …
(thà chịu đời vất vưởng có hơn không ?)

sừng sững trong ta bóng lớn ngô đồng
phủi sạch trần ai, đợi loài chim quý
ta hữu hạn giữa tầm vòng thế ky?
mà phượng hoàng tuyệt tích đã ngàn năm!

một thoáng trong em có tiếng kêu thầm
cành bích ngô ta giật mình đỗ lá
thêm đủ lý để coi thường thiên hạ:
phượng hoàng, phượng hoàng – em đậu xuống cành đi!

ôi, không phải phượng hoàng đâu – em dối ta chi ?
trái gió trở mùa, kìa em lạc giọng
ta biết ta đau khối tình vô vọng
khi em đậu bao lần chẳng chọn cành ngô

khắp đất cùng trời mất dấu phượng hoàng xưa
ta lại vác đời tình – đi – cúi mặt
cái bóng ngô đồng trong ta queo quắt
đã chắc một đời phải chịu cành không!

là dây cát, dây đằng – em mọc ở cội tùng
là phượng hoàng – em tìm cành ngô mà đậu
tìm không ra cành ngô ? hãy bật lời thảm tử
chẳng thấy cội tùng ? hãy tự héo khô đi.

Rất Vụn

Sáng mở máy vi tính thấy Google có logo thức ăn nhảy múa thế này – để ý sẽ thấy toàn là rau củ quả, có bánh có bơ nhưng không có gà tây!
Đời sống thay đổi sau gần hai năm đối diện với đại dịch toàn cầu đến nay vẫn chưa kết thúc cho dù có thuốc có thang có tin đồn thật giả có cả những người đã về nhà Chúa đã sang miền cực lạc tây phương rất âm thầm rất đau đớn và có cả những người chịu đựng “hậu chấn” của nó, không ít đâu toàn thế giới cơ đấy! Từ những cháu bé vừa được sinh ra đến quý ông bà đang được con cái gởi trong các viện dưỡng lão!

Đọc tiếp “Rất Vụn”

31 Tháng 10


“Môi tím


Buổi chiều hôm ấy tan học về, chị G. mở cửa chăm bẳm nhìn tôi rồi ré lên như còi tàu hú:”Lại nói năng lăng nhăng làm sao nên mới bị người ta cắn cho chứ gì!”.
Tôi 11 tuổi vừa mới chập chững bước vào Đệ Thất*, chẳng hiểu chị muốn nói thứ wủy gì. Nói lăng nhăng vốn là cố tật bẩm sinh của tôi, nhưng tại sao vì thế mà lại bị người ta cắn? Người ta là ai? Có mắc mớ chi giữa cái nói của tôi với cái cắn của người ta?
Lũ em ngố của tôi ùa ra từ căn phòng học nhỏ dưới chân cầu thang theo tiếng còi tàu lảnh lót, đứa thì trợn trừng mắt ô-tô ngó như ngó sững kingkong, đứa thì xòe năm ngón tay bụm miệng cười hinh hích như đang bị đè ra cù-lét, đứa lại lăn quay trên nền đá hoa láng bóng quẫy đành đạch như con cá lia thia trong chiếc bồn thủy tinh bị cạn nước – háh, cứ làm như chưa bao giờ trong đời được nhìn thấy môi ai tím rịm một màu sim!
Chợ vỡ, bà bị giật mình bỏ bếp nhẩn nha đi ra, giương cặp mắt kiếng trắng vốn thường được dùng để đọc sách nghiên cứu tử vi, nay được dùng để đăm đắm nhìn vào cái mặt mẹt của tôi rồi lắc đầu thở dài:”Lại nốc cho cố cái lũ sim rừng bán ở cổng trường phải không? Tối nay chắc có đứa không cần phải ăn cơm nữa!”.
Quả bà là nhà thông thái, biết tỏng cái nết ưa lê la ăn quà vặt của cháu. Xụ mặt không dám cãi bà, nhưng cái đầu có cái đuôi cheval thì ngoe nguẩy lầm bầm:”Cơm ăn quanh năm, sim chín chỉ có một mùa, không chịu khó nốc cho cố mùa này thì phải dài cổ chờ mãi đến tận mùa sau. Mà biết mùa sau bà cụ hàng rong có còn ôm thúng sim chín đến cổng trường rao bán? Rẻ thôi, một đồng một chén, xơi 3 chén chỉ tốn có 3 đồng tiền quà mẹ phát, vẫn còn 2 đồng để bỏ vào con heo đất để dành mua sách truyện nhi đồng cho cái lũ ngố kia đọc ké (hoặc nghe kể truyện ké thì cũng thế). Thiệt là cái lũ không biết ơn tí teo nào nhé, mai mốt sẽ đem xài béng 5 đồng cho nào chè bánh lọt / bánh cam / bánh ít / bánh bò / bánh tùm lum mà lại đỡ phải “đắng cay”, hứ!!!
Well, hứ thì cứ hứ chứ đủ hai mùa sim chín tiếp theo sau đó của Đệ Lục*, Đệ Ngũ*, tôi vẫn không thể “cầm lòng” trước cái hình ảnh bà cụ mặc áo bà ba nâu ngồi lặng lẽ một mình bên chiếc thúng nhỏ đầy ắp những nụ môi ngon tim tím hồng hồng trước cổng trường học. Nụ môi Đệ Thất* rất simply ngon. Nụ môi Đệ Lục* cũng vẫn còn ngon nhưng đã bắt đầu hơi rối. Cái rối theo lên Đệ Ngũ* khiến nụ môi không còn ngon lắm khi bất chợt hiểu ra cái nghĩa bóng gió “nói lăng nhăng thì ắt bị người ta cắn” của chị G. Dĩ nhiên cái bất-chợt-hiểu-ra này của tôi không đến từ “kinh nghiệm” bản thân. Chúng đến từ con nhỏ bạn “tam giác hồng”* bị bố mẹ transfered từ trường nữ trung học công lập sang trường nữ trung học ma-sơ của tôi sau một sì-căng-đan tóe lửa…(rồi tôi sẽ ngồi lê đôi mách câu chuyện này sau nếu có dzịp!)

Sau Đệ Ngũ*, tôi vĩnh viễn không bao giờ còn được nhuộm môi tím bằng những quả sim rừng. SG không có rừng nên không có sim – hay cũng có nhưng không còn bà cụ áo nâu nào đem bày bán. Vòng quanh nơi tôi ở bên này, rừng thì nhiều nhưng sim tím rịm thì không có, chỉ thi thoảng gặp bụi blueberry, chúng làm xanh môi nhìn ghê ghê chứ không ngon như nụ môi tím gọi mời những cái cắn!
Đêm Halloween hôm qua kẹo ế vì trời mưa khiến tôi tức tưởi ngồi gặm hết một thỏi dark chocolate to tổ bố. Ah, ngộ quá, có mụ old witch nào đó nhìn tôi chăm bẳm từ trong tấm gương soi, hỏi:”Trick or treat?”.
Môi mụ ta nhẫy màu đen của đêm…
Phù Dung

Cả con đường không một dáng người đêm lễ Ma Quỷ khiến thố đựng kẹo hình trái bí màu cam vẫn đầy ấp – đoản văn nhớ đôi môi nhuộm màu sim tím – nhuộm màu trái trâm đưa bạn về khoảng nào trong đời nhỉ?
Bà phù thủy trốn sâu trong ký ức có lần mò chui ra hù dọa bạn không – bị đòn vì màu lem đáy túi áo trắng đồng phục từ trái trâm trái sim có gây gây nỗi nhớ và thèm được đánh đòn không!
Cô cháu gái nhảy nhót dưới chân – bà ngoại ngồi nhớ thời còn bé tí – ngoài trời mưa con bé cứ lôi tay: “à chá = outside” trái tim môi tím xưa học được ngôn ngữ trẻ thơ hạnh phúc – cần gì lễ hội!

Em Đã Quên Mùa Thu




Buổi sáng chớp mi rớt vào ngày những giọt lệ trong veo từ cơn mưa đêm dai dẳng…
Bụi lilac em đi và bỏ lại hôm nay vừa nở bung một chùm tim tím thoang thoảng mùi hương shampoo em hay dùng để gội đầu…
Mùi hương rù quến một cánh bướm trắng chập chờn lượn quanh chừng như có điều gì băn khoăn muốn ngỏ…
Tôi (hình như) cũng có vài điều ngớ ngẩn muốn ngỏ nhưng còn đang phân vân chưa biết ngỏ cùng ai…
(ngỏ nhầm ai coi chừng bị chì chiết cho tan tác)
Ah, có chú chim xanh vừa vù đến đậu trên gờ chiếc birdhouse gỗ, cái cần cổ thon ngúc ngắc gật gù ra cái điều “ta đây thông cảm”…
Háh, biết cái chi mà đòi thông với cảm…
Dù sao…dù sao…chim cũng vẫn chỉ là chim…
Đến rồi bay đi…
Chim giời sinh có cánh nên chim phải bay…
Người giời sinh có chân nên người phải chạy…
Chim theo mùa bay tìm nơi nắng ấm – (để sinh tồn?)…
Người theo tuổi chạy tuốt luốt về phía chân trời xa lơ xa lắc chẳng thiết nẻo về – (để sớm được thăng thiên hội ngộ cùng ông bà tiên tổ?)…
Vậy cũng tốt – c’est bon!
(đỡ phải mất công ngày lại ngày thấp thỏm hồi hộp chờ đợi hai cái chân nớ lên cơn ngứa ngáy)
Và cũng très bien for the sake của những trái tim phập phồng không còn bấy*
Bùm-bum…bùm-bum…bùm-bum…
Whenever it stops its beating…
Everything’s gone…
Có phải?

Phù Dung

%d người thích bài này: