Kiếp Nào Có Yêu Nhau

“Nhạc tình của tôi trong loại nhạc tình cảm tính, nhạc của lứa đôi, nên tôi rất chú trọng tới chữ “nhau”: Cho nhau, Đừng xa nhau… Một bài thơ cũng ở trong chữ ”nhau” của Hoài Trinh đã nói lên mối tình xanh vẫn còn lo sợ… Bài thơ nhan đề Kiếp nào có yêu nhau…
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi ….
Cả bài thơ là một sự nức nở, nghẹn ngào, tiếc nuối… để có thể làm cho người đọc thấy trong lòng buốt giá, tái tê, chết lặng. Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chấp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vần đều đều, bằng phẳng. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu “đừng nhìn em nữa anh ơi” chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai “nhẩy bực” quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu “đừng nhìn em” làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát… Nói thêm cho rõ: ca khúc gồm 154 chữ, dài gấp rưỡi bản gốc. Bản gốc là thơ năm chữ theo luật thi, nhịp lẻ; ca từ nhịp chẵn 6-10 theo sườn lục bát vần lưng kết hợp với vần chân; hai câu ngũ ngôn trở thành bát cú (hémistiche) cho câu 10 từ với vần giữa câu. Như vậy, chỉ về âm luật thôi, bài hát đã khác bài thơ. Những câu, những từ, những âm (đừng… đã) luyến láy tạo ý nghĩa mới cho lời thơ – chưa kể nhạc thuật phong phú, tha thiết mang chất bi kịch. Hẳn người thôi đã quên ta! Trăng thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ. Gặp người chăng? Gặp người chăng, nhắn cho ta Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ. (Trích Vang vọng một thời Phạm Duy – Mùa hè 2012)

Bài thơ ngậm ngùi của Minh Đức Hoài Trinh – được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc

Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ
Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
Lệ nhoà trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi

Minh Đức Hoài Trinh, trong ký ức của Phạm Duy là một người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ pha chút “bạt mạng”. Thói đời thích ban cho người đàn bà đẹp cuộc sống trắc trở. Có lẽ vì thế mà đằng sau mỗi nhan sắc yêu kiều thường là tâm hồn cứng cỏi vượt lên mọi nghịch cảnh. Cuộc giao duyên thơ – nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy và nữ sĩ Hoài Trinh đã kịp cho ra đời hai bản tình: Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình.

 

Riêu – Ốc

Sau khi cưới, nghe câu anh nói: “Anh về mẹ ăn cơm!” khiến nhiều cô vợ trẻ thắc mắc, không lẽ mình làm cơm không ngon, không vừa miệng chồng? Theo về nhà mẹ chồng, bữa cơm cũng bình thường như mình nấu, tô canh – đĩa kho – đĩa xào có khác gì lắm đâu, khác chăng là đơn giản hơn, không màu mè hoa lá như của mình. Đọc tiếp “Riêu – Ốc”

Nửa Hồn Thương Đau – Phạm Đình Chương

“Người đi một nửa hồn tôi mất Một nửa hồn kia bỗng dại khờ!”

Dù biết nhiều khi dùng câu thơ của Hàn Mặc Tử diễn tả cho nỗi buồn nỗi đau thêm đậm đà ngay khi bị “bồ đá” thuở còn trẻ – thật ra rồi sẽ quên nhanh, nhưng nhờ những nỗi buồn này mà thơ nhạc có bao nhiêu là vần hay nốt lạ, để người thích hát vào buổi chiều như “người này này” thích thú nhớ lại thuở hát và có cả nước mắt nữa chứ vào buổi chiều “chạng vạng” nằm khèo trên chiếc ghế mây ôm đàn hát, cô em ngồi kế bên nói: “chưa già đã lẩn thẩn mơ màng” – bây giờ thì đúng là “già lẩn thẩn” hát véo von những bài tình ca cho tuổi mơ mòng, lại dùng thơ của Lệ Lan mà bảo: “Tôi còn trẻ lắm cho tôi mơ mòng”! Ai cấm mình nghĩ mình trẻ cơ chứ. Đã hát Lệ Đá Xanh phải hát Nửa Hồn Thương Đau cho đủ bộ – các bạn có nghe nhớ tha cho cái giọng buồn ngủ nhé – ngày xưa cũng đã từng có bao người . . . than thở bị “nửa hồn dại khờ” kia đấy vì  . . .  Thôi lại lôi chuyện hơn nửa thế kỷ ra khoe . . . vui mà!

Lệ Đá Xanh

Chia sẻ và tặng bạn những nốt nhạc câu thơ khi bạn buồn vì tình, tinh tế như những nét khắc kỷ hà trên chiếc lục bình cổ – tôi yêu những bài hát có linh hồn – hồn của người viết nhạc, hồn của người ghi thơ! Vâng khi đàn ông khóc, lệ nén ngược thành đá rớt xuống đáy lòng khô rạn – Nửa Hồn Thương Đau đến ngày cuối – nỗi đau dày vò không nguôi đến ngày ra đi – câu chuyện có ba người cả miền Nam ai cũng biết – Đời có chữ Tình chữ Hận chữ Đau – bỏ được chăng? Chỉ khi nhắm mắt! Đọc tiếp “Lệ Đá Xanh”

Tuyên Ngôn Yêu

Lễ tình nhân là gì?
Là ly cà phê Mình pha cho em buổi sáng!
Là bát cháo lúa mạch Mình nấu cho em ngày mưa!
Là câu mắng yêu “ngủ trương” không dậy sớm!
Là đủ thứ trò chọc ghẹo cho em cười,
khi em phụng phịu đòi “kim cương” ngày lễ Tình Nhân!
Tình yêu có cần gì hoa hồng người em yêu ơi!
Tình yêu có cần gì kẹo ngọt người yêu em hỡi!
Mình đâu còn là tình nhân thuở đôi chín – đôi mươi
Mình là hai cụ tóc đã phai màu vẫn quấn quít yêu nhau!
Yêu bằng trái tim sợ mỡ cao máu đặc
Yêu bằng tấm lòng sợ gan yếu ruột dư!
Không phải ghen tương khi đi sớm về trưa
Chỉ lo sợ bác sĩ kêu y tá nhắc!
Lễ tình nhân là gì Mình nhỉ?
Có phải là ngày dành cho những cô cậu chưa biết yêu!
Vì đã biết rồi cần chi ai nhắc nhở
Phải tặng hoa hồng – thiệp đỏ – kẹo đen!
Chỉ yêu thế thôi sợ ngày Chúa kêu Phật rước
Mất biệt nhau không nói kịp câu yêu.
Yêu là yêu không cần ai nhắc nhở
“Hãy yêu nhau như chưa yêu lần nào”
(Dối như cuội mà người nghe vẫn thích)
Em biết Mình yêu em y như thuở ấy
Thuở em còn xuân thắm nét yêu kiều
Thuở em còn kiêu kỳ hơn công chúa
Mặt ngửng cao không cần biết đất thấp trời cao
Đến bây giờ em vào đông lạnh giá
Hoàng hậu già ngồi chễm trệ ghế bành
Mặt nhìn đất sợ sỏi trơn, đá trợt
Đi đến đâu cũng níu nắm tay Mình,
Người ta thấy bảo hai ta tình tứ
Có biết đâu không nắm “ngã” thì sao?
Ngày Tình Nhân em viết tuyên ngôn thay thiếp ( 🙂 )
Cho riêng Mình – Hoàng Đế pha cà phê
Cho riêng Anh – người em yêu em nắm
Đến cuối cuộc đời vẫn níu không buông!
Tuyên Ngôn Tình Yêu
What is Valentine’s Day?
It’s the cup of coffee You brew for me in the morning!
It’s the bowl of oatmeal You make for me on rainy days!
It’s the affectionate “sleeping-in” admonishment when I don’t get up early,
It’s all the playful banter to make me laugh, when I pout a demand for “diamonds” on Valentine’s Day!
Does love need roses, my beloved?
Does love need sweet candies, my dear lover?
We’re no longer young lovers in late teens,
We’re two old birds with gray hair still engulfed in love!
Love with a heart afraid of high cholesterol and thick blood,
Love with a mind afraid of liver failure and vermiform appendix!
No jealousy when one leaves early and returns late
Simply worry about doctors’ orders and nurses’ reminders!
What say you is Valentine’s Day?
Is it the day for those who are yet to fall in love?
For once we have, who would need reminding?
To give roses, red card, black candy!
Just be in love, lest God call or Buddha beckon,
We may lose each other without speaking love.
Love is love with no reminders,
“Love each other as if we’ve never loved before”
(telling tall tales like “the moon boy” but still sweet to the ears)
I know you love me just as much as
When I was blossoming into an exquisite beauty,
When I was more majestic than a princess,
Head held high without a care in the world.
But now I step into the cold winter,
An old queen sitting high in a plush armchair,
Looking down for fear of slipping on pebbles and rocks,
Wherever we go, I hold tight onto your hand,
They say we’re being affectionate,
Little would they know without MY hand YOU might “fall”
On Valentine’s Day, I write a statement in lieu of a card as your faithful mistress
For your eyes only – Your coffee-making Majesty
For only you – the one I love and onto whom I hold,
Till the end of our lives, never letting go!”
Thầy Tám dịch

Mai Ơi

Từ lúc nào mai bước vào đời sống tôi. Mỗi cuối năm, ngày cận Tết, thế nào trong nhà  cũng có một nơi thật trang trọng cho gốc mai. Thường thì ngay góc nhà, nơi có bộ bàn ghế để tiếp khách. 

Cứ nhiều năm như thế, không nhớ từ bao giờ Tết với tôi là nụ mai. Tết với tôi là được theo ba đi lựa gốc mai. Gốc phải thật to cứng mạnh, cành phải thật mảnh thon gầy, dáng phải thanh mềm mại và nụ phải  xanh mướt  

Có một năm hai cha con đi đốn mai, vườn mai trên Thủ Đức, nhà bạn của ba. Gọi là vườn không đúng lắm, khu đất ấy rất rộng, lại gần khu quân sự nên trở thành đất hoang, mai mọc như rừng. Những thân cây nhìn như khô mục, màu nâu, lá còn lá mất, bạn ba nói:  “phải chọn những thân to, tuổi cây đã chín, nhìn những kẽ nứt nụ để đoán hoa đẹp hay không ?”  Hai ông nói chuyện, tôi ngây người nhìn chung quanh, cây khô héo cách chi bung hoa ngày Tết. Thế mà năm ấy nhà tôi có cây mai đẹp không sao tả được. Trong chiếc lục bình cao gần đến ngực  tôi, cành mai vươn đụng trần nhà, nụ ơi là nụ, những chùm nụ xanh biếc. Được uống đủ nước, nụ mai mỗi ngày mỗi căng mọng. Ngày nào ba tôi cũng xăm soi ngắm nghía, ông cho chị em tôi treo vài phong bao lì xì màu đỏ lên nhánh thấp nhất, ông mời các bác hàng xóm cùng sang ngắm nghía với ông. Ngày gốc mai được chở về nhà, hàng xóm ai cũng thích, ai cũng ước ao có một gốc mai khỏe như thế.

Ngày ba mươi tháng chạp, tất cả nụ mai như  hẹn nhau, cùng  nở mừng Xuân hay sao mà màu vàng đã nhô ra khỏi  nụ. Dù nôn nao áo dài mới, hài cườm tôi vẫn không quên ghé mắt thăm chừng những chiếc nụ con con ấy. 

Giao thừa thoang thỏang hương trầm, se se gío lạnh lùa qua khung cửa,  không gian lặng im chờ đón, những nụ mai len lén nở bung. Từ dưới gốc, trên nhành cao, màu vàng rực rỡ yêu kiều ngự trị. Hoa vàng mười cánh, mười hai cánh, hoa bé nhất cũng tám chín cánh, những nụ mai chưa nở không tỏ vẻ gì xấu hổ, lại còn ngạo nghễ hơn nữa như hẹn hò đợi ngày khoe sắc, xem ai thắm hơn ai?  Gốc mai năm ấy, màu mai năm ấy đẹp như chiếc áo lụa vàng tôi khoác lên người đêm trừ tịch. Chiếc áo lụa vàng có hoa văn lá trúc.

Nhớ một mùa Xuân không còn ba tôi nữa, vẫn áo lụa vàng hoa văn lá trúc, sáng mồng một Tết cùng anh xuất hành đón Xuân. Mùa Xuân năm ấy lặng lẽ ngủ vùi ảm đạm, không pháo không hoa, không bánh chưng xanh không dưa hấu đỏ, người người buồn bã chuyện chia ly, tù tội, mất còn. Vườn chùa vắng vẻ, tiếng chuông mõ thảng hoặc gióng lên vội vã, vài con bướm ngẩn ngơ tự hỏi, người xưa đâu, Xuân xưa đâu ? Lặng lẽ cội mai già chết mục trong góc sân cố nở vài hoa. Hình ảnh đóa mai ấy luôn ẩn hiện trong ký ức của tôi. Từ gốc mai đã chết, một nhành thật mong manh xót lại, nở hoa. Trong tột cùng tuyệt vọng, hy vọng vẫn ươm mầm.

Hôm nay, hơn nửa vòng địa cầu, người ta đang ngóng chờ một ngày Xuân. Sự ngóng chờ biểu hiện qua những quảng cáo về những chương trình hội Xuân đi chung với các chương trình văn nghệ. Những bài hát Ly Rượu Mừng, Xuân Ca, Xuân Họp Mặt lại được phát thanh vang vang, mỗi năm lòng tôi mỗi nhạt nhòa đi hình ảnh cũ xưa dù nhớ nhung vẫn còn phảng phất.

 Tôi và chắc chắn nhiều người khác nữa đã tìm kiếm gốc mai xưa, tìm kiếm lại những hồi ức quá khứ, từ những lá rau thơm đến cả những hoa những lá biểu trưng về quê mẹ xa vời, Mai Lan – Cúc – Trúc. Cách đây chục năm mai là mai tứ quý, lá nhỏ hoa rũ, màu vàng nhạt, sau khi hoa tàn là trái có hình như chú chuột Mickey. Mai bây giờ đã là Mai Việt-Nam kiêu hãnh ngước mặt lên trời, nhiều cánh vàng tươi.

Tôi nhớ tôi đã ươm Mai bằng hạt nhớ, hạt hòai niệm, hạt chờ mong. Chiếc hạt con con màu đen bé bỏng, gói trong chiếc phong bì, gởi đến tôi từ quê cha đất mẹ. Tôi trân trọng ươm hạt trong đất tạm dung, hạt nẩy mầm. Mùa lạnh tôi mang hạt vào nhà sưởi ấm, gío bão tôi mang hạt trốn bão cùng tôi. Ngày cây mai non xuất hiện tôi sung sướng biết bao. Ba năm dài đằng đẵng đợi chờ, cây vẫn gầy gò, lá vẫn mong manh yếu đuối. Năm thứ tư, tôi lảy lá dù cây chỉ vài tấc cao, lạ lùng sao cây tặng tôi bao nhiêu là nụ. 

Tôi run rẩy uốn cành, tôi hân hoan bón gốc, mai của quê hương đã đến cùng tôi. Hoa không vàng như nắng Sài-Gòn, cũng đủ an ủi tôi nơi xứ lạ, gốc mai chưa đủ già để khoe gân khoe guốc , nhưng đủ cho tôi biết dù khắc nghiệt đổi thay, mai vẫn tràn đầy sức sống. Mai không nở đúng ngày Tết mặt trăng, hoa theo thì theo mùa Xuân mới, mai vẫn là mai của tôi trong ký ức, đóa mai năm cánh, sáu cánh đơn sơ rạng rỡ ngày nào, đua sắc với hồng với đào xứ lạ. Mai trong tôi vẫn yêu kiều dáng ngọc năm xưa.

Năm nay Mai buồn mai đông đá, không thấy nụ đâu.

 

Tiễn Táo

Táo à Táo!
Ngày xưa Táo dính lọ nghẹ
Ngày nay Táo có phấn có son
Có phi thuyền có luôn cả wifi
Nên! Táo à Táo

Trên bếp điện từ có nồi chè xôi nước
Trong nồi áp suất có hấp ba cái bánh bao
Táo liệu lên trên ấy
báo cho Ngọc Hoàng Thượng Đế
biết rằng nhà này nó loạn lắm rồi
Không có thèo lèo cứt chuột
Không có áo giấy mũ chuồn
Không có luôn cá chép biết bay
Nói chung là cái gì cũng không có!

Mà nó có nỗi nhớ khi vò viên xôi nước
Người ta biểu lấy bột nhào nắn cho trôi
Nó rị mọ ngâm nếp nấu xôi rồi giã rồi nhồi
Kéo dài thời gian nhung nhớ!
Đọc tiếp “Tiễn Táo”

Ô Mai

Không có nghĩa là người tên Mai có nước da bánh mật hay đen giòn đâu đấy – anh chàng Trò Tê cho bài viết bằng tiếng Trung Hoa về món ăn vặt Mơ Mai làm thành màu đen thui ngẫm ra đúng thật, hoa mai hoa mận kết thành trái mai trái mơ, chúng nó cùng gia phả thì phải, hoa giống nhau trái cũng chua chua giống nhau đứa thì da trơn láng gọi là trái mận, đứa nào da có lông tơ thì gọi là mơ!
Xuân đến hoa mơ hoa mận nở – gái Xuân giũ lụa trên sông Vân (Nguyễn Bính)
Cứ mơ mận thế thôi chẳng biết là người ta lấy trái làm món ăn mình mê tít một thời, con gái đứa nào chả thích ô mai. Đọc tiếp “Ô Mai”

Hàn Vi và Bạn Hữu


Kevin Le tác giả của quyển sách The Outcast Amerasian được báo chí nhắc đến đã lâu, vì không có nhiều tác giả Việt Nam viết sách bằng tiếng bản xứ trên đất Mỹ – tôi biết đến tên Kevin Le lâu rồi và chẳng mảy may để ý, cho đến khi biết ra tác giả đã sống cùng thời lận đận với tôi, là bạn rất thân thiết với gia đình tôi.
Thuở ấy chúng tôi một nhóm sáu đứa, dĩ nhiên Kevin cùng trong nhóm, đạp xe khắp thành phố Sài Gòn, vào từng hang cùng ngõ hẻm để đến gia đình của một người bạn, người bạn này di cư hầu như mỗi tháng, vì bố là ngụy quân đã bị bắt đi tù cải tạo, nhà ở trong trại gia binh đã bị chiếm bởi cộng sản, may mà có người nhà làm việc trong Nha Điền Địa (bị đổi thành sở nhà đất sau này) biết có những ngôi nhà đã được nhà nước quản lý để làm quà tặng cho những cán bộ có công với họ, những căn nhà trống huơ hoắc vì chủ đã bỏ đi vượt biên, trong thời gian chờ đợi chủ mới, gia đình người bạn này được ở tạm. Những nơi tạm trú này ít bị công an để ý, lúc ấy chuyện đi ở, chuyện kiếm sống từng ngày là chủ đề chúng tôi bàn tính nhiều nhất. Khoảng thời gian lận đận ấy nhìn lại quá “kinh hãi!” Đọc tiếp “Hàn Vi và Bạn Hữu”

Ngẫm

“. . . mỗi khúc quanh trên đường,
mang về ý tưởng mới
mỗi buổi rạng vầng đông
cảm xúc phả mùi hương. –
NTHH dịch của tác giả Vô Danh
Nguyễn Thị Hải Hà Tháng Giêng năm 2024”

Không được ghi cảm nghĩ sau những bài viết tuyệt vời của chị, em phải mang nó về nhà thế này, chị ơi em nhớ chị có hỏi em “đi du lịch để làm gì?” dạo nào ấy, em không thể ghi tách bạch từng chi tiết như chị viết, ngày còn ở Việt Nam trước 1975 em chưa được đi qua lằn ranh vĩ tuyến 17, miền Đông thì B’Lao – Đà Lạt, xoãi xuống chút đến Nha Trang là hết, còn trẻ thì hình ảnh mờ mờ là thông là cát, những tháp Chàm có thấy cũng chỉ ngắm nghía từ xa vì vào được đến đấy phải là người dân địa phương và nhất là hoang phế lắm, câu nói: “Mấy ổng ở trong trỏng!” không phải nói đến điều gì thần bí mà là nhắc đến phía bên kia, cũng cùng màu da cũng cùng dòng máu Việt!
Sau 1975, cũng có đi thăm, mà là đi buôn tìm nguồn sống, dạ rối bời bời nhìn cảnh sống miền Trung “chó ăn đá gà ăn muối”, đường đi loang lổ dấu tích chiến tranh! Trở về từ quê hương thứ hai năm 2013 nhìn ngắm lại ngỡ ngàng như chị tả.

Miền Tây sông nước trước hay sau 1975 em cũng từng ghé đến, cũng thơ cũng nhạc, cũng mùi đất cũng món ăn, trái dừa nước dừa lửa bánh xèo tôm nhảy tự vó lấy, cá đồng trên ruộng vừa gặt xong nước ngọt trong lành lội xuống cắt hẹ nước mang về ăn mắm chưng thơm ngạt mũi!
Rồi cũng thử tìm lại mà không còn nữa, bây giờ ngồi đọc chị viết em biết một điều: Tìm về kỷ niệm không dễ chút nào, khi mình đi tìm là nó đã mất có phải?
Em cám ơn chị cho em món ăn tinh thần buổi sáng trong lành!