“Dạy con từ thuở còn thơ, dậy vợ từ thuở bơ vơ mới về”
Nghe thấy dễ mà hình như không dễ chút nào hết, nói viết luôn tạo cho người nghe người đọc cảm giác dễ dãi khi bắt tay vào làm mới biết: “Khó thấy mồ!”
Dạy con lúc con khỏang ba bốn tuổi, tiếng bi bô bắt chước người lớn, câu hỏi thơ ngây không kết thúc, vui biết bao sung sướng biết bao, hạnh phúc biết bao vì mình nói gì con nghe và làm theo đến đấy. Khi con lên năm sáu tuổi, tiếng đọc bài tiếng hát, tiếng cười, khiến cha mẹ thi nhau dậy con đủ điều hay điều đẹp. Có đôi khi con học vài điều lạ trong trường mang về nhà, chỉ khác điều mình dậy dỗ chút thôi, cũng đã khiến bậc làm cha mẹ hết cả hồn, nhất là trường học ở Mỹ, văn hóa Mỹ.
Đến khi con trưởng thành, lên trung học vào đại học là xong, các cô các cậu như diều gặp gió, như suối ra đại dương tha hồ vùng vẫy, tự các cô các cậu dựng nên nhân cách riêng cho chính mình, những điều răn dậy ngày xưa từ mẹ, chỉ là phần ký ức, có muốn dạy thêm điều gì cũng khó. Nhưng chắc chắn một điều phần uốn nắn để con trẻ có được nền tảng vững vàng phải thực hiện ngay khi con tuổi còn thơ là cần thiết.
Dạy vợ dĩ nhiên khó hơn dậy con nhiều lắm, dù là dậy tự thuở bơ vơ mới về. “Mới về” chắc chắn còn hiền còn e lệ, nhu mì và các ông chồng lúc ấy còn rất galang chiều chuộng thì giờ nào mà dậy vợ. Viết thế này là nương theo hai câu tục ngữ ở trên, đã truyền tụng trong nhân gian Việt Nam từ rất lâu, còn mãi đến bây giờ thế thôi, thực hiện chuyện dậy vợ bây giờ còn hay không còn, rất khó mà khẳng định. Chỉ biết là được nghe lời uớc ao làm sao để giữ con cái bé hoài, đừng lớn; vợ cứ “mới về” mãi, đừng xưa.
“Phải mà bà ấy được như cây bonsai trong chậu!” Câu nói ấy tôi được nghe trong ngày dự buổi triển lãm bonsai câu nói càng làm cho câu: “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” là không dễ, vì nếu dạy được đã không phải ao ước như trên.
Bonsai là một nghệ thuật uốn nắn gìn giữ tạo hình và thu nhỏ cây cảnh, mà vẫn giữ đuợc dáng uy nghi hùng vĩ của cây trong thiên nhiên. Khởi thủy từ quần đảo Nhật Bản đất đai hiếm ít, người ta tạo những khu vườn hài hòa sơn thủy, cùng các cây có dáng dấp đặc biệt để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên . Nghệ thuật trang nhã này tuy dễ hơn dậy con dậy vợ, nhưng muốn thành nghệ nhân trồng được bonsai không phải dễ, nó đòi hỏi sự si mê, đòi hỏi sự tận tụy lâu dài, không được chểng mảng. Giữ làm sao để đất nuôi cây lúc nào cũng ẩm vừa đủ, nhiều nước quá rễ úng, ít nước quá rễ khô, chưa kể đến ánh nắng, đến nhiệt độ, phải bao nhiêu nắng, bao nhiêu ấm. Có khác nào chăm sóc con thơ.
Tôi mê cây cối, tôi nhúng tay vào uốn cây, tôi tìm cách làm cho mình một góc bonsai nho nhỏ mà rồi sự si mê chưa đủ, nên cây bonsai tôi nuôi đã phình to ngoài ý muốn và tôi phải cho ra chậu trồng bình thường, không muốn cây bị chết.
Tôi đã có duyên để quen biết anh chị Trọng-Vân Khóa 28 cựu sinh viên TVB – QGVN Đà Lạt, theo tôi anh chị là bậc thầy tại thành phố San-Jose về bonsai, người sáng lập hội Việt Bonsai – San Jose, mỗi dịp Tết thường có triển lãm tại hội chợ, vài năm nay không thấy nữa. Nhìn chị say mê dùng sợi dây đồng quấn từng nhánh cây tùng, gốc được đào trong các bãi đất sa mạc khô cằn, thành dáng vẻ tuyệt vời thanh thoát, mới thấy muốn thành một nghệ nhân không phải dễ. Dưới mắt người thường, nhìn cái gốc cây gần chết chỉ thấy sự chết, nhưng dưới đôi mắt nghệ nhân bonsai cây được giữ lại chăm sóc bằng cách dùng đất phân bón, nước và tình si mê để nâng cây sống lại. Ngắm thân cây một bên đã chết khô, một bên nhánh mới trổ mầm, lá xanh lộc nõn tôi cứ ngẩn cả người. Dây đồng dùng để uốn cây có đủ mọi cỡ, phù hợp cho từng nhánh cây, nhờ có dây đồng cuốn chung quanh thân lá mà nghệ nhân có thể điều khiển cây mọc theo dáng hình mình muốn. Khi cành đã vững rễ đã bám vào đất, là khi thay chậu. Điều kỳ diệu là hoa là trái, cây mai tứ quý nhỏ nhắn mang nặng hoa là hoa, cây tắc cũng thế, trái vàng tươi lúc lỉu. Tôi yêu nhánh trúc thủy trồng chung cùng nhánh hoa ấu cạn, sự hòa hợp tuyệt bích.
Và dĩ nhiên, khi đã yêu thương đặt hết tâm hồn vào nhánh cây bé bỏng, nghệ nhân xem chậu bonsai của họ như những đứa con thân yêu, họ đã mang nặng đẻ đau nên nó. Tôi ngắm bonsai của anh chị Trọng-Vân mỗi năm trong hội Xuân, tôi nhận ra những “đứa con” của chị ngoan quá, năm nào gặp tôi chúng cũng tưng bừng chào đón, bằng nụ e ấp, bằng hoa hàm tiếu, bằng rực rỡ khoe hết nhụy hương. Niềm đam mê của anh chị, là sức mạnh để anh mang từng “đứa con” lên xe chở đi khoe, chở đi triển lãm, không có niềm đam mê này, ai có sức để chưng bày hơn ba mươi chậu bonsai, chậu nặng nhất cần ba bốn người khiêng mới nổi.
Ghé thăm căn nhà bonsai của anh chị, tôi cứ ngẩn ngơ trước những gốc cây già đến cả trăm năm. Ngắm nghía cách uốn cây, cách làm nổi sự khác biệt giữa sống chết, và học cách thế của cây có tên gì, tôi liên tưởng đến con trẻ, tôi nghĩ đến dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Tôi nghĩ ngợi về sự thanh thản khi ngắm nhìn, khi chăm sóc cây cối khác xa với sự dạy dỗ con cái, nhiều người khẳng định khi chăm sóc cây cảnh là tuổi già đang đến, tôi thì không nghĩ thế. Chăm sóc đuợc cây cảnh chính là chăm sóc phần tâm linh sâu kín của con người, không cây hoa nào bị bỏ luống lại trổ hoa. Bonsai là một nghệ thuật đòi hỏi niềm say mê cao độ, và nó cũng kén chọn người để gởi gấm thân phận chính nó. Bonsai đẹp vào tay trần tục khác nào bông hoa nhài cắm bãi phân trâu, con rồng vàng tắm bãi ao tù.
Không biết bao giờ bonsai mới ghé mắt thăm tôi: “Chơi bonsai là tập Thiền đó chị!”