Tại sao đã lâng lâng “nỗi nhớ” lại thêm “phai”?
Hình như mỗi năm Tết dần đến trong lòng lại phai đi một tị “lâng lâng nỗi nhớ” thì phải! Đôi khi mình tự nghĩ màu áo còn phai huống gì nỗi nhớ. Trời đã cho con người một điều vô cùng quý giá là “buồn tủi thì buông – vui sướng thì bám” nếu không tại sao khi đi đám ma người ta toàn nói tốt cho người đã khuất, ngay cả như mình nè chuyện khổ ngày xưa bây giờ cũng dần quên đi, nghe ai nhắc kể lại tưởng như chuyện của người nào đó không phải của mình, nỗi hừng hực vá trời lấp biển muốn thế này ham thế nọ ngày một nguội dần, nhìn mọi sự như lá đến mùa thì đổ, hoa đến lúc sẽ đơm bông, ngủ một giấc trời sẽ sáng, làm việc một ngày mệt mỏi tối sẽ được nằm xuống nghỉ ngơi.
Trong khoảnh khắc từ lúc thức dậy đến khi nằm xuống ấy, có muôn hình vạn trạng chuyện bên lề cuộc đời của mình nữa, hỉ nộ ái ố, đẹp xấu hạnh phúc lẫn thương tâm, trái tim không đập nhanh cũng đập chậm hay chao đi vì vui theo khổ theo những điều cảm thấy.
Mỗi ngày mỗi phai đi thì phải, nhìn đám lá chuối đã rửa đã phơi xong bị bỏ luống đó, nếp đậu cũng buồn theo vì “bày ra để làm gỉ” còn mỗi mình lui cui có đâu như ngày ấy xúm xít nhau – râm rang nói nói cười cười – thức cả đêm 29 Tết canh nồi bánh sùng sục sôi – mứt gừng khoai bí dừa me cầu đậu . . . cả mâm đầy, làm thế mới đủ cho cả tuần Tết ngồi chơi tam cúc, cá ngựa, bầu cua cá cọp, chơi chán sang nhà bạn dắt díu nhau đi chùa xin xăm, đi nhà thờ xin lễ để diện áo quần giầy dep mới, giầy phải đóng ở tiệm Khanh – tiệm Gia – áo dài phải may tiệm Dung – Đức Thành cho dù ngày thường đi guốc mộc, áo tự cắt may lấy hay được may từ những cô thợ trong xóm hẻm gần nhà.
Cuối tuần buồn tay ra vườn hái tắc, vỏ cam đầy bàn, đường cả bao to nằm sẵn, làm mứt, mùi nhớ mùi thương đầy mũi, nghĩ lại bao nhiêu may mắn mình có, ngày xưa đâu phải ai cũng được làm mứt gói bánh, ai cũng được may áo mới, đóng giày mới ngày Tết, phải có một phần nào đó trong xã hội vào dịp Tết phải chạy vạy tiền lo Tết cho gia đình, người ta bảo khoảng vài chục phần trăm chứ không ít, nếu không tại sao bây giờ vẫn còn tồn tại liên khúc Nghèo khóc than: “tôi khi sinh ra được mang ngay tiếng con nhà nghèo!” thành ra đôi khi thừa thãi là cái tội để mình phải tự ngậm ngùi. Làm mứt cho đẹp cũng có ăn đâu chứ vì sợ thế này thế nọ, chồng thì lo đường cao – vợ thì không muốn mập, con thì chocolate ngon hơn, cháu cũng ngúng nguẩy kỳ quá! Mà cũng kỳ thật, đâu phải món mỗi ngày mỗi thấy, đợi đến hôm Tết mới thấy vị lạ khác thường người lớn vì nhớ thuở xưa mà nhấm nháp một mình, có bao nhiêu gia đình may mắn gần nhau để viếng thăm ngồi chung một bàn bánh mứt cùng nhau, nếu có cũng vội vội vàng vàng, chân trước vừa vào cửa chân sau đã chuẩn bị quay ra, vì còn trăm công ngàn việc, Tết của mình, nhưng thiên hạ chung quanh đâu có Tết nữa, vừa mới New Year 2018 đấy thôi.
Năm nay rõ ràng đã phai đi nhiều lắm , hoa thơm nở khắp vườn lòng vui thanh thản đâu phải vì Tết đến, làm mứt cũng để cho vui chứ đâu phải tại Tết, nếu ghi xuống khác đi là dối trá với chính mình, nem hôm nay cũng đã đủ chua, cây giò thủ cũng xong nằm ngây ngô hờ hững, nhớ Bố thuở xưa mỗi năm hí hoáy gói một cây giò thủ thật to, dùng đũa cả kẹp lại, cắt khoanh giò ra hình số tám xinh xắn, bây giờ đã là kỷ niệm, con gái xào thủ xong chỉ việc ém chặt vào chai nước lọc bị cắt hai đầu. Mà rồi có ai ăn để khen nứt nở kia chứ, chỉ bị “mắng mỏ” vẽ chuyện cho mệt thân rồi tối than thở đau tay vì thái tai thái mũi cả buổi không lương – Phai thì có phai nhưng bức tranh xưa vẫn còn mờ mờ ảo ảo xao xuyến cả lòng.