(Bài viết năm 2009 – ViệtTIME)
Sau bốn tuần nghỉ việc, bận rộn cùng cháu ngoại đầu lòng, trở về công việc hằng ngày bao niềm thú vị, gặp lại Linda, nghe kể: “Đến Việt Nam lần thứ ba, tôi vẫn thích Mũi Né cát trắng xóa, biển xanh ngăn ngắt màu mây nước trong suốt, nhìn thấy những ngón chân trầm trong nước, buổi chiều đi bộ dọc theo mé biển.”
Tôi hỏi thêm: “Điều gì đặc biệt nhất Linda cảm nhận được, sau ba lần thăm Việt Nam, từ Nam chí Bắc? Cô nhìn vào mắt tôi trả lời: “Thành phố lớn, nhất là thành phố Sài-Gòn toàn là người trẻ tuổi, tìm người già không ra, nhất là những người có thể nói tiếng Anh với tôi. Tuổi trẻ thích ồn ào và không chịu đi ngủ, giữa đêm họ vẫn ở ngoài đường, trên những chiếc xe hai bánh, lạng lách bằng tiếng còi xe tin tin. Tôi gặp rất nhiều cô cậu trẻ tuổi ngồi trên xe gắn máy bên lề đường, tay chống cằm, ngắm nhìn xe chạy qua lại ngày trong tuần, họ không đi làm, không đi học! Các cháu bé đi bán dạo nhiều quá, không biết các cháu có được đi học không?”
Điều nhận xét của cô hẳn là đúng, dân số Sài Gòn gia tăng chóng mặt, năm 1975, khu vực Sài Gòn Gia Ðịnh là ba triệu rưỡi dân, nay đã hơn tám triệu, sống chen chúc có nơi hơn năm ngàn người trong một kilomet vuông. Tình trạng nhà cửa san sát, bốn mét chiều ngang, năm mét chiều dọc là một cơ ngơi khó có thể tạo được, ông bà cha mẹ, con cái cháu chắt ở chung cùng nhau, người trẻ phải tháo chạy ra đường là điều không ngạc nhiên, nhất là ở ngay trung tâm thành phố.
Nói chuyện bâng quơ, Linda kể cho tôi nghe về chuyến du lịch rẻ tiền đầy thú vị cô có được trên đất nước Việt Nam, do một người bạn giới thiệu lần đầu, mang cô trở lại hai lần nữa để cô cóba người bạn sống tại Việt Nam, một người làm nghề hớt tóc, một làm nghề tẩm quất, một có tiệm cà phê bình dân, cô hỏi tôi cách gởi quà về Việt Nam bằng cách chuyển tay, chỉ cần tìm ra người về Việt Nam thăm nhà nhờ họ mang giúp, chỉ tốn tượng trưng, có khi không phải tốn gì hết.
Tôi không ngờ, một cô Mỹ tóc vàng mắt xanh, biết rành rẽ về quê hương của tôi đến thế, nhìn vào hồ sơ, cô sanh năm 1967, tôi tò mò hỏi cô có biết gì về chiến tranh Việt Nam không, Linda trả lời cô không cần biết về chiến tranh, vì chiến tranh có bao giờ biến mất khỏi quả địa cầu này. Cô thích nói về con người, những con người Việt Nam chân chất dễ thương, tiêu biểu là anh chàng hớt tóc tên Hưng, tiệm của anh cũng là nhà ở, trong một con hẻm nhỏ có vài chiếc ghế để trước tấm gương to, một chiếc ghế nằm lên được, có gối và bồn nước để gội đầu. Linda kể về cách gội đầu có massage và làm mặt nạ bằng dưa leo ướp lạnh. Ngôn ngữ không là bức tường ngăn họ trở thành bạn, Hưng nói được ngôn ngữ của cô, dù rất hạn chế, phần cô chỉ biết nói lơ lớ chữ “cớm on”. Từ Hưng cô quen với Mân người con gái nhỏ nhắn có bàn tay thô nhám nhưng đôi mắt rất dịu dàng làm nghề massage, khiến Linda tò mò tìm ra Mân ngày xưa sống ở miền Trung, con nhà chài lưới, vào Sài Gòn đi học, tẩm quất là nghề làm thêm để đóng tiền học. Mân là người hướng dẫn Linda đi thăm Mũi Né và quen thêm một người nữa là Phong, người bán cà phê nói tiếng Anh lưu loát. Phong đã sang Mỹ một thời gian, sau khi gia đình tìm được người chịu làm giấy hôn thú giả với anh, giá mười lăm ngàn mỹ kim. Phong trở về Việt-Nam vì không chịu nổi áp lực của đời sống mới, nhất là trăm sự tùy thuộc vào cô vợ hờ, người chấp nhận mang anh sang, vì muốn có tiền sắm đồ đạc cho ngôi nhà mới mua. Luật lệ của Mỹ khắc khe, người chồng thật của cô gái lo lắng mất vợ thật, nên luôn làm khó dễ khi Phong hỏi han về giấy tờ thuế, nhà băng để chứng minh sự liên hệ, khi xin đi học, đi làm. Quán cà phê bình dân, có treo đèn xanh đỏ, có người chủ bất cần đời kể về ngày tháng làm chồng hờ “có giấy mà không có miếng – thằng kia có miếng mà không có giấy” là nơi cô hay ghé uống ly chanh đường, uống ly cà phê đá, Hưng, Mân, Phong đã cùng Linda đi thăm Hà Nội, ở một đêm trên tàu lên đênh trên vịnh Hạ Long, mua cá tôm tươi nhờ chủ tàu nấu nướng.
Linda kể không đầu, không đuôi, nhưng chỉ cần vài câu là tôi có thể mường tượng ra khuôn mặt của Hưng – Mân – Phong, những khuôn mặt hiền lành chịu đựng, chịu đựng xã hội, chịu đựng hoàn cảnh sống, chịu đựng kiếp người họ không có quyền chọn lựa.
Ngày cuối tuần, tôi gặp một gia đình trẻ, hai vợ chồng và một cô con gái thật dễ thương. Tôi quen biết em từ khi em còn ở Việt Nam gần mười năm, trên diễn đàn Đặc Trưng, nay em định cư tại Canada. Em muốn ra đi để con gái có tương lai tốt hơn. Điều kiện phải có để chính phủ Canada nhận di dân từ quốc gia khác đến, là bằng cấp và tiền bạc. Họ tìm người có bằng cấp chuyên môn cao, tài sản hơn ba trăm ngàn mỹ kim, chuyên môn hơn năm năm kinh nghiệm. Thu hút chất xám từ các quốc gia châu Á là một đầu tư thật khôn ngoan của các nước tư bản.
“Góc phố nào cũng thấy kim chích, thuốc lắc bán tự do, em lo cho con gái em quá.” Câu nói ngắn gọn đủ cho tôi hiểu lý do tại sao em bỏ việc làm vững chắc cho công ty dầu khí ngoại quốc ở Vũng Tàu, di dân sang Canada giá lạnh. Em đã có việc làm cho chính phủ, ngay sau khi sang Canada, dĩ nhiên tự em nộp đơn xin việc, vợ em cũng thế, phần con gái em không cần kể vì em thuộc nằm lòng câu “thiên đường của con nít, nông trường của người lớn, địa ngục của người già” . Khuôn mặt cương nghị, tự tin, tôi tin gia đình em sẽ thành công trong tương lai rất gần.
Cũng dịp này, tôi ngồi vào chiếc xe Mercedes-Ben CLK cũng của một người bạn rất trẻ, rất thành công để chụp một tấm hình. Tấm hình này tôi dành tặng cho bà Betty bạn tôi, Betty Du-Pond ra đi nhẹ nhàng tuần trước, gục xuống bàn làm việc và ngủ giấc ngàn thu. Betty rất thích lái xe đẹp, bà bảo sẽ bán chiếc Jaquar để mua chiếc Mercedes-Ben CLK đời mới, tôi hỏi lý do bà nói tại chiếc Jaquar bị chảy nhớt. Tôi kể cho bà nghe về tôi ngày còn ở Việt Nam, tôi đạp xe rất nhanh, ngay cả khi lên dốc cầu, tôi lái pc, honda chậm rì, nên bây giờ tôi lái xe hơi rất dở. Với tôi xe chỉ là phương tiện, quan trọng nhất là nó phải có bốn bánh nhất là không bị xì hơi, Betty cười ngất ngư.
Bà rất diện, dù bà đã hơn sáu mươi tuổi, vẫn luôn chọn mặc những màu áo thật tươi. Bà bảo sau khi mua xe mới, sẽ bắt tôi lái một vòng cho biết sự khác nhau giữa chiếc xe phải trả mỗi tháng gần tám trăm đồng, trong vòng sáu năm. Tôi trả lời bà, sự khác biệt có lẽ cũng giống như từ chiếc xe đạp hai bánh cọc cạch, tiến lên chiếc xe có bốn bánh là cùng. Bà lại cười ngất.
Tôi chụp một tấm hình cùng chiếc xe có lẽ bà định mua, chưa kịp mua đã không cần nữa, Betty làm lương cho văn phòng, nên bà biết chắc tôi không thể nào mua nổi chiếc xe đắt tiền ấy.
Duyên gì đưa đẩy, khiến tôi có những người bạn khác chủng tộc – khác phong tục – khác tập quán, để khi hiểu nhau, mất nhau đọng lại tiếng cười hạnh phúc.
vì trái tim cô rộng mở!
ThíchThích