– Hôm nay mình làm gì ?
Cô Út bảo: đi mua bánh ăn, mua một tặng một! Má in coupon đi nha!
Má ngơ ngác: In từ đâu?
Cô Út: Facebook!
Cách đây 14 năm facebook là cái gì đó mơ hồ lắm, các cô các cậu tuổi tròn trăng teenager gọi các bậc phụ mẫu biết đến trang mạng facebook là: super mom – incredible dad – she or he has account on facebook thêm chữ LOL, nay thì các cụ cũng đã có tên tuổi trên mạng face book hằng hà, có loạng quạng không hiểu chỗ ni chỗ tê, các cô các cậu “nhăn nhó” giúp đỡ, đồng thời cô cậu tạo thêm một account dùng tên khác kết nối với phụ mẫu, dĩ nhiên nơi này toàn ghi những điều tốt đẹp, không có hình ảnh “điên khùng nhố nhăng,” trong khi account thật sự dùng liên kết với bạn bè hoàn toàn trái ngược, hình được chụp ở những góc cạnh không có ghi trong sách dạy chụp hình, có thể là chiếc lưỡi dài le ra, cùng đôi mắt trợn ngược, tóc có ba màu đối nhau, cùng những câu thần chú viết tắt bằng ký tự.
Thôi thì phụ mẫu cũng đã từng một thời ngang dọc, cũng leo rào, cũng gian dối, cũng linh tinh lang tang, trong khoảng tuổi do dự giữa thành niên và hoa xanh hoa tím, đành làm lơ không biết đến cho xong.
Thì đi – buổi sáng trong lành, đường phố vắng tanh, không như những ngày trong tuần xe nối tiếp xe trên xa lộ 237 – chỉ 20 phút từ nhà đến tiệm bánh đằng sau nhà thương Standford, trong khu thương mại to đẹp đình đám, nổi tiếng vì bán cái gì cũng đắt, đắt đến nỗi “bà nhà quê” nhìn giá nhíu mày, hai chân run run khi bước qua cửa kính dầy vài ba lớp, có hai ông hộ pháp to đùng bề thế đứng giữ hai bên cửa, Cartier mà, món rẻ nhất 250 đô la, nhìn giống như của giả vứt đi, giống như đồ chơi cho con nít, đến bà nhà quê này cũng chẳng thèm đeo.
Các tiệm giày dép, túi xách thì ôi thôi không biết phải tả sao cho đúng với tiếng tăm đắt giá của nó nghe tên là biết ‘bạc ngàn’ giá càng đắt thì “Chai na” thủ lợi làm hàng giả càng nhiều, dĩ nhiên nhìn thì biết ngay thật giả, nhưng nếu vừa túi tiền và hạp nhãn tại sao lại không xách thử hàng giả nhỉ? Buộc hết tội nhái hàng đắt tiền không chỉ mình anh chàng “Chai na” độc quyền, Tây – Ý cũng có hàng giả luôn, nghe đâu xuất phát từ “Rệp” một danh từ lóng gọi những người da màu sống bất hợp pháp tại Châu Âu. Bây giờ đi sang các nước Châu Âu, cái nôi sản xuất hàng dành riêng cho các ông các bà nhà giầu mà xách hàng nhái hàng giả là bị cắt quai ngay không thương tiếc.
Có lần “bà nhà quê” được thân tặng hai cái túi giả Louis Vuitton do bạn mang từ quê nhà sang, không lẽ đem vứt thì phí, đi chợ xách lon ton theo đựng tiền lẻ, có người khen sang quá, thật thà: “Của giả đó chị!” người khen nhất định không tin, dĩ nhiên tầng lớp trung lưu Việt Nam, nhất là trong nhóm “nhà quê” một đời chỉ biết cơm nước dọn dẹp, chỉ biết giỏ cói giỏ đệm, đi thăm chồng tù học tập, đi nuôi con đào kinh thủy lợi, chưa từng biết xa hoa phung phí là gì, thì cái giỏ xách chỉ là cái giỏ để xách, nó chẳng thể đại diện cho đẳng cấp sang hay hèn. Nhìn thật giả cũng không biết nốt.
Ngôi trường Standford nổi tiếng mọi mặt, không chỉ vì trường dạy hay, nhiều nhân vật được xem là lãnh tụ thế giới đã từng ngồi học, mà còn có một nhà thương cùng tên nổi tiếng không kém, con bệnh trầm kha nghe tin được chuyển lên Stanford, là thấy có ánh sáng phục sinh le lói! Bên cạnh đó, ngay kề bên là trung tâm thương mại đồ sộ, đẹp vì hoa, đẹp vì người, đẹp vì sự sống nhàn tản cuối tuần, đây là một nơi được khách du lịch ghé thăm, cho dù các chuyến du hành chỉ ấn định trong khoảng thời gian một đến hai tiếng. Làm sao du khách có thể ngắm nghía đủ, làm sao có giờ đi bộ đến chụp hình cổng trường Stanford, để xác định mình đã ghé thăm ngôi trường nổi tiếng trên thế giới!
Tính nhẩm chuyến xe khoảng 50 người, tài xế ngừng xe tại bãi đậu dành riêng cho xe du lịch, du khách phải đi bộ vào khu vực trường học – bệnh viện – thương mại, điểm chính du khách cần tìm là “phòng nghỉ” hay “tủ nước”, xong việc đã hết mất một tiếng hai tiếng rồi còn gì!
Khách du lịch đâu biết wc – rest room có khắp mọi nơi, góc này góc kia, chỉ cần đi thêm vài bước, bước qua vài cửa hàng không cần phải đứng xếp hàng cùng một nơi, cũng ít người để ý đến bản đồ khu vực được đặt ngay cổng vào! Ngẫm nghĩ người thiết kế tạo dựng nên khu thương mại này, hẳn có đọc kinh dịch, có đọc thiền, đọc phong thủy, theo đúng triết lý phương Đông, nên gộp trường học – thương mại – nhà thương vào cùng một chỗ. Học cho giỏi làm ra nhiều tiền, chi tiêu vào những sản phẩm cao cấp, sau đó vào nhà thương cũng thuộc loại cấp cao kề bên!
Nhìn cách trưng bày hoàn hảo trong tủ kính của Louis Vuitton, một chiếc bánh ngọt kem trắng ngon lành, trái đào đỏ nằm kề bên, loại đào nhỏ mọng như môi phụ nữ gọi là cherry, trên cái bánh là chiếc túi màu đỏ, màu đỏ của trái đào, cùng hình kỷ hà đặc biệt LV, giá không nhiều, chỉ bằng nửa tháng lương của một kỹ sư hạng trung – tính theo bảng định mức lương toàn quốc của Mỹ, tức là khoảng đôi ba ngàn, sợ thật!
Chụp hình làm mẫu, hỏi người kề bên: “Quà cho em năm nay!”
Người lắp bắp: “Em không định làm anh ngất tại đây phải không?”
Vài năm trước đây, một phụ nữ tiếng tăm của tiểu bang California đã mang tai tiếng khi báo chí, truyền hình đăng tải hình chụp từ máy thu hình của tiệm Nieman Marcus, khuôn mặt của bà vì tội không trả tiền mà xách hàng ra khỏi cửa, giá trị cho các món hàng chỉ độ 5.000 so với lương của bà phải đến vài trăm ngàn một năm – Lạ! Có lẽ thời trung học bà không được học cổ văn, bình giảng bài thơ Chữ Nhàn của Nguyễn Công Trứ:
Thị tại môn tiền: náo
Nguyệt lai môn hạ: nhàn.
So lao tâm lao lực cũng một đàn,
Người trần thế muốn nhàn sao được ?
Nên phải giữ lấy nhàn làm trước,
Dẩu trời cho có tiếc cũng xin nài.
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi
Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể.
Thoát sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì ?
Khi hỷ lạc, khi ái ố, lúc sầu bi,
Chứa chi lắm một bầu nhân dục.
Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn ?
Cầm kỳ thi tửu với giang sơn,
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế.
Ngã kim nhật tại tọa chi địa,
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi.
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,
Ai hay hát mà ai hay nghe hát ?
Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất,
Để ông Tô riêng một thú thanh cao
Chữ nhàn là chữ làm sao ?
Khung cảnh nhàn nhã của dân chúng, mang chó cưng đi tắm nắng, ngồi uống cà phê ăn bánh ngọt, chiếc bánh con con giá năm đồng, bánh cho chó khoảng ba đồng, ly cà phê thơm thơm cũng thế, nhưng ngon thật hệ thống bánh ngọt Sprikles chỉ chuyên về bánh cup cake, đủ mầu đủ sắc.
Nhà cửa đất đai của Palo Alto, cái chòi giá rẻ nhất trên một triệu, nên khu thương mại bán hàng giá ngàn, giá trăm là đúng, đi chơi đi ngắm cho biết “sang” với người ta, chứ bảo học làm “sang” hẳn “bà nhà quê” đành cười trừ, phó mặc vào tay hai cô con gái, , cho gì má mặc nấy, dư gì má dùng nấy, các con học trường trung bình, nghề nghiệp trung bình mua sắm trung bình, đời sống trung bình. Má “bà nhà quê” như các con âu yếm ghẹo, học trường dạy nghề đi làm phụ tá, hẳn nhiên phải mua sắm tại những khu phụ cận, nói thẳng ra là khu outlet dư thừa, hết còn style chẳng còn đúng mùa đúng dịp. Nhưng Má hạnh phúc khi là “bà nhà quê” của các con.
“Bà nhà quê” vẫn ngẩng cao cổ kiêu hãnh với chung quanh vì xứ mạng tạm hoàn thành, con vẫn ngoan, chồng vẫn mạnh khỏe, cho dù thuộc diện H Không sang đến Mỹ với hai bàn tay trắng!
Giá mà mình được một chút của chất quê này thì mình cũng ra vẻ thị thành lắm.
ThíchThích