“Ở Trong Nhà”

Lần đầu là ngày 17 tháng 3 năm 2020 – lần thứ hai này California cho phép từng khu vực tuyên bố ngày “ở trong nhà” tùy theo số giường chăm sóc bệnh nhân đặc biệt còn bao nhiêu nếu dưới 20 giường là phải yêu cầu dân chúng tự nguyện ở trong nhà tránh dịch từ đầu tháng 12 năm 2020 sau khi hệ lụy của ngày lễ Tạ Ơn xẩy ra theo đúng dự kiến của các nhà khoa học đã nói trước: “Ở nhà thì ít bệnh – đi thăm nhau ăn uống cùng nhau sẽ thấy con số nhiễm dịch gia tăng.”
Mãi đến bây giờ nhiều người mới thật sự hiểu câu mắng câu rủa “đồ mắc dịch” là kinh khủng và ghê gớm, phải sống lâu mới thấy “dịch” mỗi lần nó xẩy ra trên toàn cầu cũng phải cả 100 năm!
Không có nhiều kiến thức chỉ nghe ngóng kể chuyền từ ông bà cô bác thì thế, có kiến thức đi học từ thấp đến cao từ chuyên đến không chuyên cũng biết sơ sơ là khi có dịch là có chết chóc chia lìa và buồn nhiều hơn vui – khổ nhiều hơn sướng! Chuyện đối phó không phải từ một người mà từ nhừng người có chức có quyền cao chức trọng được gọi là “chính quyền – chính phủ” do . . . ôi mình đang bị gì mà dám ra khỏi khu vực nấu nướng bước qua ranh giới quý ngài thế này – ngưng tại đây thôi! Ừ mình đang suy nghĩ và ráng nhớ xem mình rủa xả chửi rủa câu “đồ mắc dịch” bao lần trong đời cho đến hôm nay nhỉ và có bao lần bị rủa “mắc dịch” mà rồi mình bị mắc nó không?
Ừ! Mình mắc dịch thật – dịch kỳ quái lần này được các ông âu yếm gọi Cô ấy – các bà thì gọi Con ấy – tên thật của nó được thế giới gọi là COVID19.
Lúc mắc dịch không ai hay chỉ nhởn nhơ thế thôi, cứ nghĩ là cúm cảm lạnh khi cơ thể nhức nhối cái đầu như có ai gõ, đôi mắt thì tóe hào quang khi đứng dậy và dĩ nhiên tỉnh bơ thả vi khuẩn tung bay tứ phương vì chưa biết dùng mặt nạ! Mặt nạ này khi đi du lịch sang Nhật mình đã tròn xoe mắt ngẩn cả người khi thấy dòng người trên phố đeo nó, Tokyo giờ bận rộn đi làm có hàng đoàn người mặc trang phục hầu như cùng màu đen và đeo mặt nạ y tế màu trắng, cứ nghĩ họ đang có đại tang vì lúc ấy chưa biết con cháu của nữ thần mặt trời muốn mọi người ngang hàng giống nhau bằng đồng phục màu xậm khi đi làm đi học để không có cách biệt sang hèn nơi công sở và trường học, ngay cả khu buôn bán xầm uất quần áo đầy màu sắc cũng thế có rất nhiều người đeo mặt nạ che miệng và mũi, tìm hiêu ra mới biết họ không muốn làm phiền nhừng người chung quanh khi họ hắt hơi sổ mũi vì bị dị ứng phấn hoa bụi cỏ, đồng thơi ngăn cản chúng làm cho họ bị dị ứng ngứa mắt nhức đầu không thể đi làm được. Trong lúc ấy Châu Âu hoàn toàn không có chuyện che mũi miệng khi ra đường cho dù có bị ho dị ứng hắt hơi sụt sịt.

Thì như đã nói, chỉ giống y như mình bị cúm bị cảm thế thôi vào tháng 3, lúc ấy trời còn lạnh, vào tháng 1 khi đang nằm dài trên giương chờ giấc ngủ vợ chồng cùng xem tin tức trên TV đài truyền hình Nhật Bản – nói tiếng Anh, họ cùng là dân Á Châu nên nghe họ nói tiếng Anh dễ nghe dễ hiểu nên mình biết đến Cô ấy đang hoành hành bên Trung Quốc – và biết WHO bắt đầu lên tiếng – phải cẩn thận! Tuốt luốt bên ấy mình ở Mỹ một quốc gia đứng đầu thế giới về mọi mặt từ y tế đến . . . . cái gì cũng nhất thì dễ gì nó đến nơi này nhỉ ? Thế là hai đứa ngủ queo râu chẳng thắc mắc chi cho thêm vết nhăn.

Annabel ra đời ngày 4 tháng 1 năm 2019, cô cháu gái của mình xinh xắn làm sao, khi ấy đang thăm các em ở quận Cam Orange County nghe tin cô Út chuyển bụng muốn bay về ngay sáng sớm, may mắn sao về đến San Jose cháu vẫn chưa thèm góp mặt với đời, đợi đến chiều mới thủng thỉnh ra khỏi lòng mẹ, cái con bé mang niềm hạnh phúc đến cho cả nhà, lúc ấy bà ngoại ôm cháu ngủ ngoan trong lòng đêm đầu tiên cháu về nhà cho ấm! Có con so nên các cô cậu không biết phải ủ con thế nào cho đúng lăn quay ra ngủ như chết, làm mẹ làm bà lại có thêm chuyện để kể cho “bàn dân” nghe để so sánh cũ và mới. Cũ là khi có con so thường về nhà mẹ đẻ để được mẹ chăm sóc khi còn ở cữ để tránh cử động dễ bị sa tử cung, thông thường mẹ và em bé luôn nằm chung với nhau, mới là các con có nhà riêng có phòng riêng cho em bé được trang hoàng tỉ mỉ nào là giường nệm tranh ảnh có bàn thay tã có đủ thứ kem thoa, muốn biết rõ thì vào khu baby – em bé là thấy, những chuẩn bị thế này cùng hàng tỉ lời khuyên dạy trên mạng làm các bà mẹ có con lần đầu nghĩ là dễ ẹc! Nhưng sau khi sanh mới hay là không phải như chơi búp bê! Ôm cháu trong lòng vì lúc ấy trời lạnh quá, phòng chỉ có 70 độ F con bé nằm một mình trong cái giường riêng phong phanh chỉ có quấn một lớp khăn không được có bất cứ thứ gì trong ấy ngay cả cái chăn, không được ngủ chung cùng mẹ vì sợ bị đè không thở được – may mà có bà ngoại! Cũ nên biết dùng nhiệt độ chính mình để ủ cho cháu ấm gần giống nhiệt độ trong khoang bụng Mẹ, sau đó phải giải thích khéo léo sao cho cái đầu có bằng cấp nghe lời bà nhà quê chấp thuận cho con nó được vào ngủ chung phòng cùng ba mẹ nó trên cái nôi có đủ mọi thứ từ nhiệt độ đến cả âm thanh i i i được quảng cáo là giống âm thanh trong bụng mẹ! Lạ là khi cháu khóc chỉ có bà làm cho cháu thôi khóc, lại phải chỉ cách ôm con sao cho con tin tưởng không sợ hãi – sửa cho cách ôm con cho con bú lại nhớ lần đầu bị đau khi những mạch sữa bị vỡ để giọt đầu con nút vào lòng!
Annabel sắp lên một tuổi, cháu ngoan và dễ yêu vô cùng, bà ngoại đang nhớ cháu vô cùng nên kể lể thế này đây vì bà cháu bị ngăn cách bởi cô giữ trẻ bị nhiễm bệnh hôm thứ sáu tuần vừa rồi – lần trước bà ngoại bị nhiễm không hay nhưng nhờ bị lệnh cách ly mà nhà ai nấy ở và ba me của cháu đang trong thời gian ở nhà nuôi con 6 tháng đầu nên cũng đỡ lo vì cả hai đều làm trong lãnh vực y tế!
Ừ mình cứ thản nhiên thế cho đến khi được thử xem có bị nhiễm vi khuẩn hay không trước khi trở lại làm việc thì mới hay cơ thể đã bị vì trong máu có antibody và cũng từ thử nghiệm này mình mới hiểu lý do tại sao mình đã không còn như xưa, sức khỏe bị mất đi hơn một nửa nhất là khớp tay chân lưng sưng tấy đau đớn, đứng lên ngồi xuống không bình thường nôn nao chóng mặt bế cháu không nổi khi mẹ cháu nhờ bà trông giúp khi trở lại đi làm – lúc này bác sĩ mới cho hay hệ lụy của người bị nhiễm vi khuẩn có người bị nhiều có người bị ít chẳng có thuốc chi chữa được chỉ dùng thuốc chống đau chống chóng mặt chờ đợi ngày nó tự hết – không biết trong bao lâu!
Từ một ngươì khỏe như “trâu” ham làm đủ thứ việc xốc vác mà nay thúc thủ, gõ lóc cóc cũng khó vô cùng may mà có Iphone có thể dùng cách đọc nó tự ghi xuống, nhưng cũng phải sửa lung tung vì mình nói một đằng nó ghi một nẻo – tay chân đau lưng đau cứ thuốc giảm đau uống hoài thì sao nhỉ – đang nghĩ đến việc hút cần sa đây – có ai cản hay không? Mình vẫn tập yoga làm bánh làm đủ mọi thứ để không cho cơ thể tàn lụi nhanh vì các con “dịch” này – vì nếu thua mình sẽ bị mang danh “dịch vật”!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: