Hai Dòng Máu

Mấy hôm nay không dám xem ti vi tin tức buồn quá không chịu nổi. Ngồi chờ máy bay chuyện kinh khủng cho 19 cháu bé và hai cô giáo ở một trường tiểu học được nhắc từng chi tiết!
Đi chơi với con cháu – ôm cháu trong tay lòng vui không tả được, trốn nỗi kinh khiếp bao gia đình đang chịu đựng phải tìm gì đó làm để không bị ám ảnh chuyện kinh khủng vừa xảy ra! Hứa là không chểnh mảng chuyện gõ lóc cóc – mà lòng quả đã lặng không còn bị nhấp nhô như thuở xưa nữa nên cứ nhẩn nha nhặt mớ lá sâu tìm xem hoa nào sắp nở hoa nào sắp tàn, bình an pha chế mắm muối làm hết món này đến món nọ trong bếp dù không cần thiết.
Đọc sách của bạn gởi dù sách đã có trên kindle từ tháng 8 năm 2014, lâu nay cầm quyển sách không còn là chuyện thường thấy nữa, người ta cầm điện thoại thông minh Iphone – Samsung để đọc để viết để trao đổi tin tức, sao thì tốt và xấu luôn dính vào nhau như mặt trái mặt phải của chiếc huân chương, họa hoằm lắm mới thấy người cầm sách đọc trong khi chờ đợi ở phi trường trên máy bay, quầy sách cũng dần biến mất khi tôi lang thang rảo bước dọc hàng lan khi bị hãng máy bay thông báo “delay”. Cháu tôi nói chỉ có các ông bà già mới cầm sách đọc, nhận ra tóc mình trắng và quyển sách đang cầm trên tay có màu đỏ.


Là bạn cũ từ Việt Nam chỉ bất ngờ nhận ra trên FB và bất ngờ hơn nữa khi biết Kevin Le chính là tác giả của The Outcast Amerasian được truyền thông giới thiệu một thời. Quyển sách được in từ Việt Nam khổ 8X5.5 bìa đẹp chữ dễ đọc có 37 chương viết về đời sống của Quân đứa trẻ cô nhi có mang giòng máu Mỹ sau 1975 với các bạn có cùng hoàn cảnh.
Nếu được đọc 8 năm trước hẳn lòng tôi còn lăn tăn sóng khi nghĩ đến bao thảm cảnh, bây giờ đọc từ từ hình dung nhừng nơi chốn trên quê mẹ xưa có cảm giác y như tác giả viết trên chương cuối khi trở về tìm lại bến xe xưa mái hiên cũ – bạn cũng mất người và cảnh đều như trong mơ không có thật – Từ Thức về trần hẳn cũng thế mà chớ!
Năm 2007 – 2012 tôi trở về Việt Nam – ra Bắc thăm khắp chốn ghé về Nha Trang Đà Lạt mọi sự đẹp hơn hào nhoáng hơn con người văn minh hơn nhưng xa lạ hơn, có lẽ vì chính mình hơn là vì chốn cũ người xưa!
Thời gian du lịch di chuyển từ nơi này đến nơi khác là thời gian tôi đọc ghi hoặc chơi “đập kẹo” candy crash, vì thế nào cũng phải ngồi đợi sau khi qua kiểm tra an ninh phi trường, quyển sách của Kevin Le đã giúp tôi lần này vì chuyến bay bị dời 1 tiếng 30 phút, tôi đọc ngấu nghiến và quả thật hình ảnh ghi lại từ tác giả rất lôi cuốn cứ như cuộn len không bị rối rất nhẹ nhàng để kết thành khăn áo, tôi tự hỏi nguồn cơn nào khiến người bạn tôi quen có thể kể lại tường tận như thể về đời sống bất hạnh của các cháu bị gọi là “con lai” .
Tháng 3 năm 1975 từ Chu Lai nhóm của Quân khi ấy chỉ khoảng năm đến sáu tuổi bắt đầu cuộc hành trình tìm sự sống sau khi mọi sự bị lật đổ không còn bình thường như cũ trẻ mồ côi không còn mái nhà tình thương để sống sau khi tất cả nhân viên di tản – rất ít các trẻ mang hai dòng máu được gia đình ngoại cưu mang vì màu da của các cháu là nỗi nhục nhã của gia đình (?) khiến các bà mẹ dù thương con vẫn phải từ bỏ thiên chức này.
Nhóm Quân Vũ Đức lên đường di tản theo đoàn người hy vọng gì không ai biết, chỉ níu lấy nhau mà đi, đường đời chông gai các cháu bước được tác giả ghi lại chi tiết đến não lòng, người tốt kẻ xấu sống chung với nhau rất hòa bình khó nhìn ra, chỉ khi họ ứng xử mới biết ác tâm hay thiện tâm. Có một ước ao trong đời chính là điểm khiến Quân khác các bạn, tìm cha tìm mẹ là giọt nắng ấm áp sưởi đời đứa trẻ mồ côi trong ngàn đêm bão táp, tác giả khéo léo đưa ra ngay trang đầu sách chiếc dây chuyền có hình người phụ nữ dịu dàng và chàng phi công Mỹ oai phong, chứng tích này khiến Quân tin Mẹ thương yêu mình để sống còn cho đến khi không còn bất kỳ dấu tích nào nữa.

Sau ngàn nỗi nghiệt oan do nhừng con người ác tâm dầy vò, Quân cũng có những thiên thần hộ mệnh như Dì Tư một cô giáo có chồng bị tù cải tạo cho chỗ dựa cô dạy Quân học tiếng Việt – đến gia đình giáo sư Chu người cho Quân cơ hội có tên tuổi trên giấy trắng mực đen và con dấu đỏ để đến trường – gia đình ông Ban pha trộn thiện ác rất rõ nhưng sau cùng ông thiện thắng bà ác – đây cũng là hy vọng của bao con người đang sống trong xã hội này và mỗi chương sau của sách là những tia sáng bình minh từ luồng một rọi xuống đời cậu bé mồ côi có hai dòng máu Việt-Mỹ 1990 – 1991 sau khi được chính phủ Mỹ chấp nhận được về đất nước của Cha – Quân được sống tạm trong trung tâm chuyển tiếp Đầm Sen trước khi đặt chân đến Phi Luật Tân – khoảng thời gian này vui buồn lo toan trộn lần nhưng không phải lo lắng vì cái ăn của mặc, mọi thứ được chu cấp hậu hĩ. Đặt chân vào trại Phi Luật Tân để học sinh ngữ và cách sống mới với Quân lại thêm đoạn luyện tội dù chỉ là 6 tháng cũng cho người đọc thấy toàn cảnh người đối với người là mạnh thắng yếu, thú tính dễ dàng thắng nhân tính chỉ có kiến thức hiểu biết mới luyện được lòng nhân hậu yêu thương.
Tôi định hỏi bạn tôi từ nguồn sống nào để bạn hoàn tất quyển sách tròn trĩnh đến thế, vì khi tôi biết Kevin chỉ một khoảng thời gian ngắn ở Sài Gòn bạn rất kín đáo không hề tiết lộ nhiều về gia đình của bạn cho đến khi bạn vượt thoát khoảng cuối thập niên 80, có thể khi ở đảo chuyển tiếp bạn gặp và biết chuyện của Quân chăng?
Cũng qua quyển sách này hẳn nhừng chuyện gạt gẫm kết gia đình với các trẻ lai để được sang Mỹ định cư được nhiều người đọc biết đến, cho dù các nhân viên thẩm tra tại Việt Nam có nhiều cách để biết thật hư cũng vẫn cho qua nhiều trường hợp!
Trang sách khép lại lòng tôi cũng khép lại – đời người ai cũng mong cầu hạnh phúc cho nhau nhưng sự thật chỉ cần 1 hay 2 phần trăm quái quỷ cũng gây ra thảm họa, như ngay bây giờ trên đất nước Mỹ mang danh là nhân đạo tự do nhân quyền, các ông bà cầm cân nẩy mực vẫn không sao thay đổi được tu chính án số 2 cho phép có vũ khí cách đây . . . từ thời súng phải nạp đạn từng viên đến bây giờ chỉ lẫy cò là đạn bay ra xối xả!
Ừ! Sống là đấu tranh để được tồn tại – mấy ai tìm ra hạnh phúc trong tuyệt vọng mà không khổ và dù có hạnh phúc cách mấy giàu có cách mấy rồi cũng chết, nên tự khuyên mình yêu đời khi còn có thể dù thế nào!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: