I. Ngôn ngữ
Con chưa biết nói.
Cha không còn lời để nói.
Mẹ chìm trong cơn đau.
Mắt nhìn có nói được không?
– Bố đi nhé, con.
– Bố đi khi nào bố về?
– Mai mốt. Khi nào con biết nói.
– Con yêu bố.
– Bố cũng yêu con.
– Con nhớ bố.
– Bố nhớ con còn nhiều hơn thế.
Giọt lệ nóng cay đắng rơi xuống từ khoé mắt sâu thẳm của cha, lăn tròn trên gò má bầu bĩnh phơn phớt hồng của con. Một thoáng giật mình thơ ngây.
Mẹ giấu cơn hoảng loạn sau vai áo chồng. Đá vàng phu thê.
Mùi hương có lẽ rồi sẽ phai.
Người rồi sẽ xa.
Biền biệt.
Ngày cha về, con đã lớn theo cây mận đỏ cha trồng bên hiên nhà trước cuộc phân ly.
Khi cha đi vắng, con vào trường và đã được dạy dỗ nói bằng một loại ngôn ngữ khác.
Mẹ gọi là sinh tồn ngữ.
Cha gọi là tử ngữ.
Đôi mắt con mở lớn nhìn cha, lạ lẫm.
Không còn thơ ngây.
Lời của mắt đã tắt.
II. Xung đột
Cha mừng con đã về nhà.
Dù nhà đã xác xơ, không còn là nhà cũ.
Mẹ mừng con được bình an.
Dù sự bình an chỉ là lớp váng mây trôi nổi của lòng vọng nguyện.
Vợ, một chiều khoác áo nâu đón chồng bên bờ con sông cạn.
Nước mắt chực khô theo bóng nỗi niềm.
Bé thơ cũng đã chẳng còn thơ dại.
Bé hỏi cha của bé sao đành làm ngụy quân tử, trời đất biết có bao dung.
Trả lời đi, người trở về từ cõi chết.
Trả lời đi, người trở về từ tận cùng đáy vực của cuộc thương vong.
Bạn bè bao người phơi thây rừng thẳm?
Bạn bè bao người xương rữa núi sâu?
Bao người đi?
Bao người về?
Bao người ngồi đây hôm nay nhìn ngắm con thơ nhảy múa điệu vũ hòa bình trên sàn tim run dập dồn ai oán?
Cha già chờ con trai về để vĩnh biệt sau những ngày dài thoi thóp.
Mẹ già chờ con trai về để chia tay sau những đêm buồn héo hắt đợi mong.
Và em, người vợ chăm chỉ của bao tháng năm cặm cụi nuôi chồng bằng những đêm dài thủy chung rách nát.
Em đã chờ.
Nhưng em có còn yêu tôi?
III. Phẩm giá
Để được trở thành một con người có phẩm giá, tôi phải đem cái phẩm giá cũ đã mốc meo để đánh đổi cho cái phẩm giá mới còn tươi roi rói.
Vì phẩm giá, tôi đã vừa phải đeo con trước bụng, vừa cõng cha mẹ chồng sau lưng.
Phẩm giá của tôi hàng ngày mua chợ đen được lon sữa bò cho con thơ đói khát, chai thuốc cảm mạo cho cha mẹ già yếu đuối, hom hem.
Phẩm giá cũng đã từng được đặt nằm trong những chuyến xe lênh đênh ngược Bắc, mắm muối tương cà đùm bọc gánh tào khang.
Không có phẩm giá, người rồi sẽ chẳng là người.
Không phải là người, chúng tôi rồi sẽ không có quyền được sống. Như người.
Đem phẩm giá tôi đổi lấy phẩm giá cho chồng, cho con, cho cha mẹ – tôi không ân hận.
Ngày đoàn viên, chúng tôi vẫn sống. Cùng dưới một mái nhà. Đầy đủ.
Anh ạ,
Nếu anh hỏi rằng em có còn yêu anh không, câu trả lời từ phía em có lẽ sẽ không là điều cần thiết.
Điều cần thiết là em đã chờ, có phải?
Khi phẩm giá của một người đàn bà không quan trọng bằng sự sinh tồn của cả một gia đình trong cơn biến loạn, liệu em có đành cam tâm ôm lấy cái phẩm giá cao quý kia để nhìn tất cả chúng ta đi vào thiên cổ?
Em thật sự không chút hãnh diện về những điều mà em đã tự ý hành động trong những tháng năm anh vắng nhà, ngoại trừ một điều duy nhất em luôn ấp ủ trong trái tim trinh bạch của riêng mình:
Em hãnh diện được làm vợ anh, vợ của một người tù lưu đày biệt xứ vì đã có lần chung góp một bàn tay để giữ gìn và bảo vệ cho phẩm giá của cả một non sông gấm vóc.
IV. Dặn dò
Con ngoan,
Mỗi sáng, sau khi đánh răng rửa mặt, con nhớ pha ngay cho bố một tách cà phê sữa.
Rồi ra ngoài thềm nhà nhặt tờ báo vào, đặt lên bàn ăn, bên cạnh tách cà phê.
Đừng quên những viên thuốc bổ.
Bố cần những viên thuốc đó để được sống lại và yêu con.
Con cũng đừng tiếp tục nhìn bố đăm đăm thế. Ăn chiếc bánh sừng bò và uống ly sữa trắng của con đi. Nhanh nhanh, kẻo trễ.
Quần áo mặc đi học, ngày hôm qua con đã ủi chưa? Có ủi hộ bố chiếc sơ mi màu xám nhạt không?
Ngày xưa bố hay mặc áo màu xanh – màu của mây – màu của hy vọng. Từ ngày mây không còn trời để bay, hy vọng cháy rụi thành tro bụi. Bạc xám áo xưa.
Con còn nhớ cách mẹ chỉ con chiên chả trứng với cà chua và hành tây không? Đừng chiên cháy quá, con nhé. Bố thích ăn món này lắm. Giản dị, nhanh và đủ. Xắt thêm vào dĩa cơm tối của hai bố con vài lát dưa leo. Nhánh ngò sẽ làm thơm tình phụ tử.
Con đừng quên làm bài tập của trường cho nhé. Điều gì không hiểu thì hỏi bố. Bố giỏi lắm đấy. Thuở mẹ còn đi học, bố vẫn thường kiên nhẫn mỗi tối ghé nhà chỉ bài cho mẹ. Không có bố, mẹ dốt của con có lẽ đã chẳng bao giờ leo nổi vào đại học, một thời xênh xang chữ nghĩa reo ca.
Trái tim của mẹ đã thực sự thổn thức reo ca. Cùng bố. Và con.
Tha thứ cho mẹ nếu sự chọn lựa ở lại của mẹ đã khiến con trẻ tràn lệ thảm ngày bước xuống tàu theo cha ra biển. Trời đã cuối cùng thương mẹ và nhận lời nguyện cầu của mẹ. Cho tàu bình an tới bến. Cho cha và con được quyền tái tạo lại một niềm tin.
Hãy yêu thương bố. Giùm mẹ.
Và hãy vì mẹ mà tập quên đi những tháng năm dài bố con thất lạc, mò mẫm tìm nhau trong nỗi hoảng loạn kiệt cùng ngôn ngữ.
Mẹ vẫn mãi mãi yêu con.
V. Biển, Chữ & Em
…cho Em & những cô gái nhỏ…
Khi người chết – xin đưa người xuôi ra biển…*
Khi chữ chết – xin đưa chữ ngược về rừng…
Nơi yên nghỉ của người sẽ là biển cả – sóng trắng mảnh khăn tang
Nấm mồ của chữ sẽ là rừng già – lá vàng kết vòng hoa phúng điếu
Thủy triều phải lên xuống bao nhiêu lần trên bãi cát
Để trăm năm xóa được dấu chân người?
Rừng già phải bao nhiêu mùa thay lá mới
Để hồn chữ ngủ thiên thu?
Ngày em theo cha vượt biển – chữ theo em
Trái tim hát lời tự do của lửa mặt trời chói chang tháng bảy
Bài ca dao xưa mẹ ru làm bàn tay đời mắc võng
Chữ thương ngọt ngào/chữ nhớ khổ/chữ khắc khoải chờ nhau
Chữ thêu áo ngời giấc mộng nghìn sau
Chữ che chở/chữ nâng niu/chữ gìn giữ tâm hồn em những khi tai biến
Chữ đã là Tình Yêu
Khi người chết – xin được đưa người ra biển…*
Khi chữ chết – xin chữ được nằm ngoan trong rừng lá hát
Bên em
*ý thơ DTL
Tử Ngữ
Niềm vui của tôi không to lớn lắm – một câu hát, một nụ hoa, tình yêu dành cho gia đình, một món ăn đậm đà hương vị Việt Nam. Ngày xưa tâm tình kể lể trên trang giấy trắng – bây giờ trên trang ấu tím này.
Niềm vui này nhỏ mà to…Rất ngượng mộ .
Chúc chủ nhà đạt như ý.
Vivi
ThíchThích
Xin lỗi viết sai dấu,
Rất ngưỡng mộ.
ThíchThích
I was really confused, and this answered all my qusnoitse.
ThíchThích