Bài viết trên báo V-Times đã 10 năm được cô em gởi cho đọc lại vui trong lòng, nhất là hình xưa, 10 không thể nói là ngắn – nhìn hình biết thời gian trôi trôi trôi.
Chiều qua, chủ nhật ngày 6 tháng 11 năm 2005, tôi đi dự buổi ra mắt sách của anh Trần Trung Đạo.
Buổi chiều rất bình dị mùa Thu, không nồng ấm nắng Xuân, không hực vàng nắng Hạ. Buổi chiều bình dị vì nắng rất mềm lá không ngồn ngộn sức sống, lá nhè nhẹ chuyển mình lặng lẽ rơi.
Đến nghe những vần thơ, nghe lời tự sự của một nhà thơ trong thính đuờng truờng trung học Yerba Buena tọa lạc tại 1855 Lucretia Ave Thành Phố San Jose, tiểu bang California nước Mỹ. Tôi nhận ra trong hội truờng, hơn hai phần tóc bạc, một phần ít thôi tóc vẫn còn đen. Bên lề buổi ra mắt sách là những hẹn hò cho một buổi văn nghệ, cho một ngày ra mắt thi phẩm mới, sáng tác mới.
Những bài thơ của anh Trần Trung Đạo là những bài thơ xoáy vào tim người đọc, những bài thơ như mũi dao đâm xộc vào luơng tri con người, những bài thơ có lửa để nhóm lên tình nhân đạo, nhắc đến mẹ đến em đến chị, đến anh đến cha đến ông , đến một thân phận Việt Nam, đến một thời đại Việt Nam máu và nước mắt đã hòa vào nước biển. Anh vẫn viết tiếp những bài văn có lửa cho từng biến cố xảy ra trên quê huơng Việt Nam . Lý do tại sao tôi biết anh, trân trọng những điều anh viết và tôi có mặt lần này . Lần trước tôi chỉ vừa đặt chân đến San Jose qua chuơng trình HO , nên không đuợc dự.
Người thi sĩ rót nước mắt cho dân tộc Việt Nam, viết giúp cho những thân phận Việt Nam, bày tỏ nỗi lòng những người con Việt Nam gởi đến Mẹ, đã như chìm đi trong đám đông vội vã áo cơm, cuống cuồng trong dòng xe tất bật chiều chủ nhật.
Bây giờ người ta bắt đầu nói đến những người con gái tha phương, không còn nhìn ngắm lũy tre làng là ranh giới cho thời con gái, ranh giới của các cô đã là những ranh giới của các quốc gia lân cận. Trung Quốc – Đài Loan – Châu Âu – Châu Mỹ. Các sáng tác thơ văn nào diễn tả được giai đọan này. Nước mắt và máu thấm vào đâu, sau giai đọan hòa vào biển.
Anh Trần Trung Đạo ghi xuống giấy những điều anh chứng kiến, bật tiếng kêu bằng những vần lục bát nghẹn ngào, đọan phim bảy phút trình chiếu buổi chiều sóng vỗ, cô bé nhỏ nhoi lẩm bẩm chia kẹo cho mẹ, cho cha, cho anh cho chị, giọng hát nền của anh Phan Đăng Hưng kể lể, biển pha màu máu.
Nhắc đến những cái chết lạ lùng, có lẽ chỉ người Việt Nam mình mới có thể giải thích đuợc tại sao? Người đàn ông Việt Nam bị xe đụng chết trên xa lộ thênh thang tại San Jose trên nước Mỹ, làm anh nhớ đến người phụ nữ mang thai nhảy xuống biển theo chồng , mênh mênh mang mang như thế, trong buổi anh mang những tâm huyết gởi đến mọi người, anh đã sống ở San Jose, ngừoi mẹ già VN San Jose đuợc anh trang trọng vào thơ, những người Mẹ Việt Nam nứoc mắt luôn chảy xuống. Giọng ngâm của anh không quyện vào tiếng sáo, tiếng đàn tranh mà lại nuơng theo tiếng đàn thùng anh gảy. Sự hòa điệu lạ lùng không trọn vẹn, dang dở bật thành âm thanh réo rắc não nề, không ai đọc đuợc bài thơ có hồn hơn người đã cưu mang ra nó.
Hội trường đã im lặng lắng nghe – rưng rưng đôi con mắt, nhưng chắc chắn một điều, theo thời gian sự đau đớn đã phôi pha đôi chút, không như mươi hai mươi năm về trước vết thương còn lở miệng. Bên cạnh những sáo ngữ đuợc dùng “nồng nàn – thắm thiết” tôi tin anh nghe đuợc những chân tình không nói ra, qua những tràng pháo tay đồng tình với câu thơ anh đọc, ngườii tham dự ở lại đến phút cuối cùng, không như những buổi ra mắt sách khác, chỉ hơn nửa tiếng sau khi khai mạc, còn lơ thơ vài chiếc ghế có người .
Cám ơn anh Trần Trung Đạo đã ghi lại giúp mọi người, đã cùng sống với anh trong một giai đoạn tang thương của đất nước, những bài thơ những áng văn trung thực.