Giáng Sinh

img_0981“Đêm đông lạnh lẽo Chúa Sinh ra đời, Chúa Sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa – Trong hang Bê-lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng – Nghe trên không trung tiếng hát Thiên Thần vang lừng.
Đàn hát réo rắt tiếng hát, xướng ca dư âm vang xa, đây Chúa thiên toà giáng sinh vì ta. Người hỡi hãy tiến bước tới, đến xem nơi hang Bê-lem ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn.Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Belem thiên thần xướng ca. Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa.”

Trên xa lộ 101 từ San Jose lên San Francisco, đón cô Út về nhà nghỉ đông, chiếc xe chắc chắn có máy sưởi và hai chiếc quạt nước liên tục làm việc, để người lái xe có thể thấy đường, cơn mưa trải dài từ bắc xuống nam theo các đài khí tượng đã thông báo trước, khi chững lại khi đổ dồn, có vài đoạn đường dù không mưa nhưng nước văng lên từ các chiếc xe lái nhanh bên cạnh còn mờ mịt hơn mưa.

Chiếc cd con gái để trong xe bao nhiêu năm, có khoảng hai mươi bài hát Giáng Sinh dưới dạng mp3, đầy đủ những bài nổi tiếng những bài hát Thánh đã truyền lại cả trăm năm vẫn được nhân loại thương yêu và ngân nga hát vang trong dịp lễ cuối năm.  Bà tài xế “nhà quê” sợ lái xe dù đã một lần bị trafic ticket vì lái nhanh,  hát vang trong xe để trấn áp nỗi sợ hãi các ông bà tài xế “tỉnh thành” lái xe nhanh  như  đi “ăn cướp” chưa kể đổi lane qua lại cho vui.

Tiếng nhạc Giáng Sinh vang vang khắp mọi nơi, trong các siêu thị, trong các trung tâm thương mại, trên các đài truyền thanh truyền hình, ngay cả trong các văn phòng bác sĩ – nha sĩ, khiến lòng người cũng rưng rưng hát theo.  Bài hát trong lòng riêng của chính mình.  Tôi bật lên hát bài Hang Bê-lem của Hải Linh và Minh Châu, bài hát sau thánh lễ Giáng Sinh thuở bé tôi luôn được hát theo ca đoàn khi đến quì thăm hang đá.

IMG_6749Mùa Giáng Sinh ngày còn ở Việt Nam trong kỷ niệm của tôi:  khi còn là cô bé mẹ cho mặc áo đầm phùng là mùa đi lễ ban đêm, tối về nhà ăn cháo gà, ăn bánh khúc cây rồi đi ngủ. Khi là cô thiếu nữ mặc áo dài lụa vẫn là mùa đi lễ ban đêm, tối về nhà lăng xăng dọn cháo gà, chuẩn bị đèn nến cắt bánh khúc cây, ăn uống xong dọn dẹp sạch sẽ rồi đi ngủ.  Lục lọi xem có kỷ niệm nào đặc biệt trong mùa Giáng Sinh xưa kiểu “áo trắng thay màu – em qua cầu xác pháo bay theo – lời nguyện mình Chúa có nghe không – sao bây giờ mình hoài xa vắng – bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian – bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu (bài thánh ca buồn – Nguyễn Vũ) hình như không có, chỉ có vài lần dại dột theo các bạn đi lễ nhà thờ Chính Tòa – nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế bị chen lấn đông, bị chia lòng chia trí không sao dâng mình hòa vào buổi lễ, nhất là có các cô bạn ngoại đạo đi theo, hỏi han đủ điều, làm dấu thế nào, nghĩa của bài kinh, nhất là câu hỏi sao Đức Mẹ đã có con mà còn đồng trinh?   Bị như thế vài lần, tôi nhất định đêm Thánh chỉ đi lễ nhà thờ họ đạo, nhỏ bé đơn sơ, không chau chuốt bề ngoài, không quần áo sang trọng, không đi giầy mới đóng.  Nhớ lại thuở ấy gia đình tôi thuộc vào tầng lớp bình dân,  nhích lên mức trung lưu một chút, ba mẹ tôi ngày ở Hà Nội sống tại dẫy phố Nhà Chung, dẫy phố ấy bà ngoại tôi cho thuê từng gian nhà, như ở đây người ta cho thuê apartment, vào Nam rồi bố tôi là sĩ quan cũng có nhà hai tầng lầu đúc, gần chợ Vườn Chuối – ngày Giáng Sinh mẹ tôi lo cho các con quần áo mới và cho đóng giầy da mới, con gái điệu thường chấp nhận đau đớn thể xác dễ dàng, không biết bao nhiêu lần tôi khổ sở vì đôi giầy mới đóng ở tiệm Khanh, vậy mà vẫn chịu đựng để mang nó vào chân, cho đến khi đôi giầy mềm mại mang vào không bị đau nữa, lại vừa đến lúc Giáng Sinh được đóng đôi giầy mới. Trong xóm tôi ở, những đêm Giáng Sinh nhà có đạo treo đèn ngôi sao ngay cửa chính, tôi đếm được năm ngôi sao, phần đông là người ngoại giáo.  Có một anh chàng nhà đối diện nhà tôi, đứng trước của nhà hay ngồi trên lan can lầu ngóng sang nhà tôi hoài những buổi sáng sớm tôi sửa soạn đi lễ cùng gia đình, có một đêm Giáng Sinh anh đi bộ theo đi dự lễ tại nhà thờ Mai Khôi nằm trên đường Tú Xương.  Nhà thờ Mai Khôi là nơi tôi thích nhất, nhỏ vừa vặn cho các sinh viên vì không thuộc họ đạo nào cả, tiếng sỏi lạo xạo dưới chân khiến tôi thành thi sĩ bất ngờ: “Thiên Chúa Giáng Trần  bình yên dưới thế – lạo xạo sỏi reo tim hát hân hoan”

Tôi nhớ hai câu thơ  này vì nó chứng minh rằng tôi đi nhà thờ đêm Giáng Sinh hoàn toàn vì đấng Cứu Thế không vì một lý do nào khác, dù có người đi theo tôi đến tận nhà thờ, sau đó vài năm cũng người này đi theo tôi đi lễ sáng sớm trong bộ quân phục, tôi chẳng biết thuộc binh chủng nào, cũng không thèm biết tên người ta làm chi cho vướng bận tâm hồn.

Đoạn đường lái xe của tôi vang lừng nhạc Giáng Sinh Việt Nam, chập chùng hình ảnh xưa cũ như những đoạn phim đen trắng, như những giấc mơ thấy toàn khung cảnh nhà cũ đường xưa, lâu lâu giọng nói eo éo của người phụ nữ trong chiếc GPS hiệu TomTom nhắc phải vào exit, tôi lại nhìn ngang ngửa kính sau kính trước mà vào, lúc này là lúc khúc phim xưa bị ngưng ngang, kéo tôi về thực tại xa lộ 101.

Con gái ngồi kề bên, hai mẹ con nói chuyện dùng hai ngôn ngữ, nửa English nửa Việt Nam, nhắc đến chuyện con học hành ra sao thì ít, nói đến chuyện chuẩn bị ăn uống , chuẩn bị đi Los Angeles thì nhiều, thu vén sao cho gọn trong vài ngày con gái có mặt ở nhà.  Con bé được xem là bị Mỹ hóa americanize nhất nhà, vần giữ y nguyên những gì mẹ hay kể lể, Giáng Sinh là ngày lễ tình thương yêu gia đình, tình thương yêu nhân loại, chia sẻ hạnh phúc tiền bạc, biểu lộ sự chăm sóc yêu thương đến muôn nơi – không phải là ngày lễ gói và mở quà, những món quà vô hồn chẳng có chút ý nghĩa bầy tỏ tình cảm yêu thương thật sự – món quà phải là chiếc lược gài tóc – sợi dây đeo đồng hồ trong truyện ngắn của O’Hennry, nếu không thì chỉ cần nấu món ăn ngon nhất cho gia đình ăn là đủ.

Hình ảnh khó nghèo trong hang đá, máng cỏ hang lừa nhắc nhở nhân loại ngôi nhà bạc triệu không giữ được nguồn hạnh phúc gia đình mong manh, chiếc nhẫn hạt xoàn không ràng buộc được nghĩa tình mỏng mảnh.

Người ta vẫn lo lắng không gói quà cho người thân trong gia quyến-bạn bè là một thiếu sót, đôi khi vì quá để ý đến điều này mà trong gia đình có sự hục hặc không bằng lòng giữa hai vợ chồng, bực bội cùng con cái.  Bao nhiêu bài viết nhắc nhở các bệnh tim đột quỵ xảy ra vào khoảng thời gian có nhiều lễ lạc cùng lúc này.

Kính chúc quí độc giả mùa lễ Giáng Sinh tràn đầy bình an, gia đình sum họp, đừng để việc mua sắm, tiệc đêm làm mình bị cuốn hút đến nỗi bị mệt mỏi.

Trên đường lái xe xa, người viết khám phá ra mắt của mình bị điều gì đó là lạ, đi khám bác sĩ ngay, thì ra vì mắt không còn trẻ nên bị trở ngại, ấu tím bị bắt buộc dùng computor ít lại, nếu ít thấy bài tâm tình của ấu tím, xin thứ lỗi và đợi chờ.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: