Gà Tây

Cuối đời lá về đất

“Tháng Mười chưa cười đã tối” nay đã cuối tháng 11 trên con đường về nhà đã không còn ánh nắng nhạt cuối ngày, ánh nắng thoi thóp cũng không. Tháng mười đã qua, tháng mươì một cũng đang qua, cuối năm đang đến. Lá cũng gần cạn trên cây vòm lá vàng thưa dần, dưới gốc xác lá nhiều hơn những khoảng tròn chung quang tán cây những con đường ngập lá.
Mùa lễ Đông đang đến cái lạnh se sắt khô da thường làm lòng người ta chùng xuống. Ở tuổi đôi tám chưa ai nghĩ đến những nốt chùng, chỉ là những âm thanh bay bổng bốc hơi.

Mấy hôm nay tin tức nói đến chứng khoán nổi trôi, địa ốc chao đảo thiên tai bão lụt, động đất vỡ trời, họ nói đến những chính trị gia những nhân vật phục vụ cộng đồng, những linh tinh lang tang trong đời sống. Không có những linh tinh lang tang ấy, thì làm sao có xã hội.

Nhìn cuộc đời ở khía cạnh khác, truyền thống Tạ Ơn tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tổng thống đã thả con gà Tây đẹp nhất để nó được sống đến già trong nông trại quốc gia, cùng với khoảng hai trăm con gà đã được thả từ trước – tôi đếm có mấy mươi ông tổng thống nhiệm kỳ bốn năm một ông, có ông làm việc hai nhiệm kỳ thì số gà được thả mỗi năm gom lại, chắc vào con số đó không tính con cái cháu chắt của nó nếu có. Đàn bà tính toán đơn giản như thế, sai đúng chuyện vài trăm con gà chắc chắn chẳng chết ai cả, nhưng có một điều chắc hơn bắp là sau con gà được tổng thống thả làm phúc là cả triệu con gà bị làm thịt, để được các bà nội trợ bày biện bàn ăn bữa tối ngày lễ Tạ Ơn.

Cách đây hơn hai mươi lăm năm, ngày lễ Tạ Ơn tôi có một lúc hai con gà tây đông lạnh, tủ lạnh phải tháo bớt ngăn để có chỗ cho chúng nó vào chờ tan đá. Lần đầu được nấu cả một con gà tây lành lặn tôi còn nhớ cảm giác sợ sợ khi phải thọc tay vào bụng nó để rửa cho sạch máu, cảm giác sờ sợ ấy giống y như lần đầu tôi phải giết con lươn nấu cháo cho chồng tôi nhậu cùng bạn, cái điều mà thời con gái không thể nào tôi tưởng tượng ra mình có thể làm được! Ai đã biết làm thịt lươn, hẳn nhớ máu lươn hẳn nhớ hình ảnh những con lươn ngo ngoe, nhô đầu trườn lên cái thùng sắt, người bán dùng đựng nó để bán ngoài chợ, nhìn thùng đựng cá lóc cá trê không sao, nhìn thùng đựng lươn tôi sợ đến chết ngất.
Hai con gà tây vào tay tôi lần đầu ấy, một con được tôi làm ruốc (thịt chà bông) con thứ hai tôi quay trong lò, cái lò sang trọng đốt bằng ga, cái lò tôi không thể tưởng tượng mình có, khi còn ở Việt Nam năm 1990.
Tôi nhớ món gà nướng muối hột, con gà cổ lùn chân vàng sau khi làm sạch lông, nó bé bỏng chỉ bằng một phần năm của con gà tây. Cho hành vào bụng nó xong, để vào nồi tôi đã đổ muối hột rang nóng vào, sau đó là than trên than dưới khoảng bốn mươi phút. Con gà mái tơ bé bỏng nằm giữa muối hột thấm tháp đậm đà chết cũng vui, vì trở thành món ăn ngon cho gia đình của tôi, gia đình thiếu thịt trong khoảng thời gian nghèo khó.

Từ con gà bé bỏng, tôi nấu con gà vĩ đại, từ cái lò than trên than dưới, tôi dùng cái lò nấu bằng ga, cái lò có cửa có đèn, thì chắc chắn kết quả phải có điều gì đó không hoàn hảo. Điều không hoàn hảo khi tôi nướng con gà tây lần đầu, chỉ có những người bạn đã hưởng lễ Tạ Ơn nhiều lần mới biết, còn phần gia đình tôi, chồng con tôi không ai biết cả, vì cũng như tôi lần đầu được nấu gà tây, chồng con tôi cũng lần đầu được ăn gà tây. Ăn gà tây lần đầu tôi khóc, khóc vì nhớ nhà, khóc vì đã thoát và khóc vì không sao gởi bớt gà tây về Việt Nam được, người ta cho nhiều gà quá, tôi chỉ còn hai con gà là vì không muốn nhận thêm. Lúc ấy biết gia đình tôi mới đến định cư, nên nơi chồng tôi làm việc người ta cho gà, nơi tôi đi học người ta cho gà, các con cũng được cho gà, nếu nhận hết gia đình tôi có những năm con gà, phải ăn mấy năm mới hết.
Mỗi năm mỗi nướng gà, tôi nướng ngon hơn, theo đúng bài bản hơn, biết mua cái bao nhựa bọc gà để thịt gà không bị khô, biết mua cái đồng hồ nhiệt độ cắm vào đùi gà để biết chắc thịt gà đã chín, mua cả cái dụng cụ giống như thứ dùng để nhỏ thuốc vào mắt to thật to, để rưới nuớc sốt lên thịt gà trong lò, nói chung là tôi biết đủ mọi cách thức để nướng con gà tây sao cho ngon, cho giống với người ta, thì là lúc tôi thôi không muốn làm nữa, chồng con tôi đã không còn muốn ăn gà tây nữa.
Không ăn gà tây nữa, không phải là thôi không Tạ Ơn nữa, hình thức con gà tây không ảnh hưởng gì đến tấm lòng của gia đình tôi luôn ghi nhớ Tạ Ơn những điều mình đã có, những ân tình của anh chị em bè bạn, của người xa kẻ lạ. Cái túi áo lạnh được cho tại phi trường, những tấm đệm được cho con nằm, những con gà được cho ngày lễ, những căn phòng được chia cho để ở. Những bắt đầu từ số không giống như tô bột mì chưa là gì cả, phải thêm trứng thêm men chút đường chút muối mới có thể trở thành ổ bánh mì nuôi sống con người.

Tôi nhớ ơn từ ông tài xế xe buýt đã chở tôi đi học, đoạn đường gần hai tiếng đồng hồ vòng vo trong phố, tôi nhớ ơn cô giáo Linda Vidal của tôi, người đã dậy tôi nghề chuyên môn tôi chọn, tôi nhớ ơn các nhân viên làm việc trong văn phòng nhà trường nơi tôi đến ghi danh lần đầu, câu chào tiếng Anh của tôi họ không thể hiểu, mà họ vẫn nhẫn nại hướng dẫn tôi cách thức để thi vào học khi biết tôi vừa định cư trên đất nước của họ hai tháng, tôi nhớ ơn những ân nhân đã cho tôi học bổng để mua sách, mua đồng phục, mua xăng. Các con tôi đã được đi học đã nên người. Tôi nhớ ơn bạn bè tôi, các anh các chị đã cho chúng nơi cư ngụ thân tình, những bài học để sau đó chúng tôi cùng các anh các chị giúp đỡ các gia đình mới đến định cư tại Mỹ. Còn nhiều nhiều nữa tôi không biết phải kể đến bao giờ mới hết.

Đời sống luôn chứng minh thuyết tương đối trong mỗi phút giây ngắn ngủi, trong mỗi mùa đổi thay, trong từng con người có tư duy buồn vui sướng khổ, trên hết là sự biết ơn và trả ơn bằng cách lập lại những điều mình đã được nhận.

Cuối cùng tôi tạ ơn những con gà tây, không có chúng ngày lễ tạ ơn buồn lắm nhỉ. Và có lẽ chú gà tây tôi không hóa kiếp mùa lễ này cũng hiểu cho tôi: “Con sông quay về nguồn, con người trở về cội” tôi đi tìm con gà cổ lùn chân vàng, đi tìm lại cái lò than trên than dưới, nướng gà trong những hạt muối vàng tìm quên những linh tinh lang tang đời sống.

Sau Tạ Ơn là Giáng Sinh, có một số người tha cho con gà Tây đang nhìn ngắm những khối thịt hun khói, tôi đang suy nghĩ mình có thể dọn gì lên bàn ăn mà không cần chúng nó! Đậu phụ 7 món chăng?

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: