Khóc Hàng Cây

Hơn mười lăm năm tôi đi lại trên con đường đến chỗ tôi làm, như con ong chăm chỉ bay đi hút mật . Con đường như một phần đời sống của tôi, có khi nhộn nhịp, có lúc lặng yên, khi vui khi buồn có khi day dứt. 

Hơn mười lăm năm tôi đi lại trên con đường đến chỗ tôi làm, như con ong chăm chỉ bay đi hút mật . Con đường như một phần đời sống của tôi, có khi nhộn nhịp, có lúc lặng yên, khi vui khi buồn có khi day dứt.  

Con đuờng không dài lắm. Tôi nhớ lần đầu tôi gặp nó, nó lặng lẽ hơn bây giờ, cũ kỹ hơn, nhẹ nhàng hơn vì lúc ấy thành phố chưa bùng nổ chấm com (.com), chỉ có vài hãng điện tử. Năm ấy chúng tôi vừa được định cư, còn ở nhờ nhà ông chú.  Anh đã chở tôi đi một vòng ngắm nó ban đêm, khi lũ cột đèn tỏa ánh vàng nhạt soi khắp con đường. Tòa nhà thị chính của thành phố, khi ấy nhỏ nhắn bình thuờng, sau khi đuợc chỉnh trang tốn gần 40 triệu Mỹ kim , nay đã thành cái bóng thật to che hẳn một khoảng đồi xanh ngắt phía sau lưng nó.  Tôi vẫn giữ trong lòng cái hình dáng nhỏ nhắn màu trắng đơn sơ của tòa nhà cũ, khi tôi đi ngang qua đó lần đầu.  

Đôi khi ánh nắng phản chiếu vào những cánh cửa sổ gương xanh, hắt vào mắt buổi trưa, lay tôi: “nhìn nè, bây giờ tôi đẹp như thế này, bề thế như thế này, đừng giữ hình ảnh tôi ngày xưa nữa” nên có lần tôi đứng hẳn lại,  ngắm tòa thị chính.  

Tôi vào hẳn bên trong xăm soi từng góc cạnh rồi tấm tắc: “ừ đẹp thật” bao nhiêu tảng đá lát , bao nhiêu hình ảnh rất nghệ thuật, ngay cả những bức tượng đồng được trang trí phía truớc sân cỏ.  

Quen với thay đổi của tòa thị chính bề thế rồi, những tưởng đã là đủ, khung cảnh thân quen sẽ vẫn thế, nhưng . .  . lòng tôi đau đớn biết bao một ngày tôi thấy hàng cây phong tôi yêu biến mất. 

Tôi luôn yêu thích những con đường có hai hàng cây sóng đôi, con đường Calaveras cho tôi thấy lại con đuờng Hồng Thập Tự với hai hàng cây dầu , con đuờng Hồng Bàng hai hàng cây gõ , con đuờng Trần Quý Cáp hai hàng cây me, con đuờng Cường Để ….  không tôi đang sống tại miền bắc tiểu bang California, trong một thành phố nhỏ mang tên gọi theo tiếng Tây Ban Nha – có nghĩa là Cánh Đồng Bắp.  

Hai hàng cây trên đuờng tôi đi làm là cây phong đến từ Gia Nã Đại – Canada. Loại cây thay lá màu đỏ mùa Thu, Đông đến trơ cành khúc khuỷu , sang Xuân những trái khô  tròn lôm chôm gai như hạt trái cóc, buông tay rơi xuống lăn loi choi dưới đất, cùng lúc lá xanh nhú lên nõn nà để Hè sang thành những tán dù xanh ngăn ngắt dịu dàng.  

Người ta đốn đi một hàng cây, bên phía sẽ xây một trung tâm thương mại mới.  

Tôi chắc chắn ít nhất hơn một người đau đớn cùng tôi, ngày những chiếc xe to đến cắt đi hơn 6 gốc cây trong vòng vài tiếng. Buổi sáng khi tôi đi ngang chúng còn đứng đó, tôi hững hờ không biết là lần cuối chúng vẫy chào tôi, buổi trưa tôi hốt hoảng khi thấy một khoảng trống hoắc huơ, phơi ra ngọn đồi tít tắp xa trơ trọi, tôi phát khóc khi thấy 3 gốc cây to thật to còn tươm nhựa trơ ra đau đớn.  

Chiều khi trở về nhà, hàng cây đã mất, tội nghiệp hàng cây đối diện đứng sững ngây ngô. Người cùng tiếc nuối hàng cây giống tôi đã viết một bài, đăng trên báo của thành phố. Những câu trách móc nặng nề, hội đồng thành phố đã không một lời nào hỏi han ý kiến của cư dân trước khi lấy đi mất một phần mỹ quan của nó.  

Tôi nghĩ, nếu chuyện ấy xảy ra, cư dân không ai muốn mất đi hàng cây ấy.  

 
– Ki’nh gởi hội đồng thành phố Cánh Đồng Bắp.  

 
Thưa ông bà, 

Là những người đại diện cho dân chúng cư ngụ trong thành phố, ông bà nghĩ sao khi có nhiều thơ phản ánh về việc Ô/B đã cho phép cắt mất đi một hàng cây thật đẹp, nét đặc thù của thành phố Cánh Đồng Bắp. 

Nhìn sơ đồ hình ảnh khu thương mại sẽ hiện diện trong trung tâm thành phố, những cây dừa cao đuợc thay cho những cây phong từ Gia Nã Đại trên con đường chính, tôi nghĩ nó lộm cộm thế nào ấy. Nếu cho rằng các cây phong dễ bị bệnh , mất nhiều chi phí bảo quản, có thể bị gẫy cành gây tai nạn cho xe cộ và khách bộ hành, thì hàng cây đối diện sao vẫn còn nguyên? Chưa kể chi phí dùng để giữ các cây dừa còn cao hơn gấp mấy lần. Cây dừa cao vút thẳng đứng , phải cắt tỉa lá khô cho cây giữ dáng vẻ đẹp, phải thuê cả một công ty chăm lo cho cây không bị các chú chuột leo lên làm tổ trên đó. Lá dừa xanh không đổi màu theo mùa, không cho bóng mát , chỉ trơ trơ hờ hững không biết vẫy chào gió, không biết đùa với mưa.  Nóng lạnh không cau mặt.  

Những cây dừa thường thấy trong những vùng khô nóng, biển, sao lại mang vào thành phố Cánh Đồng Bắp của chúng ta.  
Tuởng tượng thôi, hàng phong lá đỏ đối diện với hàng dừa suông đuộc con đuờng chính của thành phố chắp vá tội nghiệp làm sao.  

Nét đặc thù của thành phố Cánh Đồng Bắp đã mất, hình ảnh khu thương mại Hồ Ly Vọng xâm nhập , cư dân cũ như tôi chắc hẳn ngậm ngùi. 

Tôi viết thơ đến ông bà, để Ô/B biết rằng sự thay đổi khuôn mặt của thành phố là một sự kiện lớn đối với dân chúng cư ngụ trong vùng. Hãy cho chúng tôi có ý kiến.” 

Con đường sau ngày ấy nghiêng niểng sang một bên. Buồn bã. Đã hơn một năm, thơ tôi viết chắc không ai đọc, mà có đọc thì hàng cây đã thành thiên cổ, tôi vẫn chưa quen với hàng cây cọ (palm) trơ trẽn được đặt không đúng chỗ (đối với tôi).  Tôi thương hàng cây còn lại quá, đang mùa thay lá, lá xanh chen lá vàng lá đỏ,  nỗi nhớ nhung mất mát trong chúng hẳn vẫn còn đau đáu như tôi . 

Murder  
   
Not people  
People do not live and grow  
For two hundred years-  
Trees!  
Their massive trunks broken to pieces  
and thrown down,  
Their burrowing roots  
Torn from the earth,  
Their bodies  
All along the road.  
The old maples  
Have been murdered.  
How can we bear it?  
Never to see again     
Their splendor,  
Their autumnal  
Crimson and gold.  
They are gone forever,  
All along the road.  
How could we do it?  
   
May Sarton    
(1912-1995) 

Tàn Sát  
 
Không phải là con người  
Vì con người không thể sống và vươn lên  
Qua hai trăm năm  
Cây! Những gốc cây  
Những gốc cây vĩ đại đã bị chặt nát  
Bị ném xuống đất  
Những rễ già bám sâu trong lòng đất,  
Bị giật tung lên  
Xác của cây  
Chất dọc theo con đường.  
Những cây phong cổ 
Đã bị tàn sát dã man.   
Làm sao  người có thể đành lòng?  
Để không bao giờ thấy lại  
Sắc màu huy hoàng của lá  
Rực vàng  đỏ thắm  

Trong ánh  mùa thu.  
Vĩnh viễn sẽ không còn thấy nữa,  
Dọc theo con đường.  
Loài người ơi sao nỡ đang tâm? 

 
Hàng cây ơi!    

Ấu Tím  

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: