Tản Mạn Cuối Tháng Ba

Tôi bỏ rơi góc nhỏ  bàn viết này của tôi vì những góc nhỏ khác của đời sống. Chuyện gì tôi cũng thích  cũng muốn ôm đồm  cũng muốn hoàn tất  cũng muốn chu toàn sợ không làm thì mất.  Mất như tôi đã mất những yêu dấu của tôi đột ngột, mất Mẹ 1972 rồi mất Cha tháng 5 1975 sau khi ông bị bắt đi và mất trong trại cải tạo sau đó vài tháng.


Đời sống của tôi bây giờ êm ả bình an như những thân cỏ. Tôi nhớ ngày còn bé dại , chưa đủ mười tuổi mùa nghỉ hè, trước khi đi làm bố tôi hay ra đề tài cho các con ở nhà tập viết: “Lớn lên con thích sẽ làm gì?”. Tôi đã viết trả lời ông: “Con thích được làm cỏ!” và tôi vẽ căn nhà tranh có cửa sổ, có màn treo kéo sang hai bên, ngoài khung cửa chập chùng núi  có cây dừa cao, trước nhà có dòng sông lượn lờ và cỏ mọc khắp nơi. Tôi còn nhớ điều này mãi  vì tôi được 0 điểm trong khi các em bé hơn tôi ráng viết vài câu lại được những điểm cao hơn! Bây giờ tôi hiểu Ông muốn tôi phải viết một bài văn dài rành rọt nhiều câu thay vì vẽ và   trả lời cho xong để đi chơi banh đũa.


Căn nhà tôi ở bây giờ có vài chi tiết giống như tôi đã vẽ ngày còn thơ dại ấy  và tôi  luôn cảm thấy tôi giống cỏ! Cỏ chan hòa xanh, cỏ bình an sống dù có thế nào có ra sao. Tôi nghe một câu thơ không biết từ đâu: “Xin làm cây cho chim đậu – xin làm cỏ cho lá nằm”. Buổi sáng trong lành của tôi luôn bắt đầu với tiếng chim ríu rít và hôm nay đã là ngày cuối tháng Ba trời vào Xuân sau cơn bão giông bất chợt! Có điều gì đó trong tôi không bình an như trước nữa vì toàn thế giới đang dậy sóng COVID19 – tôi đang tự nhốt mình trong nhà và không biết thời thế sẽ chuyển biến thế nào sẽ ra sao giống như khoảng thời gian của tháng Ba 1975.

Cách nay vài mươi năm tôi hay kể lể cho các con nghe những điều xảy ra vào  tháng Ba mà tôi được chứng kiến mỗi ngày trên đài truyền hình số 9 chỉ phát hình vài tiếng ban đêm, Bố tôi lo lắng khi báo chí đăng tải tình hình chiến sự ngày một nóng bỏng, chuyện nên làm gì nếu chiến tranh xảy ra ngay tại Sài Gòn, tôi vẫn thản nhiên không đọc tin chiến sự chỉ mở phần truyện dịch mỗi kỳ hay thơ văn ra đọc, tin biểu tình tin gài bom tôi không cần biết, chỉ đến khi họ hàng trong đoàn người bỏ chạy cộng sản từ miền Trung về được đến Sài Gòn tôi mới có chút hoảng hốt đi mua đủ thứ như lời Bố tôi dặn dò, rồi gia đình tôi được di tản tuần thứ ba của tháng 4 năm 1975 nhưng không đi, ở lại để chứng kiến cảnh người như ong vỡ tổ khắp phố phường muốn bỏ chạy cộng sản mà không biết phải chạy đi đâu, tôi nghe tiếng đạn pháo kích lần đầu tiên, thấy máy bay trực thăng bay đầy trời ngày 28 – 29 tháng 4.  Tôi cũng hay kể những chuyện xảy ra sau ngày 30 tháng Tư  hay dặn dò  ngay cả khó chịu khi thấy các con có vẻ như được hưởng thụ nhiều quá, chê bai món này ngon món kia dở quần áo này đẹp quần áo kia xấu, trong tôi những hình ảnh lê la tội nghiệp của những người hành khất, những khó khăn ngày thiếu gạo, thiếu cơm, những lo lắng không đủ ăn cho một ngày chợ vắng không thế nào quên được.  Cho đến một ngày, các con tôi  nói thật: “Mẹ ơi chuyện đó trong quá khứ rồi, sao me bắt con phải nhớ?”


Tôi sững sờ và chợt hiểu, uốn các con bằng cách đặt những khó khăn nhục nhằn cha mẹ đã gánh chịu xuống vai các con là không đúng, mà phải trang bị cho các con  kiến thức căn bản về cuộc đời, thả các con vào xã hội, cho các con đụng chạm vào cuộc sống, phải thấy phải nghe và tìm hiểu về nguồn về cội,  thời gian không gian sống đều có những đau khổ, dằn vặt hình thức khác nhau, nhưng cảm nhận lo toan sợ hãi giống nhau. Tôi thôi không đặt thêm lên vai các con tôi những đau đớn tôi đã trải qua. Thế hệ kế tiếp sẽ tìm hiểu để đọc những điều bao nhiêu chứng nhân thuở ấy cố gắng lưu giữ lại về khoảng thời gian tôi đã sống.


Thế kỷ này con người khác xa với thế kỷ trước vì máy móc ảnh hưởng vào đời sống nhiều quá, khiến con tim dường như cũng trở thành chiếc máy hoàn hảo theo dõi số liệu ngân hàng chứng khoán lên xuống nhiều hơn cảm nhận được nụ cười ngấn lệ đến từ người chung quanh. Vài tuần nay thế giới chới với, cuối tháng Ba đầu tháng Tư trong tôi lẫn lộn 1975 – 2020, 45 năm trôi đi mà ký ức còn nguyên để so sánh chuyện xưa chuyện nay, để thấy các con đang lo cho các cháu, để thấy mình băn khoăn không biết phải làm gì giữ khoảng cách an toàn trong nỗi nhớ muốn ghé thăm.


Các con tôi bây giờ có gia đình riêng, cơn bão lần này to tát quá, con người phải tự cách ly nhau tránh xa nhau, trái tim bỗng đập nhịp chậm hơn muốn đến gần nhau hơn, biết rằng nhừng con số chỉ là ảo vọng, hơi ấm vòng tay thật sự nuôi sống niềm tin  chia xẻ khó khăn thành chất keo gắn bó, tôi khuyên các con nhớ giữ trong ký ức những điều nhân bản đang xảy ra người cứu giúp người, đừng ghi lại những nghi kỵ xấu xa hằn thù chia cách thấp cao, để mai sau kể lại cho các cháu của tôi nghe. Sợi dây liên kết nhân loại không khởi đi từ nghi kỵ , nó phải bắt đầu từ những cảm thông.

Như Hoa Ấu Tím – tháng Ba 2020

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: