Động đất hơn năm chấm, hoa vẫn nở tím bờ giậu. Cháy rừng lan vào nhà cư dân, mây vẫn lãng đãng bay. Chỉ khi đang lái xe quẹo trái qua bảng ngừng tự giác (stop sign), suýt chút nữa bị một chiếc xe chạy vội, không ngừng đúng luật đâm vào mình, thì hoa và mây mới không còn tồn tại.
Ông bà xưa nói đúng, điều bất hạnh không xảy đến với mình, thì xem như không có nó trên cõi đời này, cho dù cả vạn tiếng lao xao huyên náo chung quanh.
Sống chết hợp tan bây giờ không còn là suy nghĩ cho tôi, người thích kể lể nữa, chỉ còn tự hỏi mình – hôm nay sẽ làm gì cho “anh của tôi” vui.
Đã hai lần Thánh Thần hộ mệnh che chở gia đình tôi, trên chiếc xe hơi có đủ bốn bánh vững chắc. Ai bảo “vững như kiềng ba chân” để so sánh xe có ba bánh là chắc, có lẽ nó đã chắc chắn thật từ cái xe kéo bánh gỗ, chuyển sang bánh cao su, rồi lên xe ba bánh cách nay gần tám mươi năm. Tôi nghe bà ngoại tôi kể về cái xe cao su, kể về “ông Tích” người thay bà tôi cho thuê xe cao su, ngày còn ở phố Nhà Chung – Hà Nội.
Những chiếc xe kéo này đã vào văn học sử Việt Nam, trong các tác phẩm đọc xong nghẹn cả cổ, cay cả mắt. Thời Pháp thuộc những con “ngựa người” kéo xe cho ông tây bà đầm, nước mắt chan cơm này, được mang vào truyện kể, để giữ trong kho tàng nhọc nhằn đau khổ của con dân nước Việt. Bây giờ thỉnh thỏang tôi lại nhìn thấy những bức tranh, hình chụp người ta cố gắng dựng lại chiếc xe kéo ấy, luôn có một cô gái mặc áo dài thật đẹp ngồi hay đứng bên cạnh chiếc xe nhọc nhằn.
Từ xứ sở có cái xe kéo, lên xe ba bánh có cái tên đặc biệt “xích lô”, ông tài xế ngồi sau lưng khách, đạp cho cái dây xích chuyển động đẩy cái trục ngang làm cho hai bánh trước di chuyển, hình ảnh cũng vui vui như hình ảnh của một người đàn ông tây phương đội mũ nồi, ngồi trên chiếc xe đạp có hình dáng là lạ hai bánh xe sau to hơn bánh xe bò, trong khi bánh xe trước lại bé tí như bánh xe đạp của con nít.
Trong cùng một khỏang thời gian, người tây phương tiêu khiển cùng cái bánh xe cho vui, thì người Á châu Việt Nam chăm lo cho cái bánh cao su đầu tiên du nhập vào đất nước, lúc ấy tôi chưa có mặt trên cõi đời này. Bánh xe cao su có lẽ được đúc thành khối rồi gài vào cái niềng sắt có gờ giữ nó cho chặt chăng?
Ngày tôi đi vá cái bánh xe hơi đầu tiên, tôi thốt câu hỏi: “Ngộ quá há, cái bánh xe không có ruột bên trong.” Hình ảnh vá bánh xe đạp, vá bánh xe hon-da trên phố phường Sài-Gòn một thời trở lại. Cô học trò khép nép, ngồi trên chiếc ghế đẩu, tà áo dài kéo choàng lên tà áo trước, chống tay vào cằm nôn nóng chờ ông thợ vá cho cái bánh xe vì cán nhằm đinh. Thường thường các ông già có tuổi có chiếc thùng gỗ đựng các dụng cụ sửa xe, chiếc bơm kiểu “thụt dầu hôi”, tân tiến hơn thì có chiếc bơm hơi dùng điện, tiếng máy ầm ầm, tiệm sửa xe thường là mặt tiền nhà.
Vá bánh xe đạp, hay xe hon-da giống như nhau, dùng ba cây bằng sắt hình dạng giống như cây “tuột-vít,” nậy vỏ bánh ra khỏi niềng, lôi cái ruột bên trong ra, bơm hơi cho ruột căn tròn, nhúng ruột xe vào chậu nước, tìm nơi nào bong bóng xì ra là biết nơi ấy bị lủng. Ông vá xe sau khi khoang tròn nơi lủng ấy, dùng miếng kim loại nhám, dũa nhẹ nhàng làm sạch phần ruột xe cần vá, được đặt thẳng thớm trên một đoạn gỗ tròn nhẵn bóng dầu nhớt, dũa xong trên chiếc ruột có hẳn một hình tròn khác màu, cỡ vòng tròn tạo ra từ hai ngón tay trỏ và cái.
Sau khi ấy ông cắt một miếng cao su mỏng hơn ruột xe, to hơn chỗ cần vá một chút, cũng dũa làm sạch và sau cùng là dán keo cho miếng vá dính vào ruột xe, giai đọan cuối cùng ông dùng một khúc gỗ được tiện tròn khác gõ lên chỗ vá lóc cóc, tiếng lóc cóc này đục không thanh như tiếng “xực tắc” của hai thanh tre được gõ rao, báo sự hiện diện của xe mì khuya.
Chắc chắn và đắt tiền hơn là vá ép, tiến trình từ đầu cũng thế nhưng sau khi dán keo, ông đặt miếng vá vào một dụng cụ giống như cái bàn bào nước đá của các xe xâm bổ lượng, sau đó ông đốt lửa vào một cái lon có tay cầm rồi để nó lên trên miếng vá, trong cái lon là miếng giẻ có tẩm dầu nhớt, khói bốc lên đen thùi bồ hóng, trên cái lon là một cây thép dẹp nằm ngang, cái tay cầm xoắn từ trên xuống. Cô học trò chỉ thấy rõ ràng con ốc sắt to hơn ngón chân cái từ trên đè xiết cái lon thép có lửa cháy phừng phừng xuống cái ruột xe của mình, lo lắng không biết bao giờ mới xong vì giờ học gần đến, và nhất là món tiền tiêu vặt cho xoài ngâm, cóc chín, me dầm không cánh mà bay.
Các ông sửa vá xe có người thích kể chuyện, có người im lặng làm việc. Tình cảm nẩy sinh từ người có xe mang đi vá, cùng người vá xe cũng rất thắm thiết, nếu bánh xe có mệnh hệ nào mà còn lê được về nơi quen thuộc cũng ráng lết về, dù cho vì lý do này mà cái ruột xe bị lủng to hơn. Niềm vui của người bị bể bánh xe và người vá ruột xe là khi tìm ra nguyên nhân gây nên sự bể lủng của ruột xe, có khi là cây đinh ba phân rỉ sét, có khi chỉ là miếng kim loại có góc bén, dính vào vỏ xe lâu ngày cho đến khi góc bén ấy xâm nhập vào tận bên trong đâm vào ruột xe gây nên nỗi khóc cười. Khóc vì đi học trễ bị phạt, hết tiền ăn quà vặt, cười vì có người tội nghiệp hỏi han, xe bị hư làm sao có thể giúp giùm gì hay không, dưới nắng chang chang Sài-Gòn buổi trưa, hay dưới trời mưa bóng mây bất chợt, đang bị nạn bể bánh xe mà nghe giọng trầm ấm hỏi han, nắng bỗng tan mưa bỗng tạnh.
Và, cái xe hơi bốn bánh không vững chắc chút nào cả, dù mình ngồi trong nó, an nhiên tự tại.
Xăng có lên và mưa có rơi nó vẫn che chở cho mình kia mà tại sao lại không vững chắc, tại người hay tại xe? Câu trả lời chắc chắn là tại người, nếu ngồi trong xe đậu trong nhà, thì trăm năm định mệnh vẫn còn trơ trơ, không bao giờ chết vì tai nạn. Thống kê báo rõ ràng tỉ lệ chết vì tai nạn lưu thông ở Mỹ được xem là thấp nhất nếu so sánh với nơi khác, nên đừng lo lắng quá.
Trấn an mình thế rồi mà: một lần bị chiếc xe vượt đèn đỏ vì nắng chiều rọi thẳng vào mắt tài xế, và một lần như chiều hôm qua tài xế bất cẩn, cũng đủ tin vào số mệnh. ‘Anh của tôi’ trấn an: “Anh chết đi sống lại hai lần ngoài chiến trận rồi em đừng lo.”
Sao lại không lo chứ, phải gọi văn phòng bác sĩ khám tổng quát xem tim có trục trặc gì không sau cái chết hụt này.
con mừng cô chú được bằng an.
ThíchThích
Tim đập muốn nhảy ra khỏi ngực – cô lúc nào ngồi xe cũng đọc kinh đó Sóc – Mùa Xuân đến mà lòng buồn buồn sao á – Con luôn bình an nhé
ThíchThích