Nghe nói sau Đại hội Sương Nguyệt Anh năm rồi ở San Jose, chuyến đi chơi cruise Alaska và Oregon “vui qúa là vui, vui không chỗ nào chê hết!” nên bà con đồng lòng quyết định đi chơi tiếp hè năm tới 2011. Người được giao cho chức trưởng ban tổ chức là Thanh Huyền. Giao cho ai chứ giao cho “ Vua đi chơi” Thanh Huyền thì “chắc như bắp”. Quên nữa đàn bà đâu có gọi là Vua, nên xin sửa lại là “Nữ hoàng đi chơi” Đó là lý do thành hình chuyến đi chơi mùa hè năm nay 2011 của “nhóm ham vui Sương Nguyệt Anh” chu du qua 10 nước Châu Âu
Nghe nói trong đám ham vui tuyên bố “đi chơi tới cùng” của nhóm năm ngoái đã rơi rụng theo thời gian chỉ còn lại một số “nòng cốt” bám trụ giữ đúng lời “Ở đâu có đi chơi, ở đó có tui”. Số này đếm được trên đầu ngón tay gồm có: Thanh Huyền, Hải Lý, cô Qui, Hồng Yến, Anh Thư..Nhưng Trời thương bù lại, nhiều đệ tử mới xin gia nhập “nhóm ham vui Sương Nguyệt Anh” nên Thanh Huyền dõng dạc tuyên bố “không sợ ế, chỉ sợ đông qúa lo không xuể!” Đặc biệt sang năm đại hội Sương Nguyệt Anh sẽ được tổ chức ở Việt Nam, rồi sau đó sẽ tổ chức đi chơi ở vùng Châu Á, có sự góp “bàn tay phù phép” chuyên gia tổ chức đi chơi “vừa vui vừa rẻ” của Thanh Huyền, chắc chắn chuyến đi chơi sẽ vô cùng hấp dẫn!
Nghe nói sau 6, 7 tháng làm việc “cật lực” đến độ “đêm quên ăn, ngày quên ngủ”, Thanh Huyền vô sở làm việc thì ít, lo tổ chức đi chơi cho Sương Nguyệt Anh thì nhiều, hết vụ đi cruise, tới tour autor car ( cái này chính phủ Pháp biết được sẽ kiện tới bến! Cuối cùng TH đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, và thu hút tới 73 người tham dự về từ khắp 4 phương trời (châu Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Úc) Sau này TH có ra ứng cử Nữ Tổng Thống Pháp chắc sẽ có chiêu bài thu hút mọi người bầu cho TH. Khi TH đắc cử rồi cả nước Pháp sẽ rủ nhau đi chơi dài dài, dân Pháp ai cũng vui vẻ, các nước khác sẽ thi nhau bắt chước và Hòa Bình thế giới sẽ được thiết lập. Hoan hô “Nữ Hoàng đi chơi” TH một tràng pháo tay bà con ơi!
Nghe nói chuyến xe lửa từ Paris tới Venice đã cho mọi người thưởng thức một đêm “nằm nhảy mambo rock” đã đời! vì “đứng” để nhảy là chuyện bình thuờng, đằng này nằm mà nhảy Mambo mới là chuyện lạ!. Mới đầu nghe nói đi xe lửa Ý từ Paris tới Venice ( nối liền 2 thành phố nổi tiếng thế giới), những tưởng lên xe lửa “xịn”, đặt lưng xuống là ngủ một giấc ngủ êm ái nằm mơ thấy gặp các kiều nữ Venice. Ai dè nó cứ “xình xịch” lắc mình như “sàng gạo”cả đêm , có lẽ vì nó ra đời cùng thời với nhà độc tài Ý Musolini. Kỳ này thiệt tình là xe kửa Ý thua xe lửa VN (tôi mới đi toa nằm từ Lào cai tới Sapa tết vừa rồi, ngủ một giấc tới sáng) thành thử bà con đừng có “vọng ngoại” cứ lo chê VN mà khen Ý là coi chừng bị “ý ẹ” đó!
Nghe nói ở Venice, khi đi thăm nhà Juliette, tương truyền ai muốn tìm được tình yêu thì phải rờ vú phải của tượng nàng Juliette. Có lẽ bị quá nhiều người “rờ, xoa” riết nên vú phải của nàng trở nên “bóng luỡng”. Trong đoàn, ai cũng chạy tới nàng để “sờ tí”, rồi còn chụp hình để làm bằng chứng mình đang “thiếu tình yêu”, vì đã có rồi thì đâu cần tìm chi nữa? Qủa là: “Tình yêu vừa bán vừa la cũng đắt hàng”
Lạ cái là cả các cặp vợ chồng đang đi chơi với nhau cũng chạy đến “sờ tí” nghĩa là họ cũng đang thiếu tình yêu dù là đang đi “có đôi”?
Ôi tình yêu sao mi cứ chơi trò “đi trốn đi tìm” để mọi người cứ phải “rượt đuổi” mi hoài mà tìm mãi vẫn chẳng thấy mi đâu??
– Nghe nói có sự trục trặc trong vụ ghi danh đi Cruise, vì có người muốn “rút tên ra”, rồi có người lại muốn “đút tên vào” làm TH phải trổ tài “úm ba la “thần thông biến hoá khôn luờng, sắp xếp cho mọi người “lén lút đổi phòng” (nguy hiểm quá! lỡ bị bắt gặp qủa tang thì chết!) để mọi người đều “sung sướng và hài lòng”
Do đó sáng vừa mới thức dậy có người đã phải chạy lên chạy xuống từ lầu này qua lầu khác để “đổi cạc” mệt đứ đừ, nhưng mà vui!
Nghe sao giống lối viết tắt, nói xuôi và nói ngược của chữ SALEM! (dư âm vui của chuyến đi chơi năm ngoái)
– Nghe nói trong chuyến hải hành MSC kỳ này, người nhiều may mắn nhất là một “anh hùng hảo hớn” có tên là dòng sông nên đã cuốn hút tiền của sòng bài MSC chảy về túi của mình tới hơn 2000 Euro Ăn thì lớn mà hưá “khao” mọi người thì “chút chút” thôi (2 người chia nhau một miếng bánh nhỏ xíu, giống “ăn làm thuốc” quá!). Đúng là thực hiện lời chúc đầu năm: “tiền vô như nước, tiền ra nhỏ giọt”
Ai muốn học nghệ thuật đánh bài làm sao ăn lớn mà xài chút chút, xin vui lòng ghi danh sớm nơi Vũ Hải, vì số chỗ có giới hạn Điện thoại liên lạc 1-800- TRÚNG LỚN
Nghe nói trong chuyến đi Cruise kỳ này có một “Phó Nhòm” rất dễ thương,(nhưng thương không dễ, vì cùng lúc có nhiều ngườimuốn nhào vô!) tên là Trung, chuyến đi có nhiều người tên Trung, nên để dễ dàng phân biệt mọi người phải đặt thêm cho hắn cái tên là “Baby” vì hôm nào tàu ghé bến để đi chơi điểm danh lại thế nào cũng thiếu hắn. Trung lớn phải gọi điện thoại nhắc nhở hắn mỗi ngày như nhắc “em bé”. Biết đi trễ sẽ bị mọi người “vỗ tay”, nên lên xe hắn tự giác vỗ tay trước, trông thật “tội nghiệp”. Bù lại hắn có biệt tài chụp hình “hết xẩy” với cái máy camera rất chuyên nghiệp. Hắn lại sẵn sàng thỏa mãn yêu cầu chụp hình của tất cả mọi người, đến quên cả chụp cho mình, cướp luôn nghề của mấy chàng phó nhòm trên tàu, nên ai cũng thương và nhiều người đã thầm hát:
“Tôi viết tên Trung trên lá, trên hoa,
Tôi viết tên Trung trong trái tim tôi..”
Có lẽ vì cứ lo réo tên hắn hoài để nhờ chụp hình! “Chụp thì nhiều, nhưng chẳng biết nhận được bao nhiêu?” Hy vọng hắn sẽ nhớ gửi hình cho các “thân chủ”, sự thật thế nào, xin đợi hồi sau sẽ rõ!
Nghe nói ban ngày lo đi chơi”túi bụi”, ai cũng “phong trần, gió sương” nhưng đến giờ ăn tối dưới nhà hàng, như có chiếc đũa thần hóa phép, các bà các cô ai cũng ăn diện xinh đẹp như tiên, kể cả “thế hệ già” như cô Mỹ Nam, cô Điệp, cô Qui, cô Bình, đặc biệt là trong đêm Gala! “Mỗi người mỗi vẽ, mười phân vẹn mười”, qủa là “không có người đàn bà nào xấu, chỉ có những người đàn bà không biết cách làm cho mình đẹp lên” Mấy ông tha hồ mà “lé mắt” vì mải ngắm các người đẹp, đặc biệt là sau khi từ gĩa Venice, các bà ai cũng tự sắm cho mình vài bộ trang sức “đá qúy” Murano (made in Italy chính gốc), lấp lánh trên ngực, trên tai đầy màu sắc hấp dẫn, trông lại càng lôi cuốn hơn! Phải chi cuộc đời lúc nào cũng đi chơi, đi ăn, gặp gỡ bạn bè, diện đẹp dài dài thì vui biết mấy! Lúc đó ai cũng sẽ ngân nga câu hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao!”
Nghe nói trong trạm ghé bến đầu tiên ở Bari (nam nước Ý), mọi người đi tour thăm thành phố “old town” bé nhỏ, có cảm tưởng như mình “vừa trở lại quê hương”, vì những con đường hẻm nhỏ ngoằn nghoèo, quần áo phơi trước nhà. Mọi người được xem tận mắt cách làm “nui” bằng tay nhanh thoăn thoắt của người dân địa phương thật thú vị. Đặc biệt là khi viếng nhà thờ thánh St. Nicholas, nghe huớng dẫn viên giới thiệu phía sau nhà thờ có cột đá to nổi tiếng vì các cô gái ở đây muốn có chồng tốt (good husband) đều đến rờ chiếc cột đó và cầu nguyện thì sẽ được như ý! Thế là các bà rủ nhau đi tìm cho được cái cột để rờ và cầu nguyện! Điều đó có ý nghĩa gì? xin các ông vui lòng suy nghĩ và giải đáp dùm! Vì sao các bà vẫn ao ước tìm được cho mình một ông chồng tốt? Nói tới đây tôi chợt nhớ tới một câu “danh ngôn” mới đọc được: “Đàn ông tốt có măt ở khắp mọi nơi trên thế giới, trừ dưới mái nhà của vợ mình!” Có lẽ vì vậy mà chiếc cột đó đã phải được bọc lại bằng một hàng rào sắt kiên cố, có lẽ sợ các bà, các cô “ôm, sờ” qúa mà cột sẽ bị đổ chăng?
– Nghe nói cuối chuyến “city tour”, mọi người được dẫn đến thăm cột đá to, nơi dùng để trói người đàn bà ngoại tình lại và ném đá cho tới chết, không cần biết nguyên nhân vì đâu dẫn đến việc ngoại tình? Còn khi người đàn ông ngoại tình thì sao? Có lẽ họ lại được “tự hào” vì số “đào hoa công tử”
Ôi thật là bất công và tội nghiệp cho thân phận người phụ nữ, dù ở bất cứ nơi đâu, sống dưới bất cứ chế độ nào! Hèn gì mà đại thi hào Nguyễn Du đã từng than thở dùm họ:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Ngoài ra trong chuyến đi chơi này, đám trẻ (thế hệ thứ 2, con SNA) đã kết thân với nhau nhanh nhất và vui nhất.chúng rủ nhau mướn xe đạp chạy thành một nhóm đi vòng quanh thăm thành phố Bari Nhìn hình ảnh một đoàn thế hệ trẻ đạp xe đạp, đầu đội nón bảo hộ, vừa đạp xe, vừa reo hò, gọi ba mẹ.trông thật đẹp và dễ thương Ai nhìn cũng thấy vui và ấm lòng !
Nghe nói người có công lớn sau Thanh Huyền là Hải Lý, người đã lo phụ trách hai chuyến “land tour”cho bà con khi ghé Hy Lạp và Istanbul Nhờ vậy mà khi bà con xuống tàu là đã có xe bus đợi sẳn để đưa mọi người di tour rất vui vẻ, thoải mái. Cám ơn người đẹp Hải Lý nhiều lắm, hy vọng Hải Lý sẽ tiếp tục cộng tác cho lần đi chơi hè sang năm ở Việt Nam, vì trưởng ban tổ chức năm tới là Hải Lài, chị ruột của Hải Lý, ngoài ra còn có sự hổ trợ hết mình của Hải Liễu nữa. Mong rằng “chị em nhà tông không giống lông cũng giống cánh” để mọi người lại có những chuyến đi chơi thật “rôm rả” vừa vui, vừa rẻ.
Nghe nói khi ghé thăm Hy Lạp nhìn cảnh hoang tàn đổ nát của Olympia (nơi diễn ra thế vận hội đầu tiên, cách đây gần 1500 năm) và đền đài của kinh đô xưa nổi tiếng Ephesus (Turkey). Những nơi chốn, một thời huy hoàng tráng lệ, sầm uất và đầy quyền lực ngày xưa, sau những trận động đất và sóng thần lớn, bây giờ chỉ còn lại những gạch đá, tường vách hoang sơ tiêu điều: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo – Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
Mọi người cảm thấy thấm thía hơn việc “vật đổi sao dời” trong vủ trụ, qủa “Đời là vô thường”, nên:
– Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nỗi
Chỉ có tình thương để lại đời
Nghe nói môt trong những người âm thầm đóng góp cho việc tổ chức chuyến đi, bắt nhịp cầu liên lạc, giao tế với nhau là Bang chủ Đỗ Dư, cứ làm việc tốt rồi Trời sẽ thương, nên vơ chồng Bang chủ được nhiều người nhận xét là “cặp tình nhân” yêu nhau thắm thiết tuy êm đềm kín đáo, hèn gì không thấy tới “sờ vú” nàng Juliette! Bên cạnh đó, đoàn còn có một nhiếp ảnh gia thứ thiệt là anh Kính,“người dưng khác họ” của Hải Lý chuyên thu nhặt những hình ảnh độc đáo của chuyến đi sơ sơ có ít ngàn tấm! Qủa là nhóm SNA có nhiều tài năng thiệt!
– Nghe nói nhân dịp lễ Độc Lập của Mỹ, July 4th trên tàu trân trọng tổ chức một buổi tiệc trà mời các công dân Mỹ đến tham dự ở lầu 13 Căn phòng được trang trí đầy bong bóng với các màu sắc xanh dương, trắng, đỏ và một ổ bánh thật to, trên bánh là hình lá cờ Mỹ. Số người đến tham dự buổi tiệc trà đa số là các công dân Mỹ (gốc Việt) và các thân hữu. Nhìn tới nhìn lui trong phòng thấy đa số là “phe ta”(SNA) nên càng thoải mái nói tiếng Việt, dù là mừng lễ Quốc Khánh Mỹ! Mọi người được các cô nhân viên lịch sự, ân cần, mời uống champagne, hay nước trái cây và ăn bánh rất ngon. Sau đó “phe ta” hò reo “cụng ly chúc mừng” và chụp hình rất “rôm rả” để chào mừng ngày lễ Độc Lập dù trên “xứ người”.
– Nghe nói sáng sáng trên phòng tập thê? dục có một nhóm người thường xuyên lên tập thể dục, trong đó có người đẳng cấp huấn luyện viên tên là Như Hoa,( hèn gì miệng lúc nào cũng cười tươi “như hoa”), mỗi sáng đều bỏ thời giờ ra “training” cho TH múa Yoga sao cho dẻo, để có đủ sức khoẻ mà tổ chức những chuyến đi chơi tiếp cho SNA dài dài.
Ngoài ra nói tới vui chơi bài bạc là ai cũng nhớ đến Hồng Yến, người luôn chuẩn bị chu đáo cho vụ gầy sòng, từ việc mang theo bộ bài cào,rồi điện thoại “chiêu dụ” con bạc, tới việc lo đi đổi những đồng coin sẳn sàng để khi con bạc ngồi xuống là có thể “hoạt động ngay. Tuy mải mê việc gầy sòng, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ “hiền thê” nên thỉnh thoảng nhớ ra quay lại hỏi “Ủa, không biết Peter, chồng của tui đâu mất rồi?” qủa thật đáng khen vì “giỏi việc nhà, đảm việc nước!”
Nghe nói khi ghé Istanbul, thành phố cảng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, mọi người đến thăm “Blue Mosque”, đền thờ nổi tiếng, trước kia là của Thiên chúa Giáo, bây giờ là của Hồi giáo. Ai vào đền cũng được phát cho mượn cái váy khoác xanh, để choàng vào phần trên hay phần dưới, tùy theo hở phần nào trên cơ thể (hở tay hay hở chân). Do đó đa số mấy ông mặc “short”, bây giờ bỗng dưng được mặc váy xanh trông rất “duyên dáng”, tay lại cầm thêm cái túi nylon đựng đôi giày của mình, ngó rất “lịch sự, hào hoa”. Hình ảnh chụp lại cảnh này sẽ đi vào lịch sử “thời trang thế giới” có một không hai
Nghe nói, ai cũng rủ nhau để dành tiền chờ đến Istanbul để tha hồ mua đồ vừa nhiều, vừa rẻ. Ai dè đến Istanbul chỉ được thấy thật nhiều những ống hình trụ thật to chất đầy thịt tự chạy vòng quanh để nướng với lò nướng đứng, trông thật hấp dẫn. Thỉnh thoảng đi du lịch đó đây cũng thấy loại thịt nướng kiểu này, bây giờ mới biết nó xuất sứ từ Istanbul, vì thấy đầy rẫy ở các nhà hàng dọc hai bên đường.
Đến ngôi chợ chính thấy từa tựa như chợ Bến Thành ở Sàigòn,
hàng hóa về gia vị và hương vị tràn ngập, nhưng đâu có ai biết nấu ăn theo kiểu Turkey nên đâu cần đến.
Nổi tiếng nhất là loại kẹo bằng tinh chất trái cây có trộn các loại hạt, Thanh Huyền mua phải đứng trả giá cả buổi gần “trẹo bản họng” mới mua được, khoáí chí hí hửng xách về tàu. Đang tính khoe thì mới biết trên tàu bán giá rẻ hơn! Thiệt là “quê xệ”
– Nghe nói ai đi “land tour” theo nhóm Thanh Huyền, là nhóm “bụi đời”, du lịch kiểu “Tây balô”, tiết kiệm tối đa, nên phải có đôi chân thật dẻo, bởi luôn luôn phải ca bài:
“Môt cây số đi chân rồi đường còn xa lắm không?
hai cây số đi chân rồi, tội nghiệp thay đôi giầy 1-2-3-4-5
Vì vừa đi, vừa coi bản đồ, vừa khám phá, vừa hỏi thăm đường, lắm lúc cũng “lên ruột” vì sợ lạc đường, sợ trễ giờ về lên tàu không kịp. Có lúc lên xe điện đang chạy ngon lành, bỗng xe điện đổi hướng chạy ngược lại hướng đi về tàu làm mọi người hết hồn, hết vía, nhưng dù sao nếu có chuyện gì xảy ra thì cũng “chết chùm” cả đám không sợ cô đơn, nên vừa run vừa vui. Thật là những kỷ niệm nhớ đời!
– Nghe nói nhắc đến công lao của “Nữ hoàng đi chơi” TH, mà không nhắc đến sự hổ trợ hết mình của “Hoàng Tế” Trung là một sự thiếu sót lớn lao. Đi đâu Trung cũng là người “bọc hậu” sau cùng, để kiểm tra lần chót “lùa” cho hết những tên “ham vui mà quên giờ về” để chuyến đi chơi vui vẻ không bị lạc mất người nào. Trung “nói ít làm nhiều”, chỉ âm thầm hổ trợ “nửa kia của mình” mà không cần “líu lo” kể lể. Xin hoan hô bậc “trượng phu” này một tràng pháo tay thật lớn bà con ơi!
– Nghe nói trên tàu, người ta sử dụng rất nhiều ngôn ngữ khác nhau ( Anh, Pháp, Ý , Đức, Tây ban Nha, ) nên ai cũng học lóm được môt vài tiếng mới ( trừ tiếng “Đức”) đặc biệt là trong giờ Aerobic Streching trên tàu. Mọi người không phân biệt nam nữ, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, gìa, trẻ, lớn bé đều răm rắp tuân theo những chỉ dẫn của hướng dẫn viên trên sân khấu (nói ít nhất 3 thứ tiếng). Hòa cùng điệu nhạc xập xình, mọi người nhịp nhàng múa tập thể, nhảy qua, nhảy lại, nhảy tới, nhảy lui, hò hét cười hát vang vang. Người hướng dẫn kiểm soát bắt mọi người phải “cười toét cả miệng”, ai không cười sẽ bị chú ý, bắt phải cười Vì “nụ cười bằng mười thang thuốc bổ!” Người người hòa đồng với nhau một cách thoải mái, tự nhiên.
Xem vậy mới biết con người cần niềm vui, và cần tập thể để sống hòa mình. Về tinh thần cởi mở hòa đồng này thì người phương Tây ăn đứt người Á đông lúc nào cũng e dè khép nép (nhưng cái miệng thì hay “lép bép”)
– Nghe nói trong chuyến đi chơi cuối cùng khi tàu ghé Croatia, lúc thăm phố cổ Dubrovnik, mọi người theo sự hướng dẫn của Thanh Huyền hăng hái đi vào khu bên trong phố cổ, khu này ít người không thấy chen lấn gì hết, tự dưng thấy ai nấy tự động quẹo ra hết. Hỏi thăm mới biết chổ đó phải mua vé tốn tiền, nên mọi người “âm thầm nhất trí” lui ra vì đoàn này chỉ welcome những gì miễn phí mà thôi!.Đến khi về mọi người được dịp nếm mùi “xe bus cá hộp” (y như VN) Trời thì nóng, cửa đóng bít bùng, lại kẹt xe, nhiều người bị ngộp thở phải xin xuống xe “cuốc bộ” để hít thở không khí trong lành của miền đất lạ
Nghe nói ngày cuối cùng trước khi tàu trở lại bến cũ Venice, mọi người đã có một buổi hop mặt chia tay rất cảm động và vui vẻ. Từng phái đoàn được giới thiệu và chụp hình chung theo từng nhóm, nhóm Úc châu đông nhất (17 người) hứa hẹn sẽ Welcome khi SNA tổ chức Đại hội trong tương lai ở Úc. Nhóm Việt Nam hứa sẽ cố gắng tổ chức thành công lần họp mặt và đi chơi mùa hè năm tới.
Riêng buổi ăn tối ngày cuối cùng, nhiều cảnh chia tay bịn rịn, đã diễn ra, vì sáng mai khi xuống tàu mọi người sẽ phân ra nhiều hướng khác nhau. Cảnh cảm động nhất là cảnh chia tay đầy nước mắt và đầy tiếng nức nở “hu hu, hic, hic!” ôm nhau không muốn rời của hai chàng ngự lâm : Nam và Thực (phu quân của Như Hoa) Thấy hai người này ôm nhau khóc lóc thảm thiết qúa, cô Mỹ Nam mủi lòng đã đem khăn tới hứng, nhưng không được giọt nào! Nếu không cô đã ca bàì: “Thôi nín đi em Lệ đẫm vai rồi buồn thương nữa chi!”
Quên nữa, không biết hai chàng này có cùng “hệ” với nhóm ở San Francisco không dzậy?
Good bye
Au revoir
Shalom
Sao chị không copy luôn mấy tấm hiènh phụ họa vaò baì viết của cô Qui cho vui và baì viết sẽ linh động hơn
TH
ThíchThích
Chị phải mang hình lên kho trứoc – phải làm từ từ mới đẹp .
ThíchThích