Hồi xưa làm bánh kiếm tiền
Bây giờ . . . kiếm tiền làm bánh! ! !
Cũng là “chơi đồ hàng” thế thôi mà, thuở nướng bánh bằng lò than mặt mèo vì tro vì trấu, cũng ra bánh bông lan, kéo dần quá khứ ra thì chuyện khôn nhà dại chợ không ít – đánh trứng giúp bà hàng xóm bằng cái lò xo nữa chứ, bà bán bánh bông lan đổ vào cái khuôn thật đẹp, có khoảng đâu 12 cái thì phải khi bánh chín là thơm nức cả mũi – thấy bà bầy hàng là con bé đến ngồi xổm chầu rìa, bà đập trứng vịt vào cái chậu sành, đổ đường cát trắng vào rồi nắm cái cán gỗ kết dính vào cái lò xo bắt đầu đánh cho bông, tiếng xành xạch của thép đụng vào sành nghe như tiếng nhạc. Từ cái màu vàng óng ban đầu chuyển thành màu vàng nhạt – từ cái lúc bong bóng to thật to đến lúc không thấy cái bong bóng nào nừa là khi bà ngừng lại đổ bột vô trộn nhẹ nhàng, sau đó đổ va ni vô nữa – bà sống một mình nên có con nhỏ chầu rìa ngồi kế bên xem bà làm bánh bán như vậy vui biết bao nhiêu! Bà người Nam nên nó học giọng Nam từ bà hồi nào không hay! Ngồi xem hoài chán nên khi nào bà bước vô nhà lấy thêm thứ gì là hay nói: “Coi hàng giúp dì nghen con!” rồi có bữa :”Bay đánh trứng tiếp dì vô lấy . . .” khi bất chợt bà nhớ ra cần thêm than thêm bột! Đọc tiếp “Bánh Khúc Cây”
Buổi chiều hôm ấy tan học về, chị G. mở cửa chăm bẳm nhìn tôi rồi ré lên như còi tàu hú:”Lại nói năng lăng nhăng làm sao nên mới bị người ta cắn cho chứ gì!”. Tôi 11 tuổi vừa mới chập chững bước vào Đệ Thất*, chẳng hiểu chị muốn nói thứ wủy gì. Nói lăng nhăng vốn là cố tật bẩm sinh của tôi, nhưng tại sao vì thế mà lại bị người ta cắn? Người ta là ai? Có mắc mớ chi giữa cái nói của tôi với cái cắn của người ta? Lũ em ngố của tôi ùa ra từ căn phòng học nhỏ dưới chân cầu thang theo tiếng còi tàu lảnh lót, đứa thì trợn trừng mắt ô-tô ngó như ngó sững kingkong, đứa thì xòe năm ngón tay bụm miệng cười hinh hích như đang bị đè ra cù-lét, đứa lại lăn quay trên nền đá hoa láng bóng quẫy đành đạch như con cá lia thia trong chiếc bồn thủy tinh bị cạn nước – háh, cứ làm như chưa bao giờ trong đời được nhìn thấy môi ai tím rịm một màu sim! Chợ vỡ, bà bị giật mình bỏ bếp nhẩn nha đi ra, giương cặp mắt kiếng trắng vốn thường được dùng để đọc sách nghiên cứu tử vi, nay được dùng để đăm đắm nhìn vào cái mặt mẹt của tôi rồi lắc đầu thở dài:”Lại nốc cho cố cái lũ sim rừng bán ở cổng trường phải không? Tối nay chắc có đứa không cần phải ăn cơm nữa!”. Quả bà là nhà thông thái, biết tỏng cái nết ưa lê la ăn quà vặt của cháu. Xụ mặt không dám cãi bà, nhưng cái đầu có cái đuôi cheval thì ngoe nguẩy lầm bầm:”Cơm ăn quanh năm, sim chín chỉ có một mùa, không chịu khó nốc cho cố mùa này thì phải dài cổ chờ mãi đến tận mùa sau. Mà biết mùa sau bà cụ hàng rong có còn ôm thúng sim chín đến cổng trường rao bán? Rẻ thôi, một đồng một chén, xơi 3 chén chỉ tốn có 3 đồng tiền quà mẹ phát, vẫn còn 2 đồng để bỏ vào con heo đất để dành mua sách truyện nhi đồng cho cái lũ ngố kia đọc ké (hoặc nghe kể truyện ké thì cũng thế). Thiệt là cái lũ không biết ơn tí teo nào nhé, mai mốt sẽ đem xài béng 5 đồng cho nào chè bánh lọt / bánh cam / bánh ít / bánh bò / bánh tùm lum mà lại đỡ phải “đắng cay”, hứ!!! Well, hứ thì cứ hứ chứ đủ hai mùa sim chín tiếp theo sau đó của Đệ Lục*, Đệ Ngũ*, tôi vẫn không thể “cầm lòng” trước cái hình ảnh bà cụ mặc áo bà ba nâu ngồi lặng lẽ một mình bên chiếc thúng nhỏ đầy ắp những nụ môi ngon tim tím hồng hồng trước cổng trường học. Nụ môi Đệ Thất* rất simply ngon. Nụ môi Đệ Lục* cũng vẫn còn ngon nhưng đã bắt đầu hơi rối. Cái rối theo lên Đệ Ngũ* khiến nụ môi không còn ngon lắm khi bất chợt hiểu ra cái nghĩa bóng gió “nói lăng nhăng thì ắt bị người ta cắn” của chị G. Dĩ nhiên cái bất-chợt-hiểu-ra này của tôi không đến từ “kinh nghiệm” bản thân. Chúng đến từ con nhỏ bạn “tam giác hồng”* bị bố mẹ transfered từ trường nữ trung học công lập sang trường nữ trung học ma-sơ của tôi sau một sì-căng-đan tóe lửa…(rồi tôi sẽ ngồi lê đôi mách câu chuyện này sau nếu có dzịp!)
Sau Đệ Ngũ*, tôi vĩnh viễn không bao giờ còn được nhuộm môi tím bằng những quả sim rừng. SG không có rừng nên không có sim – hay cũng có nhưng không còn bà cụ áo nâu nào đem bày bán. Vòng quanh nơi tôi ở bên này, rừng thì nhiều nhưng sim tím rịm thì không có, chỉ thi thoảng gặp bụi blueberry, chúng làm xanh môi nhìn ghê ghê chứ không ngon như nụ môi tím gọi mời những cái cắn! Đêm Halloween hôm qua kẹo ế vì trời mưa khiến tôi tức tưởi ngồi gặm hết một thỏi dark chocolate to tổ bố. Ah, ngộ quá, có mụ old witch nào đó nhìn tôi chăm bẳm từ trong tấm gương soi, hỏi:”Trick or treat?”. Môi mụ ta nhẫy màu đen của đêm…– Phù Dung“
Cả con đường không một dáng người đêm lễ Ma Quỷ khiến thố đựng kẹo hình trái bí màu cam vẫn đầy ấp – đoản văn nhớ đôi môi nhuộm màu sim tím – nhuộm màu trái trâm đưa bạn về khoảng nào trong đời nhỉ? Bà phù thủy trốn sâu trong ký ức có lần mò chui ra hù dọa bạn không – bị đòn vì màu lem đáy túi áo trắng đồng phục từ trái trâm trái sim có gây gây nỗi nhớ và thèm được đánh đòn không! Cô cháu gái nhảy nhót dưới chân – bà ngoại ngồi nhớ thời còn bé tí – ngoài trời mưa con bé cứ lôi tay: “à chá = outside” trái tim môi tím xưa học được ngôn ngữ trẻ thơ hạnh phúc – cần gì lễ hội!
Đã qua Tết, đến thứ hai là lễ các vị tổng thống Presidents’day, trong các cửa hàng thương mại tim đỏ treo khắp nơi, màu đỏ lẫn màu hồng chói mắt từ những tuần trước, dòng chữ I Love You mỗi góc phố đều có thể tìm được, ngay cả trên xa lộ xe cuồn cuộn, bất chợt giảm chân ga thế nào cũng đọc đuợc câu gì đó trên tường, ngay cả tấm biển giăng trên lưới sắt an toàn, đại loại như : “… will you marry me” – “I love you forever….” những dấu ba chấm dĩ nhiên là cái tên thật đẹp của phụ nữ.
Tối hôm qua xem Thế Vận Hội mùa đông Sochi đang tổ chức tại Liên Xô, Thấy cô nàng dễ thương giơ tấm bảng giấy viết tay: “Will you mary me . . .” ba dấu chấm là tên của chàng vận động viên đang tranh tài, dễ thương làm sao, con gái thời nay đã không còn đợi chờ e lệ như tôi thuở xưa, mong có người đến nhà xin bỏ trầu cau dạm ngõ.
Và màu đỏ trong các chợ Á Châu cùng màu vàng của mai giả còn sót lại sau Tết cũng rực rỡ không kém.
Quanh nhà, hậu quả cơn lạnh để lại buồn thiu, màu nâu cháy của lá, không biết cây có sống lại đuợc không. Cây cỏ cũng như con người đều sợ lạnh lùng – lạnh nhạt – lạnh căm. Đọc tiếp “Lễ Tết”
Hôm nay lần thứ 3 cô út dọn ra khỏi nhà, lần thứ nhất vào UC Davis – lần thứ 2 vào LECOM – lần này St Mateo cho gần nơi làm việc .
Lần 1 khóc quá chừng, ai nhắc là khóc .
Lần 2 lo quá chừng vì xa quá là xa, cũng khóc vì lo .
Lần này tỉnh queo, vì khỏi phải ngồi chờ nghe tiếng xe con về mới vào buồng ngủ được . Đi làm cách nhà 45 phút, nếu kẹt xe có thể đến hơn một tiếng – Mùa đang đổi tối hơn nhất là hay có mưa bất chợt .
Các con đủ lông đủ cánh rồi, cánh của mẹ mỏng dần, không đủ ấm để ấp ủ con nữa, chỉ còn trái tim phập phồng lo lắng cho con .
– Mom, I allow you to cook 4 me . I will be home on the weekend OK . nháy mắt cười cười! Don’t worry, I am 27 years old girl . . .. . not 17 blah blah blah . . . .
Cô nương ơi cho dù cô có 100 tuổi cô vẫn muôn đời là nỗi lo lắng của tôi cô ạ!
Dọn đi đi, me có bầy gà con rồi . . .
Cô bé thân ái, tha lỗi cho tôi nhé nếu vô tình bé đọc được những dòng này. Vì có thể bé sẽ phật lòng không ít, trước hết, ở cái cách xưng hô của tôi, dù gì bé cũng đã là một cô giáo của hai lớp học mà. Nhưng cô bé ạ, có một điều chắc chắn rằng bé kém tôi đến trên mười tuổi (tôi quyết đoán đó) mà tôi lại có thói quen đáng ghét cứ ưa gọi một cô gái nào, không phân biệt thân hay sơ, nhỏ hơn mình năm tuổi trở xuống bằng cô bé. Đôi khi tôi cũng cảm thấy hơi lố bịch trước cái thói quen đầy nông nỗi này. Không lẽ chừng muơi mười lăm năm nữa tôi lại tiếp tục đi gọi một bà già năm chục tuổi bằng cô bé hay sao, cho dù bà ta có nhỏ tuổi hơn tôi thật. Vậy thì hãy cho phép tôi được gọi bé bằng cô bé một lần sau cùng để rồi tôi sẽ từ bỏ cái thói quen kỳ cục, không phải luôn luôn hợp thời của tôi. Thứ đến, với câu chuyện mang tính cách riêng tư, không có gì quan trọng mà tôi lại đi làm ầm ĩ cho nhiều người cùng biết. Không đâu bé ạ, với tôi, viết được những lời ngợi ca trân trọng về một người mà mình cảm mến là một nổ lực lớn lao, một cố gắng phi thường của tôi đó. Quan trọng lắm chứ, vì tôi ít khi khen ai (ôi tôi lại sắp nói về cái tôi đáng nguyền rủa nữa rồi) và về viết lách tôi lại càng dốt đặc cán mai. Nói ra, bé đừng cười, lúc xưa, thỉnh thoảng tôi có nhờ bạn bè “gà” cho viết những lá thư tình gởi đến người tôi yêu. Có lúc bí quá, tôi chép lại nguyên văn hoặc chỉ thay đổi chút ít cho phù hợp với tình cảnh của tôi, một lá thư nào đó mà tôi muợn được của đám bạn, bé tin không? Đọc tiếp “Cô bé tình cờ – Nguyễn Văn Ngọc”
Em của chị, buổi sáng đầu ngày con sóc nhỏ ngồi vắt vẻo nhìn vào trong nhà, nó đứng ngay trên bệ cửa sổ hôm qua chị vừa rửa kính. Đôi mắt trong veo tròn xoe của sóc không gợn chút thắc mắc nào của đời sống. Hai tay của sóc dường như chắp lại, nó muốn xin chị viên đường chăng? Ly cà phê tỏa khói, mùi cà phê thơm thơm.
Thế mà chị nhìn thấy trong mắt của sóc, hình ảnh căn nhà nằm vắt vẻo dựa trên dốc đá, ngõ hẻm nhỏ đi bộ một chút thôi sẽ ra đường cái, căn bếp có cái cửa cũng thông ra đá, tảng đá to lắm chắn ngay trước cửa, thiên nhiên đã có từ trước khi con người đến làm nhà tạo thành khu phố sau khách sạn Ngọc Lan. Từ chiếc cửa ấy ra đến vách đá, chỉ đủ chỗ để hai cái bếp lò, vài thứ lỉnh kỉnh để làm bếp, cánh cửa chỉ là cánh cửa sổ mở ra cho khí lạnh, khí mát từ bên ngòai luồn vào nhà, nếu không sẽ ngộp ngụa ghê lắm, và khung cửa sổ may mắn ấy đã thành cái bếp lộ thiên, được che mưa bằng miếng tôn đóng vào vách gác lên đá. Căn nhà giống như một góc nhà chòi tuổi thơ để chơi bán đồ hàng, buổi sáng co ro nấu ấm nước sôi, trong cái ấm nhôm bóng loáng phía trên, viền đen phía dưới vì khói bám lâu ngày, thêm đám mây trắng lững lờ trôi hay khung trời xám xịt dọa nạt bão mưa biến khung cửa sổ ấy thành bức tranh treo lửng lơ trên vách nhà gỗ thông Đà Lạt. Bức tranh thay đổi theo mùa, hai cái bếp lò khi lao xao lửa, khi lặng im nằm, màu đỏ đất xét nung sau một thời gian trở thành màu gan gà, miếng thiếc bọc bên ngoài giữ cho ông lò không bị bể vẫn còn lóng lánh dù vết rỉ đã hoen chung với dấu dầu mỡ tích lũy nấu nướng lâu ngày. Đọc tiếp “Mùi Gỗ Thông”
Chị đăng lại bài viết này, thân tặng các em vừa có cháu bé đầu lòng.
Con yêu của má! Con hỏi tại sao gọi là có bầu con so?
Mở tự điển So có nghĩa là: Đặt kề nhau, song song với nhau để xem hơn kém nhau bao nhiêu. So lại dây đàn. So mái chèo. Làm cho (đôi vai) nhô cao lên, tựa như so với nhau. Ngồi so vai. So vai rụt cổ.
Vậy mà lần thai nghén đầu tiên được gọi là có mang (chửa) con so. Tương tự như gà mái cho trứng lần đầu cũng được gọi là trứng gà so. Không cần hiểu rõ So là gì, nhưng khi có con lần đầu, bà mẹ nào không hạnh phúc sung sướng trong lòng. Đọc tiếp “Con So”
Hôm nay lại đến lễ Halloween , như nhịp đập trái tim, giống tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ treo tường, mỗi năm lễ trở về đúng hạn, không hứa cũng đến, không rủ cũng về. Lễ của các linh hồn phải nhắc đến chuyện kỳ bí rùng rợn, phải kể về ma.
Trong đời người ai cũng phải có ‘một lần yêu, yêu thật yêu giả hoặc tưởng là yêu cũng được tính là một lần’, tương đương với trong đời người ai cũng phải có ‘một lần gặp ma, ma thật ma giả hoặc tưởng là ma cũng được tính là một lần!’ Đọc tiếp “MA”
Cơn bão không tên đổ vào vùng vịnh, mưa trút xuống một trận thật to, to như cơn mưa gây “thành dòng sông uốn quanh” trên phố, to như cơn mưa nhiệt đới ào ào rồi tạnh, như một thoáng nhớ rồi quên, một chút giận hờn rồi sẽ hết và như một ngậm ngùi khi nghĩ đến cơn bão xảy ra nơi khác, nơi rất xa.
Đoàn xe ướt đẫm xếp hàng bò chậm chạp rồng rắn trên xa lộ, hai cây quạt nước tới tấp, vẫn không làm rõ hơn tầm nhìn của người lái, chẳng biết nghĩ ngợi gì mà mắt nhòa đi, rồi cũng không biết mắt nhòa vì lệ, hay nhòa vì mưa. Đọc tiếp “Mưa – Mưa – Mưa Mưa Từ Bão”
Tôi không biết phải trả lời tại sao, cho câu hỏi “tại sao” tôi hay được hỏi lúc này, qua email, qua những tin nhắn riêng tư, và ngay cả khi gặp mặt các thành viên trong gia đình – các bạn hữu, thân hay không thân, ai cũng có câu hỏi “tại sao” để hỏi.
“Tại sao cháu mất!” tôi ghi dấu chấm than, không là dấu chấm hỏi, vì chính tôi cũng tự hỏi mình “Tại sao con mất, con ơi!”
Đã là 40 ngày qua, cơn chấn động dường như lắng xuống, nó có lắng thật sự không tôi cũng không biết nốt, chỉ biết riêng phần tôi dù không đau đớn, dù đã chấp nhận nhưng tôi vẫn nhớ và khóc, khóc một cách nấc nghẹn, không chỉ là nước mắt tràn ra. Tôi biết tôi đã cố gắng ghìm giữ nén, để sống như không có gì xẩy ra, nhưng nó đã xẩy ra cơ mà! Đọc tiếp “Tại Sao?”