Cô bé thân ái, tha lỗi cho tôi nhé nếu vô tình bé đọc được những dòng này. Vì có thể bé sẽ phật lòng không ít, trước hết, ở cái cách xưng hô của tôi, dù gì bé cũng đã là một cô giáo của hai lớp học mà. Nhưng cô bé ạ, có một điều chắc chắn rằng bé kém tôi đến trên mười tuổi (tôi quyết đoán đó) mà tôi lại có thói quen đáng ghét cứ ưa gọi một cô gái nào, không phân biệt thân hay sơ, nhỏ hơn mình năm tuổi trở xuống bằng cô bé. Đôi khi tôi cũng cảm thấy hơi lố bịch trước cái thói quen đầy nông nỗi này. Không lẽ chừng muơi mười lăm năm nữa tôi lại tiếp tục đi gọi một bà già năm chục tuổi bằng cô bé hay sao, cho dù bà ta có nhỏ tuổi hơn tôi thật. Vậy thì hãy cho phép tôi được gọi bé bằng cô bé một lần sau cùng để rồi tôi sẽ từ bỏ cái thói quen kỳ cục, không phải luôn luôn hợp thời của tôi. Thứ đến, với câu chuyện mang tính cách riêng tư, không có gì quan trọng mà tôi lại đi làm ầm ĩ cho nhiều người cùng biết. Không đâu bé ạ, với tôi, viết được những lời ngợi ca trân trọng về một người mà mình cảm mến là một nổ lực lớn lao, một cố gắng phi thường của tôi đó. Quan trọng lắm chứ, vì tôi ít khi khen ai (ôi tôi lại sắp nói về cái tôi đáng nguyền rủa nữa rồi) và về viết lách tôi lại càng dốt đặc cán mai. Nói ra, bé đừng cười, lúc xưa, thỉnh thoảng tôi có nhờ bạn bè “gà” cho viết những lá thư tình gởi đến người tôi yêu. Có lúc bí quá, tôi chép lại nguyên văn hoặc chỉ thay đổi chút ít cho phù hợp với tình cảnh của tôi, một lá thư nào đó mà tôi muợn được của đám bạn, bé tin không?
Cô bé thân ái, sở dĩ tôi dông dài như vậy bởi tôi muốn bé biết, chỉ có chính bé chứ không ai khác hơn là nhân vật chính trong câu chuyện tôi sẽ kể sau đây với lòng ngưỡng mộ đặc biệt. Vì tôi không biết phải làm sao hơn khi thực tế tôi và bé hoàn toàn xa lạ nhau, ít ra cho đến bây giờ. Tôi không hề rõ nơi bé ở, tên bé là gì, hoàn cảnh sống của bé ra sao trên phần đất mà chúng ta cùng đang tạm trú này. Điều tôi cần tìm hiểu, trước những thể hiện hàng ngày (tôi có chủ quan lắm không) có lẽ đã quá đủ để viết ra những suy nghĩ về bé. Tôi chỉ sợ chữ nghĩa vụng về của tôi đôi khi không làm sáng tỏ được hết ý nghĩ của riêng mình. Nhưng thà viết được chút gì đó để bày tỏ vẫn còn hơn là im lặng để rồi quên lãng đi những điều thật đáng ca tụng về một con người, như là bé chẳng hạn.
Cô bé ơi, tôi có nên kể lại vì sao tôi được biết bé và tự bao giờ bé đã ở lại trong tâm tưởng tôi không? Đáng lắm chứ. Nếu không có buổi chiều đó, một buổi chiều còn sót lại vài vạt nắng nhiệt đới oi nồng, tôi và bé cùng đi ngược chiều nhau trên một con dốc nhỏ. Điều gây chú ý đầu tiên trong tôi, chưa phải là cái vẻ đẹp đúng tuổi thiếu nữ dễ nhìn của bé, cũng không phải là mái tóc bé đen nhánh vừa chấm vai hoặc chiếc dù có thêu đường viền xinh xắn mà bé đang che. Tôi đã ngắm bé trong cái nhìn của một người đi ngoài đường bình thường tình cờ trông thấy một người khác phái. Chiếc áo lụa màu hoa cà tím nhạt đơn sơ bé mặc đã làm tôi sững sờ. Đọc đến đây chắc bé mĩm cười và nhủ thầm “ôi ông tác giả đã bị ảnh hưởng thơ Nguyên Sa nặng nề”. Thật lòng tôi đó bé. Chẳng phải thơ Nguyê Sa làm tôi hể thấy áo lụa là cứ khen dù nắng ở đây nóng hơn nắng Sài Gòn để tôi có cảm tưởng được mát hơn một chút đâu. Tôi yêu áo lụa vì nó đã trở thành kỷ niệm khó quên trong lòng tôi, từ lâu, từ dạo tôi biết thương một ngưởi con gái. Tôi không biết là bé đã tới đây bao lâu và bao nhiêu lần bé đã mặc chiếc áo lụa này. Nhưng tôi có thể quả quyết rằng bé là người duy nhất trên chuyến tàu ra khơi vượt chết đã mang theo chiếc áo lụa bà ba quê hương mộc mạc để cho tôi được thấy và nghe lòng bồi hồi trong buổi chiều hôm đó. Cô bé ạ, làm sao tôi không bâng khuâng khi một hình ảnh thân quen nào đó bỗng chốc hiện về với đầy vẻ dung dị, đáng yêu của nó. Hơn sáu tháng sống tại hòn đảo bé nhỏ này, mắt tôi đã ngấy vì phải buộc ngó thấy hàng ngày nhiều kiểu áo, loại quần lòe loẹt, hoa hòe, vẽ vời, bắt chước một cách đáng thương của những người thường tự cho mình thích nghi mau chóng với nền văn hóa, văn minh Âu Mỹ. Viết ra điều này, nhiều người đọc sẽ bĩu môi, chê tôi là anh chàng quá cù lần, không biết thưởng thức cái đẹp thời trang hiện đại. Vâng, tôi đành chịu mang tiếng khù khờ chứ tôi không thể một sớm một chiều đánh mất hay cố quên đi nét tinh hoa, đậm dân tộc tính Việt Nam mà ăn mặc chỉ là một khía cạnh nhỏ nhoi trong nhiều vấn đề trọng đại khác trên bước đường lưu lạc. Cô bé của tôi, cô đã xuôi xuống con dốc và khuất vào một dãy nhà nào đó. Vậy mà tôi còn đứng lại, ngó theo. Nắng buổi chiều bỗng dịu hẳn, vài cơn gió mát thoảng qua. Lòng tôi chợt reo lên niềm vui miên man, không hẹn. Tối đó, tôi về ghi trong nhật ký “chiều nay tôi được thấy lại chiếc áo lụa xưa, giản dị nhưng tuyệt vời”.
Cô bé thân ái, nếu chỉ có vậy, chỉ có tình cờ được ngắm bé mặc chiếc áo lụa duyên dáng thì làm gì tôi có đủ ý để viết ra những lời ngợi khen này. Tôi không nhớ rõ là bao lâu sau buổi chiều đáng nhớ kia, một buổi sáng đi uống cà phê với hai người bạn, tôi lại có duyên được trông thấy bé lần thư hai. Quán cà phê , nơi chúng tôi ngồi, không xa bao nhiêu, qua nhiều cánh cửa sổ đang mở rộng của một dãy lớp học, tôi có thể nhìn thấy các em học sinh chăm chú học hành và cả người đang giảng dạy cho chúng. Bé đó phải không? Trí tưởng tôi vụt chạy để tìm bắt một khuôn mặt quen quen đã thuộc về quá khứ. A, đúng là cô bé buổi chiều dốc nhỏ với màu áo lụa hoa cà tím nhạt. Tôi không thể lầm lẫn được dù buổi sáng đó bé mặc chiếc áo sơ-mi màu trắng, cũng rất đơn sơ. Tôi hớp một ngụm cà phê và nghe ngọt lịm nơi cổ họng. Bé đứng đó, đi lại, viết bảng, gõ thước, giảng bài…Ôi, tôi không còn tâm trí nào để góp vào câu chuyện đang được bàn bạc giữa hai người bạn vì tôi còn bận lắng nghe, lẩn trong tiếng nhạc dìu dặt phát ra từ chiếc máy hát đặt ở góc quán có tiếng của bé trong trẻo và êm ái như chim ca. Trong sáng quá, cô bé tình cờ của tôi, cô đã tự nguyện làm công việc sư phạm một cách thành tâm (chỉ cần ngó qua cung cách của bé giữa lớp học cũng đủ biết), một công việc mà nhiều người có khả năng ở đây thường viện nhiều lý do để chối bỏ. Tôi lấy cớ có chút việc riêng cần trao đổi với người chủ quán để ngồi lại, sau khi chia tay hai người bạn ra về trước. Một mình, ngồi lại, tôi uống gần cạn thêm hai bình nước trà, hút hết nửa bao thuốc lá. Không phải hoàn toàn là để ngắm bé với dáng dấp của một cô giáo dịu hiền đang tận tâm truyền đạt kiến thức của mình cho đàn em nhỏ. Tôi ngồi nán lại để suy nghiệm về một việc làm, về sự đóng góp của những người có trái tim bằng vàng cho cái cộng đồng tị nạn cộng sản quá khổ đau này, ở bất cứ lãnh vực nào. Cô bé không quen ơi, đó là lần thứ hai cô để lại nơi lòng tôi thêm chút tình cảm mến.
Cô bé thân ái, cô có tin định mệnh không? Một sự sắp đặt vô hình nào đó để mọi việc trong đời này cứ tuần tự diễn ra, trước rồi sau. Nếu không, tại sao lại có một tối khác tôi được biết thêm bé đang phụ trách một lớp Anh ngữ mà học viên đa số là người lớn tuổi. Một buổi tối, trên đường về nơi mình cư ngụ, tôi đi ngang qua khu trường học. Lần này tôi chẳng cần phải lục lọi trí nhớ để hình dung ra bé là ai. Phòng học sát cạnh con đường. Ánh sáng trắng của ngọn đèn huỳnh quang hắt ra tận phía ngoài cửa ra vào. Tôi vừa bước những bước chậm rãi của một kẻ nhàn du trút bỏ hết mệt nhọc, lo toan của một ngày sống vừa liếc mắt tò mò nhìn vào lớp học. Bé đang đứng trước bảng xanh, miệng tròn vo phát âm bằng tiếng Anh và kêu gọi mọi người cùng lập lại. Tôi không thể nào không đứng lại, lùi vào bóng tối hơn một lúc lâu để theo dõi một lớp học đêm đầy sinh động. Vẫn khuôn mặt ưa nhìn. Vẫn mái tóc như óng ả hơn dưới ánh điện. Vẫn cái dáng gầy gầy thanh thoát. Cô bé của tôi như một điểm sáng rực rỡ trong đêm tối tăm đang cống hiến cho tha nhân hết mọi vốn liếng hiểu biết của bản thân mà không hề so đo, quản ngại. Tôi lặng nhìn những mái tóc hoa râm đã quá nửa đời người vẫn phải kiên nhẫn và âm thầm bắt đầu lại cuộc sống mới. Tôi rời bóng tối bước đi, miệng gọi nhỏ chỉ mình tôi nghe “bé ạ, bé có biết bé đã dấn thân vào những việc làm đầy ý nghĩa lắm không”.
Cô bé thân ái, đã đủ chưa những gì tôi cần muốn viết hay tôi phải kể thêm ra đây đôi lần nữa được nhìn bé ở phòng thính thị, ở thư viện? Bây giờ thì chẳng còn là tình cờ mà là một thời khắc cố định, một nơi chốn cố định trong một ngày sống của bé. Tôi vẫn cảm thấy thích thú trước một khám phá không có chút gì thông minh của tôi nếu muốn được trông thấy bé ở đâu và giờ nào. Vâng, bé vẫn đi học và đi dạy đều đặn, cần mẫn như loài ong hàng ngày bay đi thật xa hút lấy nhụy hoa về tích tụ lại, dâng cho đời những chai mật ngọt thơm tho. Bé vẫn dịu dàng trong những chiếc áo giản dị. Bé vẫn duyên dáng dù không chút phấn son. Bé vẫn sống cho ngày tháng chứ không đợi ngày tháng. Ôi cô bé thân thiết, bé đang gần tôi đó mà sao rất xa. Gần, như có lần tôi và bé cùng ngổi nghe chung một máy cát-xét, một cuộn băng học Anh ngữ (bé đâu biết được) nhưng cách xa quá trong ý nghĩ, trong cách thể hiện với chung quanh. Tôi cảm thấy xấu hỗ cho sự vô ích của mình. Tôi đã đóng góp được gì cho đồng bào tôi, những người cũng giống như tôi đã phải đành đoạn lìa xa quê hương yêu dấu còn đang ngày đêm bị đày đọa, lầm than và thù hận bởi những người chủ mới hung bạo để đi tìm kiếm một tương lai, một tình người? Hay tôi vẫn sống ích kỷ, thu mình lại trong vỏ ốc cá nhân để rồi nguyền rủa thời gian, tức giận vì không được thỏa mãn, bi quan cho bao ê chề trước mặt. Có khi tôi lại phí phạm nhiều ngày sống của mình trong quán cà phê, trong rạp hát, với chuyện phiếm, với khói thuốc, với phê phán, nghi kỵ đủ điều. Tôi vẫn đi bên lề cuộc sống mà tôi cho là tạm bợ này trong khi nhiều người khác nô nức, hăng hái chuẩn bị hành trang để bước vào đời mới tươi đẹp và bền vững hơn một mai khi rời khỏi nơi đây.
Cô bé thân thương của tôi, cảm ơn bé đã cho tôi xúc động chân thực để viết được những dòng này. Bé chẳng cần phải tìm hiểu tôi là ai, tại sao lúc nào cũng để ý, theo dõi bé kỷ càng như vậy. Mà bé hãy vui thêm vì những việc bé làm đã ít nhiều khơi lại được chút lửa nồng nhiệt trong một tâm hồn tưởng đã già nua, nguội lạnh. Vâng cô bé ạ, tuổi tác đâu phải là giới hạn để người ta không biết cách phải sống như thế nào cho xứng đáng. Và hạnh phúc không hẳn là được ăn ngon, mặc đẹp, tiền nhiều, đầy đủ tiện nghi mà hạnh phúc chính là những gì mình đem lại cho cuộc sống quanh mình, có đúng thế không?
Cô bé thân ái, hy vọng một sáng nắng đẹp nào sắp tới, tôi lại được tình cờ trông thấy bé để tóc xõa bay trong gió lộng của biển sớm. Bé tung tăng giữa sóng nước mát xanh. Bé nằm phơi nắng trên bãi cát trắng. Bé ngồi đọc sách dưới bóng mát của rặng phi lao. Tôi sẽ đánh bạo đến gần để làm quen với bé bằng những câu chào hỏi vụng về (tôi vốn dốt về khoa này lắm). Chừng đó bé có vui lòng không, ngồi nghe tôi hỏi những câu ngớ ngẩn như là điều tra lý lịch về bé. Hay bé sẽ cười thật tươi, khoe hàm răng trắng đều đặn và nhỏ nhẹ trả lời: “Thưa ông, ông nên xem tôi cũng bình thường như bao nhiêu người khác ở đây, một cô bé tình cờ như ông gọi cũng được, như vậy vẫn còn đẹp hơn cái tên của tôi nhiều, chân thành cám ơn ông đã quá khen!”
Nguyễn Văn Ngọc
Galang 18/10/1983
(trích “Bán Nguyệt San Tự Do, tiếng nói của người Việt tị nạn tại Pulau Galang, số 82, phát hành ngày 30/10/1983”. Tuỳ bút này đuợc đăng lại trong Đa Hiệu số14, tháng Tư, 1988 do cựu SVSQ Hà Tấn Diên làm chủ bút.)