Mưa – Mưa – Mưa Mưa Từ Bão

Cơn bão không tên đổ vào vùng vịnh, mưa trút xuống một trận thật to, to như cơn mưa gây “thành dòng sông uốn quanh” trên phố, to như cơn mưa nhiệt đới ào ào rồi tạnh, như một thoáng nhớ rồi quên, một chút giận hờn rồi sẽ hết và như một ngậm ngùi khi nghĩ đến cơn bão xảy ra nơi khác, nơi rất xa.
Đoàn xe ướt đẫm xếp hàng bò chậm chạp rồng rắn trên xa lộ, hai cây quạt nước tới tấp, vẫn không làm rõ hơn tầm nhìn của người lái, chẳng biết nghĩ ngợi gì mà mắt nhòa đi, rồi cũng không biết mắt nhòa vì lệ, hay nhòa vì mưa.

Người ta đang lo sợ hạn hán sẽ xẩy ra, vì mực nước tại các hồ chứa quá thấp, cơn mưa được mong chờ, cơn bão được chào đón, trong chiếc xe hơi kín đáo, mưa có to đến mấy cũng chẳng đến nỗi khó chịu, khó chịu chăng chỉ có đôi gấu quần phải càu nhàu vì nhớp nháp, đôi giầy cũng nhăn nhó vì bước phải vào vũng nước vệ đường, người ta đang sung sướng quá nên quên mất lời tạ ơn Thượng Đế, chỉ mải nhăn nhó càu nhàu: “mưa nhớp quá.”
Báo chí, từ tuần báo đến nhật báo, nguyệt san đều có tử vi, tướng số, ngay cả trên tờ lịch ngày, mỗi trang đều ghi rõ năm xung tháng hạn, ngày xấu tốt, giờ hoàng đạo hay giờ âm binh, chẳng hiểu thần thánh nào độ trì mà nơi tôi sinh sống bây giờ, có nhiều điều hay hơn điều xấu.
Cũng bão cũng mưa, nước đi lòn lách trong các cánh rừng thông, tìm suối khe để thong thả đổ vào hồ chứa, đôi khi có ngập lụt gì đã có các hãng bảo hiểm hay chính phủ lo lắng, từ chai nước đến cái chăn, chưa kể đời sống người dân thừa nhiều hơn thiếu, sau cơn bão Katrina cách đây vài năm, có thông báo xin đừng gởi quần áo chăn mền đến nữa, nhiều quá rồi.
Cũng cơn bão, cơn bão có tên Lekima thổi vào, quét ngang vào xứ tôi những vùng Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình, những vùng quanh năm dân gầy vì đất cầy lên sỏi đá, vì trời hành cơn lụt mỗi năm, vì cái eo đất thắt lại, vì mọi sự không kể ra hết được, người ta tìm được một lý do là tại “Trời.”
Trời nào tàn phá những cánh rừng, Trời nào đào xới không nương tay, trời nào bắt người hiếp đáp người, trời nào cho riêng ai một quyền hạn thu vén mọi thứ cho riêng mình, để con dân ngắc ngoải đói no. Chỉ một rẻo đất, chỉ một khu làng bé nhỏ con số người mất tích, người chết vì ngộp, vì đói đã đến con số gần một trăm, phương pháp cứu nạn không có, chuyện dài trên đất nước tôi, những nỗi đau lòng không tìm ra đầu mối để gỡ, nó thành nắm chỉ rối bòng bong, nghẹn ngào tình người xa xứ. Kiếp người là một chu kỳ thịnh suy, đầy xúc cảm, nghĩ đến eo đất miền Trung, nghĩ đến “thắt đáy lưng ong” dáng hình gian nan vất vả “mắn con – nuông chồng” của phụ nữ Việt, vị đắng lại dâng lên cổ, câu nói “tìm dâu thắt đáy lưng ong vừa giỏi chiều chồng lại được mắn con” không là khen ngợi, mà là cay đắng cho dáng vẻ người phụ nữ tảo tần, một nắng hai sương, mà là một não nề cho dân số tám mươi triệu người, chen chúc nhau sống trên mảnh đất chẳng bề thế gì, chỉ có khỏang hơn 331.000 kilomet vuông. Những cái chết bất ngờ, những cái chết bỗng trở thành bình thường quá đỗi. Khối bê tông đổ xuống, người bị chôn sống, người bị mất máu đến chết, vài ngày sau thân nhân nhận tiền cứu trợ, điều đầu tiên họ làm, là đi mua ngay chiếc điện thoại cầm tay, hay đôi bông tòng teeng, những món xa xỉ phẩm họ đã từng thèm khát.
Sinh mạng người Việt Nam rẻ hơn bèo giạt, nhẹ hơn mây trôi có lẽ vì đông dân quá, có lẽ vì phụ nữ Việt Nam thắt đáy lưng ong nhiều quá, và cũng có lẽ vì dải đất Việt Nam có dáng thắt ngay chính giữa nên cũng mang vận long đong?
“Khóc trong xe hơi đỡ khổ hơn khóc trên xe đạp!” câu nói nghịch ngợm tôi hay chòng ghẹo các cô bạn cũ, khi nghe lời than thở “khổ quá,” thế mà đúng thật. Tôi ngồi trong xe ấm khô, muốn khóc khi nghĩ đến hình ảnh, được chụp từ ống kính tài tử, của du khách ghé thăm Việt Nam, tôi thấy được trên mạng vi tính, không biết tại sao những đôi mắt hoang mang buồn tênh, của các cụ già đến các cô thiếu nữ, cùng hình ảnh đường phố trong cơn mưa, làm tôi nghĩ ngợi nhiều đến thế. Chiếc xe ba bánh chồng chất những quầy dừa nước màu nâu, loại dừa dân thành phố ít khi nào nhìn thấy, chúng mọc chung quanh sông lạch, quầy dừa tròn xoay như quả cầu, được kết bằng hằng trăm trái, có dạng thoi to khoảng bàn tay người đàn ông lực lưỡng. Chẻ đôi trái ra, bên trong chỉ có miếng cùi dừa nhỏ xíu bằng chiếc thìa (muỗng) canh trắng mỏng, chút nước thơm thơm khi dừa còn non, gặp quầy dừa già cỗi, cơm dừa cứng ngắt chẳng còn vị gì. Bức hình chiếm trọn nhớ nhung tôi cả ngày, tôi mang nó ra lục lọi thêm bao kỷ niệm trên quãng đường về nhà, xa lộ bị kẹt cứng vì mưa.
Hình ảnh người đàn bà gò lưng đẩy xe dừa bán dạo, những túi ny-lông cơm dừa treo toòng teeng theo nhịp đẩy, cơn mưa bất chợt, chưa đủ tiền lo bữa cơm chiều, chưa đủ tiền cho con mua bút, chưa đủ tiền trả chủ vựa dừa nước đã giao hàng buổi sáng, chưa đủ tiền thuê xe ba gác, chưa đủ mọi điều từ sự chưa đủ quyền làm người, chưa đủ quyền sống cho ra sống trong chính thể đã rục rã, được bơm đủ loại hóa chất giữ hình hài tồn tại hơn mấy chục năm, đầy đọa hơn tám mươi triệu sinh linh còn đang hít thở.

May mắn cho tôi, người đàn bà đã có một lần đẩy xe đi bán dạo thoát khỏi nơi ấy, để được hít thở không khí bây giờ, không khí người ta có thể chọn mùi hương, hương cam hay chanh, hương biển hay hương thông cho chiếc xe của mình. Tôi khóc vì không thể chia cho người ở lại nỗi sung sướng đơn giản của mình: “Không bị ướt lạnh khi trời đổ mưa.”

One Reply to “Mưa – Mưa – Mưa Mưa Từ Bão”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: