Sáng thứ sáu được nghỉ làm ở nhà, không cần phải lầu bầu “ti gi ai ép” (TGIF) trong văn phòng, tôi khoác áo nghỉ làm đi mua thức ăn sáng. Phải giải thích về cụm từ “khoác áo nghỉ làm” có nghĩa là mặc bất cứ áo nào gần tầm tay, không cần phải tìm đúng màu, hợp sắc cùng quần, cùng dép, cùng ví cùng mấy thứ lỉnh kỉnh vòng tay, kẹp tóc và nhất là không trang điểm gì hết, như khi đi làm. Có những lúc chẳng cần “điểm phấn tô son lại” cũng dám “ngạo với nhân gian nửa nụ cười.”
Đi mua thức ăn sáng cũng là đi tìm báo để đọc, đôi khi được nhiều chuyện cùng cô bán hàng, xin đừng nhếch môi cười khểnh: “Còn phải bảo, các bà không nhiều chuyện thì ai vào đây!” Câu chuyện từ một tờ tuần báo đang gây sóng gió, khiến tôi tò mò vài điều. Tôi đánh bạo hỏi các anh đang ngồi quanh một chiếc bàn, trước hàng hiên tiệm bánh mì Đa Kao, có thể gọi tạm là cà phê vỉa hè, các anh ngồi gần các xấp báo biếu: nhật báo có Thời Báo – Việt Nam; tuần báo có V-Times và Việt Weekly. Tôi xin phép hỏi một câu: “Các anh nghĩ gì về tờ Việt Weekly?” Dĩ nhiên các anh cũng hỏi lại tôi tại sao tôi hỏi, và câu chuyện cứ thế miên man, không ngừng chỉ một câu hỏi.
Các câu trả lời: “Đọc vui vui vì Việt Weekly viết về mặt trái nhiều,” “Viết những điều các báo khác không viết,” “Viết và dùng chữ y như lúc tụi tui ngồi nói chuyện quanh ly cà phê nên gần gũi,” “Việt Weekly không có tin tức.” “Truyện ngắn một trăm chữ, của độc giả gởi đến đọc thích lắm, rất thật. Toàn những chuyện không được các báo khác đăng, như con cái ghét cha mẹ, vợ không ưa thích chồng, chồng ghét vợ mà phải sống với nhau. Nói chung là nói về những điều xấu, nói về những mặt trái không ai dám nói đến.” Cũng trong câu chuyện râm ran ngắn ngủi, tôi nghe khẳng định rằng: “Báo chí Việt Ngữ sẽ sống hoài không thể nào chết được, vì các con các cháu đang tập đọc báo, cha mẹ đưa con đi học Việt Ngữ tại các trường dạy tiếng Việt, tại các nhà thờ, các nhà chùa,” sau khi tôi nói: “Mai này khi chúng ta già và mất đi, không biết có ai còn đọc và viết báo nữa không?”
Tôi biết thêm rằng, như một thói quen người ta đi nhặt báo, nhưng có đọc hết hay không thì còn phải hỏi lại. Có người chất đống báo biếu trong nhà, đợi khi nào thong thả sẽ đọc, nhưng đợi đến khi thong thả, thì bao giờ có thong thả, thế nên một ngày đẹp trời, đống báo ấy buồn bã rơi vào thùng tái sinh (recycle) một cách ngậm ngùi đau đớn. Có một đề nghị rất hay, nhưng tôi không thể thực hiện được, là đi hỏi nhiều người, làm một cuộc trưng cầu ý kiến, rồi lấy tỉ lệ ai thích ai ghét ai chống v.v.
Tôi chỉ tò mò chút chút, xem báo chí Việt ngữ giữ tầm quan trọng trong đời sống của chúng ta, người Việt tha hương trên đất San Jose thế nào thôi mà. Qua buổi nói chuyện khoảng mười phút, từ câu hỏi đầu tiên của tôi, câu chuyện ngã sang các con các cháu học tiếng Việt, nói tiếng Việt, viết tiếng Việt, chuyện tờ tuần báo Việt Weekly theo cộng sản, ủng hộ khủng bố chuyên viết về mặt trái, đạo văn trên net không cần phải nói đến nữa.
Có anh khoe các cháu khoảng độ tuổi lên chín lên mười khoái đọc báo Việt Nam, đánh vần vang nhà, dĩ nhiên trong nhà có ông bà ngoại/nội (?).
Có anh kể trong gia đình anh có bà chị, sợ các con không biết nói tiếng Mỹ, nên uốn nắn dạy dỗ các con y như Mỹ, từ khi vừa chào đời, đến khi các con lớn, quay lại trách mẹ đã không cho con học tiếng Việt.
Tôi nhìn các con tôi, con của bạn tôi, khi các cháu còn học tiểu học – trung học, có thể bị các bạn bản xứ học cùng lớp châm chọc, hay nói những câu làm các cháu xấu hổ nên muốn che dấu nguồn gốc của mình, nhưng khi lên đại học các cháu biết, không thể nào đồng hóa cùng dân khác màu da, khác phong tục tập quán, nhất là đâu đó trong huyết quản vẫn là Việt Nam, chỉ một Việt Nam, nên các cháu tìm về nguồn cội.
Tôi khoe ngay về tấm thiệp con gái viết cho mẹ bằng tiếng Việt, dĩ nhiên cháu viết cho tôi bằng những câu ngắn, văn phong cụt ngủn không thể mượt mà như suối, dấu ngã dấu hỏi khi đúng khi sai, giống hệt như tôi viết cho cháu bằng Anh ngữ. Hai mẹ con trao đổi như thế, để tôi có dịp dạy cháu viết tiếng Việt, đổi lại cháu dạy tôi viết cho đúng ngữ pháp Anh văn, và cũng để hai mẹ con cười giòn tan trên điện thoại. Cháu bắt đầu đi học tiếng Việt năm lên lớp 6, có năm học ngày thứ bảy, có năm học ngày chủ nhật. Đưa con đến trường học Việt Ngữ, thời gian con học đánh vần là thời gian cha mẹ lang thang đi chợ, hay đi bộ vòng vòng đợi đến giờ đón con, cộng đồng Việt Nam thật tuyệt vời trong việc giữ gìn tiếng Việt, tôi kính phục các anh chị đã bỏ công sức nuôi dưỡng tiếng Việt.
Ngay bây giờ tôi vẫn đang học viết tiếng Việt, viết sao cho đúng cách, viết sao cho dễ hiểu và quan trọng nhất là viết sao cho đủ cái tình của tôi yêu tiếng Việt. Tôi nhớ khi còn bé khoảng tám tuổi, trong khu xóm Vườn Chuối quận Ba, buổi sáng tôi đứng tựa cửa ngóng anh đưa báo. Anh kẹp bên nách một bìa cứng rộng gần nửa thước, dài gần một thước, bên trong là báo, xấp báo còn nguyên chưa gấp. Đến trước cửa nhà tôi, anh quỳ xuống, nhẹ nhàng đặt tấm bìa trên thềm đá hoa, cẩn thận mở nó ra, lựa đúng một tờ trong xấp báo gồm có Con Ong – Chính Luận – Tia Sáng – Độc Lập đưa cho tôi . Tôi không nhớ rõ tên báo anh giao cho nhà tôi lúc ấy là gì, nhưng mùi mực in mùi báo mới, thì tôi còn nhớ, nhớ rõ lắm. Nhớ cả lời anh bảo: “Em đưa báo cho bác giúp anh.” Anh quen thuộc với tôi đến hơn bốn năm.
Ba tôi đọc xong báo, rời nhà đi làm, là tôi ngấu nghiến đọc báo. Tôi đọc từ trang đầu đến trang cuối, đọc từ cái tựa đến tin buồn, chia vui, ngay đến mục xe cán chó – chó cán xe chữ nhỏ xíu tôi cũng đọc. Tiếu Ngạo Giang Hồ – Cô Gái Đồ Long tôi ngóng mỗi ngày dù chẳng hiểu truyện viết về cái gì, trang của bà Tùng Long tôi cũng đọc nốt, dù bà chuyên viết những lời khuyên về tình yêu đôi lứa, khi ấy vắt mũi chưa sạch, tôi cũng đọc ê a. Lúc ấy ba tôi không biết tôi đọc báo, vì ông mua tuần báo Tuổi Hoa cho tôi mỗi thứ bảy, những quyển truyện ngắn thiếu nhi tôi cũng có, truyện bằng tranh được phóng tác chất đầy trên kệ. Cho đến khi tôi vui mừng đưa ông xem bài tôi viết, được đăng trong trang Búp Bê. Ông tròn mắt nhìn tôi không tin tôi có đọc báo, nhưng ông phải tin vì nếu không đọc báo, làm sao biết mà gởi bài đăng báo?
Ba tôi quí anh giao báo lắm, thuở ấy người đi giao báo thường là sinh viên, họ bán và giao báo đến tận nhà. Anh ấy sau này là ông bác sĩ, tôi không biết anh đã sang Mỹ hay còn ở Việt Nam. Bây giờ tôi đọc báo ít hơn ngày tôi còn bé, nói ra thật xấu hổ, nhưng ngày còn bé chỉ có đúng một tờ báo, ba tôi chọn để mua đọc, cũng như những quyển sách, những tuần báo ông lựa mua cho tôi, ít nên quí chăng? Bây giờ báo vứt đầy mọi nơi, ngay cả báo được bỏ vào thùng cũng bị vương vãi ra ngoài, tôi thấy báo để dưới đất, muốn tìm chỗ đặt nó lên, nhưng biết đặt vào đâu? Tôi đọc hết mọi thứ từ bề phải đến bề trái, tôi biết rõ thế nào là trái thế nào là phải để đọc, vì tôi đã sống hơn nửa phần đời, chỉ lo lắng cho các con các cháu, còn non nớt trái phải chưa phân minh.
Tôi chợt nghĩ, nếu ngày xưa ba tôi mua cho tôi đọc những truyện Thiên Linh Cái, những câu chuyện vô nghĩa thất nghì, những câu chuyện đả phá xã hội, những câu chuyện mang danh đổi mới thì bây giờ tôi thành con người thế nào nhỉ. Sách báo mở mang kiến thức, sách báo nâng cao dân trí, sách báo cung cấp thông tin, hay sách báo đi theo thị hiếu là do người sáng lập tờ báo. Lựa chọn báo để đọc là phần của độc giả thích báo bổ hay báo đời.
Cám ơn các anh ngồi uống cà phê trước tiệm bánh mì Đa Kao sáng thứ sáu, thế là các anh biết tôi là người “lắm chuyện” rồi phải không. Xin hỏi một câu mà thành những năm sáu câu, cuối cùng không nhớ mình đã hỏi gì.
autim