Tại Sao?

Tôi không biết phải trả lời tại sao, cho câu hỏi “tại sao” tôi hay được hỏi lúc này, qua email, qua những tin nhắn riêng tư, và ngay cả khi gặp mặt các thành viên trong gia đình – các bạn hữu, thân hay không thân, ai cũng có câu hỏi “tại sao” để hỏi.

“Tại sao cháu mất!” tôi ghi dấu chấm than, không là dấu chấm hỏi, vì chính tôi cũng tự hỏi mình “Tại sao con mất, con ơi!”
Đã là 40 ngày qua, cơn chấn động dường như lắng xuống, nó có lắng thật sự không tôi cũng không biết nốt, chỉ biết riêng phần tôi dù không đau đớn, dù đã chấp nhận nhưng tôi vẫn nhớ và khóc, khóc một cách nấc nghẹn, không chỉ là nước mắt tràn ra. Tôi biết tôi đã cố gắng ghìm giữ nén, để sống như không có gì xẩy ra, nhưng nó đã xẩy ra cơ mà!
Không ai thắc mắc khi một người ra đi sau cơn bệnh trầm kha, sau các ca phẫu thuật. Người ta có thể cảm thấy hạnh phúc khi nghe tin một người lớn tuổi được ra đi, khỏi phải sống một cách cô đơn buồn chán trong viện dưỡng lão với đủ mọi loại tật bệnh lặt vặt. Nhưng sự ra đi bất ngờ của một thiếu nữ hai mươi tuổi hoàn toàn khác hẳn. Tai nạn gì bệnh tật gì tại sao – tại sao và tại sao?
Năm hai mươi tuổi tôi cũng đã khổ lắm, khổ đến độ tim đau muốn vỡ khi toàn bộ tiền bạc trong nhà phải đem đi vứt bỏ, nhìn người ta cắt góc nó vứt vào bao rác, đưa lại cho mình 200 đồng, có hình ông hcm, lúc ấy vẫn gọi là tiền “cụ” .
Toàn gia đình tôi, không còn bố mẹ, có thêm cô ruột của tôi, người phải trở lại cuộc sống đời thường, không còn được sống trong dòng tu như trước nữa. Tôi ngơ ngác xoay trở, học cách sống mới trong hoàn cảnh ngặt nghèo – cô của tôi còn ngơ ngẩn hoang mang hơn, cô đốt hết tất cả mọi quyển nhật ký của Bố tôi viết trước năm 1945 ngày còn thanh niên ở miền Bắc. Sau khi đất nước phân đôi bởi vĩ tuyến 17, di cư vào Nam ông mang những quyển nhật ký ấy theo viết tiếp.
Tôi là con gái lớn của Bố, tôi mê đọc sách, tôi thích viết giống Bố, tôi viết tràn lan nhưng không viết nhật ký. Tôi tự hỏi: “Không biết Bố có hay, con đã đọc hết các điều bố viết trong nhật ký không?” Tôi say mê đi theo Bố tôi trên con đường gập ghềnh di tản từ miền quê Nghĩa Ải – Hà Đông yên ấm lên Hà Nội, phải sống một cách “chui nhủi” để không bị bắt vì tội danh con “địa chủ” – tôi đọc giai đoạn ông không có tiền để đóng học phí, phải học qua cửa sổ, sau đó cha hiệu trưởng biết được, nhận ông vào trường, nhừng điều tôi đọc từ Bố tôi nhiều vô kể, ông viết rất chi tiết, ngay cả quyển gia phả ông lập từ ông Cố ông Sơ, cô của tôi đốt hết vì sợ bị xét nhà, bị bắt v.v dù họ đã bắt Bố tôi đi mất rồi.
Mấy chục năm qua, tôi chỉ nhớ đôi điều chính yếu Bố tôi đã viết – từ mối tình đầu không trọn vì bà nội tôi ngăn cấm, đến lần Mẹ tôi giận ông khi ông đi nhẩy đầm bị quân cảnh giữ qua đêm, tội đi sau giờ giới nghiêm, để mẹ một mình ở nhà trong khu trại dành riêng cho sĩ quan huấn luyện quân sự, trung tâm nhập ngũ số 3 Hóc Môn – Gia Định . Ông còn giữ cả tờ thư ông viết xin lỗi mẹ tôi trong đêm đó nữa.
Lần Bố viết cho Mẹ tôi sau khi Mẹ tôi bị tai nạn xe mất đi vào năm 39 tuổi, Bố tôi trách Mẹ tôi đã không để ông lo hậu sự cho mẹ lần cuối, mà trả lại số tiền nhiều hơn tiền ông tổ chức đám ma cho mẹ một chút, bằng tờ vé số Mẹ tôi mua trước khi bị tai nạn, Bố Mẹ tôi đều ít khi nào mua vé số, chẳng biết vì lý do gì Mẹ tôi lại mua vé số ngày ấy.

Niềm tin vào Thiên Chúa, Mẹ Hằng Cứu Giúp cho tôi chút sức mạnh, nguồn sức mạnh tôi có lớn nhất lúc ấy là ngày tôi gặp lại Bố của tôi, tôi phải sống, tôi phải gìn giữ gia đình của tôi thế nào để khi Bố trở về còn nguyên vẹn như thế. Tôi có dại dột làm những điều sai vì đang tuổi mới lớn ngông nghênh, tin mình có thể hô phong hoán vũ, lấp biển vá trời, cùng lúc phải chống chọi với nhiều điều phi lý từ người lớn áp đặt, bắt tôi phải làm. Có lúc tôi muốn chết cho sướng thân!

Ngẫm nghĩ thế, tôi liên tưởng đến cháu của tôi, không biết cháu có điều gì đau đớn khổ sở để muốn chết giống tôi ngày xưa hay không ?
Tuổi trẻ sống trên quê hương của người ta, tiếng ngoại quốc giỏi hơn tiếng mẹ đẻ, nói chuyện với các cháu, từ ông bà đến cha mẹ, đôi lúc phải hỏi lại để hiểu chính xác các cháu muốn nói gì! có thể thế hệ thứ hai thứ ba sẽ không còn bị vấn nạn này, nhưng với thế hệ đầu tiên đây là nỗi khổ tâm không cách gì diễn tả ra hết .

Người Ấn – người Phi họ học vỡ lòng bằng tiếng Anh tiếng Mỹ – người Mễ không cần biết tiếng Anh nhiều, họ thoải mái dùng tiếng Mễ nói với nhau, mọi dịch vụ chung quanh đều có thêm ngôn ngữ của họ. Tiếng Việt bây giò tại những nơi cộng đồng Việt Nam cư ngụ cũng bắt đầu được dùng để giúp người chưa thông thạo tiếng bản xứ. Thế hệ của tôi, còn có thể học cách nói năng cho đúng giọng, nhưng viết ra được ý tưởng của mình còn rất khó, chẳng có bao người – cho dù bằng cấp thật nhiều, sao cũng phải nhờ các cháu sửa lỗi chính tả, sửa lỗi văn phạm. Nói chuyện với con với cháu, cả hai đôi lúc nhìn nhau phì cười hay nhìn nhau cau mày khó chịu – chẳng thế nào hiểu hết ý nhau, ngoài những chuyện thường ngày chào sáng, chào trưa, chào tối, khỏe không? ăn ngon không, ngủ ngon không? Cho đến ngày các con trưởng thành, lập gia đình, may mắn có con dâu con rể nói cùng ngôn ngữ – gặp con dâu con rể không nói tiếng Việt với mình, đuợc xem như “kém may mắn”.
Bác cháu tôi cũng thế! Nói chuyện pha đủ thứ tiếng, cháu cũng học Việt Ngữ dậy Việt Ngữ, nhưng chắc chắn một điều, biết tiếng Việt cho có cho vui, cốt lõi hiểu biết thâm trầm phải là ngôn ngữ cháu nghe từ lúc chào đời, từ khi nằm nôi cho dù chỉ vài ngày trong bệnh viện.
Người ta hay nói, khi mình gặp điều gì bất như ý, khi ấy mới nhận ra rằng thế giới chung quanh có xảy ra những trường hợp y như thế. Trong gia đình có con cháu chết trẻ mới hay bạn bè, những người quen thuộc chung quanh cũng đã từng vượt qua nỗi đau khổ ấy.
Tôi phải trả lời thế nào cho câu hỏi “Tại Sao?” này, đã hơn một tháng rồi, tôi vẫn không có câu trả lời. Chết là ngưng thở, tim không đập nữa! Nguyên nhân thì vô cùng vô tận, bệnh – tim yếu – ngạt hơi – căng thẳng quá – đau khổ quá – ấm ức quá. Phim truyện tận dụng tất cả mọi nguyên nhân từ y học phổ thông – họ khéo léo giàn dựng thêm các chi tiết giả tưởng, cộng với vài điều chưa giải thích được về cõi vô hình để câu chuyện thêm hấp dẫn, cháu tôi chết cũng là tim ngưng đập, không thở nữa. Tờ giấy của cảnh sát viết gì không biết, giấy từ sở y tế công cộng cho phép được chôn thiêu tôi cũng không được đọc. Những thủ tục cần thiết sau khi gia đình có người mất đi tại nhà, nếu là già yếu thì có bác sĩ đến tận nhà chứng nhận qua chương trình hospice. Cháu tôi còn trẻ gọi cấp cứu, cảnh sát đến lập biên bản xong mang đi khám nghiệm, tìm tòi khắp phòng xem có điều gì lạ, có bị . . . gì không? Ra khỏi nhà rồi là hết – là xong không còn ai thấy nữa hết, ngoài hình ảnh ngoài nhớ thương đau đớn còn lại trong lòng người thân của cháu.
Chỉ được nhìn mặt lần cuối khi đã thu xếp xong chương trình hậu sự, mướn được nhà quàn, ngày giờ cha có thể làm lễ – ngày giờ thiêu hay an táng – gởi cáo phó – in chương trình buổi lễ nhà thờ. Hình thức tang lễ khác hẳn tại Việt Nam, mất rồi chết rồi vẫn còn xác trong nhà ít nhất 3 ngày trước khi đưa chôn hay thiêu.
Tôi nghe hơn ba lần câu hỏi: “Bây giờ xác cháu đang ở đâu!” tôi không nhớ tôi có trả lời gì không nữa, còn câu hỏi “Tại Sao?” nếu dùng ngoa ngữ có thể lên đến ngàn lần. Gia đình tôi có đạo, nên sau khi cháu mất, hội đòan, bạn bè thương yêu tự lập thành nhóm đến nhà đọc kinh cho cháu, đây là niềm an ủi vô tận cho gia đình gặp cơn khốn khó. Phải đối diện với sự mất mát, tinh thần và niềm tin giúp người ở lại mạnh mẽ hơn. Cũng là cách nhắc nhở, có bàn tay vô hình nào đó xắp xếp mọi việc, từ khởi đầu đến khi kết thúc một đời người.
– Tại sao cháu không đau không bệnh, chết! Có thể nào cháu dại dột uống thuốc hay làm gì đó . . .
– Tại sao . . .
– Tại sao . . .
Có nhiều sự thật người ta nói ra, người nghe không chịu tin vì muốn nghe câu trả lời theo ý mình đóan. Cũng có nhiều sự thật người ta không muốn nói ra, hoặc giả nói ra cũng chẳng níu kéo lại được gì.
Và muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại Sao?” sau khi cháu Crystal ra đi cũng trong trường hợp này!

Tôi thật sự không biết tại sao cháu chết trẻ quá như thế, cháu có thật sự muốn chết trẻ như thế không? Tôi gào khóc hỏi cháu khi đưa cháu đi, tôi thì thầm hỏi cháu khi ngồi trong phòng cháu đã sống bao năm, chỉ có cháu trả lời được, mà cháu đã đi mất rồi.

Thôi thì tôi đành im lặng khi nghe hỏi: “Tại Sao?”
Nhớ HN cô em gái thứ hai hóm hỉnh của tôi nói trong nghẹn ngào:
– Chị quên ghi câu “Xin miễn hỏi tại sao.” sau câu Xin Miễn Phúng Điếu và Vòng Hoa trong thiệp cáo phó.

Như Thảo của bác đang cười trêu bác phải không? Nếu là con, con sẽ trả lời thế nào? Bác biết rồi, con cúi mặt, mắt nhìn xuống ngón chân và mỉm cười: “Bác Hoa ơi, con không biết mà!”

Bác nhớ con lắm, con biết không Thảo ơi!

12 Replies to “Tại Sao?”

  1. Chào chị Như Hoa. Quả thực có vô vàn câu hỏi “tại sao?” mà ta không bao giờ trả lời được. Mà nếu có một trả lời nào đó thì cũng chẳng biết đúng hay sai. Có một điều chị và tôi biết, đó là “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Crystal đi vào cuộc sống khác chứ không mất đi. Tôi tin cuộc sống mà Crystal đang sống giờ phút này hạnh phúc và tuyệt vời hơn cuộc sống của cháu trước đây. Thiên Chúa là tình yêu mà! Nói như vậy không có nghĩa là ta không buồn vì thương nhớ người thân yêu bỏ đời này đi về đời sống mới. Thân mến.

    Thích

    1. Biết thế mà sao vẫn, niên trưởng ạ. Nhờ có bạn bè “vỗ lưng” at cũng được nguôi ngoai phần nào, thương nhất là em gái của tôi, mẹ của cháu Th . Đây là nỗi lo lớn nhất của tôi bây giờ .
      Cầu xin an lành đến nt và gia đình .

      Thích

  2. Hôm qua đọc xong hoang mang mà không biết chuyện gì… thiệt tình em lơ đảng quá, lâu rồi kg liên lạc với ai… vô ôm chị một cái… thương nhiều nghen chị

    Thích

  3. Chi. o*i,

    Em mong chi. va` gia ddi`nh mau vu*o*.t qua no^i~ buo^`n cu`ng nhau. O*? mo^.t go’c kha’c, Crystal ddang ha.nh phu’c vo*i’ ddo*i` so^’ng mo*i’ chi. a.!

    Love,
    Be’ Tram

    Thích

Nhận xét về như hoa ấu tím Hủy trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: