Tuần trước con chết, sáng nay chồng mất tích không biết gà có biết buồn không?
Cục ta cục tác đẻ ra mười hai cái trứng bắt đầu từ ngày 29 tháng 8, bị người ta ăn mất bốn, nằm ổ từ ngày 9 tháng 9, đến ngày 30 tháng 9 nở hai con, niềm vui vỡ òa rạng rỡ . . . . ngày thứ năm 3 tháng 10, trứng thứ 9 được người ta bóc ra giúp, để em bé cuối cùng đứng dậy, mở mắt liêu xiêu chui vào lòng mẹ. Đã nằm ổ rồi còn ráng đẻ thêm một trứng “Bất ngờ”, trứng không được đánh số.
Thế mà tối thứ sáu, 4 tháng 10, vì lý do gì không biết, cả chín con chết lạnh.
Sáng hôm qua, còn tíu tít chạy trên sân cỏ, đứng dưới chùm hoa hồng dưới ánh nắng mai sáng lóa. Sáng nay, nghe tiếng con trống thảng thốt thét, tiếng con mái hốt hoảng rồi thì . . . . phải tìm mọi cách bắt con mái về, cô nàng bay vòng vòng sang hàng xóm, còn con gà trống không thấy bóng dáng nữa – Chim to cắp đi mất, hay mèo tha, hay con gì . . . . con gì kinh khủng bắt mất.
Lấy tình của con người đặt vào con gà mái, hẳn khó có thể chịu đựng nổi, nhưng đặt mình vào thiên nhiên, những con vật hung dữ to lớn thường khó kiếm được miếng ăn.
Có thể con chim ưng vừa cắp mất con gà, chim ưng có được một ngày no nê, ngay cả nó có được mồi ngon cho các con đang chờ trong tổ.
Các chú gà con vừa nở được chôn dưới gốc cây chanh dây, biến thành món ngon cho đất, cho cây đâm chồi nảy lộc cho hoa.
Thiên nhiên tuần hành theo lẽ tự nhiên có mất – để sống còn để cân bằng sinh thái.
Ngẫm sao thì ngẫm, nghĩ sao thì nghĩ lòng mình cũng cứ thiu thỉu buồn hiu – gió thu lạnh, có phải tại thu? Không phải đâu, tại mất gà!
https://www.facebook.com/nhuhoa.autim/media_set?set=a.10153113301115226.1073741840.799195225&type=3
– Hôm qua con trống đã tự tìm đường trở về, chắc là mèo đã làm cho nó hốt hoảng bay đi lạc.
Tìm ra lý do tại sao gà mẹ bỏ không ấp, để đàn gà con lăn ra chết là như vầy: Trong chuồng phải có ba hay bốn con gà mái, khi có con, gà mẹ sợ gà khác chiếm con sẽ nằm ì ấp con mình. Chỉ có một con gà mái, nàng sẽ theo chàng đi ngủ bỏ con. Thế giới loài gà hoàn toàn khác thế giới loài người.