Cô em thứ hai của tôi có năng khiếu âm nhạc, nghe gì thành âm thanh ấy trên đàn mandoline, đàn guitar, đàn tranh, cô mang tên loài hoa kiêu kỳ khó tính Hồng Nhung, và đúng thế cô nàng kỹ lưỡng đâu ra đó, từ học hành đến cách sống, tôi sởi lởi gà tồ bao nhiêu cô này chín chắn nghiêm trang bấy nhiêu, lúc nào cũng chỉnh tề từ cách ăn mặc đi đứng. Bố tôi ra tiệm bán xe đạp Martin trên đường Hiền Vương, kế bên tiệm bán hòm Tobia đặt cho cô chiếc xe đạp màu xám có chiếc túi các ông đưa thư máng trên yên xe sau, thay vì hai bên, chỉ có một bên tay trái, mãi đến bây giờ chị em chúng tôi những khi có dịp họp mặt kể chuyện cô lại nhắc đến chiếc xe đạp này, toàn bộ phụ tùng được nhập từ Pháp, xe hiệu Peugeot sườn xe, ghi-đông xe, tất tần tật bằng sắt bóng loáng, lại thêm cô chủ cẩn thận, chiếc xe chẳng bao giờ có bụi đất bám dù trên chiếc niềng xe.
Bà vú nuôi cô có dáng dấp không cao lắm, cô giống như bà, cho dù khi lên mười tuổi, bác sĩ đã cắt bỏ hạch hạnh nhân – amiđan (tonsil) trong cổ họng cho cô. Tôi nhớ bố tôi mang cô đến văn phòng bác sĩ, bác sĩ xịt thuốc tê vào họng, cho cô uống thuốc chi đó, rồi dùng dụng cụ như dây đàn guitar thắt thòng lọng, siết cắt hạch (!) sau đó cô phải ngậm đá để không bị chảy máu. Tôi lớn hơn cô vài tuổi nên theo bố tôi đi mọi nơi, ngay cả đưa em đi bác sĩ. Khi cô được cho về nhà, ừ lúc ấy chỉ cắt amiddan thôi cũng được giữ lại qua đêm ở nhà bác sĩ, trên đường Bùi Chu gần trường Nguyễn Bá Tòng và nhà thờ Huyện Sỹ. Chỉ một đêm thôi, mà tất cả chị em chúng tôi khi đi ngủ thiếu cô, trăn trở mong đến sáng để đón cô về. Tất cả năm chị em chúng tôi ngủ chung với nhau từ bé, cái mùng ba mét dài hai mét ngang, giăng hết một phòng trên gác, gỗ sàn bóng như được đánh vẹc ni. Giờ đi ngủ là giờ chị em chúng tôi thì thào giỡn hớt, không chuyện này thì chuyện khác rồi cười khúc khích, có những hôm kể chuyện ma xong, tối không dám đi xuống gác một mình, đánh thức cả một bày dậy xuống nhà đi tiểu. Bố mẹ tôi ngủ ở dưới nhà bị thức giấc theo. Đây là nguyên nhân để bố tôi huấn luyện cho chị em chúng tôi không được sợ ma bằng cách: tắt hết đèn, bắt từng đứa lên gác lấy sách mang xuống cho bố. Tủ sách mãi tít gần ban công, thang gác ngay trong nhà bếp nghĩa là phải đi hết chiều dài căn gác mới lấy được sách. Căn gác dài hơn tám mét, tôi nhớ khi ấy nó dài thăm thẳm hun hút không tận, đã thế khung cửa sổ lung linh ánh sáng đèn đường hắt vào, khiến khung cảnh càng thêm “thấy ghét”. Không biết các cô em gái của tôi có cảm giác thế nào, riêng phần tôi thấy lạnh sau lưng, gai ốc nổi khắp châu thân, cảm giác có ai đó đang nhìn mình trong bóng tối, hai tay quơ quơ muốn chụp lấy mình, khuôn mặt mờ ảo không thấy rõ, tôi nện chân thật mạnh tạo tiếng động, đuổi nỗi sợ hãi. Bố tôi khuyến khích con bằng cách nói vọng lên: Vài bước nữa thôi con ạ! Câu nói này của Ông theo tôi suốt đời mình, khi tôi gặp bất trắc trong đời sống: Vài bước nữa thôi sẽ qua, sẽ đến đích.
Trước ngày dọn về ở khu Vườn Chuối, quận ba, gia đình chúng tôi ở trong khuôn viên trại Nguyễn Tri Phương, trung tâm nhập ngũ của Việt Nam Cộng Hòa, hai chị em Như Hoa Hồng Nhung, đã làm cả trại Nguyễn Tri Phương náo động vì tôi đem em tôi trốn vào sau đài Đức Mẹ sau giờ học, chú lính lái xe jeep đưa đón chị em tôi không thấy chúng tôi đâu, bao nhiêu người phải đến trường để tìm, các sơ trong nhà thờ cũng hốt hoảng, trong lúc ấy, tôi và em tôi đang chơi chung với các bạn sau hang đá, hoa loa kèn, hoa móng tay, lá điệp đủ mọi cây cỏ chung quanh được chúng tôi dùng như các món ăn để đãi tiệc ngày Tết. Mới lên tám tuổi tôi đã biết phá, nếu thằng Đạt con của ông đại úy kế bên nhà không chạy ra hái thêm hoa loa kèn, thì chẳng ai tìm ra cái hang nhỏ nơi chúng tôi đang trốn trong đó. Kết quả của buổi “phá lệ” làm náo động mọi người ấy, tôi bị nhốt trong phòng không được ra phòng khách chơi với các em, Hồng Nhung được tha vì là em theo chị. Khuôn viên của trại Nguyễn Tri Phương đối với chúng tôi mênh mông vô tận nhưng không đủ chỗ để chơi vì có nhiều tai mắt của bố, văn phòng làm việc của Bố tôi cách dãy nhà chúng tôi ở là một khoảng đất rất rộng, đầy những cây bã đậu trồng dọc theo đường đi, nơi các chú lính phải đi tập một hai ba bốn, trong khi tôi ngồi trên sân cỏ nhìn, các chú đến rồi đi, nhưng ai cũng biết tất cả những đứa trẻ sống trong trại, không là con của thiếu tá Tiệp, cũng là con ông đại úy Đức, ông Đại úy Văn, ông đại úy . . . (sao tôi lại quên tên bác này nhỉ tôi chơi với con gái của bác thân lắm!) chỉ bốn gia đình sống trong trại, bác Tiệp các anh chị đã lớn không nghịch dại như chúng tôi, nhưng lại chỉ cho chúng tôi bao nhiêu cách phá, đại úy Đức có đến 12 người con, tôi chỉ chơi với Đức vì học chung lớp, tôi gọi Đức là đầu dẹp, cái đầu của nó hình vuông nếu nhìn từ phía sau. Nhà của Đức đến Tết vui lắm, tôi sang đó để xâm củ gừng cho bác Đức làm mứt, mỗi lần bác làm là ba chậu gừng, cái chậu to hơn vòng tay ôm của tôi.
Chúng tôi thích chui qua rào cản sang khu gia binh vui hơn, bên ấy có nhiều bạn và nhiều thứ để nghịch hơn bên này: Cá lòng tong bơi trong các ao rau muống, bẻ mía lau nhai đến gãy răng chảy máu, hái ổi non ăn đến nỗi đau cả bụng phát sốt. Đến bây giờ cô em tôi kể thêm chuyện cô bị mẹ mìn bắt cóc vì đi theo tôi hái trái trâm, tôi chẳng hay chẳng biết, đến khi cô khóc la, thì một chú lính thấy bắt bà ấy lại.
One Reply to “Nhớ Lại! Để Quên. 2”