Mỗi lần lên xứ Ngàn Xanh về là lòng nhớ nhung lưu luyến không nguôi, nỗi nhớ hạnh phúc, nỗi bồi hồi nhìn từng góc từng khung kỷ niệm! Con người có tổ có tông, có một nơi để về để nương để tựa. Gia đình bác Cả của tôi nơi cho tôi cảm giác ấm áp ấy.
Khi còn Bác, từ phi trường bước vào nhà là bàn thờ có hình ảnh ông bà Cố – ông bà Nội lung linh ánh nến, dù chỉ dùng nến điện, gặp bác tôi lại thấy Bố của tôi bên cạnh. Thập niên 1970, khi gia đình tôi có cậu Út Chương, con đỡ đầu của bác, chiều nào đi làm về bác cũng ghé nhà tôi ở quận 10, trước khi về nhà bác khu nhà thờ Ba Chuông giáo xứ Đa Minh. Lý do tôi yêu kính nhớ thương bác tôi vô cùng vô tận.
Bác tôi có đông con, ai cũng chấp nhận các em con chú – con cô như ruột thịt. Tôi lớn nhất nhà, nên đám cưới các cô chú – anh chị tôi đều có mặt, chuyện gì tôi cũng biết, nên khi được gặp lại đại gia đình là lúc tôi hồi tưởng, là lúc các hình ảnh xưa cũ nhẹ nhàng hiện lên trong trí nhớ của tôi rõ như vừa mới hôm qua.
Lần này về nhà – tôi dùng chữ “về nhà” vì đó là cảm giác của tôi khi lên máy bay đến Seattle, dự đám cưới của cháu con của chị Quý – bà chị đẹp như thánh Cecilia của tôi. Chuyện tình của hai anh chị tôi cũng biết và chọc ghẹo hai người bao nhiêu lần, cũng như Bố của tôi đã hỏi chị: “Bao giờ cho chú uống rượu!” Mà ngày chị lấy chồng Bố của tôi lại không có mặt, các bác cũng không. Ngày 28 – 29 tháng 4 năm 1975 cả Sài Gòn hỗn loạn, gia đình bác tôi lên tàu tại bến Bạch Đằng, chị Quý và anh Cường chồng của chị bị lạc không đi được, cũng như gia đình tôi, Bố và chúng tôi không muốn đi nên đã lên máy bay di tản theo nhiệm sở của Bố tôi USAID, lại xuống đi về nhà. Từ khoảnh khắc ấy, tôi và chị Quý của tôi bắt đầu đời sống khác, đời sống với cộng sản. Bố tôi bị chết trong trại cải tao. Chúng tôi hiểu chữ chia ly, hiểu nỗi – nước mất nhà tan.
Các chị con của Bác tôi ai cũng đẹp dịu dàng, hiền hòa, ngay cả hai chị út sống ở xứ người từ khi còn rất bé vẫn giữ tính cách hoàn hảo của “cô gái Việt” đây là món quà không ai mua được, truyền từ bà – đến con – đến cháu – đến chắt. Lo lắng cho chồng con, khung bếp là nơi thánh địa để nuôi dưỡng phụng thờ gia đình ấm áp.
Chị Quý của tôi cũng thế, khung bếp của chị mái ấm của chị tràn đầy hoa hồng nhung yêu thương.
Ngày cưới của chị tôi sau năm 1975, tôi đã làm hoa cưới, kết hoa vào áo, vào voan
bây giờ đám cưới con trai của chị, các cháu cũng tự tay làm đủ mọi việc, từ thiệp cưới đến kết hoa kết lá. Chị Quỳnh, bác lớn nhất trong nhà cũng vào bếp nấu xôi – làm bánh, đến cả cháu rể Phi chồng của Quý Khuê, con gái đầu lòng của anh chị cũng vào bếp, nấu món nào hết món ấy vì quá ngon, bà dì ao ước chồng của mình cũng biết nấu y như thế.
Lễ cưới trang trọng ướp bằng tình yêu thương của gia đình dành cho cháu, chú rể tuyên hứa yêu thương vợ trước hội thánh, trước gia đình đã khóc mùi mẫn làm cả nhà thờ xụt xịt khóc theo vì cảm được tình của cháu, trách nhiệm cháu lãnh nhận khi thành lập gia đình mới, ai cũng thấy làm dâu của các chị tôi là may mắn, là có thêm Mẹ để được Mẹ yêu thương, nấu cho ăn, giữ con cho đi làm.
Đi đám cưới bao nhiêu lần, chỉ đám cưới của các cháu tôi, tôi mới thấy rộn ràng tình yêu thật sự, không xa hoa phù phiếm, các cháu nghĩ đến từng người trong gia tộc, trân trọng từng nụ cười câu chào hỏi. Ông bà, cô chú từ xa đến, các cháu lo đưa đón, lại chiều chuộng chở đi đây đi đó, cho dù các cháu chỉ biết chỉ nhớ mang máng vì khi biết Ông Bà, Cô Dì các cháu còn rất bé.
Chồng của tôi khen các chị em trong gia đình ai cũng đẹp, ngắm hình mới thấy ai cũng có nét giống nhau, nụ cười và ánh mắt.