Tháng 5 Nỗi Nhớ Tràn Về

Đã qua Tết, ngày rằm rồi còn gì! Ông trăng đến sáng bạch vẫn còn treo trước khung cửa sổ.
Đi làm ở Mỹ sau Giáng Sinh – Tết Tây, chẳng còn ngày nghỉ nào nữa – Sinh nhật Tổng Thống chỉ các cơ quan công quyền nhà trường là được nghỉ, các văn phòng hãng xưởng của  tư nhân phải đợi đến tháng 5 ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong.  Trước tháng 5 là tháng 4, ngày cuối tháng 4 cộng đồng Việt Nam luôn có những chương trình tưởng niệm nỗi đau lưu vong xa xứ, các bài hát các chuyện kể lại được nhắc đến, còn những bao nhiêu là ngày nữa mới đến ngày 30 tháng 4 mà đêm qua tôi lại nằm mơ một giấc mơ kỳ lạ.

Trong giấc mơ, tôi thấy hình ảnh  quá khứ trộn với hiện tại, California và Sài Gòn của tôi dập dìu trên những con đường tôi đã đi qua: Tú Xương, Yên Đổ,  Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Trần Quốc Toản, những góc cạnh lạ lùng xưa cũ ấy có vướng vất những hình ảnh của Calaveras BLVD – South Park Victoria – Free way 680 – 101 và cả con đường số 5 tôi hay đi xuống Orange County nơi được gọi là Thủ Đô Tị Nạn.

Đã bao nhiêu năm tôi tị nạn tại Mỹ? 1990 – 2016 tôi vẫn tưởng như chưa từng có ngày tôi xa quê cha đất tổ, chưa từng bao giờ tôi lìa chiếc nôi đã mang tôi vào đời với tiếng khóc oa oa. Trong giấc mơ kỳ lạ ấy tôi thấy cô giám thị hiền lành nhất trong các cô giám thị trường nữ tổng hợp Sương Nguyệt Anh, nơi tôi học cho đến ngày cuối tháng 4 năm 1975. Tôi đã hát và các bạn tôi đã khóc trong một góc phòng học sau ngày 30 tháng 4, khi chúng tôi cùng trở lại trường xem người nào còn, kẻ nào đã mất, mất vì lên tàu bay lên tàu thủy không đau lòng bằng mất vì cô bạn xưa mặc bộ đồ bà ba đen quấn khăn rằn đội nón tai bèo vào trường kêu gọi các bạn “tự giác” gia nhập đoàn này đảng nọ.  Cũng nụ cười đó, cũng khuôn mặt đó mà sao cảm giác lạnh sống lưng vẫn còn y như ngày cũ lúc này khi tôi đang ngồi gõ lại.

Bài tôi hát chỉ vài câu thôi:

– Muốn nói thêm đôi câu, trước phút giây từ giã, sân trường còn ai đâu? Những bước chân xa lạ!

Muốn khắc ghi hôm nay, bao yêu thương vội vã, sân trường phượng hoa lay, mất nhau trong mùa Hạ .

Naỳ bạn bè yêu dấu, tim ta quá xôn xao, nếu mất nhau một ngày ta e hồn bay cao

Này bạn bè yêu dấu cả đời còn thương nhau, nếu mất nhau dài lâu nhớ nhau hoài mai sau.

Ca từ ngô nghê, nhưng lúc ấy diễn tả đúng nỗi lòng của chúng tôi, các cô nữ sinh ngỡ ngàng không biết đời mình sẽ đi đâu về đâu vì bản án – “Con của Ngụy!”

Dấu đỏ gạch chéo trên tờ đơn xin nhập vào trường đại học Khoa Học là chứng chỉ cho riêng tôi nói riêng, các bạn cùng thời lận đận gia nhập trường đời, buôn chui bán lậu.  Cả đoạn phim dài cuộc đời tôi đã trải qua không ngắn, vì nó liên đới cùng các đoạn phim của các quân binh chủng, Cha – Chú – Cô – Dì – Cậu của tôi bị đày bị tù “cải tạo” Cha tôi chết trong trại, Dượng tôi bị bắn ngay cổng rào của trại khi ông lững thững bước ra không ngừng lại theo lệnh của bộ đội gác tù!

Những giấc mơ kỳ lạ nhắc tôi những thời đã qua – còn lại trong tôi ngậm ngùi nhưng không thảm thiết, tôi đang sống rất hạnh phúc nơi tôi chấp nhận là quê hương thứ hai của mình, có bao ân tình từ ngày tôi xuống sân bay San Francisco.

Với Khóa 26, tôi nhớ anh Hà Tấn Diên, người đã khiến tôi khóc tiếc nhớ rất lâu, đến bây giờ nỗi ngậm ngùi đã vơi theo cây mận mang tên anh.  Cây mận ngọt đẹp ấy đã được tôi hái mang theo mời tất cả các anh chị trong các buổi họp dã ngoại hè Võ Bị Bắc California bao nhiêu lần, mỗi lần như thế tôi lại nhắc đến anh Diên.  Mới sang Mỹ được anh dẫn đi hái trái cây trong vườn Brentwood, sau đó tôi ươm cây từ hạt của trái mình đã hái mang về. Sau khi anh mất, cây mận mang tên anh cho đến tháng 9 năm 2015, Nhà Tôi bắt buộc phải cưa đi vì rễ vì hạn hán và vì cây đã quá già cỗi.

Trong gia đình Võ Bị Đà Lạt, tôi nhớ những ngày Tất Niên – Tân Niên và Đại Hội lần đầu tiên tôi được tham dự, khi tôi được hát bài Quốc Ca khi tôi được cùng các chị chuẩn bị thức ăn, tập hợp ca và mặc màu áo xanh đồng phục trong đoàn Phụ Nữ Lâm Viên.  Chị Chấn, người chị trưởng đoàn ngày xa xưa ấy, dậy tôi bao nhiêu món ngon, tôi “mê” chị vô cùng, đến bây giờ tôi vẫn noi theo gương của chị, dù mệt mỏi thế nào nụ cười của chị luôn nở trên môi.  Bài hát Cô Gái Việt làm tình chị em của chúng tôi thắm thiết hơn khi mỗi tuần tôi được đến chị một lần để tập cho ngày hội được tổ chức tại San Jose, mỗi lần như thế là tôi được thưởng thức chả ốc, bún riêu, và bao nhiêu món ngon khác nữa.  Hai mươi năm trôi qua như gió thoảng, trôi theo dòng đời, việc làm, gia đình, sức khỏe và tùy duyên. Bao lần tôi không thể nào cùng họp với các chị, điện thư gởi báo ngày họp không hiểu sao trùng vào những ngày tôi phải đi đâu đó, hay phải xuôi Nam nuôi trông cháu, gặp gỡ các chị luôn vào những lúc ma chay buồn bã. Tôi yêu trang https://phunulamvien.wordpress.com/  nơi tôi biết bao nhiêu tin tức từ Nguyễn Kim Oanh, đoàn trưởng mỗi lần nhận điện thư tôi bồi hồi cảm động, tự hào mình cũng còn trong đoàn cho dù tôi không có thể họat động hăng hái như xưa, đành chấp nhận sự hạn hẹp thời gian và hẹn hò tương lai khi “giũ áo từ quan!” không phải “Sáng lái xe đi tối lái về!” cuối tuần lên xe đò Hoàng về Los Angeles hết cuối tuần cũng xe đò Hoàng lên San Jose.

Với đất nước mới, sau ba tháng đặt chân đến California năm tôi xin vào trường C.C.O.C.  (Central County Occupational Center) để học. Tuổi đã không còn trẻ nữa, bỏ học đã lâu lăn lóc với cuộc sống sau năm 1975, chữ nghĩa thời xưa tàn dần, tính toán buôn bán chợ trời, chợ phụ tùng xe đạp, làm kế toán cho các tổ hợp một cách “gian dối”  khiến đầu óc tôi mụ đi. Tôi dùng chữ gian dối vì kế toán viên phải vào sổ mỗi ngày, tôi chỉ làm việc đôi ba ngày cuối tháng trước khi phải nộp báo cáo. Ông tổ trưởng và thủ quỹ cho tôi kết toán của các ông muốn, sau đó tôi truy ra các số chi thu trong bảng đối chiếu biểu, bảng lương con số hoàn toàn không có thật, chỉ cần làm sao được các ông trên quận ký giấy cho rút tiền cất trong ngân hàng, xã hội chủ nghĩa muốn quản lý tiền của nhân dân, nên dân tìm đủ cách để chống lại một cách bất bạo động.  Để sống còn trong thời gian sau 1975, dân Sài Gòn trở thành ngơ ngác, không biết xoay trở thế nào, mọi việc đơn giản ngày xưa bỗng trở thành “phức tạp” đi ngược trở về thời chậm phát triển để được xem như đang phát triển. Việc trở lại trường học là giấc mơ không bao giờ tôi nghĩ đến.

Bắt đầu đời sống mới trên đất mới bằng con số không, số không tiền bạc và kiến thức. Tôi học sinh ngữ Anh Pháp, nhưng chỉ đọc  viết cho có điểm, học thính thị trong phòng kính của hội Việt Mỹ thì tôi ngồi làm thơ, tôi thù ghét môn học ngoại ngữ vì tôi không thích người thầy dậy tôi môn học ấy, tuổi trẻ luôn có chút  “ngu muội.”  Về nhà mỗi lần tôi tập đọc vang nhà thì bị Bố của tôi sửa và chê là “sai bét nhè”  xấu hổ tôi không tập nữa. Bố tôi bắt tôi đi học hè trường anh văn Nguyễn Ngọc Linh với bao nhiêu thầy hay cô giỏi, tôi chán ngán buồn ngủ, gàn bướng tuyên bố “Tiếng Việt học chưa hết, sao lại phải học tiếng người ta!”

Có biết phát âm đúng vài câu, chỉ nhờ mê các bài hát tiếng Anh được nghe qua giàn máy Akai   máy cassette, 1980 nghe tin có thể được sang Mỹ tôi vào học các lớp sinh ngữ ban đêm với bộ sách Streamline, được chụp lại trên giấy vàng xỉn hoen ố, các cô giáo thầy giáo dậy học ai cũng dễ thương, chỉ mỗi tôi là dễ ghét, học mãi không thấm vào đầu, cái đầu chứa bộ óc toan tính sao cho có cơm ăn mỗi bữa.

Vậy đó mà tôi thi để xét trình độ có đủ toán 10/10 và English được 8/10 dĩ nhiên a – b – c khoanh giúp cho tôi chọn câu trả lời đúng, thi vào các lớp dậy nghề quá đơn giản, thi chung với các học sinh trung học tôi chỉ thua chúng cách phát âm, còn toán và văn phạm tôi hơn là việc đương nhiên, nên nhìn kết quả chẳng có gì đáng hãnh diện, toán trình độ cộng trừ nhân chia, anh văn là chào hỏi là những câu rất “đời thường” chẳng dính dáng chi đến ngành nghề tôi muốn học. Và tôi được nhận vào học chương trình phụ tá nha sĩ – dental assittant. Lớp học này chỉ cần 6 tháng ngắn ngủi, sau đó tôi có chứng chỉ đã được đào tạo chuyên nghiệp. Trên báo địa phương lúc ấy ngày nào cũng chiếm 4 cột dọc cần người.

Từ nhà anh chị Hoàng Trung Nghĩa K26, (tôi sống chung với anh chị vào thời điểm ấy, tình bạn của Khóa 26 Bắc California đối với tôi như anh chị em ruột thịt) đến trung tâm C.C.O.C học, tôi dùng xe buýt chuyên chở công cộng, tuyến đường dài hơn một tiếng, cộng thêm thời gian đi bộ ra bến xe nữa là một tiếng rưỡi, đi về mất ba tiếng một ngày, cùng tám tiếng học trong trường, ngày của tôi thật ngắn, mùa đông đầu tiên trôi đi nhanh quá, tối tôi ôm quyển tự điển học đến một hai giờ sáng, có thì giờ rảnh cuôí tuần là phải tập lái xe, các con đi học khổ đằng đi học, chồng tôi làm việc ban đêm, sáng về tôi đã đi hai vợ chồng không có thì giờ để cãi nhau.

Nhớ lại khi ấy, không ai hiểu điều tôi muốn nói, có cây bút và tờ giấy tôi ghi chữ xuống người ta hiểu ngay. Bạn bè người thân thuộc quen biết ai cũng bảo tôi phải vào học ESL trước, những lớp học dạy cho người ngoại quốc mới vào định cư tại Mỹ, tôi cũng có vào, nhưng học chán quá, đã nói tôi không thích học sinh ngữ Anh Văn lâu lắm rồi, nay gặp lại to be, to give, to free là mắt tôi nhắm tịt lại.

Ngày đầu vào lớp, có 25 học sinh, gặp cô Linda Vidal, tôi chào tôi nói, cô nhìn tôi với đôi mắt tròn xoe, miệng mỉm cười, nhưng rồi cô cũng hiểu tôi vừa đến Mỹ ba tháng trước, từ một nơi cô thấy nhỏ xíu trên quả địa cầu to bằng trái banh để trong góc phòng, khi tôi quay vòng nó để chỉ cho cô xem. Ngày đầu ngồi trong lớp tôi có nghe, có thấy, nhưng hoàn toàn không hiểu gì hết, trong lòng tôi lo lắng không biết mình sẽ phải học thế nào. Nhìn quanh là mắt xanh tóc vàng, thấy tóc đen đến làm quen lại là người Phi Luật Tân. Tuần sau đó có cô bé Việt Nam vào học, tôi mừng hơn bắt được vàng, em nhỏ hơn tôi nhiều lắm, người Huế thế là có hai chị em với nhau. Em dựa hẳn vào tôi vì tôi lớn hơn “giỏi” hơn, giỏi vì tôi biết cách làm cho các bạn trong lớp không cười ồ lên nữa, khi tôi muốn hỏi cô Vidal điều tôi chưa hiểu rõ, cách nhấn giọng lơ lớ, cách phát âm thiếu vần cuối hẳn rất đáng để cười, chưa kể cách phát âm sai khiến chữ mình muốn nói trở thành nghĩa khác hẳn. Tôi về nhà, chuẩn bị tập đọc cho đúng một câu có ý thế này: “Đừng cười ngạo tôi, hãy dậy tôi nói cho đúng ngôn ngữ của bạn, tôi là người mới đến từ một nơi rất xa, phía bên kia quả địa cầu.” Vào lớp, tôi xin cô Vidal cho tôi nói vài điều với các bạn, thế là tôi có hơn hai mươi thầy cô giáo dậy tôi sinh ngữ thực hành, tôi nói chữ nào sai các bạn bắt tôi nói cho đúng, hai chữ p – b khó nhất, tôi cũng tập xong, vần cuối của chữ tôi cũng nhớ thở nó ra, vì người ta hiểu điều mình nói qua làn hơi thở cuối ấy.
Các cô gái các chàng trai xinh đẹp tuổi chưa đến 18, học ít chơi nhiều, cuối tuần mải nhảy nhót làm sao địch lại người phụ nữ tóc đen mắt nâu, nói tiếng anh ngọng nghịu, lại thêm động lực phải xây dựng chiếc tổ mới cho các con. Sau hai tháng ngắn ngủi, tôi là học sinh xuất sắc, điểm 10/10 là thường vì tôi chịu khó học chịu khó viết. Các bài tôi viết được chồng tôi sửa chính tả, sửa câu văn giúp cho, ngày ở Việt Nam trước khi sang Mỹ, chồng con tha hồ học thi TOEFL, nên ai cũng giỏi hơn tôi. Cách học ở Mỹ khác hẳn kiểu từ chương ở Việt Nam, cô giáo cho học sinh biết các mấu chốt của điều cần tìm hiểu, cần biết, sau đó học sinh phải viết bài nộp cho cô biết về điều mình hiểu, mình tìm tòi ra được. Học về răng, các từ ngữ chuyên môn không nhiều, khoảng vài ngàn từ gom hết lại cuối quyển sách, tên gọi xương gân, xoang, tôi tìm cách để nhớ hết, thực tập thì nghề thêu thùa may vá, đan lát giúp các ngón tay tôi khéo léo trong việc khắc sao cho giống chiếc răng, khi trám tạm trên người nộm.

Tôi cố gắng hết sức tôi có để vượt qua khó khăn ngôn ngữ – và cũng để tri ân tất cả các ân nhân đã giúp cho tôi đi học, chính phủ mở trường, cô giáo ân cần tận tâm, cô luôn giúp tôi vào giờ nghỉ, tôi chỉ cần khoanh chỗ nào chưa hiểu hết, cô sẽ chỉ sách cho tôi đọc, cô luôn nhắc tôi phần nào ngày mai cô sẽ giảng để tôi đọc, ghi chú trước ở nhà, thời gian ngồi trên xe buýt cũng là thời gian cho tôi ôn lại bài học buổi tối. Cô Elizabet giúp tôi làm đơn xin học bổng, số tiền không nhiều, nhưng mỗi tháng tôi có vài trăm đồng để ăn vặt – để di chuyển, món tiền ấy được cho từ các vị hảo tâm đã từng học tại trường. Mỗi khi học xong một phần của chương trình, kết quả A tôi lại nhận thêm quà từ các vị hảo tâm khác, tôi không nhớ rõ ai vào ai, vì học đã khó nhớ tên và tiểu sử của từng nhân vật lại càng khó hơn, tôi chỉ biết nhủ lòng tri ân bằng cách đạt được điểm cao hơn, không phung phí những vật dụng thực tập, từ phim chụp XR đến tất cả các loại xi – măng, loại thuốc dùng để trám để chữa tủy răng. Tôi nhớ hoài cô Vidal bảo các bạn học đến hỏi tôi khi có thắc mắc, cô gọi tên tôi Như Hoa thật nhẹ nhàng, tôi nhớ có lần trước khi về tôi chào cô “have a nice day” cô nhìn tôi bắt tôi lập lại chữ nice với âm S ở cuối rồi nháy mắt: “Như Hoa quên âm cuối rồi!”

Mỗi năm trôi đi, hình ảnh quá khứ trong tôi phai dần đi, hình ảnh hiện tại theo độ nhìn từ đôi mắt cỗi cũng không còn rõ nét, tương lai tôi lại càng chẳng màng thắc mắc. Tôi biết nếu mình cố tìm hình ảnh cho tương lai của mình lúc này sẽ là tờ di chúc viết thế nào cho ngày cuối của đời mình, nhận hay không nhận vòng hoa người ta cũng cứ mang đến, bảo con làm thế này, chúng làm thế khác cũng “thúc thủ” chẳng còn làm gì được, nên trong giấc mơ của tôi cứ trộn lẫn quá khứ và hiện tại.

Và buổi sáng của tôi có ly cà phê nóng, những đóa hoa lung linh trước khung cửa sổ, tùy theo duyên để tôi còn gặp gỡ bạn bè, tùy theo thời để tôi loay hoay việc này việc nọ, bây giờ ư! Sau giấc ngủ, qua cơn mơ tôi yêu tôi biết bao, tay vẫn gõ đều trên phím, chân vẫn bước nhẹ nhàng, trí óc còn nhớ để gõ xuống bao điều trên màn hình vi tính, hẹn hò ngày mới bằng bài tập Yoga yên ả.  Tôi yêu tất cả mọi điều chung quanh tôi, tôi yêu từng khuôn mặt tôi đã gặp, chỉ cần duyên đến để nắm được tay nhau.
Tháng 3 – 2016
Như Hoa Ấu Tím

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: