Ơi!

valent3
Trả lời hay gọi ƠI đây nhỉ!
Tiếng Việt yêu dấu của tôi đó, ngày xưa khi nghe gọi Ấy ơi! Hai chân muốn sụm, nhưng tự ái “ta là con gái” không sợ, chanh chua trả lời: “Muốn gì hả hả?” một tay xách cặp một tay khuỳnh ra sau như chống nạnh, hai tà áo lúc ấy không biết nó có bay bay như cánh bướm hay không nữa! Không ít lần nghe gọi léo nhéo: “Ới ơi!” Ngúng nguẩy buông câu: “Cái gì!” Rồi đến khi nghe gọi: “Tên ơi!” tim lúc lắc!
Chỉ chữ Ơi thế thôi đó, mà thơ mà nhạc tràng giang đại hải, sóng trong tách trà khói trên điếu thuốc, nhân loại xôn xao lẩm cà lẩm cẩm viết chuyện tình mình. Có những chuyện tình làm con người ta lớn khôn thêm, yêu thêm! Có những chuyện tình khiến thiên hạ đau lòng thay cho hai nhân vật chính! Cũng có những chuyện tình tồn tại thiên thu nếu như sách vở không theo thời gian bị mục ruỗng bụi trần!

Ha! Chuyện tình bây giờ được truyền đi trên mạng toàn cầu Ấy ơi!
– Cái gì, ai trả lời đó! Tui biết chứ nhưng đang lải nhải chuyện trăng sao giữa thanh thiên bạch nhật, trời sáng tỏ bên ngoài vị cà phê trên lưỡi mười ngón tay ở không thì phải gõ lóc cóc cho vui chứ sao? Hồi đó bạn bè đầy bên cạnh, chẳng cần kêu réo thích thì đạp xe đến thăm nhau, bây giờ bạn lên đến số cả ngàn, chẳng có cái vỗ bất ngờ trên vai kêu “Đi uống cà phê nha nhỏ!”
Ai bảo con gái không biết đi uống cà phê chứ! Ngày xưa chữ “ngày xưa” như huyền thoại nhưng chỉ như vừa mới đây thôi:
– Theo nhau ra quán cóc của cô bạn, phụ bạn bưng cafe khi đông khách, vắng khách thì “xí” hẳn một bàn, chiếc bàn tròn đóng bằng tre, vài chiếc ghế con và nhánh lá thuộc bài cắm trong ly nước lọc, “bản doanh” của ngũ long đó, ai muốn tìm thì đến đấy thế nào cũng gặp. (Thuở ấy không có điện thoại tay điện thoại bàn, kể lại làm chứng tích cho con cháu biết thời xưa có niềm vui của thời xưa. )
Trước hiên quán nếu thấy có chiếc xe đạp đòn dông là hai nhỏ Tâm và Song đã ngồi trong đó, chiếc màu đỏ rượu chát với cái giỏ xe gắn chùm hoa hippy cúc trắng là của mình, giàu có lúc ấy là Nga và Ngọc đi xe PC. Thời mộng mơ trải dài theo nắng sớm , sách vở không chỉ là toán học , sinh ngữ, vạn vật khô khan mà có cả thơ , văn, nhạc.
Những Tâm – Song – Nga – Ngọc mỗi đứa là một ngón tài hoa, mỗi đứa là một Trùng Dương, Nguyễn thị Hoàng , Nguyễn thị Vinh mang chút sóng ngầm nổi loạn. Áo dài nào che dấu được ánh mắt ngông nghênh bất cần , khuôn mặt kênh kênh kiêu hãnh, bỏ mặc những “cái đuôi” những “cây si” bên đường ngơ ngẩn. Cả năm đứa cùng thề : “Không để tim son nhúc nhích vì bất cứ anh chàng nào dẫu thế nào dẫu ra sao!” trong một hôm mưa như trút. Chuyện đứa nào bẻ gẫy lời thề ấy trước thì phải đợi có thời gian để kể tiếp (?)
Mà có đoạn đời nào dừng lại một điểm , có ai tìm được đúng giòng sông xưa trầm mình ngơi nghỉ, nên thời gian phải trôi nên bạn xưa phải xa, người ta nói rồi: “Tuổi trẻ hướng về tương lai, tuổi già nhìn về quá khứ.”
Ừ mới đó mà đã hơn 40 năm.

“Ơi” lần này không là tiếng trả lời, không là tiếng vọng hay âm thanh thì thầm nghe được mà bằng quyển sách nằm trên tay, chữ nối chữ tình nối tình của người bạn mê chụp hình, mê vợ quý con! Anh chàng thay cái vỗ vai thân thiện bạn bè bằng cách chia hẳn một phần đời của mình trên trang giấy, những điều nhỏ nhoi thế thôi mà sao lắng đọng nhẹ nhàng sau khi đọc.
Có gì lạ lắm đâu, trong phần mục lục của 160 trang giấy có đủ bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, có mây có mưa có gió, có hoa có lá có rừng có biển, có sáng trưa chiều tối, có mày có tao, có hắn có người, có cũ có mới, có ông già có bạn cũ, có buớm có chuồn chuồn, có tài xế có con đường, có tìm kiếm có ôm vào và có cả cục gôm.
Lần mò trong các mùa, các buồn vui ngập ngừng lẫn lộn, những nơi chốn đã ghé thăm, những đóa hoa, những cánh cổng, chuyện kể lại ngăn ngắn thế thôi mà sao tình dài thăm thẳm, ai bảo viết xuống là quên đi, khi viết kể ra là lúc người ta ngậm người ta nhấm, người ta nhâm nhi người ta trân trọng từng chi tiết được giấu kín bưng trong bụng trong dạ trong tâm trong khảm! Trời ơi làm sao có thể diễn tả cho đủ cái ý bằng chữ sau khi đọc xong những trang giấy in trang trọng, cái bìa đơn sơ không màu sắc chỉ mờ mờ xám trắng, có lẽ đó là màu của qúa khứ chăng? Chiếc ghế trống người đã đi khung cửa sổ tầng trệt màn che kín mít, khung cửa sổ trên lầu màn mở, ý gì vầy nè, tiếng Ơi đúng lúc hay lỡ nhịp hẹn hò.
Chắc hẳn không lỡ nhịp nên mở rộng bìa sau sẽ thấy tác giả rất hạnh phúc khoe: “Lập gia đình và có 2 con.”
Những chuyện kể không cần mượt mà văn vẻ, anh chàng như thì thầm kể ai muốn nghe thì nghe, chút tình xưa của Thục – có gói xôi – có đánh nhau giữa Nguyện và Tuệ để sau 20 năm gặp lại kể chuyện xưa buồn thiu, Thục lấy chồng cho dù tiếng Ơi anh chàng Tuệ còn giữ mãi trong lòng, hay bóng dáng của Thảo lởn vởn trong đầu của ông bố trẻ khi chơi banh với con. Những chuyện bất chợt đời thường cũng được anh chàng ghi xuống, tôi thích câu kết thúc rất ngắn kết lại chuyện kể như một kinh nghiệm đã trải, như một câu buông ra đợi ai đó trả lời Ơi.
Tôi thích lời hẹn hò được gìn giữ với thời gian của cụ bà Teresa, dù Peter đã khuất và liên tưởng đến mùa hè nào anh chàng cũng đưa vợ con về lại nơi đầu gặp gỡ hẹn hò.
Tình của anh chàng luôn có tiếng Ơi dịu ngọt bên đời, gấp quyển sách đi ngủ lại sợ nghe tiếng của Zach.
Ai chưa đọc Ơi, lấy ra đọc đi thú vị lắm – đọc đi đọc lại vẫn vui như lần đầu cám ơn Dung Dakao đã kể chuyện cho chị đọc.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: