Chấp Nhận

Chiều nay sẽ ghé thăm anh T, dùng chữ ghé thăm có nghĩa là mình sẽ gặp người muốn gặp rồi thì về nhà, lần sau lại gặp nữa có phải!
Nơi mình sẽ ghé là nhà quàn, người mình ghé thăm “nằm trong ván trông ra” có thể thấy mình có thể không? Đâu có ai đã sang được bên kia thế giới rồi trở ngược về bên này báo cho mình biết có thấy mình khóc – có thấy mình buồn – có thấy mình dịu dàng chào tiễn họ đi đâu chứ!

Chiều nay nhạc đoàn sẽ chơi nhạc tiễn anh, đây là điều anh muốn được có trong ngày ma chay của anh, người nhà báo cho nhạc đoàn biết! Có tiếng kèn đồng trong ngày mình bỏ thế gian ra đi cũng vui vui chứ nhỉ, rộn rã tưng bừng.

(Cám ơn Hải đã thu thanh buổi tập hôm Chủ Nhật vừa rồi)
Không phải anh thích kiểu nhạc ò e, không phải anh thích cả một góc phố phải khổ sở vì một người trong xóm chết như ngày xưa ở Việt Nam, hay bây giờ họ có cả một giàn kèn đồng thổi đủ mọi loại nhạc, có cả người nhạc trưởng đánh nhịp và tung gậy lên trời như đi diễu hành trong các buổi lễ quan trọng. Mà vì anh yêu nhạc thích thổi kèn, anh là người thành lập nhạc đoàn Hùng Tâm cho giáo xứ San Jose, quy tụ các cháu đang học trung học đại học, các anh chị thích nhạc, người lớn tuổi nhất 60 trẻ tuổi nhất 12 – có cả một gia đình bố và các con tổng cộng 5 người – trống saxophone – trumpet – clarinet, nhà mình chỉ hai mẹ con, không phải tính là ba mới đúng, vì người yêu của mình luôn đi theo xách kèn cho vợ con. Hơn vài chục lần anh phải trả lời: “Bả thổi không phải tôi!”

Dùng chữ ghé thăm này có nghĩa là mình không ngồi cùng nhạc đoàn và thổi kèn cho anh nghe như điều anh muốn, mà chỉ ghé thăm từ biệt thế thôi. Ừ mình thổi kèn đồng, cây kèn to bằng nửa chiều cao của mình, đàn bà con gái thế đấy người ta rải nhạc trên dây guitar, xõa tóc trên những nốt dương cầm, mình thì phùng mang lấy hơi thổi cho ra từng nốt luyến láy cùng lúc ngón tay bấm loạn cả lên trên chiếc kèn saxophone vàng óng ánh, cái bè alto mình thổi chỉ có nhiệm vu làm tôn âm thanh lanh lảnh trumpet, réo rắt sáo, dịu dàng tenor trầm buồn bass, có những đoạn được khoe tiếng một mình trong lúc họ đệm cho mình cũng hay không kể siết.

sax

Duyên gì mà mình ôm nó trong tay, duyên gì mà mình biết niềm sung sướng thở ra nhạc thế nhỉ? Áo đỏ cũ rồi 2003

cimg0499

Áo xanh này 2010, nhìn lại hình cũ mà ngơ ngác hỏi không biết đúng là mình không?

Dài dòng thì nhớ ngày còn con gái biết thổi kèn lá chuối, loại kèn tự vấn tự thổi, trình diễn với một đám lâu la đi theo hầu hạ phá phách cùng mình, đám lâu la mình kể trong “Nhớ Ngày Xưa” này thích nghe mình thổi kèn lá lắm nhất là mấy bài hát hay phát trên radio ngày xa lắc xa lưa ấy. Lớn lên chút mùa Tết có tiền mình mua kèn cũng kết bằng lá, nhưng lá dừa cứng màu vàng có sọc xanh đẹp lắm giữ được vài ngày cho đến khi lá héo không còn thổi được mới vứt đi. Thiếu nữ người ta lo học, mình vừa học vừa tìm thầy học đàn, người ta bảo bị cấm bao nhiêu sẽ tò mò bấy nhiêu, quả không sai, ông cụ cấm không cho chơi đàn mình đến nhà bạn học đàn, cô bạn có hai ông anh giỏi guitar giỏi organ, nó học một mình học một nó học hai mình học hai, cho đến một buổi chiều mây tím nhạt, chẳng đặng đừng mình lôi đàn của ông cụ ra ban công nhà gảy khúc tình tang và hát ngon lành: “Chiều tím chiều nhớ thương ai . . .!” Ông cụ đi làm về nghe văng vẳng thế là ông biết sự cấm cản chính là nguồn động lực cho người ta tìm lấy cho bằng được, nhất là “người ta” ấy là con gái bướng bỉnh của ông, chỉ cần hứa một điều, thích nhạc nhưng phải học cho giỏi không được vì nhạc mà xao lãng tang sin cos. Biết đọc nhạc thì nghịch gì không được, lân la sang sáo ui cha, tiếng sáo Trương Chi có sức mạnh chi mà làm tim nàng Mị Nương lúng liếng, để thành câu chuyện tình thương tâm kết thúc bằng trái tim kết thành chén ngọc, chờ nước mắt nàng nhỏ xuống mới chịu tan khối tình “ôm xuống tuyền đài chửa tan!” Học thổi sáo dĩ nhiên, bài Lòng Mẹ của Y Vân gần suông sẻ, đi học về buông cặp là é é réc réc phì phì âm thanh “như biển Thái Bình dạt dào!” Tiếng của bà nội từ ngoài cửa vang lên: “Đứa nào thổi sáo trong nhà thế?” Bà ghé thăm, ngày xưa ghé là ghé không bao giờ báo trước, cửa cái mở toang cổng không cần khóa, thế nên bị bắt tại trận và tiếng “bốp” vang lên, chiếc sáo bị đập dập không hề thương tiếc kèm theo là bài giảng dài hơn sách giáo khoa thư toàn tập, ý chính chỉ là con gái thổi sáo tiêu tan trinh tiết, tiêu tài tán sản, rù quến quỷ ma gia đạo sẽ “hầm bà lằng” vân vân và vân vân . . . Ôi nỗi lòng lúc ấy hẳn là vô cùng đau đớn, khóc ấm ức cũng đành chứ biết phải làm sao, bà Nội hét ra lửa nói một phải là một, chỉ con gà nói con vịt cháu cũng phải dạ vâng, một lời bà nói ra bốn ngựa cũng khó chạy theo chứ nói gì đến cô cháu gái chỉ có nước mắt làm vũ khí năn nỉ ỉ ôi xin xỏ! Thôi thì bỏ không thổi sáo nữa, gì chứ cái vụ rù quến ma quỷ cũng sợ thật, nó vào được nhà tối làm sao ngủ yên với nó, lì cách mấy thì lì là con gái phải sợ ma,cho dù chẳng biết ma là gì!

Quá khứ như thế, nên khi có con rồi con thích gì mình cũng “dạ” theo con! Sang Mỹ cô Út được học âm nhạc trong trường, hỏi con thích gì cô nàng chọn clarinet, mình cẩn thận hỏi cho chắc trước khi đi mua kèn, tại sao là clarinet mà không là piano? Không phải vì sợ tốn nhiều tiền chứ, piano vài ngàn clarinet chỉ một? Cô Út trả lời thật sự thích thổi hơn là làm điệu! Nghe con nói sao mà giống mình ngày xưa, nghêng ngang nói mấy con nhỏ học piano là thích điệu hơn là thích nhạc! Khổ nỗi hồi xưa cô nào có đàn dương cầm thường là con nhà giàu nhà to cửa rộng có xe hơi đưa đón, còn bên Mỹ này nhà nào cũng tương đối giống nhau, mua cái đàn là chuyện không có gì là không thể, sao nó giống mình thế nhỉ! Đi mua kèn clarinet cho con học mà vui ơi là vui cái kèn nằm vừa vặn trong cái hộp bằng cái ví của mình thế là thoải mái sau bữa tối nghe ré rẹt rẹt ré é é.

dscn2197

sax1

Thế là mình quyết định, nó ré ré mình rè rè để âm thanh thêm đều đặn khắp nhà, clarinet saxophone cùng bộ kèn gỗ, người ta chia ra vậy đó, kèn đồng cần có miếng gỗ mỏng gắn vào để bật thành âm thanh. Có quyền đổ tội vì con mà mẹ hư vì con mà mẹ đi thổi kèn đồng. Đổ tội cho con làm mình hư nhưng khi con không còn trong nhạc đoàn vì đi học xa mẹ vẫn trong đoàn không bỏ niềm vui thở ra nhạc, chỉ chấp nhận thôi “tò tí te” ngày lên chức bà ngoại, không còn cuối tuần rảnh rỗi để đi tập, chồng không theo xách kèn giúp nữa, cái kèn saxophone đựng trong hộp to gần bằng cái rương chứ đâu có gọn gàng và nhất là mê cháu hơn mê kèn.

Tuần trước, nghe tin anh T ra đi và ý anh mong muốn, sau sáu năm không đụng đến kèn, kèn giận kèn nấc kèn nghẹn kèn lặng câm, lưỡi không nảy được âm vực mong muốn, ngón không nhanh để lướt nốt ba tư, thôi thì ý anh mong nhưng duyên kèn đã cạn, sẽ ghé thăm anh và nghe tiếng kèn mới cất tiếng Lâm Khốc – Ngày Về! Vả lại sợ nhất là các bà thấy có người đàn bà trong đoàn lại ghé đến gần nghe xem thổi thật hay giả.

Chẳng còn bà nội cấm cản thổi phù phù mình lại chấp nhận thôi không thổi nữa, chẳng còn bạn bè khen chê tiếng đàn hay, tóc xõa điệu đà trên phím dương cầm thì mình lại mày mò tập cho ngón tay không bị đau vì khớp già lão, thêm việc ép não cùng lúc đọc hai ba nốt rồi khiến nó tỏa ra âm thanh khác nhau trên hai bàn tay trái phải phòng ngừa bệnh lãng trí lăm le ghé đến.

Quái lạ thật, thời gian trôi chi mà nhanh ghê gớm vầy nè, xem hình xưa mới đó thôi đã hơn mười mấy năm. Đang tạ ơn đời cho mình nhiều niềm vui quá đỗi, bên cạnh những thường nhật đa đoan, trò chơi gì mình cũng được đụng đến một chút.

(Chị Tám đọc đi để biết có người cám ơn lời chị gọi: Gõ nữa đi kẻo tay rỉ sét, ý cùn chữ cạn! Phím giận không ghi xuống nỗi niềm yêu. Sâu thẩm đâu đó niềm yêu chữ nghĩa vẫn còn chưa phai nhạt.)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: