Có lẽ đời người chỉ cần có một!
Riêng phần mình nhiều quá làm sao mang?
Tình ơi tình trái tim này bé quá!
Tạ ơn nhau hẹn . . . .
Không lẽ mình hẹn kiếp sau, thơ với thẩn người ta thích hẹn hò kiếp này kiếp nọ, kiếp sau, kiếp lai sinh vân vân và vân vân, mình xem hình nhìn rõ nét thời gian mới nghiệm ra lý do tại sao hẹn kiếp sau, có lẽ vì muốn gặp lại nhau khi mắt không đeo kính, cổ không nhăn như cổ gà tây – bụng không có ngấn khi mặc áo dài và nhất là sức khỏe tràn trề thức cả đêm hát hò không biết mệt – lần này bạn quanh mình mà đầu thì nhức – mắt thì nhắm – đất chao bên này đảo bên kia, muốn ngồi xuống cùng bạn, muốn đi theo cùng trời cuối đất nào là: “Sang bên kia mua sắm, có chỗ uống cà phê rồi leo lên xe lửa ra thành phố v.v.” nói chung là mình muốn tất – thích tất tần tật – nhớ cái tên ngày xưa: “Mày tu hồi nào mà thành đại đức Thích Đủ Thứ!”
Hai mươi ngày rồi sau hôm ấy, sau cái hôm tưng bừng từ sáng sớm thức dậy cho đến phút cuối “Ò e Rô-be đánh đu. . .!” “Gặp nhau đây rồi chia tay!” để sáng sớm ra phi trường về lại với ngày thường không còn lâng lâng như mộng.
Xứ của lá phong đỏ vào hạ nóng như thuở mình còn đi học, vừa bước chân xuống đất đã được ân cần chào đón: “Chị đến đâu rồi!” Mùa du lịch nên hành lý trục trặc chút xíu thôi, va li thì đã có, thùng sách quan trọng thì không thấy, hàng dài người chờ đợi để “la rầy – hỏi tội” nhân viên phi trường, đến phiên mình ông tìm thấy ngay nó đang ở đâu! Mừng ơi là vui, vì những người trước mình kẻ bị mất không biết va li ở đâu, người bị ở lại chờ chuyến bay khác . . .
Tất tả ra khỏi cổng, hơi nóng hắt vào mặt, chiếc điện thoại đeo trước ngực “ting ting” – “chị ở cổng số mấy” “C1” – “em đậu xe ở “C3” Hai chị em gặp nhau giữa “C2” chẳng ai từng biết ai, mà mừng tíu tít: “Em lo chị bị trục trặc giống nhóm tối qua, ban tổ chức ở lại đợi chờ tìm người trong nhóm đến hơn 2 giờ đêm!” Cậu em hướng đạo, trong nhóm Tiêu Dao Canada dễ thương không sao để tả – chị em dùng phương tiện truyền tin thế kỷ 21 hẹn hò nhau – chuyến bay của chị số . . . ngày giờ chị đến . . . . chỉ thế thôi – chị bị đến trễ nửa tiếng, tìm hành lý 1 tiếng, em lái vòng vòng bị đuổi bị . . . ngoài cổng, chị biết nói gì để cám ơn em cho đủ đây em!
Đến khách sạn, nơi tổ chức đại hội “20 Năm Hạnh Ngộ” lòng mình nhẹ hẳn đi, chuyến bay dài, bao nhiêu tháng ngày chờ đợi cửa mở gặp cô em đứng mũi chịu sào lèo lái ngày hội, không biết em nhìn mình nghĩ gì, mình nhìn em lòng thương quá đỗi: “Nó bé như cái kẹo mà gánh cái gánh hơn ba trăm người dự hội từ bốn phương tám hướng, nói ra thì khách sáo nên mình nghẹn luôn, chỉ biết ôm nó một cái! Nó là Bang Chu Sna!”
Chị em biết nhau thuở mình đi học phải đi ngang nhà nó, có thể có nhiều lần nó ngồi ngay trên bực xi-măng trước nhà nhìn mình mà mình không hay không biết, khu Vĩnh Viễn – Vườn Lài – địa danh nay chẳng còn dấu vết – khu trường Cán Sự Xã Hội ngày xưa mình có thời được vào học mùa hè cùng các trưởng Nghĩa Sinh cũng không còn dấu vết – đối diện có rạp hát bóng Vĩnh Viễn cũng mất bóng. Kỷ niệm in sâu trong trí của mình là một lần mình “tai quái” mắng mỏ một người, khuôn mặt người ấy mình còn nhớ mãi đến bây giờ mà chẳng hề biết tên vì người ta dám theo sau lưng mình lâu quá đến những bao nhiêu ngày, lần ấy lại dám lắp bắp hỏi làm quen! Thế là “nộ khí xung thiên” bao ngày bị dồn nén khó chịu được phun ra không cần kềm hãm, ném gói bánh mình vừa đi vừa nhón ăn nhóp nhép vì tan học về luôn bị đói xuống đất, cất giọng thánh thót cùng lúc ngắm khuôn mặt anh chàng trên chiếc xe mobilett màu xám ấy như thế này: “Ai cho phép ông theo tui hả hả, tui cấm ông từ nay không được theo tui nữa biết không? Còn dám nữa tui méc ba tui nghe chưa!” Bây giờ phải thú thật là mình run tay run chân sau khi làm chuyện tày trời ấy. Một tuần sau đó phải đi đường khác về nhà dù xa hơn một chút, trong lòng cũng thấp thỏm không biết họ có thù hằn nguyền rủa mình chi không? Có lẽ vì thế mà khuôn mặt của họ còn nguyên vẹn trong ký ức của mình!
Và mình sung sướng nhảy lên chiếc thuyền nan dễ thương của Bang Chu Sna Đỗ Dư để em lèo lái! Lèo lái hơn vài trăm trái tim Sương Nguyệt Anh về cùng nhau trong khách sạn Hilton Canada khu 6 từng lầu, khu 12 từng lầu, từ ngày 2 tháng 7 đến ngày 8 tháng 7, ngày nào cũng có người đến, phút nào cũng có chuyện để thu xếp, thuyền nan trên sông rộng dễ chèo, thuyền nan trên cạn lại phải chờ thang máy chậm rì chèo chống khó biết bao!
“Tụi mình như chiếc thuyền nan, trôi nó trôi bềnh bồng!” Quả thật bềnh bồng những trái tim thật thà phập phồng, người từ Việt Nam sang hơn 10 múi giờ khác biệt, người từ San Jose sang 3 múi giờ khác biệt cũng bềnh bồng quá đỗi vì đêm trước không ngủ – tháng trước không ngủ – tuần trước không ngủ, cô giáo ôm chầm vòng ôm ấm vui mừng, hai trái tim chạm nhau: “Em nhớ cô quá cô Ngoc Diep Nguyen ơi!” Từ phút ấy những trái tim của từng cá nhân bay đến kết lại tô màu cho khung tim Đại Hội: 20 Năm Hạnh Ngộ!
Mình gặp từng người – từng người để nhớ từng vệt kỷ niệm xưa cũ trong sân trường thuở ấy, thuở hoa bay bướm lượn, những vệt màu đậm những vệt màu nhạt trong ký ức vàng vọt màu nắng sớm màu nắng chiều có cả những vạt mây đem mưa vần vũ, cả đời mình đến phút giây ngồi ghi lại này, chỉ khoảng thời gian trong sân trường cũ Sương Nguyệt Anh là thời gian mình nhớ nhất, vì Mẹ mình bay khỏi cuộc đời ngay khi mình vừa lớn, nhân cách con người của mình hình thành lúc ấy kết thành khối thạch anh trong suốt.
Gặp các em học cùng cấp lớp với các cô em gái của mình ThiênThùy Ngô, Đỗ Cung Minh Hằng , các em hỏi Lan-Anh Tran đâu Ánh Tuyết Chu Thị đâu MongThu Chu đâu? Đáng lẽ cả nhà cùng sum họp trong đại hội và du lịch cùng nhau, nhưng không thành nên chỉ còn riêng mình tham dự trong vài ngày ít ỏi.
Duyên gì mà mình được theo các chị – Le Thi Hai Lai – Cẩm Vân Trần Hong Lien Nguyen dung dăng dung dẻ đi chơi, dưới sự hướng dẫn của cô Ngoc Diep Nguyen và cô em Lan xinh xắn dễ thương không sao tả hết ra được, mới quen thôi mà như đã thuở nào, mua vé xe lửa ra gặp cô Dung, dạy trong trường Sương Nguyệt Anh (vui sao cô lại quen biết với chị bạn dễ thương sống bên Pháp của mình Duc ViKhai Garrigues). Cô Dung đón phái đoàn Việt Nam – Thụy Sĩ – Hoa Kỳ tại trạm xe đầu ngay trong khu mua sắm, đối diện nơi tổ chức đại hội, sau đó gặp cô Đinh Lê Ảnh để xuống tàu du ngoạn một vòng hồ và thăm các ngõ ngách của trung tâm thành phốToronto. Trong chiếc ba-lô cô đeo sau lưng là từng gói táo đã được cô gọt sẵn, nước uống và bánh mì thịt cô lo cho bạn và các học trò, tim mình tinh tinh tinh loạn cả lên, dáng cô trong lớp học xưa giọng nói dịu dàng ân cần, dáng cô gầy địu chiếc ba lô đựng bao nhiêu tình chan chứa cô dành cho bạn từ Thụy Sĩ đến thăm, cho các học trò cũ bao lâu rồi cô không gặp yêu cô quá cô ơi! Những hình ảnh ghi lại khoảnh khắc ấy có thể mất trong chiếc máy hình – có thể bị vô tình xóa trên máy tính – hay một ngày nào đó face book đóng cửa không còn nữa – nhưng trong trái tim mình đã khắc rõ không phai.
Rồi “Chim Cánh Cụt” xuất hiện, chẳng hiểu sao lâu lắm rồi mình đặt cho cô bé ấy cái tên lạ lùng này, nó từ một cái thiệp mình nhận được từ chú của mình vào lễ Giáng Sinh khi ông sang Mỹ học tu nghiệp trước 1970. Mình ngắm cô bé ấy từ trên lầu mái tóc đen thả quá lưng, áo dài trắng đồng phục chiếc cặp da to gần nửa khổ người, dáng đi bước nhỏ giống sao là giống tấm hình trên thiệp, nhất là mình không biết tên cô ấy. Bây giờ thì biết rõ lắm và đặt cho cô ấy thêm vài tên nữa cho hợp với từng trường hợp xảy ra – Tư – Út v.v. Người thì không to mà trí thì lớn, lộ ra trên ánh mắt giọng nói và cách ứng xử – mình cho đến chết cũng không thoát được cái cốt “khỉ khọt” cái gốc “gà tồ” thầy bà khắp chốn xem tướng xem tay xem chân tay mặt mũi tóc tai mình, cứ lâu lâu lại chép miệng tiếc nuối phải chi thế này thế nọ thì số của mình không làm vợ ông hoàng cũng nhận được chức thủ tướng, mà cái gốc cái cốt đã thế phải đành làm người nội trợ đảm đang nói trắng ra chỉ được chức con sen là tốt, nếu ráng hiền lành tu luyện kiếp sau sẽ đạt được mơ ước! Ừ mãi đến nay mình vẫn còn cốt còn gốc y như vậy khi gặp lại Chim Cánh Cụt N.C. Nguyễn. Làm việc vài tháng với nàng để hoàn thành quyển Đặc San – Kỷ Yếu 2018 mới biết phải học từ em bao điều hay, lúc làm làm hết sức – lúc xong không chút tiếc nuối khi tìm ra vài lỗi bị sót, hai chị em liên lạc với nhau trên máy vi tính là chính, đến khi gặp cũng chị một nơi em một ngả tìm mãi xem hai chị em mình có tấm hình nào làm tin để hò hẹn kiếp sau không thì chẳng có tấm nào – trong tim mình lại khắc thêm hình ảnh dễ yêu em giúp chị thay áo, chỉ hai chị em mình biết chuyện con thoi – lấy chìa khóa mở phòng tìm cái này mang xuống – trả chìa khóa – lấy chìa khóa vui ơi là vui.
Rồi bỗng dưng buổi sáng xuống đi chơi thác, chị Kim Nga trao cho nhiệm vụ làm cột cờ cho nhóm đi chơi, lời nhắn nhủ nhẹ nhàng: “Làm gì thì làm miễn đem về đủ con số lúc đi, có nhiều bạn lần đầu đi chơi xa em để ý giùm!” Hai chiếc xe buýt lớn đùng ông tài xế không nói tiếng Việt, mình võ vẽ tiếng Anh tiếng Em tay chân đôi lúc khua loạn đả, mà nhận cờ tướng cũng đành phất cho ra vẻ Anh Thư Nữ Kiệt vì biết “yêu thương nhau như biển sâu” thì xá gì cái thác Niagara đầy ngập du khách, mình sẽ dùng trái tim yêu ráng nhớ từng khuôn mặt các cô em lần đầu gặp gỡ, may mà mình có đám bạn cùng năm 76 Yenthu Pham Kim-Anh Dao Annie Luu Christine Do Kim Dao Du Mỹ – Tuyết Nga – tháp tùng, nên bày em SNA 80 đến 83 AI Luan TO Giang Tien Nguyen Thi Trang Lai Le Ngoc Diep Le Duc Trung, còn đầy đủ về nhà, cũng được xuống thác tắm ướt nhẹp trừ ba em Ngọc Diệp Anh Nguyễn và một em nữa mình không nhớ tên, gần đến chỗ xuống đò ngắm thác mới biết tin ba em còn ở lại không theo. Lòng mình ngẩn ngơ tiếc đã không làm tròn nhiệm vụ và chấp nhận tên gọi “hướng dẫn viên thất bại” muôn năm, vì sẽ không bao giờ có lần thứ hai nữa!
“20 Năm Hạnh Ngộ” trên chiếc bánh có lẽ cô hay anh thợ nghĩ chữ Hạnh là sai nên tự ý sửa thành Hội, nhớ đại hội lần trước mình còn dám lấy dao dích dấu sắc ra khỏi chữ Ánh vì cũng bị người thợ có lòng muốn sửa cho đúng theo bảng tên đường ngày xưa khắc sai Sương Nguyệt Ánh! Có những việc ngoài tầm tay ban tổ chức dự liệu mình có thể thấy rõ, và được nghe “Cái Kẹo” nhờ vả, lý do mình sợ trời nóng kẹo bị chảy nước nên cứ thấy cô nàng là mình lờ quờ đến gần bên. – Chị ơi giúp em mang hết bánh traí từ phòng . . . lầu 12 xuống nghe, nhân viên khách sạn thông báo! Mình đông quá trên ấy không đủ chỗ!
Trời ơi! Tất cả đã mặc áo thun đã rộn rã nói cười, căn phòng dự định chỉ để chụp hình nay phải sắp xếp ăn chiều trong ấy luôn – nhân viên khách sạn không giúp gì được, thôi thì gặp ai mình nhờ nấy vậy, các anh đang đứng tán dóc bị trưng dụng không thương tiếc! Cũng xong, tin không vui thức ăn thiếu kẹt xe . . . . chịu chết không biết tính sao – 20 cái Pizza được giao cũng trễ ơi là trễ. Ôi là khổ nếu ở Việt Nam – Nam California – Bắc California thì đâu có chuyện này, nhà hàng Việt Nam tràn lan khắp nơi, Toronto khác ơi là khác tìm ra chỗ chịu nấu món Việt Nam là cả một vấn đề. – Chụp hình xong tấm hình này giấu đi chị nhé – nó mong manh gần gẫy, mai không có để chưng! – Chị ơi nhân viên chưa xếp bàn xong, họ không muốn đông người vào . . . – Chị ơi! . . . . . .
Và bây giờ mình ngồi nhớ, mong nghe tiếng Chị ơi! Nữa nữa.
Trái tim Đại Hội Sương Nguyệt Anh 20 năm Hạnh Ngộ – được tô thắm bằng tất cả những trái tim Sương Nguyệt Anh cùng chung nhịp đập, cùng góp công góp của góp thời gian, cùng đến gặp nhau, cùng hát vang những bài hát ngày cũ, cùng cười cùng mệt cùng nuối tiếc lúc chia tay. Ban văn nghệ Sương Nguyệt Anh nổi tiếng một thời với chị Tuyết Lan Le Bích Anh Bich Anh Luu Bích Thủy Christine Thuy Dao – Thu Oanh Nguyen – Hiền Anh vẫn hùng hậu tuyệt vời thêm các em nối bước Thu Thunguyet Choi Hai-Ly Le Phuong Dao ThiênThùy Ngô nhiều nhiều nữa, mình yêu tất cả làm sao ôm hết vào lòng đây – Nhu Chi ơi! tô màu thế nào để có khóc không ai thấy hả em! Gói kẹo gừng nhín từng viên để nhớ một người mình gởi lại trái tim học trò dành cho cô giáo.
Trường Sương Nguyệt Anh