Muốn nói thêm đôi câu trước phút giây từ giã
Mai này còn ai đâu, những bước chân xa lạ
Hãy khắc ghi hôm nay bao yêu thương vội vã
Sân trường ngàn hoa bay Mất nhau trong mùa hạ
Này bạn bè yêu dấu tim ta quá xôn xao
Nếu mất nhau một ngày ta nghe hồn bay cao
Này bạn bè yêu dấu, đoạn đời mình bên nhau
Có mất nhau ngày sau, nhớ nhau hoài không phai
Mùa hạ 1975 – mùa hạ 2010 bao nhiêu năm rồi nhỉ sao vẫn nhớ như in, cụm từ “hành trang vào đời” gói ghém ý nghĩa kỷ niệm vui buồn thăng trầm thời tuổi trẻ, thuở chưa thật sự bước vào đời.
Hành trang vào đời của tôi có được nhiều lắm, ấp ủ hơn một nửa đời là Sương Nguyệt Anh, ngôi trường trung học tôi được bơi lội thỏa thích, được nghịch phá thỏa thích cho đúng câu “thứ ba học trò.” Ma quỷ ban ngày chẳng ai thấy, nên chỉ thấy đám học trò trường nữ Sương Nguyệt Anh là nhất.
Không hiểu tại sao, tại bảng tên đường viết sai Sương Nguyệt Ánh hay tại người ta thích âm điệu “trắc” vui tươi hơn thay vì âm điệu “bằng” buồn buồn mà chín mươi tám phần trăm người nhắc đến tên ngôi trường trung học của tôi là Sương Nguyệt Ánh thay vì gọi đúng tên của nó là SƯƠNG NGUYỆT ANH không có dấu sắc. Tôi không thể nào chịu đựng được sự thay đổi nhầm lẫn này, nên luôn luôn nhắc nhở: “Dạ thưa Sương Nguyệt Anh ạ!” Nhiều lần người bị “sửa lưng” không hài lòng cãi lại: “Ánh mới đúng chứ, bảng tên đường viết rành rành mà!” Tôi khổ sở lôi bằng chứng từ sách vở, trang mấy đoạn mấy, tên tác giả rất nổi tiếng uyên bác và bằng chứng hùng hồn nhất là tôi, một học sinh của ngôi trường nữ được hân hạnh mang tên của bà Nguyệt Anh con gái của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, tác giả truyện thơ Lục Vân Tiên, một tác phẩm dạy cho học trò trung học Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín.
Bà Nguyệt Anh là người phụ nữ đầu tiên dùng ngòi bút sắc bén truyền bá tinh thần ái quốc, nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội thời ấy, thời trọng nam khinh nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, làm chủ tờ báo phụ nữ đầu tiên Tiếng Chuông Nữ Giới dĩ nhiên tên này tôi dịch ra tiếng Việt cho dễ hiểu tên đúng của nó là “Nữ Giới Chung” được chính thức ra mắt ngày 1 tháng 2 năm 1918 và bị đình bản tháng 7 cùng năm. Bà được học chữ Hán chữ Nôm từ Cụ Đồ Chiểu, thấm nhuần tư tưởng: “nàng là phận gái ta là phận trai” trong Lục Vân Tiên mà ở vậy thờ chồng nuôi con, lý do có chữ Sương trước bút hiệu Nguyệt Anh của bà.
Ngày còn “mài đũng quần” trên chiếc ghế nệm trong lớp 11 A2, giáo sư sử địa Lê Đức Sơn có nói với chúng tôi rằng: “Các cô coi chừng nghiệp Sương nó vận vào người!” Tôi viết ghế nệm vì chỉ có trường Sương Nguyệt Anh của tôi mới có các bộ bàn ghế thật đẹp này. Các học sinh trúng tuyển vào lớp 6 năm đầu khai giảng trường 1971, gia đình đặt một bộ bàn mi-ca trắng, ghế bọc nệm xanh cho con, nên các lớp học nhìn rất khang trang và đẹp mắt, màn cửa màu thanh nhã dịu dàng. Đặc biệt bàn học có một hộc bàn thật to, chứa được cặp sách là điều đương nhiên, còn chứa luôn cả các thứ nữ sinh phải có là thức ăn vặt, cóc me xoài ổi không tính, có cả me ngào đường một loại thức ăn vặt khó chuyền tay ăn vụng, thế mà cũng có, ngay lúc ấy các cô học trò không nghĩ mình đang tạo kỷ niệm để đời, chỉ thích nghịch ngợm phá phách cho vui, vả lại tuổi đang lớn mau đói bụng, học thì có môn thích có môn không, có thầy cô hợp – có thầy cô không hợp, nên việc “dở trò” bắt buộc phải có, không từ đứa này cũng từ đứa khác.
Trường trung học của tôi rất đặc biệt vì dậy theo chương trình tổng hợp. Ngày đầu thành lập trường nhận học sinh từ các trường công lập khác chuyển sang, với điều kiện nơi cư trú cùng quận với trường, nên bố tôi nộp đơn chuyển trường cho tôi ngay, vừa gần nhà vừa để con có cơ hội học bao nhiêu điều hữu ích, trang bị cho một cô gái trở thành bà nội trợ về sau, điều này là do ông cụ thân sinh tôi bảo, phần tôi thì biết gì việc cô gái thành bà nội trợ là thế nào?
Trong lớp luôn có khuynh hướng chia làm ba nhóm, nhóm phá phách – nhóm thụ động và nhóm chuyên cần học tập, khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi phải tự nhận xét về chính mình như sau: tôi không ở trong nhóm phá – không ở trong nhóm thụ động và cũng không ở trong nhóm chuyên cần học tập, tôi thuộc nhóm không giống ai, nói theo kiểu bây giờ là nhóm ba phải bốn phải, thấy cái gì cũng phải có lẽ vì tôi yêu bạn tôi lúc ấy, bạn nào tôi cũng thích dù nó làm đúng làm sai chi tôi cũng thấy tụi nó dễ thương hết.
Đúng – sai lúc bấy giờ có nghĩa là phải theo đúng kỷ luật của trường như là đi học đúng giờ, mặc đồng phục đúng qui định, áo dài áo lá, đeo phù hiệu bảng tên, không ăn hàng lê la v.v. tôi giữ đúng nội quy không bao giờ làm sai vì sợ bị trừ điểm hạnh kiểm nhưng có lần tôi bị “trứng vịt” tròn quay trong sổ điểm hàng tháng vì tội ăn vụng kẹo trong giờ học vẽ. Có thánh Ala làm chứng, tôi chỉ giúp cho các bạn tôi không buồn ngủ vào tiết học nhiệm ý buổi chiều, sau bốn tiết học buổi sáng miệt mài nào sin – cos – tang – cotang – sử ký – vạn vật – sinh ngữ . . . đại nạn phát xuất từ bịch kẹo dừa kẹo chuối, từ một anh chàng trồng cây si tôi lúc ấy đang học trường trung học kỹ thuật Cao Thắng gây ra, dĩ nhiên không có bịch kẹo trên trời rơi xuống ấy đã không có chuyện.
Kể phải kể cho hết, trường tôi có chia phiên trực tuần, mỗi tuần một lớp phụ trách, học trò trong lớp cũng chia nhau trực, mỗi lần trực học sinh đeo nơ hồng làm dấu, các bạn này phải đứng gác ngay cổng trường để bắt các học sinh không tuân theo nội quy thí dụ như mặc áo dài không mặc áo lá bên trong, không có phù hiệu bảng tên v.v mang thông cáo từ cô hiệu trưởng đến các lớp học, chao ôi trong sổ thông báo này cũng vì tôi và các bạn lớp tôi mà có ba thông báo “khủng khiếp” cấm chơi u mọi, cấm đi guốc mộc, cấm chơi lộn mèo. Không oan ức cho chúng tôi, nhưng oan ức cho nữ sinh toàn trường. Lớp tôi sĩ số dưới bốn mươi học sinh nên dễ đồng lòng nhất trí “phá” lắm, hẹn nhau một ngày cùng nhau đi guốc cho vui, sau lễ chào cờ theo hàng về lớp, bốn mươi đôi guốc mộc nện đều đặn xuống nền gạch bông lốp cốp lộp cộp, một đứa nện nghe chưa đủ vui, đứa khác nghe thấy nện thêm lên, đi ngang cô Hiệu Trưởng, cô Tổng Giám Thị, cô Giám Học, thầy cô Hướng Dẫn tiếng guốc thoải mái hát vang.
Chơi u mọi thì hai tà áo thướt tha được thi sĩ Nguyên Sa diễn tả: Có phải em mang trên áo bay – Hai phần gió thổi , một phần mây – Hay là em gói mây trong áo – Rồi thở cho làn áo trắng bay? Được túm gọn nhồi vào trong bụng, hai ống quần cuộn túm tại để dễ chạy, cô học trò hai mắt nai trợn tròn, phùng má ngậm miệng giữ hơi để u sang phía bên địch, tai nạn xẩy ra u thế nào đâm xầm vào phái đoàn do cô Hiệu Trưởng hướng dẫn đi thăm trường vào giờ chơi, vì thế mới thành một thông báo cho cả trường phải chịu mất một trò chơi thú vị. Lộn mèo đơn giản chỉ là một trò chơi nhẩy dây biến dạng, thay vì quay dây để nhảy ra vô, thì giăng dây để nhảy qua, kiểu thi xem ai nhảy được cao nhất, cao mãi cao mãi mà thành cao qua đầu một hai gang tay, cao kiểu vậy thì chỉ có nước chống hai tay xuống đất, dùng ngón chân cái khều sợi dây thung chùng xuống cho mình lộn qua bên kia rồi đứng lên, thành ra môn chơi nhẩy lộn mèo.
Bây giờ ngồi nhớ, tưởng tượng lại mới thấy hình ảnh “dị hợm” nên bị các thầy cô giáo cấm không cho chơi nữa là phải. Các trò chơi bị cấm ấy rất vui rất dễ để chơi, không cần phải có khoảng sân rộng, lưới giăng, bàn chiếm chỗ như vũ cầu, ping-pong v.v So sánh với nam sinh, nữ sinh cũng bị vướng víu khi chơi đùa vì hai tà áo, chẳng nhẽ có mười lăm phút nghỉ giữa giờ phải thay quần áo rồi mới nghịch, nên không ai lạ khi nhìn các gấu quần bị nhíp mũi xương cá te tua, tà áo sau có hai ba đường nhíp ngay thắt lưng, có cô còn dùng kim băng – kim tây gài lại không thèm khâu luôn, cô nào nghịch quá cả đời chỉ được mặc vải tám, không có cơ hội mặc áo lụa áo tơ.
Vòng lại chuyện tôi bị trừ điểm hạnh kiểm, trưa hôm ấy, cô em hộc bàn của tôi trực nhật, chạy vào trường tìm bảo có người tìm chị Như Hoa, thì cái bảng tên chần dần trước ngực ai mà không biết, người ta khôn khéo điệu đàng ôm cặp che bảng tên, cái cặp của tôi bằng da to đùng tôi xách đong đa đong đưa, ai muốn đọc tên tha hồ mà đọc. Tôi cũng có thắc mắc ai kiếm mình, cô em chỉ nói hai anh đó đi xe honda, ui cha có hai anh đi xe honda kiếm thật là hân hạnh à nha, lũ bạn ngồi chung quanh nghe thấy trố mắt nhìn, nàng khinh khỉnh ra vẻ ta đây có người để ý hớn hở chạy ra, chàng mắc bộ áo màu xanh dưong đồng phục của dân kỹ thuật, ném một túi giấy dầu vào tay nàng không một câu “thố lộ” – anh bạn chở chàng rồ máy chạy mất, ai bảo con trai không biết mắc cỡ là lầm to. Tôi đứng sững như trời trồng mất hai giây, sau đó mở túi ra xem, chao ơi bốn gói kẹo Mỹ Tho thơm lừng mùi dừa trong ấy. Lũ bạn bán trời không mời thiên lôi đòi chia phần, tôi ngu gì cho không điều kiện chứ! Thế là giờ vẽ của thầy Viễn đang giảng về cách vẽ cánh hoa sứ nào là dùng compa vẽ vòng tròn này, vòng tròn kia, cánh này nằm lên cánh kia, pha màu vàng pha màu trắng, tô từ đậm sang nhạt chi chi đó, cứ thầy quay lên bảng nhìn xuống thấy tất cả các khuôn mặt thiên thần của học trò sưng lên một bên má, quay lên nhìn xuống lần sau mặt các cô sưng bên khác. Cuối cùng thầy chộp được tên chủ mưu, nơi phát ra tín hiệu cho các bạn chuyển cục kẹo dừa ngọt lịm sang phải qua trái, “không điểm hạnh kiểm” cái tội ngậm kẹo trong giờ học. Điều ngọt ngào hơn cả là lớp không để mình tôi chịu phạt, mà đòi được trừ điểm hạnh kiểm chung cho có bạn.
Chuyện cô em hộc bàn còn dễ thương nhiều hơn nữa, các cô em hộc bàn của tôi làm quen với tôi bằng mẩu giấy con con, em tên là. . . ngồi bàn này nè, em đọc thơ chị viết trên bàn hay quá . . . À! cái bàn mặt mi-ca màu trắng được tôi hí hoáy vẽ viết rất đẹp các bài thơ của thi sĩ Xuân Diệu – Nguyên Sa – Huy Cận – Nhã Ca, mỗi ngày một khổ thơ khác nhau, chưa kể thở than chán chường buồn ngủ, ui dào ơi thơ thẩn khi ấy quay qua quẩn lại cũng lục cà lục cục mà được các em làm quen, rồi hẹn hò gặp mặt nhìn chị thì quả là sung sướng ngần nào, gặp chị rồi nắm tay một cái, xong chạy mất tiêu, sau đó các em viết nhiều hơn tâm sự nhiều hơn. Tôi giữ thơ của các em mãi đến khi ra đi năm 1975 không thành, mất cả một vali kỷ niệm tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Kể chuyện thời trung học dưới mái trường Sương Nguyệt Anh, có lẽ tôi kể miên man hai ba ngày không hết, bao kỷ niệm đi thi văn nghệ toàn trường, đi ủy lạo chiến binh, đi trình diễn văn nghệ theo lời mời của các trường đại học Văn Khoa, Nông Lâm Súc, Quốc Gia Hành Chánh, Kinh Thương Minh Đức, đi thu hình tại đài truyền hình số 9 – đi, đi và đi mọi nơi, lúc ấy mùa hè của tôi tràn ngập niềm vui, mỗi nơi ban văn nghệ Sương Nguyệt Anh góp mặt thế nào cổng trường cũng mọc thêm vài cây si đại thụ, không phải cho tôi đâu mà cho các bạn khác và tôi được nghe tâm tình được đọc thư tình và được ủy thác viết thư tình trả lời nữa chứ! Món quà tôi nhận được từ các công tác tình cảm học trò này khi là gói xôi, khi là cái nơ đủ màu sắc, món quà to nhất là chiếc nón bài thơ, tiếc là thuở đó tôi thích làm người hùng, nên không bao giờ thèm đội nón.
Tôi cũng đếm được năm cây si trồng riêng cho tôi, khổ nỗi tôi bứng cây một cách “vũ nữ” không thể nào tả nổi, cây đại học Minh Đức bị tôi xáng cho một câu khi anh đang đứng sớ rớ chờ tôi đi học về bên hàng bò bía, nơi tôi cùng các bạn đang chấm tương thưởng thức món quà sau giờ học:
– Tụi bay thấy anh đó lai lai không?
Nhỏ Như Lan ngây ngô:
– Lai gì?
Tôi tỉnh bơ trả lời:
– Lai bò đó!
Nghĩ lại tôi không hiểu tại sao tôi có thể tàn nhẫn như thế nhỉ, có lẽ tại anh tặng tôi quyển truyện “Hình Như Là Tình Yêu” được gói giấy hoa thật đẹp qua cô em gái học cùng trường. Con gái mắc cỡ phản ứng ngược thì phải, thế là cây si này khô rang rụng mất, tôi chẳng gặp lại lần nào. Khi mất đi cây si ấy, trong bụng tôi tiếc vô cùng mà không dám nói ra cho ai biết.
Có cây si theo tôi đến tận cửa, tôi chạy ào vào nhà mách bố tôi với giọng sang sảng:
– Bố ơi ra xem cái thằng này theo con kìa!
Bố tôi ra ngay, ông cụ bắt tay cùng cây si hỏi tên tuổi lại còn nhẹ nhàng mắng tôi:
– Con gái con đứa ăn nói như thế không được, sao gọi anh ấy là thằng.
Cây si này sau đó theo tôi cùng trời cuối đất, đến sau 1975 vẫn đến nhà tôi chơi vì có bố tôi về phe, anh chàng học Võ Trường Toản có anh bạn tên Côn, gia đình toàn là dân thể thao, cúp bóng bàn chưng đầy tủ kính. Tình bạn này đôi lúc làm tôi bực mình khi anh chàng một hai bảo tôi phải ủng hộ đội bóng trường Võ Trường Toản thay vì ủng hộ đội bóng Chu Văn An, tôi nổi quạu:
– Nè nghen coi đá banh không vị tình à nghen, Vũ còn nói tiếng nữa nghỉ chơi.
Dĩ nhiên anh chàng nín thin thít, sau chữ xí dài ngoằn của tôi. Quên nữa, anh chàng này tự động đổi tên của tôi là Thúy theo các truyện đã xuất bản của Duyên Anh “Thằng Côn – Thằng Vũ – Con Thúy”
Cây si khác quái dị hơn, chỉ lầm lũi theo tôi suốt đoạn đường tôi đi học, khi có bạn tôi thì không bao giờ tôi thấy bóng dáng, chỉ khi các bạn tản mất hết thì tôi mới trông thấy anh ta. Khi còn một mình, tôi trở thành con chi chi, nhũn nhùn nhun chân thì run, tay thì thừa thãi không biết phải làm gì dù đã có cái cặp. Đến một hôm tôi gom hết ngàn thành công lực ra xử anh chàng, tôi còn nhớ hôm ấy là một buổi chiều mưa, các bạn đã quẹo vào các ngã khác, để tôi trơ trọi trên đoạn đường Vĩnh Viễn khoảng nối đường Minh Mạng và Petrus Ký, đang đi tôi ngồi xụp xuống vệ đường, mở cặp táp lấy cây búa ra thong thả đóng đinh vào đôi sabo đang mang dù nó chẳng có mệnh hệ gì. Anh chàng đứng lại cách xa tôi một khoảng cố định, tôi dõng dạc nói:
– Ông hèn quá, theo mà không dám đóng đinh guốc cho tui, đồ hèn!
Trời hỡi, ai còn khen tôi dịu dàng nữa không? Thời nữ sinh trung học của tôi như vậy đó, tôi nhớ câu tâm niệm của tôi khi ấy là không dành tình cảm cho ai hết chờ đến ngày tôi gặp người “ngon cơ” hơn tôi, chẳng hiểu tôi giỏi dang gì lúc ấy mà dưới mắt tôi các cây si theo tôi đều dở ẹc, tôi chỉ sợ một người và “ngán” một người, vì người ấy mà tôi thay đổi hoàn toàn từ một cô nàng “nghịch hơn quỷ – phá hơn ma” thành một . . .
Thôi tôi không dám tự xưng về mình, các bạn muốn biết thì đi tìm người “quản lý đời tôi” mà hỏi.
Người ấy có mặt trong ngày hội lớn “Tìm Về Kỷ Niệm” được tổ chức ngày 3 tháng 7 năm 2010 tại nhà hàng Thành Được – 1228 S. Abell Street – Milpitas, Ca 95035. Điện thoại (408) 945-8598.
Bạn có dây mơ rễ má gì đến ngôi trường nữ trung học Tổng Hợp Sương Nguyệt Anh không? Nếu có bạn nhớ Tìm Về Kỷ Niệm cùng tôi ngày hôm ấy, tôi hứa trả lời mọi thắc mắc, nếu chẳng may bạn chính là một trong những cây si bị tôi bứng gốc một cách phũ phàng.
Tôi hứa sẽ hát lại bài hát tôi đã hát một buổi chiều 1975, trước khi lìa khỏi trường, hôm ấy lần đầu tiên tôi thấy đóa hoa phượng đầu nở trên cành.
Muốn nói thêm đôi câu trước phút giây từ giã
Mai này còn ai đâu, những bước chân xa lạ
Hãy khắc ghi hôm nay bao yêu thương vội vã
Sân trường ngàn hoa bay Mất nhau trong mùa hạ
Này bạn bè yêu dấu tim ta quá xôn xao
Nếu mất nhau một ngày ta nghe hồn bay cao
Này bạn bè yêu dấu, đoạn đời mình bên nhau
Có mất nhau ngày sau, nhớ nhau hoài không phai
Thương yêu tặng ban báo chí Sương Nguyệt Anh,
các bạn đã đọc bao lần quyển báo trước khi đem đi in, chỉ bài này các bạn chưa được đọc phải không . Như Hoa – Ấu tím