Một Góc Trời Mưa

Cái góc trời ấy rất hay mưa, những cơn mưa bất chợt, nó đến và đi không hẹn trước, mùa Xuân đã mưa! Những cánh hoa Sơn Thù Du – Dogwood trắng lung lay như bướm, bướm bay bay bay trong mưa!
Người ta hay dùng câu: “ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!” trong truyện Kiều để than thở khi nhìn mây giăng gió cuốn lá hoa bay. Riêng mình lòng thì buồn mà nhìn cảnh nào cũng đẹp, nét đẹp của thiên nhiên mà con người chỉ là những sinh vật sống trong cảnh trí ấy.
Ừ: “Trời mưa thì mặc trời mưa – em không có nón trời chừa em ra!

Hôm ấy có mưa, hai đứa ngồi uống cà phê trốn mưa trong Starbucks nơi bạn có giữ nhiều cổ phần của họ, ngoài trời lạnh trong tiệm vài nhóm vào rồi ra hẳn người ta đã quen với gió mưa không như người từ California ấm áp ít khi bị mưa như góc trời này ghé thăm nhìn mưa mà ngại chẳng muốn ra đường, nên ngồi mãi cho đến khi mưa tạnh. Mưa tạnh ánh nắng xuyên mây xế sang giờ ngọ, cái giờ phải đi tìm thức để ăn trước khi đi dạo xem vùng Tây Bắc Mỹ có sự gì ngoài tuyết mưa và gió!
Quán ăn giống sao là giống khung cảnh quán cơm bà Cả Đọi cuối thập niên 1970, thực khách quen biết lẫn nhau bà chủ nấu bưng không ngớt, nhìn mặt khách đã biết khách muốn ăn gì: “Canh chua cá kho tộ thêm đĩa xào lê – gim!” rồi xăng xái bưng nước mang trà, chỉ khác bà chủ là người miền Nam nên xởi lởi nói cười kể chuyện đời bà từ khi sang Mỹ trở lại Việt Nam xây mộ cho Mẹ đến chuyện người chia phòng (share) có tình có nghĩa, chỉ nghe thế mà thương sao những cảnh đời khác hẳn với suy nghĩ của mình, chết là hết là tan vào hư vô là buông bỏ hết mọi thứ không cần mồ cao hơn người khác, không cần phải có vượng địa cho con cháu ăn nên làm ra, những điều ấy đã không cần thiết khi mình hiểu hiếu nghĩa là sự thương yêu chăm sóc khi còn sống, là sự dậy dỗ chăm sóc con cái khi còn trứng nước, không thế nào sự hiếu để được đong đo bằng nấm mồ sau khi mẹ cha khuất núi, hay con cháu nên người có sự nghiệp hẳn hoi vì miếng đất ôm giữ xác thân ông bà cha mẹ! Góc Trời Tây Bắc Washington vừa cho phép dùng phần còn lại của con người sau khi được “ủ” / “sấy” với mạt cưa, rồi trộn với đất, sỏi làm thành phân bón cho cây cỏ, điều này đã được nhiều nơi thực hiện, bao lần trong phim bộ Đại Hàn tài tử mang bao tay trắng chôn chiếc hộp đựng tro của cha hay mẹ chôn xuống gốc cây, vài mươi tập sau đó là cảnh gia đình ngồi quây quần dưới gốc cây đã có chôn hài cốt để gỡ bỏ bao nhiêu tình huống éo le trong chuyện phim thí dụ như anh em cùng cha khác mẹ nhận ra nhau sau một thời gian yêu thương thắm thiết sắp đi đến hôn nhân, rồi thì người đi sang Mỹ để trốn nỗi buồn, người thì đi sang Ý để học quên chuyện tình ngang trái, đại khái là trên thế giới những quốc gia ít đất đai đã biết cách phải thu xếp ổn thỏa hậu sự cho kiếp nhân sinh! Hỏi có ai được sinh ra mà không chết nhỉ!

Những món ăn rất bình dân – nhưng ngon vô cùng
Và chúng tôi đến thăm thành phố University Place nơi ấy tuyệt đẹp với hoa thơm cỏ lạ nhất là có bạn tôi làm trong thư viện của thành phố – người ta nói: “Nơi nào sách vở được nâng niu trân trọng nơi ấy có nhiều nhân tài!” Thật vậy, có nhân tài có những công ty cơ sở nổi tiếng sẽ có những hiến tặng vô vụ lợi để thành phố trồng hoa dọc bên đường, để thành phố xây dựng những nơi cho dân chúng nâng cao kiến thức bằng sách, bằng nguồn nước sạch bằng không khí thơm tho là đúng rồi kiến trúc của thành phố đẹp lạ lùng, vẫn còn nhiều công trình đang xây dựng. Theo bạn bước vào bên trong không gian của thư viện như mở rộng ra ngút ngàn bằng dẫy cửa kính nhìn thẳnng ra cánh rừng thông, những chiếc ghế đặt kề bên chiếc bàn con có cắm cánh hoa bình dị êm ả làm sao. Trên kệ sách mới nhận là quyển báo Kỷ Nguyên Mới, tờ báo bạn tôi làm chủ bút nâng niu trân trọng bao năm nay Linh Vang nhà văn nữ của Góc Trời Tây Bắc, cô bạn hiền hòa dễ yêu giọng nói ngọt ngào ân cần luôn làm tôi cảm động muốn khóc vì tấm lòng nhung lụa của nàng, tôi rón rén như cô bé lên mười được bạn thân mở cửa ngôi nhà búp bê của bạn cho nhìn vào phía trong, hưởng không gian hạnh phúc tình gia đình thân cận thăm cha mẹ già em út, góc bàn làm việc nơi bạn vào ra. Tình bạn của chúng tôi khởi đi từ sắc huyền hỏi ngã, dấu chấm dấu phẩy lên đến sách in báo tuần báo tháng, đến nay tôi gần như buông bỏ niềm đam mê ấy bạn tôi vẫn bình chân như vại không chút chao đảo với sách trên trời trên mạng viễn liên trên ebook facebook v.v. Bạn tôi vẫn thủy chung Văn Hữu – Kỷ Nguyên Mới dù chẳng thệ nguyền chẳng đeo nhẫn ngón thứ tư như bạn thệ nguyền ngày cưới cùng người bạn đời tuyệt vời sát cánh cùng vợ chăm sóc những đứa con tinh thần xinh đẹp từ trang bìa đến trang cuối.

Linh Vang – Ấu Tím bên Kỷ Nguyên Mới – trong thư viện thành phố University.
Chúng tôi cùng nhau đến Chambers Bay địa chỉ: 6320 Grandview Dr W, University Place, WA 98467 để đi bộ, tôi chẳng biết gì về môn thể thao đánh banh bằng gậy này ngoài việc họ chiếm hữu nhiều cảnh đẹp của thiên nhiên quá nào là cỏ xanh nào là nước biếc nhất là những bảng cấm người đi bộ vượt qua lằn ranh họ đã “xí phần” tôi không thế nào không ganh tị chút đỉnh khi mình muốn ghé xuống bãi nước để chạm chân vào nước mà không được, thiên nhiên ưu đãi mọi người kia mà! Ghen tí thôi, nhưng ngay sau đó tôi phải cám ơn họ, những người có điều kiện đã đóng tiền để thành phố chăm sóc công viên quá đẹp những tiện nghi công cộng, những cây cỏ lá hoa những con đường tuyệt đẹp và an toàn xuyên qua cánh rừng xanh thăm thẳm cho mọi người thoải mái chạy thoải mái đi – nên Seattle Washington được xếp hạng hai sau San Francisco nơi người dân có đời sống mạnh khỏe nhất nước Mỹ.

Vài dặm cùng nhau thỏ thẻ bao điều!

Xuyên qua lá ánh nắng lung linh, giữa rừng vui tình thắm ngọt ngào
Có lẽ thiên nhiên là tủ thuốc của thượng đế dành cho nhân loại khi ngài tạo nên sinh vật phủ đầy mặt đất thì phải? Những con sâu ngo ngoe trên lá bình thản nhấm khi tôi ngắm nhìn, chẳng lâu đâu sẽ thành chú bướm đủ màu sắc bay la đà gieo phấn giúp cây tạo trái ngọt – trái chua, nhớ lại thuở xuân thì các cô hay rú lên chạy khi nhìn thấy sâu, đôi khi con sâu chính là “bà mai” cho mối tình học sinh thơ mộng khi nàng vì sợ mà ôm chầm lấy người bên cạnh là anh chàng bạn học cùng trường! Thuở ấy nắm tay thôi đã là “của nhau” ôma chầm lấy như thế thì “ôm suốt đời” không sao chia rẽ được!
Cái tủ thuốc thiên nhiên của thượng đế đôi khi bị lạm dụng và dùng sai cách, cũng lá cũng hoa cũng trái cũng rễ ấy khi khỏe mạnh chẳng ai nghĩ đến ăn uống nhai nuốt nó, chỉ đến khi bác sĩ thông báo trong cơ thể có mầm mống “phản loạn” sinh nở vô tổ chức thành khối này cục nọ người ta chợt nhớ ra để chỉ nhau nào là nghệ uống chung với vỏ chanh – lá đu đủ khô nấu đặc uống như trà, rồi gừng rồi cỏ rồi . . . thì bệnh nhân được về cùng thiên nhiên bón cây bón cỏ!
Nỗi buồn trong lòng càng nặng nề hơn khi bị bất lực bị đầu hàng vô điều kiện khi biết giờ sắp điểm, sắp mất người anh con của bác, hai anh em thương nhau từ tấm bé chia nhau bao niềm vui nỗi khổ, kỷ niệm từ khi có trí nhớ đến khi có người yêu có vợ có chồng tỉ mỉ chi li từng nỗi niềm anh em chia sẻ cho nhau “sống để bụng – chết mang theo!” gom góp lại viết xuống hẳn dài hơn chuyện phim kiếm hiệp có đấu võ có tình hận tình hờ, có hỉ nộ ái ố chẳng biết nguyên nhân từ đâu đến, mỗi khi gặp nhau kể lại là cười vang nhà. Bốn tên con trai một đứa con gái tạo thành nhóm “ngũ tặc” của dòng họ, các chị lớn không thèm chơi với con bé cách mình gần chục tuổi, thế là con bé cứ thế bám theo các anh chỉ hơn mình một hai tuổi – cùng tuổi, đám giỗ đám cưới Tết lúc nào cũng có chuyện để bác để bố phải một phen mất vía, đầu tiên là ngay khi rước dâu chị lớn nhất trong nhà, con bé sáu tuổi bị xô xuống sông, áo đầm xinh xắn phải thay thành quần xà lỏn ở trần trong khi chờ áo đầm khô! Tết thì con bé có bao nhiêu tiền lì xì mất hết vào tay các ông giặc chơi bầu cua cá cọp hay ra chợ ăn hàng! Cứ thế mà lớn cùng nhau cho đến 1975, anh em bị ở lại Việt Nam khi toàn gia đình kịp lên tàu di cư lần thứ hai để chia thêm bao ngậm ngùi nóng lạnh ngẩn ngơ hụt hẫng. Thác về, ừ thì anh về trước đi để lại thế gian này âm thanh anh hát đùa: “Giết người đi giết người đi – giết người trong mộng vẫn đi về!” (nhạc PD) trong lúc tay trái cầm cây mía dài, tay phải cầm dao phay chém cây mía đứt đôi cho cô em gái róc vỏ, cắt khúc ướp lạnh, đám cưới đám giỗ anh là đầu bếp chính chia thồi chia heo quay, cái đuôi heo quăn tít giòn rụm: “Cho mày!”
Anh ân cần: “ Cô mày cứ đi chơi ở nhà làm gì!” Anh lên chức trưởng tộc mỗi câu anh nói như mệnh lệnh, thêm chữ “Cô” trước chữ “mày” của thời thơ ấu.
Câu cuối anh tiễn trước cửa nhà: “Cô chú về nhé!”
Anh về trước – em vẫn còn đây loay hoay với bao bề bộn nhớ nhớ thương thương trắc ẩn, em biết anh sẽ “về” bên ấy khi em bước qua khung cửa ra xe, không dám nhìn anh vì nước mắt đã đong đầy chực òa lên khóc!
Mùa Hè chưa qua Góc trời Tây Bắc nay đã vắng Anh, bàng bạc mây mòng mọng nước! Quê nào là Quê chính hả Anh?

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: